Ba Mươi Bảy Phẩm – Tứ Như Ý Túc – Quán (Niệm) Như Ý Túc

 0
Ba Mươi Bảy Phẩm – Tứ Như Ý Túc – Quán (Niệm) Như Ý Túc

‘Quán như ý túc’ là một trong những điều người tu hành cần hiểu biết tường tận để định hướng cho mình mục tiêu thích hợp và hướng trọn tâm ý vào đó thực hiện pháp quán.

Nếu lựa chọn không phù hợp sẽ là cản ngại lớn khi dấn thân trong bước đường tu hành.

Đây được coi như điều kiện tất yếu vì mỗi một căn cơ phù hợp với một phương sở nhớ nghĩ, có người chuyên lấy thân làm đối tượng suy gẫm để tìm chân lý, người cảm thọ, người tâm, kẻ nơi pháp. Không căn cơ nào giống căn cơ nào, mỗi căn cơ có một thế mạnh và cũng nhiều thế yếu.

Biết phát huy thế mạnh của mình, mục tiêu tấn công sẽ dễ dàng chiếm lĩnh và ít nhọc sức.

Trong kinh điển cũng đã nêu lên trường hợp “tu lộn pháp” như trường hợp người thợ kim hoàn và người thợ may được dạy hai pháp quán sai căn cơ. Hai người này tu thời gian dài không thành tựu, đến khi Phật biết được đổi lại thì chỉ thời gian ngắn họ đã đạt được những thành tựu cần thiết.

Khi nói đến quán như ý túc, người tu hành thường lý giải pháp này không rõ ràng, và thực tế chỉ nói cho xong chuyện mà không nêu cụ thể quán hay niệm cái gì để đưa pháp quán đến như ý.

Sự hiểu biết chung chung gặp gì nhớ nghĩ đó, hay miễn cột chặt niệm vào một pháp bất kỳ làm phép quán cũng được, thì không thể gọi là quán như ý, thậm chí quán như vậy vô hình trung làm hư tính chất nhất tâm đã đề cập phần trước.

Có nghĩa là không đề ra mục tiêu tấn công rõ ràng, giống như người chiến binh khi lâm trận không biết phương hướng kẻ thù, tác chiến lung tung thì thắng lợi nhất định thuộc về kẻ thù.

Vì thế quán như ý túc là đề ra mục tiêu tấn công, thấy được kẻ thù, và hiểu biết tường tận sở trường sở đoản của đối phương. Có như vậy hiệu quả chiến đấu mới cao và nhất định thắng lợi, thắng lợi này đồng nghĩa với sự như ý.

Trong Phật giáo nhất là ‘tu thiền’, khi nói đến quán phải nghĩ ngay ‘niệm xứ’ vì đây là ĐẾ cần phải giải quyết, giải quyết đế là cách nói khác của diệt đế. Đế này được nhất quán từ khởi đầu tu hành đến thành tựu, không có sự nhất quán sẽ làm cho người tu lung tung, bạ đâu quán đấy cho xong chuyện.  

Nếu tu hành mà mơ hồ về đối tượng cần được tu thì sẽ không có kết quả như mong đợi và làm sao gọi là như ý.

Như vậy quán như ý túc hay niệm như ý túc là nhớ nghĩ suy gẫm quán sát một trong bốn niệm xứ cho đến rốt ráo giác ngộ; vì thế 37 phẩm có niệm căn, niệm lực, niệm giác phần, và sau rốt là chánh niệm.

Vì thế chữ quán, niệm, tư duy là nhắm đến niệm xứ, lấy đây làm tư tưởng chủ đạo để toàn tâm toàn ý gởi gắm vào đó; tu hành đến bao giờ thấy được cứu cánh thì phép quán này được coi là viên mãn, gọi là chánh quán hay chánh niệm.

  • Suy ra quán như ý túc gồm có năng quán và sở quán, ‘năng quán’ là ‘người quán’ và ‘sở quán’ là ‘đối tượng được quán’.

Theo cách lý giải trên thì năng quán là ‘người tu hành’ còn sở quán là ‘một niệm xứ phù hợp với chủ thể quán’. Niệm xứ mà chủ thể chọn cho mình sẽ làm đối tượng nhắm đến trong suốt quá trình của 37 phẩm.

Nếu người ‘tu tịnh độ’ sau khi nhất tâm là ‘cảnh giới vãng sanh Cực Lạc’ thì người ‘tu thiền’ sau khi nhất tâm sẽ đưa niệm xứ của mình vào ‘thánh cảnh’. Đây là một hình thức vãng sanh tâm ý vào cảnh giới tốt hơn cảnh giới hiện tiền.

Đây cũng là hình thức tách biệt nghiệp khỏi cộng nghiệp, chuẩn bị vào địa vị bất thối của bậc thánh trong tứ thánh quả gọi là hướng Tu Đà Hoàn quả.

  • Chỉ chính thức là Tu Đà Hoàn khi nào viên mãn tư lương vị, tức là viên mãn tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ như ý túc, bước hẳn vào địa vị kiến đạo.
  • Tư lương là hành trang tối thiểu và cần có cho một người đi xa. Nếu tư lương chưa đầy đủ thì việc đi xa không thể thực hiện được, do đó tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ như ý túc rất quan trọng cho bước đường tu hành.
  • Tư lương không đủ hoặc thiếu sót thì hành trình gặp nhiều trở ngại, nếu không muốn nói là khó có thể tiếp tục.

Tóm lại, quán như ý túc đứng sau nhất tâm như ý túc lại có hàm ý dùng pháp quán đưa thân tâm thoát hẳn cộng nghiệp và biệt nghiệp hiện hành vào cảnh giới thánh, bước khởi đầu của thánh đạo, chuẩn bị mọc lên căn bất thối trong hàng tứ thánh là Tu Đà Hoàn quả.

(còn nữa)

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 1
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG