Vấn Nạn "Phiền Não Chướng và Sở Tri Chướng"

 0
Vấn Nạn "Phiền Não Chướng và Sở Tri Chướng"

Các bạn!!!

Hôm qua, sau khi trao thưởng hai bài viết tiêu biểu của TRÒ CHƠI TRÍ TUỆ kỳ 03-2019, lại được HĐTM Miền Nam đãi một bữa no nê!!! Ha ha ha ha!!! Sau đó, mình lại có hai cuộc nói chuyện với HĐ Miền Trung (chiều) và HĐ Tây Nguyên (tối)!!!

Nội dung nói chuyện với HĐ Miền Trung và Tây Nguyên thì nhiều thứ... nhưng trọng tâm, vẫn xoay quanh hai vấn đề “xưa như trái đất” là: Phiền não chướng và Sở tri chướng!!!

Có thể nói, hai món chướng là phiền não và sở tri đã lấy đi của HĐTM chúng ta không ít thời gian, cũng như công sức!!! Thế nhưng, hình như hai của nợ ấy đã, đang và sẽ tiếp tục chơi trò “du kích chiến” trong cuộc chiến “bất cân xứng”!!! 

Khi nào HĐ chúng ta mất cảnh giác, lập tức bọn chúng “tập kích bất ngờ”!!! Và, sau một hồi giằng co, tất nhiên “chúng cầu hoà”, “nở nụ cười tươi như hoa” rồi “lặng lẽ bỏ đi”!!! Chúng âm thầm bỏ đi nhưng, ít lâu sau, chúng lại cao hứng “tạch tạch đùng đùng”, tuy “chẳng chết ai” nhưng HĐ chúng ta lại phải vất vả đối phó, vừa mất thời gian, vừa phải lo cảnh giác!!!

Để giải quyết vấn nạn phiền não và sở tri cho HĐ, sau khi phân tích nguyên nhân sanh khởi bốn món Phiền não trụ địa (thay vì ngũ trụ) gồm:

− Kiến nhứt thiết xứ phiền não trụ địa (phiền não do kiến hoặc),

− Dục ái phiền não trụ địa (phiền não cõi dục),

− Sắc ái phiền não trụ địa (phiền não cõi sắc) và

− Vô minh ái phiền não trụ địa (phiền não cõi vô sắc)...

Cũng như hai món sở tri là Thế gian sở tri và Xuất thế gian sở tri!!! … Một vài HĐ nêu thắc mắc như sau:

− Thầy ơi!!! Vì sao, sau một thời gian tu hành, hầu như trong con không còn sinh tâm, sinh pháp!!! Nhưng thỉnh thoảng, phiền não và các pháp vẫn hiện khởi??? Làm thế nào để tịch diệt hoàn toàn!!!

Mình đã giải thích như sau:

− Đây là vấn nạn chung cho mọi người tu hành, chứ chẳng

riêng gì HĐ chúng ta, bản thân mình ngày xưa cũng đã từng vật vã với những chuyện như thế!!!

Theo kinh nghiệm cá nhân, một người sau khi giác ngộ hoặc tu tập như pháp... Tuy rằng, tâm và pháp cơ bản đã được tịch diệt, nhưng hai món Phiền não chướng (sinh tâm) và Sở tri chướng (sinh pháp) thỉnh thoảng vẫn cứ hiện... Có nghĩa rằng, chúng ta chỉ có thể giải quyết 70% đến 80% tâm và pháp, phần còn lại từ 20% đến 30% còn âm ỉ trong tâm thức!!! Tất nhiên hai món chướng này không thể trở thành hòn đá nhấn chìm người tu hành, nhưng nó lại làm cho chúng ta không yên tâm trên con đường tu học!!! Vì sao nó lại như vậy???

Vì rằng, chúng ta là “những cư sĩ”, tức những người sống trong môi trường không hoàn toàn tinh sạch, không hoàn toàn như pháp!!! Tức là, phải chung sống và tiếp xúc thường xuyên với gia đình, xã hội, cơm ăn, áo mặc, v.v... Đây chính là môi trường lí tưởng để hai thứ chướng nói trên không thể tịch diệt vĩnh viễn!!! Chúng ta không thể có một môi trường tốt như các bậc xuất gia!!! Sự thua thiệt này, cũng chính là lí do vì sao, một cư sĩ không thể chứng quả A La Hán trong hiện đời!!!

Nhưng các bạn đừng lo!!! “Trong cái rủi có cái may”, 20% đến 30% tâm và pháp còn lại, thỉnh thoảng hiện lên trong tâm thức các bạn, hai thứ đó không phải “nghiệp phiền não” mà nó là loại “tập khí phiền não”!!! 

Nếu chúng ta biết khai thác tốt các tập khí phiền não này, hai thứ chướng đó lại là “vũ khí lợi hại” để các bạn lấy đây làm cơ sở phát sinh trí tuệ!!!

Thành ra, bây giờ “tập khí sinh tâm” và “tập khí sinh pháp” lại là “điều kiện cần và đủ” trên con đường tu tập Bồ Tát Đạo!!! Thứ điều kiện mà một người “chứng thiệt tế như một A La Hán” chẳng hạn, cho dù tìm đỏ con mắt cũng không có được!!! Ha ha ha ha!!! Hên chưa!!!

Bây giờ, chúng ta thử tìm xem cách vận dụng như thế nào, để biến hai con cọp “phiền não” và “sở tri” trở thành anh sư tử “trí tuệ”???

Các bạn!!!

Khi tập khí phiền não và tập khí sở tri hiện khởi, các bạn đừng để nó nhấn chìm tâm thức (không cho tâm thức mê muội bởi nó, cộng trú chứ không cộng sinh)!!! Mà các bạn hãy thoát ra ngoài vòng cương toả, đứng ở vị trí khách quan, lặng lẽ quan sát tánh tướng của hai thứ ấy!!! 

Cách quán.. Khi phiền não hay các pháp sanh khởi, các bạn nhìn ngắm nó và quan sát thật kĩ, để thấy cho được những điều sau: 

− Phiền não hay các pháp nó sanh như vậy, trụ như vậy, đều do nhân như vậy, duyên như vậy!!! 

− Vì bởi, nhân duyên như vậy nên tánh, tướng, lực, tác, thể, dụng của nó phải là như vậy!!! 

− Và, vì phiền não cũng như các pháp bản chất vô thường nên nhất định phải dị và diệt như vậy!!! 

− Nếu ta thấu suốt được các điều trên (biết rõ tánh tướng), rốt ráo nó... phải... là... như... vậy!!! Như vậy!!! Và Như vậy!!! Nhất định nó không... thể... như... kia!!!

(Pháp bổn pháp vô pháp.

 Vô pháp pháp diệc pháp.

 Kim phó vô pháp thời.

 Pháp pháp hà tằng pháp)!!!

Lý Tứ phỏng dịch như sau:

Gốc me làm thớt cũng là me;

Được thớt thời me cũng chẳng dè;

Nay tặng cho người không me thớt;

Rốt cùng me thớt cũng... khoẻ... re...!!!

Khi các bạn quan sát và tư duy tánh tướng của phiền não và các pháp như thế, nhất định các bạn sẽ hiểu ra nhiều điều mà, muôn ngàn lần có đọc rách kinh điển nhà Phật cũng chẳng tìm thấy!!! Đây là phương pháp “thâm nhập thực tế” để “học tập rút kinh nghiệm”!!!

Các bạn!!!

Phật đạo là đạo trí tuệ, muốn có trí tuệ, phải khơi mầm cho trí tuệ mọc lên!!! 

Quan sát và tư duy là các duyên lành giúp trí tuệ mau nảy mầm!!! Người không biết quán sát, thiếu năng lực tư duy, chẳng khác nào kẻ tự thắt cổ trí tuệ của chính mình bằng sợi dây thừng của người nông dân dùng để trói trâu!!!

Quan sát và tư duy là cách tốt nhất giúp trí tuệ bùng vỡ!!! Vì thế, hãy thường xuyên quan sát và tư duy!!! Từ tư duy kinh nghiệm đến tư duy đột phá, chính là các bước nhằm thuần hoá con thú hoang tâm thức, biến con cọp phiền não (từ 20% tập khí sinh tâm sinh pháp) trở thành con sư tử đầy đủ 100% trí tuệ!!! Cho nên đừng sợ tập khí phiền não còn thừa sót các bạn ạ, mà hãy tận dụng cơ hội hiếm hoi này, biến nó trở thành phương tiện tu tập trí tuệ!!!

Điều này giống như, muốn mua món gì đó, ta phải có tiền... không tiền thì: “Đừng... có... nằm... mơ”!!!

Do đó, muốn quán sát tánh tướng của phiền não và vạn pháp thì, phải là người đang sở hữu hai thứ ấy!!!

Nhờ nó có hiện khởi trong ta, ta mới có cơ hội nhắm thẳng chúng nó mà quan sát, tư duy (một trong những hình thức: Quán tâm trên tâm và quán pháp trên các pháp)!!! Giả sử, một người đã tịch diệt vĩnh viễn hai món trên (tâm & pháp) thì lấy gì làm cơ sở tư duy!!! Các bạn nói cho mình nghe đi!!!???

Các bạn!!!

Cơ hội vàng đã đến, hãy tận dụng cơ hội ngàn năm có một mà quan sát, tư duy!!! Quan sát & tư duy đến bao giờ: Thằng phiền não nó tức thằng Bồ Đề!!! Ha ha ha ha!!!

Lúc đó, thật nghĩa của câu: “Phiền não tức Bồ Đề, sanh tử tức Niết Bàn” lập tức trở thành cảnh giới tốt đẹp của chính các bạn!!! Đây cũng là lí do vì sao, trong các kinh Đại Thừa, Phật không cho Bồ Tát chứng thiệt tế để tịch diệt vĩnh viễn kiết sử phiền não...

Mà khuyên các Bồ Tát nên giữ lại vài phần”!!!????? (Lời khuyên này còn nhiều thâm u, mai mốt đủ duyên, sẽ trao đổi tiếp với các bạn)

Để kết thúc bài viết, mình xin gởi đến mọi người mẩu đối thoại giữa Thiện Đức Thiên Tử và Phật, khi được hỏi về việc học tập trí tuệ, đại ý như sau:

Thiện Đức Thiên Tử hỏi Phật:  Bạch Thế Tôn!!! Trí tuệ là cảnh giới siêu quá thế gian!!! Chư Bồ Tát học cảnh giới đó ở đâu???

Phật bảo Thiện Đức Thiên Tử: Bồ Tát học trí tuệ ở nơi phiền não của chúng sanh”!!!

Rất mong, sau bài viết này, các HĐ Lý Gia dù đã giác ngộ hay chưa, đều hô to và thực hành cho bằng được khẩu hiệu: “Tập khí phiền não còn thừa sót trong ta, chỉ là con cọp giấy nên đừng có ngán nó!!! Toàn thể HĐ Lý Gia quyết tâm biến thứ các ấy thành con sư tử trí tuệ, cho ba cõi... ghê... chơi”!!! Ha ha ha ha!!!

Chúc mọi người tinh tấn!!!                      

(30/09/2019)

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 2
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG