Ba Mươi Bảy Phẩm – Tứ Niệm Xứ

 0
Ba Mươi Bảy Phẩm – Tứ Niệm Xứ

Nếu như tứ diệu đế là nền móng của tòa nhà Phật giáo căn bản làm nên Phật pháp thì tứ niệm xứ được coi như các trường phái kiến trúc. Nền móng, trường phái kiến trúc và chiều cao phải tỷ lệ thuận với nhau, nền móng có vững chắc tòa nhà mới xây cao được, tòa nhà càng cao nền móng càng phải kiên cố.  

Chính điều này tứ diệu đế và tứ niệm xứ không thể tách rời nhau, xét ở mặt nào đó tứ diệu đế coi như quy trình sản xuất thì tứ niệm xứ là nguyên liệu và 37 phẩm là công nghệ làm ra sản phẩm.

Quy trình sản xuất có hoàn hảo, nguyên liệu đảm bảo và công nghệ có tiên tiến thì chất lượng sản phẩm mới đạt yêu cầu. Bằng ngược lại nếu một trong ba thứ bị khiếm khuyết thì chất lượng sản phẩm không như mong muốn.

Phần trước đã khảo sát tứ diệu đế, ít nhiều có được khái niệm về sự tương quan của hai pháp này. Bây giờ tiếp tục khảo sát tứ niệm xứ, sẽ thấy mối liên hệ mật thiết và tầm quan trọng của hai pháp đã nêu.

Nói tứ niệm xứ là trường phái kiến trúc, 37 phẩm là chiều cao tòa nhà hay công nghệ làm nên sản phẩm Phật giáo không phải không có lý của nó.

Bởi lẽ, trước đã nói ba thừa của Phật giáo đều dùng chung quy trình tứ diệu đế để giác ngộ, thì tứ niệm xứ lại là cơ sở và là chánh nhân để ba thừa nương đây giác ngộ và từ giác ngộ này mới tìm thấy phương tiện cho riêng mình.

Phương tiện riêng chính là công nghệ xử lý nguyên liệu, tạo vóc dáng và làm nên tính cách riêng của sản phẩm, mỗi thừa cho ra một sản phẩm khác nhau.

  • Nhị thừa tịch diệt thân hoặc cảm thọ;
  • Bồ Tát quyền thừa tịch diệt nguồn tâm;
  • Bồ Tát nhất thừa tịch diệt tướng hư vọng.

Những sản phẩm này khi hoàn hảo có chung một đặc tính là tịch tĩnh và an lạc, ta quen gọi Niết Bàn.

Vì thế giác ngộ cực kỳ quan trọng trong Phật giáo, bởi chỉ có giác ngộ mỗi thừa mới biết nơi mình đến, con đường để đi, phương tiện đi lại và thấy rõ các chướng nạn cần vượt qua. Có thể hiểu, giác ngộ giống như người đi đường cầm trong tay tấm bản đồ và la bàn, từ điểm xuất phát đến đích biết chắc mình phải qua bao nhiêu chặng đường, mỗi chặng nên dùng phương tiện gì cho phù hợp và đích đến ở đâu.

Vì thế nếu chưa giác ngộ nhất định không thể có phương tiện thù thắng và nhất định không biết đường đi. Do đó người tu hành khi chưa giác ngộ chỉ có thể dùng các phương tiện có sẵn để thúc liễm thân tâm. Nương nơi giới luật nhằm không tạo nghiệp mới cũng như gội rửa thân tâm, làm thiện pháp để cầu phước báo trí tuệ, từ những căn bản này mới có thể giác ngộ.

Trước khi đi sâu vào phương tiện từng thừa, đầu tiên phải tìm xem ba thừa nhân đâu để giác ngộ.

Mọi Phật tử đều biết tứ niệm xứ gồm bốn điều là: Thân niệm xứ, Thọ niệm xứ, Tâm niệm xứ, Pháp niệm xứ. Sở dĩ gọi niệm xứ bởi mỗi niệm xứ là một nơi chốn để người tu trong Phật đạo gởi gắm sự nhớ nghĩ của mình, có nghĩa dùng đây để ‘nhớ nghĩ, quan sát, tư duy, và giác ngộ’.

Phật giáo chú trọng đến căn, cơ, trí tuệ, mỗi căn cơ sẽ có một niệm xứ tương ưng. Có thể từ đây dùng trí tuệ tư duy quán sát bắt đầu cuộc đời tu tập. Do đó chọn cho mình một niệm xứ và gắn bó với niệm xứ này để tu hành là điều cần thiết.

Ba niệm xứ còn lại nếu đem tâm quán sát cũng chỉ là pháp hỗ trợ niệm xứ chính, làm cho niệm xứ chính rõ nghĩa.

Ví dụ khi chọn THÂN làm niệm xứ trú tâm quán sát, hành giả có thể quán thêm các niệm xứ khác như là các cảm thọ xuất hiện cũng y thân này mà có.

  • Quán tâm niệm xứ cũng phải biết ‘thân tâm’ là hai món riêng biệt, bởi dục ái chưa dứt nên hai món này câu sanh với nhau. Tâm tham đắm nơi thân, lâu dần hai món in tuồng như một gọi là ‘lưỡng chấp’, chính câu sanh lưỡng chấp này khi tứ đại của thân không điều thích tâm sinh đau đớn.
  • Bởi thân do tứ đại làm thành chỉ là vật vô tri, đau kia tự nơi tâm, nếu tâm không chấp thân, thì thân cảm đau đớn có xảy ra, tâm cũng không phiền não, dứt phiền não là đích đến của Phật giáo.
  • Khi quán các pháp cũng cần nhìn nhận thân này cũng là một pháp, pháp này hư huyễn không bền chắc, không đáng tin cậy dựa nương.
  • Quán như vậy đến lúc nào đó thân tâm sẽ tách rời nhau, kinh gọi là quả vị “Ly Thân”. Hành giả sẽ giác ngộ cứu cánh không thân, từ đây mới thấy được phương tiện ứng dụng làm cho thân tâm triệt để ly nhau thông qua các thiền thú.
  • Nói chung mọi niệm xứ khởi lên đều có khuynh hướng làm cho tường tận về niệm xứ chính. Khi niệm xứ chính được hiểu biết rốt ráo sẽ giác ngộ mối nguy hại của niệm xứ này, và cũng giác ngộ được lẽ tịch diệt của niệm xứ đó.
  • Bồ Tát gọi là trạch pháp giác phần, Thanh Văn gọi niệm giác phần. Tùy thừa mà có giác phần chủ đạo, từ đây hành giả có thể đưa ra các biện pháp thích hợp nhằm điều phục, làm cho niệm xứ này tịch diệt hẳn. “Định giác phần tương đương diệt đế.” Khi tịch diệt rồi mới biết cách gìn giữ và “bát chánh đạo tương đương đạo đế.”
  • Các niệm xứ khác khi lấy làm chánh quán, cũng quán tương tự như vậy. Có nghĩa dồn mọi nỗ lực về một niệm xứ đến khi nào thật sự giác ngộ mới hướng tâm về cứu cánh đã giác theo niệm xứ mình chọn, từ đây hành giả có thể dùng chỉ hoặc quán để thân tâm khế cứu cánh.
  • Có thể thấy ba thừa đều từ tứ niệm xứ mà giác ngộ, tạm phân chia như sau:

− Nhị thừa (Thanh Văn, Duyên Giác) lấy THÂN hoặc THỌ niệm xứ để giác ngộ.

− Bồ Tát lấy TÂM niệm xứ làm cơ sở.

− Bồ Tát nhất thừa quán các PHÁP để làm căn bản giác ngộ thiệt tướng.

Cho nên tứ niệm xứ là bốn nơi chốn làm cho chúng sanh khổ, nhưng tứ niệm xứ cũng là chiếc chìa khóa giác ngộ cho ba thừa. Tu hành trong Phật đạo nếu có giác ngộ nơi chốn nào khác ngoài tứ niệm xứ phải biết giác ngộ này chưa đúng trọng tâm.

  • Tiếp tục tư duy đến bao giờ thấu suốt một niệm xứ mới thật sự giác ngộ, thuật ngữ của kinh gọi là “niệm xứ giác phần tam muội.” Vì tứ niệm xứ quan trọng như vậy nên trước khi nhập Niết Bàn Phật di huấn lại cho đời sau phải lấy tứ niệm xứ làm chỗ trụ, đây cũng là lý do vì sao đối với pháp trợ đạo, tứ niệm xứ được xếp lên hàng đầu.
  • Khi thành toàn một niệm xứ, người tu hành y cứ vào niệm xứ này tịch diệt thân tâm, trong thất giác chi gọi là niệm xứ giác phần, chỗ chứng có tên “niệm xứ giác phần tam muội.”

Tiếp tục khảo sát mọi vấn đề sẽ rõ hơn.

(còn nữa)

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 3
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG