Ba Mươi Bảy Phẩm – Tứ Như Ý Túc

Tứ như ý túc gồm bốn điều:
− Dục như ý túc;
− Tinh tấn như ý túc;
− Nhất tâm như ý túc; và
− Quán (niệm) như ý túc.
Bản thân chữ như ý túc đã nói lên sự hoàn hảo của vấn đề. Một vấn đề hoàn hảo không lỗi lầm thì vấn đề này thường gọi là như ý.
Như ý có nghĩa là đạt đến kết quả như mong muốn. Chữ túc trong kinh định nghĩa là chân cẳng, như vậy tứ như ý túc là người tu hành bước đi trong sự thành tựu như ý. Đoạn kinh sau nói về như ý túc:
“ Vị này tu tập như ý túc câu hữu với dục Thiền định, tinh cần hành, tu tập như ý túc câu hữu với tinh tấn Thiền định, tinh cần hành, tu tập như ý túc câu hữu với (nhất) tâm Thiền định tinh cần hành, tu tập như ý túc câu hữu với tư duy (quán) Thiền định, tinh cần hành với nỗ lực là thứ năm. Chư Tỷ Kheo, Tỷ Kheo nào đầy đủ mười lăm pháp kể cả nỗ lực, thời có đủ khả năng để phá vỡ, có đủ khả năng để chánh giác, có đủ khả năng để đạt thành vô thượng an ổn, khỏi các ách phược. Chư Tỷ Kheo, như có khoảng tám, mười, hay mười hai cái trứng của con gà mái, những trứng này được con gà mái khéo ấp, ngồi lên trên, khéo ấp nóng, khéo ấp dưỡng, thời dầu cho con gà mái không khởi lên sự mong ước: “Mong rằng những con gà con của ta, sau khi đâm thủng vỏ trứng với móng chân nhọn của chúng, hay với mỏ của chúng, có thể thoát ra một cách yên ổn.” Những con gà con ấy, sau khi đâm thủng vỏ trứng với móng chân nhọn của chúng hay với mỏ của chúng, có khả năng thoát ra một cách yên ổn.
Chư Tỷ Kheo, cũng vậy, Tỷ Kheo đầy đủ mười lăm pháp, kể cả nỗ lực, thời có đủ khả năng để phá vỡ, có đủ khả năng để chánh giác, có đủ khả năng để đạt thành vô thượng an ổn, khỏi các ách phược.”[[1]]
Theo tinh thần đoạn kinh trên thì như ý túc chính là sự nỗ lực thành tựu như ý, nếu nỗ lực thành tựu như ý “thời có đủ khả năng để phá vỡ, có đủ khả năng để chánh giác, có đủ khả năng để đạt thành vô thượng an ổn, khỏi các ách phược.”
[[1]] Kinh TrBộ, Trích kinh Tâm Hoang Vu –HT. Thích Minh Châu dịch.
(còn nữa)
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






