Ba Mươi Bảy Phẩm – Thất Giác Chi – Trạch Pháp Giác Chi

 0
Ba Mươi Bảy Phẩm – Thất Giác Chi – Trạch Pháp Giác Chi

Trạch pháp giác chi là giác ngộ một chi phần trong tổng thể các pháp giải thoát của Phật giáo.

Phật giáo có vô lượng môn giải thoát. Trong quá trình giác ngộ tự thân mỗi thừa chỉ giác ngộ một phần có liên hệ đến mình.

Có nhiều cách giác ngộ, trạch pháp là một cách trong những cách đó; trạch pháp giác chi, phần lớn thuộc Bồ Tát thừa, nếu là nhị thừa thì thuộc hàng A La Lán hồi tâm, tức là A La Hán có phát tâm Bồ Tát. Hai chữ trạch pháp có nghĩa mổ xẻ, phân tích một pháp hay giản trạch một vấn đề.

Trạch pháp thuộc về chân giáo, tức là phân tích một pháp đến sự thật (chân lý) mới thôi. Khi pháp sư giản trạch một pháp, tâm ý người nghe chuyển biến theo từng lời từng ý, chấm dứt lời pháp, người thính pháp cũng dứt nguồn tâm ngộ bổn lai thanh tịnh. Tâm ý chuyển biến theo lời thuyết, giống như chiếc thuyền trôi theo dòng chảy cuối cùng là bến bờ. Do đó có thể hiểu trạch pháp giác chi là nhân nơi giản trạch một pháp mà giác ngộ.

Kỹ thuật thuyết pháp và thính pháp này đòi hỏi người thuyết phải thiện xảo trong ngôn thuyết, người nghe tâm trí nhạy bén, nói chung giữa thuyết pháp sư và người thính pháp phải đủ công đức và trí tuệ; một bên nào đó thiếu một trong hai điều kiện này thì buổi thuyết pháp trở thành ngôn giáo. Thông thường phần thiếu thuộc về người nghe, vì pháp sư là Phật hoặc các Đại Bồ Tát, thì đương nhiên thiện xảo về phương diện này.

Buổi thuyết pháp như vậy người tu hành gọi nôm na là khai thị; khi khai thị phải gồm đủ một số điều kiện khế căn, khế cơ, hợp thời, trong kinh Phật thường có cụm từ “Bồ Tát thuyết pháp không lỗi thời” để chỉ trường hợp này.

Ví dụ như trường hợp Phật thuyết mười sáu pháp quán cho bà Vi Đề Hy, khi chấm dứt ngôn thuyết bà Vi Đề Hy chứng vô sinh pháp nhẫn; hoặc vua Dạ Xoa là La Bà Na trong thành Lăng Già dứt thấy nghe ngộ các pháp do tự tâm hiện.

Đoạn kinh sau minh họa một trong những kỹ thuật thuyết pháp và thính pháp:   

Các vị Bồ Tát, liền bạch Phật rằng: "Lạy đức Thế Tôn! Đức Phật nước con, chỉ nói nhất thừa, tại sao Như Lai, lại nói tam thừa?"

Khi đó Thế Tôn, dùng trí vô ngại, bảo các Bồ Tát, các ngươi hôm nay, vì lợi chúng sinh, hỏi ta nghĩa đó, nghe kỹ! nghe kỹ! Các Thiện nam tử!

Ví như một người, mà có ba tên, khi còn thơ ấu, gọi là tiểu đồng, lúc hai mươi tuổi, gọi là trung niên, quá tám mươi tuổi, gọi là lão niên. Ta thuyết tam thừa, cũng lại như thế, kẻ bé tâm nhỏ, là người Thanh Văn, ta thuyết Tiểu thừa; vì người trung tâm, là bậc Duyên Giác, ta nói Trung thừa; vì đại Bồ Tát, tâm người đạo lớn, ta nói Đại thừa.

Các Thiện nam tử! Các ngươi nghe đây, lý không hai cực, về cùng một nẻo, giải tuy khác luật, chung quy nhất quán, lý là nhất thừa, phân ra thành ba, Thanh Văn, Duyên Giác, đều nhập Đại thừa, như Đại thừa đó, tức là Phật thừa, cho nên tam thừa, tức là nhất thừa.

Khi thuyết pháp này, trong hội tất cả, mười ngàn Bồ Tát được Vô sinh nhẫn, tám trăm Tỷ khưu được quả La Hán, hai muôn người, trời được pháp nhãn tịnh, tám trăm muôn người phát tâm Bồ Đề.[[1]]

Đoạn kinh trên là một điển hình của kỹ thuật thuyết pháp, một trong những kỹ thuật tối ưu mà Phật giáo gọi là thiện xảo phương tiện hay thiện xảo ngôn thuyết.

Trước khi thuyết Phật nhấn mạnh hai chữ nghe kỹ! nghe kỹ! Hai tiếng này từ kim khẩu Phật Thích Ca Mâu Ni có tác động mãnh liệt khiến người nghe nhất tâm hướng trí tuệ về Phật; chưa thuyết niệm tưởng đã thanh tịnh, phần còn lại Phật chỉ cần giản trạch nghĩa lý dẫn dụ tâm người nghe từ dị biệt về nhất thể bằng thí dụ ba thừa như ba giai đoạn của một con người, rốt ráo chuyển tâm ý đến chỗ đồng quy.

Chấm dứt nguồn tâm bằng một nhát kiếm nhất thừa, đoạn dụ này tuy ngắn nhưng tâm ý thính giả có chỗ hội quy. Đoạn kinh giản trạch ý nghĩa ba thừa rất minh bạch: “Các Thiện nam tử! Các ngươi nghe đây, lý không hai cực, về cùng một nẻo, giải tuy khác luật, chung quy nhất quán, lý là nhất thừa, phân ra thành ba.”

Đoạn kinh cực kỳ xảo diệu khiến mọi đối đãi nhị nguyên tiêu băng. Tuy ngôn thuyết có đầu đuôi nhưng ý nghĩa rốt lại thanh tịnh. Cũng là những văn tự đó, cũng là cách giản trạch đó, nhưng nó bao hàm cả giáo, thiền, lẫn tịnh; người trí bén được thiền (mười ngàn Bồ Tát được vô sinh nhẫn); kẻ chậm lụt được giáo (tám trăm Tỳ Kheo được quả A La Hán); người các căn phóng dật được pháp nhãn tịnh (hai muôn người, trời được pháp nhãn tịnh); người giải đãi phát Bồ Đề tâm (tám trăm muôn người phát tâm Bồ Đề).

Như vậy mới gọi là thuyết pháp! Đặc biệt, đối với một thuyết pháp sư lời thuyết bình đẳng không chủ trương thiền, giáo hay tịnh, chỉ vì căn cơ người nghe sai khác cho ra chỗ thể nhập sai khác. Chỉ thú của Phật pháp là ở chỗ này, giống như trận mưa pháp, cây cỏ tùy loài mà hưởng lợi ích. “Bồ Tát thuyết pháp không lỗi thời” là như vậy, hiện tiền không chứng mai mốt cũng được pháp lành, đời này không ngộ đời sau chẳng mất.

Tóm lạitrạch pháp giác chi’ là nhân nơi một pháp, được bậc trí giả (Phật, Bồ Tát) giản trạch người tu hành thấy được bản nguyên của niệm xứ, lấy đây làm tiền đề để dẫn dắt nguồn tâm thông qua sáu chi phần còn lại vào chỗ tịch diệt, rốt ráo niệm xứ ban đầu đã chọn (một trong tứ niệm xứ).

Tính nhất quán của 37 phẩm tạo thành một chuỗi pháp liên kết đưa người từ phàm phu vào địa vị bậc thánh. Nếu không am tường chuỗi quy trình này hoặc thiếu tính nhất quán trong các thuật ngữ sẽ đưa đến sự lộn xộn trong các niệm và cách quán. Tức là thiếu định hình trong chuỗi liên kết và thiếu định hướng cho từng khâu riêng lẻ, giống như người thợ khoan vách đá, nếu không định hình được loại mũi khoan và độ cứng của đá, không định hướng được vị trí cần khoan, bạ đâu khoan đấy sẽ nhọc sức, mòn mũi khoan, lại lem nhem phiến đá và cuối cùng lỗ khoan không thành, tức không thể xuyên thủng vị trí cần thiết.

Như người cưa cây lấy lửa, thời gian phải liên tục, cây không thấm ướt, vị trí cưa không thay đổi, đủ nguyên liệu bắt lửa, đến thời kỳ nhất định lửa sẽ cháy lên.

Trạch pháp đối với người tu hành cũng vậy, đây là tiền đề của diệt đế đồng thời cũng là sự kế thừa của những phẩm trợ đạo phía trước. Chính những phẩm trước đúng đắn sẽ kết tụ thành công đức và trí tuệ cho sự giác ngộ hiện tại.

[[1]] Trích kinh Đại Thông Phương Quảng Sám Hối Diệt Tội Trang Nghiêm Thành Phật –HT. Thích Trung Quán dịch.

(còn nữa)

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 0
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG