Thiền Tịnh Song Tu

 0
Thiền Tịnh Song Tu

Các bạn !!!

Mình vừa nhận được thắc mắc của Tấn Trí !!! Tấn Trí hỏi như sau:

“Kính thưa thầy Lý Tứ!

Con biết thầy rất bận vì chống dột gì đó, nhưng mấy hôm nay có một thắc mắc mà bản thân không thể giải nghi. Mong thầy nhín chút thời gian trả lời để con tỏ tường.

Trước đây con có tu nhiều pháp môn, có lúc ngồi quán sổ tức hay tham cứu như một người tu thiền để mong an vui. Có lúc niệm Phật cầu vãng sanh về Cực Lạc. Có lúc tụng chú đại bi hay thập chú để mong được gia hộ. Nói chung con tu lung tung như người mất phương hướng, sau một thời gian tu tập những pháp môn đó phiền não tham sân si trong con không dứt. Bây giờ thì con không còn theo pháp môn nào hết mà chỉ tư duy lời Phật dạy, rồi ứng dụng vào đời sống theo cách của thầy, nhờ vậy mà con thấy mình rất an ổn, cũng như cảm nhận hiểu sâu hơn về giáo pháp.

Mấy hôm nay con đọc trên mạng, thấy có bác đăng trên facebook khuyên người nên theo cách “thiền tịnh song tu”, tức phối hợp hai pháp môn thiền và tịnh. Có bác lại bảo rằng hai pháp tu đó không thể dùng chung vì khác đường, con thấy bác nào cũng có lý. Con xin hỏi: Hai pháp môn thiền và tịnh có tu chung được không? Và chủ trương thiền tịnh song tu có phải do Phật dạy hay không?

Con cảm ơn thầy, không dám làm phiền thầy nhiều trong lúc này.” 21/10/2020 23:29:34 – Tấn Trí

Tấn Trí thân mến !!!

Về việc thiền tịnh song tu, hay thiền tịnh mật tam tu… Mình sẽ không trực tiếp trả lời rằng, hai hay ba phép tu đó dùng chung được hay không !!! Mà mình chỉ nêu lên chủ trương của thiền và tịnh (về mặt lí thuyết) !!! Sau khi hiểu rõ chủ trương, Tấn Trí chắc chắn sẽ tự trả lời cho bản thân các thắc mắc của mình !!!

Về lí thuyết, thiền và tịnh chủ trương như sau:

– Mục đích: Thiền chủ trương vô sanh !!! Tịnh chủ trương vãng sanh !!!

– Chỉ thú: Thiền chủ trương vô niệm !!! Tịnh chủ trương hữu niệm (niệm Phật) !!!

– Cảnh giới: Thiền chủ trương vô trú xứ !!! Tịnh chủ trương lấy Cực Lạc làm trú xứ !!!

– Quả chứng: Thiền chủ trương tu chứng hiện tiền !!! Tịnh chủ trương sau khi mạng chung mới có kết quả !!!

– Tâm: Thiền chủ trương vô tâm !!! Tịnh chủ trương nhất tâm !!!

– Tướng: Thiền chủ trương vô tướng (thiệt tướng) !!! Tịnh chủ trương Cực Lạc ở tây phương là cõi nước có đầy đủ hảo tướng !!!

– Học pháp: Thiền chủ trương hiện đời hoàn thành 37 phẩm trợ đạo !!! Tịnh chủ trương hiện đời chỉ giải quyết 12 phẩm tư lương vị, các phẩm còn lại sẽ được tu tập sau khi vãng sanh (vì thế, ở Cực Lạc mới phát ra các âm thanh ngũ căn, ngũ lực, thất giác chi và bát thánh đạo phần mà không đề cập đến các phẩm tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ như ý túc) !!!

– Lực: Thiền chủ trương tự lực !!! Tịnh chủ trương tha lực !!!

– Dụng: Thiền chủ trương giải ngộ !!! Tịnh chủ trương tín nguyện hạnh !!!

Nhìn chung, về mặt lí thuyết giữa thiền và tịnh có rất nhiều khác biệt về chủ trương !!! Tuy chủ trương khác biệt là như thế, nhưng trong thực tế lại cũng có những người vừa tu thiền vừa tu tịnh… Thậm chí thiền tịnh mật tam tu (như Tấn Trí trước đây), tức lúc tu thiền, lúc niệm Phật, lúc trì chú !!! Mình đố Tấn Trí vì sao lại xảy ra thực tế này đối với không ít người tu hành ???

Riêng việc Tấn Trí hỏi, thiền tịnh song tu có phải do Phật dạy hay không thì mình không thấy kinh điển đề cập đến !!! Tuy nhiên việc kết hợp thiền tịnh được ngài Vĩnh Minh thiền sư đời đầu nhà Tống (904-975) nói trong bài kệ Tứ Liệu Giản (Bốn phép độ người) !!!

Mời Tấn Trí và bạn đọc nhâm nhi bài thơ tuyệt vời của nhà thơ Vũ Hữu Định, sau này nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ nhạc !!! Đọc và nhâm nhi bài thơ dưới đây, biết đâu gặp hên sẽ…”ngộ”…ra…điều…gì…đó…chăng !!!

Còn Một Chút Gì Để Nhớ

Tác giả: Vũ Hữu Định

Phố núi cao phố núi đầy sương

Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn

Anh khách lạ đi lên đi xuống

May mà có em đời còn dễ thương

Phố núi cao phố núi trời gần

Phố xá không xa nên phố tình thân

Đi dăm phút đã về chốn cũ

Một buổi chiều nào lòng bỗng bâng khuâng

Em Pleiku má đỏ môi hồng

Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông

Nên mắt em ướt và tóc em ướt

Da em mềm như mây chiều trong

Xin cảm ơn thành phố có em

Xin cảm ơn một mái tóc mềm

Mai xa lắc bên đồi biên giới

Còn một chút gì để nhớ để quên

Chúc Tấn Trí và bạn đọc an vui, tinh tấn !!!

BQT rất mong, nhận được nhiều câu hỏi lí thú và bổ ích từ các bạn !!!

22/10/2020

LÝ TỨ

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 1
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG