Ba Vị Huynh Đệ Luận Về Tâm Và Pháp

 0
Ba Vị Huynh Đệ Luận Về Tâm Và Pháp

B: Thưa SH! Gần đây, nhiều người bàn luận về hai chữ tâmpháp trong Phật đạo!

Để làm sáng tỏ hai khái niệm trên, một lần nữa, xin SH giải thích cho chúng đệ hiểu: Thế nào là tâm, thế nào là pháp? Và hai khái niệm này, đóng vai trò quan trọng như thế nào đối với người tu hành?

A: Hai khái niệm “tâm” và “pháp”, là hai khái niệm quan trọng trong Phật đạo! Tâm và pháp là hai niệm xứ, trong bốn niệm xứ: Thân, thọ, tâmpháp! Người tu hành không hiểu, hoặc hiểu sai bốn khái niệm này, nhất định không thể giác ngộ, thậm chí dẫn đến phát sanh tà kiến!

֎ Thế nào là “Pháp? Trước khi nói đến tâm, người tu hành phải hiểu rõ pháp là gì! Vì sao lại như vậy?

Vì rằng, sở dĩ một hữu tình có sinh tâm (hư vọng), cũng tại bởi hữu tình đó có sinh pháp (hư vọng) và rồi mê pháp đó!

─ Để hiểu chữ pháp rõ hơn, chúng ta phải quay trở lại những kiến thức cơ bản của Phật đạo! Kiến thức cơ bản không chuẩn, sẽ không thể tu tập, không thể giác ngộ, không thể thành tựu bất kì một đạo quả nào, cho dù nhỏ nhất!

─ Phật đạo chỉ ra rằng, con người có sáu giác quan hay còn gọi là sáu căn, đó là: Nhãn (con mắt), nhĩ (lỗ tai), tỉ (lỗ mũi), thiệt (cái lưỡi), thân (cái thân) và ý (cái suy nghĩ)!

─ Mỗi căn hay mỗi giác quan, có một đối tượng để tiếp xúc, đó là: Con mắt, tiếp xúc với cái thấy như bình, bàn; lỗ tai, tiếp xúc với âm thanh như tiếng khen hay chê; lỗ mũi tiếp xúc với mùi hương như thơm, thối; cái lưỡi tiếp xúc với các vị như đắng, ngọt; cái thân tiếp xúc với thân cảm như nóng, lạnh; cái ý tiếp xúc với các nghĩ suy như thiện, ác! Sáu đối tượng tiếp xúc của sáu căn, Phật đạo gọi là sáu trần, đó là: Sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp!

─ Khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần, sẽ cho ra sáu sự nhận biết, đó là: Nhãn thức (nhận biết thuộc về con mắt), nhĩ thức (nhận biết thuộc về lỗ tai), tỉ thức (nhận biết thuộc về lỗ mũi), thiệt thức (nhận biết thuộc về cái lưỡi), thân thức (nhận biết thuộc về cái thân) và ý thức (nhận biết thuộc về cái ý)!

─ Theo những điều cơ bản nêu trên, ta thấy chữ pháp mà mọi người bàn luận mấy hôm nay thuộc về ý căn! Khi ý căn khởi lên nhận thức (ý thức) sẽ sinh các pháp!

  • Tóm lại, “pháp” là: Nghĩ suy, nhận thức, quan điểm, quan niệm, khái niệm, suy lường, v.v... Vì thế kinh Pháp Cú dạy: “Ý dẫn đầu các pháp”! Người xưa cũng nói: “Vạn pháp duy thức”!

Để giúp người dễ tu tập và thành tựu cứu cánh không pháp! Phật đạo chia pháp ra hai loại, đó là hữu vi pháp và vô vi pháp!

  • Thế nào là hữu vi pháp! Chữ hữu vi trong tiếng Hán có nghĩa là cái được làm ra, cái do tạo tác mà thành! Hữu vi pháp là những nghĩ suy, quan niệm, nhận thức, khái niệm, v.v... do ý thức làm ra!

Thế nào là “hữu vi pháp như mộng, huyễn, bào, ảnh”!

Câu này có nghĩa, các thứ do ý thức làm ra, tự nó không bền chắc, biến đổi theo thời gian, chỉ đúng với nơi này mà không đúng với nơi kia, v.v... Các quan niệm, nghĩ suy, v.v… trước không nay có, có rồi lại không, tức các hữu vi pháp phải chịu quy luật “sanh, trụ, dị, diệt”! Kinh dạy: “các pháp sanh diệt không ngừng”!

  • Thế nào là vô vi pháp! Vô vi là cái không do tạo tác, cái không được làm ra! Nhưng trên thế gian, không có một quan niệm hay nghĩ suy nào, chẳng do từ một thứ khác làm nên, vì thế kinh Đại Bảo Tích, Phật dạy: “Vô vi như sừng thỏ, lông rùa”! Lời dạy này có nghĩa rằng, danh tự vô vi thì có, mà thực thể của cái được gọi là vô vi thì không!
  • Như vậy, làm thế nào để người tu hành trong Phật đạo, thành tựu vô vi pháp? Như đã nói ở trên, vô vi như sừng thỏ, lông rùa! Vì thế, để thành tựu vô vi pháp, người tu hành phải tịch diệt hữu vi pháp! Hữu vi pháp rốt ráo tịch diệt, nơi tâm thức không còn bóng dáng của hữu vi, Phật đạo tạm gọi đó là vô vi!

Kinh Niết Bàn dạy: “Chư hành vô thường, thị sinh diệt pháp, sinh diệt diệt dĩ, tịch diệt vi lạc”!

  • Vì thế, khái niệm vô vi nhằm để chỉ đến một thứ tâm thức nào đó, mà ở đây không còn bóng dáng của nghĩ suy, khái niệm, quan niệm, suy lường (hành và thức), v.v... gọi chung là “vô sanh pháp”!
  • Tóm lại, hai chữ vô vi, hay vô vi pháp trong Phật đạo, thường ám chỉ cho cảnh giới xuất thế như: Niết bàn, chân lí, vô ngã, chân ngã, v.v…

Để mô tả cảnh giới xuất thế, cũng như để tránh việc người chưa giác ngộ lạm dụng, đem tâm suy lường, sinh các quan niệm hư dối về cảnh giới xuất thế, những cụm từ như “bất khả tư nghì, bất khả thuyết, bất khả bất khả, v.v...” ra đời!

− Hay nói khác hơn, những gì người ta có thể dùng các căn, hay tâm ý tiếp cận được, cái đó thuộc về hữu vi pháp!

− Để chỉ những gì gọi là vô vi pháp, kinh Đại Niết Bàn dạy về vô vi pháp như sau: “Pháp thiện chẳng thể được, pháp bất thiện chẳng thể được”!

− Để giúp người đời tránh việc đem tâm ý suy lường về cảnh giới xuất thế hay Niết Bàn, kinh Lăng Già dạy: “không có Niết Bàn Phật, không có Phật Niết Bàn”!

  • Kết luận, “pháp” là từ ngữ có tính chuyên môn và cơ bản của Phật đạo, là một niệm xứ quan trọng, mà người tu hành phải hiểu đúng để dùng đây làm chánh niệm tu tập, dùng đây làm chánh tư duy để quan sát tâm ý!

Nếu không hiểu, hoặc hiểu sai niệm xứ cơ bản này, nhất định không thể giác ngộ, không thể lãnh hội hết thâm ý của Phật đạo, và vĩnh viễn không thể thành tựu đạo quả xuất thế!

֎ Thế nào làtâm? Như đã nói ở phần trên, sở dĩ một hữu tình có tâm (hư vọng) là do ý thức có sinh khởi nhận thức hư vọng và mê nhận thức hư vọng ấy!

  • Nếu hữu tình không sinh các nhận thức hư vọng và không mê các nhận thức hư vọng thì, hữu tình đó tự bản chất không có cái được gọi là tâm hư vọng! Khi nào tâm hư vọng hoàn toàn tịch diệt thì, chính nơi ấy, Phật đạo tạm gọi là “chơn tâm hay bổn tâm”!

Làm thế nào để nhận biết hư vọng tâm sinh khởi? Trong mọi lúc, mọi thời, mọi nơi, v.v... Khi xúc duyên đối cảnh mà, trong lòng có những hiệu ứng tình cảm như, thương ghét, buồn vui, giận hờn, đố kị, ganh tị, hơn thua, sân si, v.v... sinh ra! Biết rằng, trong ta đang sinh hư vọng tâm!

Ngược lại, mọi lúc, mọi nơi, mọi thời, v.v... Khi xúc duyên đối cảnh, nhận thức rất rõ cảnh duyên ấy mà không mê mờ, không bị cảnh duyên lôi kéo để sinh các hiệu ứng tình cảm nói trên! Tâm ý thường như như bất động, thường an nhiên tự tại! Biết rằng, ta đang thành tựu vô sanh tâm hay thành tựu không tâm!

Để giúp người tu hành thành tựu không tâm, kinh Kim Cang dạy: “Bất ưng trụ sắc sinh tâm, bất ưng trụ thinh hương vị xúc pháp sinh tâm, ưng vô sở trụ nhi sinh kì tâm”! Để minh hoạ cho cảnh giới bổn tâm hay vô vi tâm chỉ có tên mà không có gì trong đó, kinh Niết Bàn Phật dạy: “Tâm chỉ là danh tự, tánh danh tự rời rạc”! Lục tổ Huệ Năng khi thấy được vấn đề bèn làm kệ mô tả như sau: “Bổn lai vô nhất vật, hà xứ nhá trần ai”!

  • Tóm lại, vô sanh tâm, vô vi tâm, không tâm, chơn tâm, bản lai diện mục, Niết Bàn, như như, bất động, v.v... tuy danh tự có khác, nhưng đồng chỉ chung cho cứu cánh “bản lai hữu tình không một thứ tâm có được”! Vì thế cùng với pháp niệm xứ, tâm niệm xứ cũng là một trong bốn niệm xứ quan trọng và cơ bản mà người tu hành trong Phật đạo cần hiểu đúng, và dùng đây làm chánh niệm, chánh tư duy tu hành! Nếu hiểu sai, hoặc không hiểu, nhất định không thể thành tựu bất kì một đạo quả nào, cho dù đó là đạo quả nhỏ nhất!

LM! Thưa SH! Nếu một người thành tựu “hai thứ vô sanh” là không sanh tâm và không sanh pháp! Người đó có trở thành vô tri, vô cảm, như cỏ cây ngói đá hay không?

A: Ha ha ha ha!!! Người tu hành trong Phật đạo, tịch diệt hư vọng pháp và hư vọng tâm để thành tựu hai vô sanh, chứ không phải tịch diệt thấy nghe hay biết, nên không thể vô tri, vô cảm! Thậm chí khi hư vọng tâm và hư vọng pháp tịch diệt, thấy nghe của người ấy sáng suốt lên bội phần và sau đó, bốn tâm vô lượng là từ, bi, hỉ, xả xuất hiện!

Vì sao như vậy? Vì chính pháp hư vọng và tâm hư vọng che chướng nên, thấy nghe bị hai thứ chướng là phiền não chướng và sở tri chướng làm ngại! Bị hai thứ chướng này làm ngại, gọi là người đang hệ phược bởi nhuận chi vô minh và căn bản vô minh!

Tâm hư vọng và pháp hư vọng tịch diệt, người này không bị hai thứ vô minh che chướng giống như, người mù đã được chữa lành đôi mắt, giống như hết đêm đến ngày, giống như nước đã được lóng trong, mọi thứ sẽ minh bạch rõ ràng!

B: Thưa SH! Người tu hành đã tịch diệt hư vọng tâm và hư vọng pháp, có phải đã thành tựu viên mãn Phật đạo hay chưa?

A: Tịch diệt hư vọng tâm và hư vọng pháp, chỉ mới xong phần tự độ, gọi là chứng Diệt đế! Về chủng tánh, tương đương với Thánh chủng tánh của Nhị thừa, hay Tánh chủng tánh của Bồ Tát (quyền thừa)!

Nếu muốn độ người, nếu muốn thành Bồ Tát nhất thừa cho đến Phật quả, vị này phải phát tâm cầu học Nhất Thiết Trí của Đạo đế và phát nguyện độ sanh để lần lượt thành tựu Đạo chủng tánh, Đẳng Giác chủng tánh và Diệu Giác chủng tánh!

  • Kết luận! Tâm như vùng tối từ bóng cây, pháp như hình dáng của bóng cây! Tâm và pháp không rời nhau, pháp thế nào tâm thế ấy, cùng sinh cùng diệt! Bóng cây và hình dáng của nó chỉ do các duyên hoà hiệp mà thành, vì thế nó không thật, hết duyên các thứ ấy tự mất!

Lời khai thị của Lục Tổ Huệ Năng cho Trần Đạo Minh sau đây, được coi là mẫu mực về cách làm thế nào để không sanh pháp, không sanh tâm, hầu thấy được bản chơn:

Nếu ông đã vì đạo pháp mà đến đây thì! Hãy đình chỉ các duyên (thấy nghe); chớ sinh một niệm (suy lường); không nghĩ thiện, không nghĩ ác (dừng vọng pháp)! Ngay lúc ấy, cái gì là bản lai diện mục (bản chơn) của Minh Thượng Toạ???!!!

Ha ha ha ha!!! Lão Huệ Năng coi vậy mà từ bi, lại đáo để trong việc dùng phương tiện! Vừa mới chạy bán sống bán chết, thiếu điều “vắt giò lên cần cổ” để giữ y bát!

Thế mà, khi kẻ rượt mình là Đạo Minh nhấc y bát không lên, sợ quá bèn tráo trở quay đầu cầu pháp, Huệ Năng vẫn thản nhiên, tự tại xuất chiêu khiến Đạo Minh lợi ích! Không biết lúc đó Lão Huệ Năng có vừa khai thị vừa thở hổn hển hay không!!! Thiệt đáng khâm phục!!!

Lời bình của Mao Đại Ca! Công lực của Huệ Năng sở dĩ tăng đáng kể là nhờ sáu tháng luyện “Tả Mễ Thần Công” (thần công giã gạo) ở nhà bếp, cho nên tuy chạy marathon để bảo vệ y bát, mà sức lực vẫn không suy suyển!

Ngược lại, Đạo Minh tuy trước đây là võ tướng, làm đến chức Tứ Phẩm Tướng Quân, vai u thịt bắp, bụng sáu múi như múi bưởi Biên Hoà, nhưng khi đến Huỳnh Mai chỉ tối ngày lo tu thiền định vì thế công lực… yếu… xìu… Chính lẽ đó, lúc chạy đến núi Đại Dũ, Đạo Minh Đại Ca hết xíu quách, nhấc y bát không lên, mắt nhắm mắt mở, hồn vía lên mây, tưởng có điều mầu nhiệm!!!

Để tỏ lòng ngưỡng mộ môn “Tả Mễ Thần Công”, người sau mới có thơ rằng:

  “Cho dù thịt bắp vai u!

  Tối ngày thiền định, xuân thu cũng còi!

  Công phu giã gạo không oai!

  Nhưng mà chạy chí chết, đố ai chạy… cho… bằng”!!!

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 0
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG