Về… Chánh Tư Duy

 0
Về… Chánh Tư Duy

Chánh tư duy là, khi suy nghĩ như pháp đến rốt ráo thấu triệt một vấn đề hay một nghĩa lý, tư duy cũng theo đó mà tịch diệt và an lạc hiện khởi. Hiện tượng này báo cho hành giả biết rằng, ta đang tư duy đúng hướng.

Vọng tâm như thị trường, ý thức như nhà sản xuất. Khi thị trường có nhu cầu, nhà sản xuất sẽ cung cấp sản phẩm của mình, một khi thị trường không còn nhu cầu, nhà sản xuất sẽ ngưng cung cấp.

  • Cũng như vậy, một khi tâm không có nhu cầu, ý thức sẽ ngưng hoạt động, không cung cấp các sản phẩm nghĩ suy của mình, dần dần thức tịch diệt, không làm chức năng sinh pháp. Đến khi thức hoàn toàn không sinh pháp, thức trở thành trí, “hay quên” là dấu hiệu của giai đoạn chuyển đổi này. Giống như những sản phẩm không còn phù hợp thị trường bị ngưng sản xuất, muốn tồn tại nhà máy phải tạo ra những sản phẩm mới, phù hợp với người tiêu dùng.
  • “Thức” cung cấp những sản phẩm đảo điên, “trí” cho ra những hiểu biết sáng suốt, do đó khi thức diệt, những hiểu biết hay nhớ nghĩ không cần thiết sẽ không còn hiện khởi. Vì thế, trong giai đoạn nào đó, nếu tu hành đúng chánh pháp, người ta thường có cảm giác như hay quên. Điều này không sao, một khi trí trưởng thành, trí sẽ đảm nhận công việc trước đây của thức, một loại công việc mới không do nghiệp chi phối. Dấu hiệu của nó là, khi khởi tư duy hỷ lạc sẽ sanh, hiện tượng này trong Phật đạo gọi được thiền, một cách nói khác của giác quán.
  • Có được trí tuệ, hành giả sẽ làm chủ “ý căn”, muốn tư duy thì tư duy, không muốn thì thôi, những suy nghĩ vu vơ sẽ tự mất, đây là dấu hiệu của “vọng tưởng” tịch diệt, nhường chỗ̃ cho “định tâm” xuất hiện.
  • Khi không cần thiết, tâm và ý sẽ bất động, chính vì thế các kiến giải phi thời, không đương cơ sẽ không xuất hiện. Nói khác đi, ngã đã tịch diệt, hành động muốn chứng tỏ về mình không còn nữa.
  • Nghĩ suy và tuyên thuyết đúng thời, lời nói sẽ có trọng lượng dễ đến tai người nghe vì nhiều lợi ích, những lời nói từ đây phát ra sẽ làm cho mình và người thanh tịnh. Giai đoạn này mới thật sự được coi là thí pháp, một trong những hình thức của bố thí Ba La Mật.
  • Bố thí Ba La Mật là những hành động xuất phát từ tâm ý thanh tịnh giải thoát, không còn bóng dáng của ngã và mong cầu lợi ích cho riêng mình. Biểu hiện của Ba La Mật tâm là, chấp nhất thường thấy của phàm phu không sinh, ngữ ngôn không kẹt tứ cú.
  • Tứ cú là những câu nói phát ra từ nội tâm dính mắc, dùng thế luận để kiến giải hết thảy mọi vấn đề, những hành giả như vậy tâm chưa thật sự thanh tịnh và chưa thật sự hết ngã. Khi phát biểu, lời nói của họ nhằm bảo vệ chính mình hơn là vì người!!!
  • Do vậy, căn bản để thành tựu những điều này là dừng vọng tưởng, tiêu thất tự ngã, loại thức ra khỏi các căn. Chỉ nhớ những điều cần nhớ, biết quên những điều đáng quên, chỉ nghĩ suy những điều cần nghĩ suy, chỉ nói những điều cần nói, biết im lặng khi cần im lặng, nói hay im đều thanh tịnh, nói hay nín đều vì người. Được như vậy; đi, đứng, nằm, ngồi, thức, ngủ, nói, nín... đều không rời đạo tràng. Ở đâu cũng tu được, làm gì cũng là tu. Không biết, không thấu suốt những điều này cho dù tối ngày ngồi kiết già cũng chỉ là người ngồi kiết già cho chúng nhìn thấy ghê chơi, lợi ích không lớn!!!
  • Những điều nói trên, nhằm giúp các bạn có được một cái nhìn khái quát về quá trình thay thức bằng trí, một lô gich chuyển biến từ vọng đến chơn, từ phiền não đến bồ đề, từ kẹt mắc đến giải thoát, từ kiến giải đến thuyết pháp, từ ngã đến tứ vô lượng tâm, và từ phàm phu đến thánh quả...

(04-2011)

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 1
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG