Hai Anh "Quảng Nôm" Bàn Chuyện Mần Chi

 0
Hai Anh "Quảng Nôm" Bàn Chuyện Mần Chi

B: Từ hôm quan đến chừ, sau khi chia tay, câu hỏi của mi đã được tau đem ra tư duy, mổ xẻ!

Nếu là ngày trước, ngày chưa gặp mi, nghe câu hỏi ni, tau có thể buộc miệng trả lời cho mọi người tức thì mà không cần suy nghĩ, thậm chí còn dạy người mần răng! Trong đời, tau đã từng trả lời, đã từng đàm đạo không biết bao nhiêu lần, với nhiều hạng người, nhưng tau chưa từng bị bất kì ai đó bắt bí, thậm chí thiên hạ còn khen tau là người hiểu rộng, biết nhiều, đạo pháp thâm sâu!

Thế mà! Đối trước câu hỏi như đùa của mi, suốt mấy chục tiếng đồng hồ, tau tự đối diện với chính mình, đem nguyên cái kho sở học ra làm cơ sở tư duy, vẫn không tìm ra đáp án! Tau tự trả lời, rồi tự phản biện, mà vẫn chưa có lời giải đáp thuyết phục!

“Muốn bước vào con đường xuất thế, việc đầu tiên phải làm cái chi?” Trong cuộc đời của mình, có vô vàn việc tau đã làm, nhưng khi đối diện với chính mình, khi phải trả lời với chính mình, khi tự phản biện, tau mới nhận ra, những việc mà tau đã làm, chưa việc nào cho tau ánh sáng xuất thế!

Nếu những việc nớ mở được cánh cửa xuất thế, thì nó đã mở rồi, đâu cần đợi đến bữa ni! Rứa mới biết, trả lời cho thiên hạ rất dễ, nhưng trả lời cho chính mình thì thiệt là khó! Vì rằng, thiên hạ chỉ nghe mình nói, nhưng họ không ở trong tâm mình! Còn trả lời cho chính mình, phải nói thật vì không thể dối gạt tâm ni!!!

Tau đã đưa ra nhiều phương án từ gần đến xa, từ dễ đến khó, rồi tự phản biện! Quy y ư? Tau đã làm rồi! Đọc kinh ư? Tau đọc không sót bộ kinh mô mà tau có được! Ngồi thiền ư? Từ khi biết đến Phật đạo, tau chưa bỏ thời công phu mô! Hàng phục tâm ư? Tau đã rèn giũa bản thân từng giờ từng phút! Tư duy nghĩa lí ư? Tau đã từng biện luận trước nhiều người! Giữ giới ư? Tau rất tôn trọng giới! Đoạn tâm ư? Tau đã dùng mọi cách! Không chấp nhất ư? Tau không thuộc hạng người chấp nhất! Mê muội ư? Tau không phải là hạng người tham lam mê muội! Bỏ cái ngã ư? Nếu cái ngã tau lớn, thì đâu có chuyện ngồi chung bàn với mi! Buông xã ư? Tau đã tập từ khuya!!!!!!

Nói chung, tau đã đưa ra không biết bao nhiêu câu trả lời, với bao nhiêu việc cần làm, nhưng xét tận cùng, những việc nớ tau đã từng làm mà chẳng việc làm mô cho tau một chút ý nghĩa xuất thế!

Tau biết câu hỏi của mi như đùa, nhưng không đơn giản! Tuy trong hiện tại, tau chưa trả lời được, nhưng câu hỏi lại không làm tau bế tắc, mà nó giúp tau sáng ra! Câu hỏi đơn giản của mi, nhưng với tau như một quả bom nguyên tử, nó đã nổ tung và phá tan mọi định kiến tu hành xưa nay trong lòng mình! Câu hỏi đã giúp tau không còn chạy theo những hô hào đao to búa lớn nhưng lại rổng tuếch và vô nghĩa! Câu hỏi đã giúp tau hết dong ruổi theo những câu từ vô bổ để nhìn lại chính mình! Câu hỏi đã giúp tau nhận ra, từ xưa đến nay mình chỉ tư duy theo lối mòn mà chưa một lần nghĩ đến việc phản biện để làm sáng tỏ sự việc! Câu hỏi đã giúp tau tìm ra phương pháp tư duy mới, tau cũng nhận ra rằng tri thức thế gian không thể giải bài toán xuất thế! Và tau trực nhận ra, tư duy thấu đáo một vấn đề, chính là hành động tu tập của đạo trí tuệ!

Có tư duy, có phản biện, mới nhìn ra và có những đánh giá xác thực về bản thân trong việc tu hành! Nếu cứ mãi đeo trên đầu trên cổ xâu chuỗi văn tự, coi như món trang sức thời thượng mà chẳng hiểu thật nghĩa, chả khác gì bóng ma đang sở hữu, đang ve vút, đang thoả mãn với mớ tiền âm phủ! Từ đó, tau nhận ra, thế nào mới là tiếng gầm của con sư tử đích thực!

Tau không phải là hạng người dễ dàng buông khí giới! Hôm nay chưa thể trả lời, vì tau biết rằng không thể nói trăng nói cuội với mi như tau đã nói với bao người khác! Nhưng tau tin, một ngày không xa, tau sẽ tìm ra đáp án một cách thuyết phục! Mi hãy tin tau đi!

A: Tau tin mi! Những gì mi đã nói, cho thấy sau một đêm, mi trưởng thành và chín chắn hơn nhiều! Đạo pháp là rứa đó! Nói với người, là nói với chính mình! Lòng này, mới là người phán xét công tâm, là thước đo thực tế mức độ thành tựu của bản thân! Ta có thể dối người, ta có thể bắt người khâm phục trước miệng lưỡi của ta, nhưng tâm ta có khâm phục hay không mới là đích đến của đạo! Tau tin một con người như mi, nhất định đáp án đang ở rất gần!

B: Tau lại có một thắc mắc: Người ta vẫn thường nói, “ngoài đời không có đạo”! Hay, “ngay nơi thế gian có đủ nghĩa xuất thế”! Hoặc, “đời đạo không hai”! Thậm chí Lục Tổ cũng từng nói: “Lìa đời tìm chánh giác, chẳng khác tìm sừng thỏ”!!! Răng hôm qua mi lại nói: “Đạo thế gian và đạo xuất thế không chung đường”! Hoặc “đạo thế gian và đạo xuất thế khác nhau về bản chất”? Mi có thể giải thích điều ni cho tau nghe hay không?

A: Rứa trước đây, mi có từng hô hào, có từng cắt nghĩa đến văng nước bọt với người khác về những câu trên hay không! Mi nói thiệt cho tau nghe đi?

Chắc chắn một điều là, mi đã từng rao giảng, đã từng cắt nghĩa thao thao bất tuyệt cho người về những điều nớ! Nhưng, thực tế đến chừ, mi có dám nói chắc rằng: “Mi biết rõ cái chi là đạo thế gian, cái chi là đạo xuất thế hay không”! Tau cam đoan là mi không biết, và mi cũng chưa một lần nghĩ đến điều ni! Rứa đó, cứ ôm một mớ văn tự, cứ gặp nhau là tung mây lướt gió như là thánh sống, mà thực nghĩa ngô khoai ra răng thì mù tịt!!!

Các câu nớ, là thật nghĩa của đạo! Nhưng, nó là thực nghĩa của người đã giác ngộ. Còn đối với kẻ chưa hết u mê thì, các câu nớ chẳng khác chi “anh mù luận bàn màu sắc”! Mi có hiểu tau nói cái chi không?

Giống như người giám đôc, có thể nói với các công nhân của mình: “Tôi với các bạn (bình đẳng) phải thường xuyên ngồi chung mâm để ăn uống với nhau”! Tau hỏi mi, anh công nhân hạng bét có nên nói rằng: “Tôi với ông giám đốc (bình đẳng) phải thường xuyên ngồi chung mâm ăn uống với nhau”! hay không?

Hoặc ông Thủ tướng nói trước bàn dân thiên hạ: “Cuộc sống của tôi, không khác gì bà con”! Nhưng anh phó thường dân có nên nói rằng: “Cuộc sống của tôi, không khác gì ông Thủ tướng”!!!?

Hoặc một ông tỉ phú tuyên bố: “Tau mua chiếc tàu bay, dễ như bọn thanh niên mua chiếc xe hai bánh”! Câu nói của ông tỉ phú, cái dễ của ông tỷ phú lại là cái khó còn hơn lên trời của mấy anh khố rách áo ôm! Đừng tưởng rằng, phát biểu của một người nào đó cũng chính là phát biểu của mình, khi mình với họ không cùng cảnh giới, không cùng địa vị!!!

Rứa đó! Rứa đó!!! Có những câu nói, có những ý nghĩa,

tuy là thật nghĩa của đạo, nhưng không phải là thật nghĩa của mọi người! Chính sự nhầm lẫn, sự không biết rõ vị trí của mình ở đâu trong đạo pháp, nhiều người lấy câu nói của Tổ, của Phật, của người đã giác ngộ đem ra vung vít vô tội vạ, mà bản thân khi nhìn kĩ lại là hạng “chỉ nên dựa cột”, đối với đạo pháp, hiểu biết không hơn “dùi đục chấm mắm nêm”!!! Mi có còn thắc mắc điều chi về những câu nói nớ hay không?

B: Tau còn một câu hỏi nữa, mi trả lời luôn, rồi tau về suy nghĩ tiếp câu hỏi: “Có người nói, muốn thành tựu đạo xuất thế, phải là người xuất gia! Còn tại gia tu không được, hoặc rất khó?” Có phải như rứa hay không?

A: Thế gian hay xuất thế đều tại tâm ni, chớ không phải ở người xuất gia hay tại gia! Thế gian hay xuất thế, là kết quả của giác ngộ, chớ không phải ở tại gia hay xuất gia!!! Vấn đề nằm ở chỗ, như tau nói với mi hôm qua, những ai nắm vững tri kiến, kỹ thuật, công nghệ xuất thế, sẽ sản xuất thành công con tàu xuất thế! Con tàu xuất thế không phải là tài sản riêng của một ai, hay của một tập thể đặc trưng mô!

Còn chuyện khó hay dễ! Không có việc chi trên đời là dễ, cũng chẳng có việc chi trên đời là khó! Việc chi biết rõ, việc đó trở thành dễ, việc chi không biết, việc đó trở thành khó!

Đạo pháp không dễ mà cũng chẳng khó! Người có quyết tâm, có ý chí, có đầu óc, đủ duyên lành... điều tưởng chừng như khó nhất, cũng sẽ trở thành dễ dàng!

Còn con nhỏ ni! Hồi tối tới chừ ngủ hay tư duy!!! Biếng nhác, không có cái đầu, không nổ lực tư duy tu tập, tau không dẫn đi mô!!!

LM: Sư Huynh ơi! Hi hi hi hi!!! Muội không giỏi tư duy! Nhưng muội rất... giỏi... năn... nỉ!!!!!!!!!!    

(21-08-2019)

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 0
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG