Về Ba Ý Sanh Thân Trong Kinh Lăng Già,… Kỷ Niệm Tu Hành

 0
Về Ba Ý Sanh Thân Trong Kinh Lăng Già,… Kỷ Niệm Tu Hành

Các bạn!!!

Nhân đọc các câu trả lời của HĐ về ý sanh thân, mình chợt nhớ một kỷ niệm của hai mươi bốn năm trước. Xin sơ lược, để HĐ nghe cho vui...!!!

1. KỶ NIỆM TU HÀNH

Cách đây hai mươi bốn năm, năm đó cũng là năm con ngựa, mình có viết một cuốn sớ giải về Kinh Lăng Già. Cuốn sách hoàn thành, độ chừng trên sáu trăm trang viết tay (hồi 1990 mình chưa có và chưa biết vi tính)

Để hoàn thành cuốn sách này, bản thân phải bỏ công trên hai năm nghiền ngẫm nhiều bản dịch Kinh Lăng Già của các tác giả khác nhau, như bản của Daisetz Teitaro Suzuki, của Sư Bà Diệu Không, của Hoà Thượng Thích Thanh Từ... Mình đọc đến nỗ̃i những bản dịch này "te tua tơi tả", thậm chí có cuốn mất luôn cái bìa. Mục đích của việc làm này là: Nhằm đối chiếu sự khác biệt giữa các bản dịch, để tìm ra ý nghĩa đích thực của lời Phật dạy.

Hoàn cảnh nghiên cứu lúc bấy giờ không thuận lợi. Như: Quan điểm xã hội, điều kiện kinh tế gia đình, việc tìm các tư liệu... Nói chung nhiều thứ...!!!

Thông thường, mình bắt đầu đọc tụng, viết lách từ sau mười giờ đêm đến gần sáng. Mình miệt mài trong hoàn cảnh như vậy, nhưng rồi tập sách cũng hình thành. Có thể nói, cuốn sách đã đánh dấu một bước trưởng thành rất lớn trong cuộc đời tu học và phương hướng nghiên cứu của mình.

Khi viết cuốn sách xong, mình có trình cho Thầy của mình thẩm định, “coi như đó là kết quả học tập”. Sau đó, cuốn sách (viết tay) được chuyền qua tay cho một số HĐ xem, trong đó có một số vị hiện đang là HĐ của chúng ta. Kiến giải của mình lúc bấy giờ đã được mọi người khen ngợi, không thấy ai chê hoặc đủ sức phản biện, cho đến hôm nay một vài HĐ còn nhắc lại!!!

Sau nhiều năm tháng, vật đổi sao dời và một vài lý do khách quan... Hai mươi hai năm sau (2012), trong một nhân duyên tình cờ, mình tìm thấy mấy trang chép tay, được sao chép lại từ cuốn sách đó. Mấy trang viết tay này, do một người bạn cũ đọc lên thấy hay đã tự ý chép lại... để... nghiền ngẫm!!!

Viết lên những dòng này, mình muốn nói với các bạn rằng: Luận về ba ý sanh thân mà không nghiền ngẫm đọc tụng Kinh Lăng Già cho đến rách cả bìa, chỉ viết khơi khơi theo kiến giải cá nhân thì làm sao trả lời thoả đáng?????? Ha ha ha ha!!! Bỏ gốc mà lấy ngọn, thì cái ngọn đó có đứng vững không???!!!

Các bạn thử suy nghĩ xem:

Ba ý sanh thân là cứu cánh, được Phật thuyết cho Bồ Tát Đại Huệ, một vị Bồ Tát mà đối trước Phật, dám xưng mình “thông thuộc đại thừa”!!! Thử hỏi các bạn, không lẽ ý nghĩa của một pháp được Phật thuyết cho hàng “Bồ Tát thông thuộc đại thừa” lại đơn giản và cạn cợt như những điều các bạn kiến giải hay sao?

Kinh Lăng Già, trang 259 (bản dịch của HT Thanh Từ), Phật dạy như sau: “… Khi ấy, Thế Tôn bảo Bồ Tát Đại Huệ rằng: Nay ta sẽ nói phân biệt tướng chung (tổng tướng) của ý sanh thân. Lắng nghe, lắng nghe! Khéo suy nghĩ đó. Đại Huệ bạch Phật: Thế Tôn, lành thay! Xin vâng thọ giáo. Phật bảo Đại Huệ: Có ba thứ ý sanh thân. Thế nào là ba? Là: Tam muội lạc chánh thọ ý sanh thân, giác pháp tự tánh tánh ý sanh thân, chủng loại câu sanh vô hành tác ý sanh thân. Người tu hành (nhân đây) rõ biết tướng sơ địa tiến lên các địa (viên mãn thập địa) được ba thứ thân...”

Trong bài kệ trùng tuyên có tám câu như sau: “Thừa ta phi (siêu quá) Đại thừa. Phi thuyết cũng phi tự. Phi đế phi giải thoát (siêu quá ba thừa). Phi cảnh giới có không (siêu quá cứu cánh). Song thừa Đại thừa (nhất thừa) này. Được chánh quán (chánh trí) tự tại. Các thứ ý sanh thân (đời sống như vậy). (là) Hoa trang nghiêm tự tại”… (Các chữ trong ngoặc (...) là của mình thêm vào để các bạn dễ hiểu).

Các bạn!!!

  • Dựa vào ý nghĩa đoạn kinh trên và các đoạn kế tiếp được Phật giảng giải ba thứ ý sanh thân. Theo các bạn, điều Phật đã tuyên thuyết là cứu cánh hay phương tiện???
  • Và cứu cánh (hay phương tiện) này Phật thuyết cho địa vị nào???
  • Tri kiến thế nào mới thể nhập và lãnh hội được???
  • Tổng tướng Phật đã thuyết như vậy, thì biệt tướng của nó ta kiến giải sao đây???
  • Nếu Bồ tát cần phải tu hành ba thân này thì phải tu làm sao???
  • Không lẽ Bồ Tát Đại Huệ chưa giác ngộ những điều các bạn đã giác ngộ hay sao mà Phật lại còn dạy thêm???
  • Vì sao trong lúc thuyết kinh này không có Nhị Thừa???
  • Như vậy Nhị Thừa cho dù có hồi tâm mà chưa giác ngộ bản tâm (giác ngộ các pháp do tự tâm hiện) thì Nhị Thừa đó có phần trong cảnh giới này không???

Hy vọng, với những gợi ý trên. Nếu đọc kỹ Kinh Lăng Già và tư duy đến nơi đến chốn, nhất định các bạn sẽ có câu trả lời thoả đáng!!!

(31-10-2014)

2. BA “Ý SANH THÂN”

Ba “ý sanh thân”, thuộc về cứu cánh, nó là cảnh giới thực chứng chứ không nằm trong suy luận. Vì thế, các bạn chỉ có thể trả lời được những ý nghĩa nào thuộc phạm vi suy luận, còn phần thực chứng để lấy đó làm bảng tham chiếu, mọi người chưa thể thực hiện được. Cho nên, các câu trả lời của HĐ gần như giống nhau về nội dung tổng thể, thiếu hẳn phần phân tích về chiều sâu cũng như sự sai khác giữa các thừa.

Mình xin sơ lược một vài ý nghĩa chính có liên quan đến câu hỏi. Hy vọng với những gì mình tóm tắt sau đây, sẽ là cơ sở tốt để các bạn y vào đó mà tư duy, hầu có thể thành tựu “ý sanh thân”.

 2.1. Ý sanh thân trong kinh Lăng Già muốn nói lên điều gì???

sanh thân: Là cứu cánh của Bồ Tát Thập Địa do sức giác ngộ làm nên. Cứu cánh này, chính là đời sống của vị ấy, tức giác ngộ và vị ấy không phải là hai. Ta có thể hiểu: Thân; khẩu; ý của vị này hành động theo những gì đã giác.

2.2. Ba loại ý sanh thân, do giác ngộ những gì mà thành tựu???

Tam muội lạc chánh thọ ý sanh thân: Do Bồ Tát này giác ngộ “bổn tâm thanh tịnh” mà thành tựu.

Khi giác ngộ đúng với bổn tâm, vị này có một đời sống như đời sống của thiền định, nên gọi là Tam muội lạc chánh thọ ý sanh thân.

Giác pháp tự tánh tánh ý sanh thân: Bồ Tát này, giác ngộ rằng: Các pháp, thân, tâm, và thế giới bản lai không tánh. Nhân giác ngộ như vậy, mà đời sống của vị này: “Không chấp nhất, không nương tựa, không nắm giữ việc gì trên đời...”. Giống như chim bay giữa hư không, con chim không có tánh nắm giữ hư không, hư không không có tánh nắm giữ con chim. Như gương sáng và cảnh vật, gương kia không có tánh nắm giữ cảnh vật, nên vật hiện trong gương cũng không tánh.

Chủ̉ng loại câu sanh vô hành tác ý sanh thân: Đây là cảnh giới của trí tuệ. Trí tuệ như mặt trời, những ai không bị che khuất, có đủ duyên lành. Nhất định sẽ hưởng được sự soi sáng của nó. Gọi là có duyên lành, vì duyên lành này là đầu mối của câu sanh. Gọi vô hành tác, là vì mặt trời kia không có ý riêng chiếu.

Tóm lại: Ba ý sanh thân, chính là ba cứu cánh phải đạt được qua ba lần giác ngộ khác nhau của Thập Địa Bồ Tát. Muốn viên mãn mười địa vị Bồ Tát mà không từng trải qua ba lần giác ngộ này là không có lẽ!!!

Lần giác ngộ thứ nhất, giống trăng mùng mười. Lần giác ngộ thứ hai, giống trăng mười bốn. Lần giác ngộ thứ ba, giống trăng tròn mười sáu. Chính những lần giác ngộ cho ra cứu cánh khác nhau như vậy, cho nên sức toả sáng của mặt trăng này cũng dần dần sáng như vậy. Vì thế cho nên: Sự tự tại, ngôn thuyết, sức nhiếp phục người của các hạng Bồ Tát này không giống nhau. Phật dạy: “Bồ Tát địa dưới, vô lượng lần không thể nghĩ bàn Bồ Tát địa trên...”

2.3. Nhị thừa và Bồ Tát Thập Địa đối với ba thứ sanh thân là khác hay đồng?

Chỗ khác: Ý sanh thân: Nhằm chỉ cho giác ngộ mà thành tựu một đời sống hoàn toàn mới (ý sanh). Cho nên Nhị thừa không gọi là thành tựu ý sanh thân. Vì rằng, thành tựu của Nhị thừa là do tu hành sanh, nên không được gọi là ý sanh. Ngài Xá Lợi Phất thường nói: “Con từ miệng Phật sanh...” Tức là đời sống của Ngài Xá Lợi Phất do vâng tin theo lời (pháp) của Phật rồi tu hành mà thành tựu, chứ không phải do giác ngộ thấu suốt.

Chỗ đồng: Dù Bồ Tát do giác ngộ mà được lạc chánh thọ (lạc thượng diệu), hay Nhị thừa do tu hành sanh hỷ lạc (lạc thiền định), thì hai thứ lạc này đều đồng một vị. Giống như hai đĩa mật, khối lượng mật của hai đĩa tuy lớn nhỏ, nhiều ít khác nhau, nhưng vị ngọt của hai đĩa mật này không khác. Vì thế Bồ Tát và Nhị thừa đồng chung hưởng “lạc chánh thọ vị” như nhau.

Tóm lại: Ta có thể hiểu, Nhị thừa và Bồ Tát giống nhau ở tính chất của lạc vị. Khác nhau một bên là ý sanh, một bên là tu hành như chánh pháp mà sanh.

Ví dụ: Hai người có hai thứ nghề nghiệp khác nhau, đồng đi làm kiếm tiền. Giá trị đồng tiền của hai người này khi sử dụng không khác (cùng mua một ổ bánh mì một ngàn), nhưng công sức và cách kiếm tiền của hai người không giống.

Hỏi: Một vài thành tựu nào đó của người chưa giác ngộ (còn mê) có được coi là ý sanh thân hay không???

Trả lời: Không thể gọi là ý sanh thân...!!!

Vì sao như vậy??? Vì ý sanh thân là thuật ngữ đặc trưng của Phật Đạo, nhằm chỉ cho một đời sống "có bản chất hoàn toàn mới”, được tạo ra (bùng nổ) bởi giác ngộ...

Chính vì điểm này mà những người còn trong sự buộc ràng của ba cõi, không được gọi là ý sanh. Vì rằng, dục giới, sắc giới và vô sắc giới, tuy dường như khác cảnh, nhưng đồng một bản chất. (Bản chất đó là mê, trong mê thấy in tuồng có ba). Vì thế, với người còn mê thì thấy có ba, người đã giác ngộ, ba thứ kia chỉ là một và một đó thật sự là không!!!

Ví như người ngủ mê, trong chiêm bao thấy mình đi qua ba thành ấp khác nhau. Một thành có tên gọi là Dục Thành, một thành có tên gọi là Sắc Thành, một thành có tên gọi là Vô Sắc Thành. Trong chiêm bao, người kia lầm tưởng rằng có ba cái thành mà mình đã đi qua với ba cảnh tượng khác nhau. Nhưng kỳ thật, người đó không rời khỏi chiếu mền, chẳng đi đâu hết, cũng chẳng có thay đổi gì ráo trọi. Và, người ấy vẫn là người ấy, chẳng có sự biến đổi nào hết, xưa nay, không từng có sự sanh nào trong... mơ!!!

Các bạn!!!

Không biết, những kiến giải của mình ở trên, có giúp các bạn hiểu rõ ý nghĩa ba ý sanh thân và những phân tích chung quanh đề tài này hay không??? Nếu vị nào còn thắc mắc, xin nêu lên để chúng ta cùng sáng tỏ.

Chúc các bạn mau chóng thành tựu cứu cánh ý sanh thân. Để từ đây, các bạn có thể từ từ soi sáng cho vạn loại hữu tình đúng với mong muốn của Chư Phật.

(09-11-2014)

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 0
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG