Hai Anh "Quảng Nôm" Bàn Chuyện Tu Sửa

B: Bữa ni tau phải tâm sự với mi, quyết nói hết nỗi lòng của mình, sau nhiều đêm trằn trọc! Mi có thể ngồi nghe tau nói hay không?
A: Chỗ bạn bè với nhau, mi đừng ngại! Nhưng tau chỉ nghe mi nói những chuyện liên quan đến tu hành. Còn chuyện đời, chuyện gia đình, mỗi người một hoàn cảnh, có nói đến chết cũng không rồi. Có nghe, tau cũng chẳng giúp gì được cho mi trong tư thế một thằng xe thồ! Nói thiệt với mi, chuyện đời, chuyện riêng tư của người, chuyện đúng sai, thị phi, thế sự, tau đã bỏ ngoài tai nhiều năm rồi! Cho nên tau chỉ nghe mi nói điều chi liên quan đến tu học, điều ni tau có thể giúp mi. Ngoài chuyện nớ ra, tau không thể ngồi đây mà nghe mi tâm sự!
B: Tau biết tánh mi mà! Tau cũng chỉ tâm sự đến chuyện tu hành!
A: Như rứa! Tau sẳn sàng nghe đây! Mi cứ nói đi!
B: Mi biết đó! Tau với mi thân nhau hồi còn đi học, lớn lên mỗi thằng một ngã, một năm trở lại đây gặp mi, mi không còn là thằng... ngày xưa! Quả thiệt! Mi là một con người khác, khác đến không ngờ! Khác từ cách ứng xử đến nhận thức!
Một thực tế không thể phủ nhận, nói đến chuyện học hành bằng cấp, mi đừng buồn, tau đủ sức dạy mi. Nói đến xuất thân, mi biết tau là thằng xuất thân từ gia đình khoa bảng của đất miền Trung. Nói đến kinh tế, gia sản của mi không bằng tiền lẻ con tau tiêu vặt. Nói đến địa vị, ngày tau còn làm việc, thành phố ni có bao nhiêu người ao ước. Nói đến đạo đức ở đời, tau xuất thân là “con nhà gia phong lễ giáo”, từ đó tau không ngừng rèn giũa bản thân, chắc những điều ni không nói mi cũng biết. Nói đến đạo pháp, gia đình tau thuộc loại truyền thống của Phật giáo miền Trung. Nói đến kiến thức từ đời đến đạo, tau là con mọt sách không ngừng nghiên cứu... Nhìn chung, tau hơn mi mọi mặt!
Nhưng, sau nhiều lần gặp nhau, nhiều lần trao đổi, được nghe mi phân tích, nghe mi nhận định, nghe mi đánh giá, nghe mi giảng giải chuyện tu hành, v.v... Có thể nói, tau nhìn thấy sức tự tại, sự thông tuệ, nét tự tin, cái trực tâm, tính nhân văn, tính quyết đoán, sự minh bạch trong con người mi! Một thay đổi đến ngạc nhiên! Nói khác hơn, tau hơn mi mọi thứ trên đời, nhưng những thứ trong hiện tại mi có, chính là ước ao cháy bỏng mà tau đi tìm cả cuộc đời ni, thì lại không có!
Tau biết rằng, tu là sửa! Tau nói thiệt! Bản thân tau đã sửa và sửa! Sửa từ trong tận cùng sâu thẳm của lòng mình, đến cách thể hiện ra bên ngoài! Nhưng rồi tau thầm nghĩ, mình phải sửa đến chừng mô mới xong! Thậm chí Bổn Sư của tau, theo tau đánh giá, sự thiện lương, lòng thương người, quyết tâm tu hành, ông ta không thua bất kì ai. Nhưng chính ông ta từng thú nhận với tau, Thầy đã sửa đến tận cùng của hiểu biết, nhưng đạo xuất thế là thứ chi thì chưa thể bắt gặp!
Tau hỏi mi! Theo nhận xét của mi, tau cần phải sửa điều chi để có được những cái mi có?
A: Chỗ thâm tình, tau hỏi mi: “Có thể nào, người ta sửa một chiếc xe hơi, với hi vọng chiếc xe hơi đó trở thành chiếc tàu bay, bay lên trời được hay không?”
B: Mi nói chi lạ rứa! Người ta chế chiếc xe hơi để chạy dưới đất, chiếc tàu bay để bay lên trời, hai chiếc ni vận hành hoàn toàn khác nhau về nguyên lí và cấu tạo, v.v... Thì mần răng mà sửa, mà độ để chiếc xe hơi trở thành chiếc tàu bay! Chiếc xe hơi mới còn không bay được, chớ nói chi đến chiếc xe hơi cũ!!!!!!!
A: Như rứa là, mi đã tự trả lời những thắc mắc của mình rồi!
B: Không lẽ nào! Bảo rằng “tu là phải sửa”, lời ni sai hay răng?
A: Tu là sửa! Lời ni hoàn toàn không sai! Nhưng, như một chiếc xe hơi, người chỉ có thể sửa để một chiếc xe hơi khiếm khuyết trở thành một chiếc xe hơi hoàn hảo, chứ không thể sửa để nó trở thành chiếc tàu bay!
B: Mi có thể giải thích cụ thể hơn hay không?
A: Tu là sửa, điều này rất đúng, nhưng chỉ đúng với đạo thế gian! Sửa để từ một người không tốt trở thành người tốt, sửa để một người không có đạo đức trở thành người có đạo đức trong đời, sửa để từ một người keo kiệt, trở thành kẻ biết thương người, sửa để một người không có đạo lí trở thành kẻ có đạo lí ở đời, v.v...
Nói chung, người ta sửa để trở thành một con người hoàn hảo trong đạo thế gian! Sự sửa chữa ni, không thể biến một người tốt của thế gian thành tựu đạo xuất thế!
Con đường (đạo lí) của thế gian cho dù có tốt đẹp cách mấy, cũng không thể đưa đến cửa ngõ xuất thế! Phương tiện của thế gian, dù ưu việt đến không còn phương tiện mô ưu việt hơn, cũng không thể chở người đến Niết Bàn! Nói chung, chìa khoá thế gian, không thể mở ổ khoá xuất thế! Đây được coi là nguyên tắc bất di bất dịch, cũng là bí mật của đạo pháp!
Đúng hơn, giữa đạo thế gian và đạo xuất thế hoàn toàn khác nhau về con đường cũng như bản chất! Cho nên, người xưa mới nói: “Quy căn đắc chỉ, tuỳ chiếu thất tông.”! Đạo thế gian dạy người thành kẻ tốt để hướng ra ngoài mà đối nhân xử thế, đạo xuất thế dạy người chỉ nên quay trở về cái căn bản của đạo chính là “bổn tâm không đạo”! Mi có hiểu tau nói chi không?
B! Không lẽ đạo xuất thế, không giống đạo lí thế gian?
A: Hiện tại, chưa phải là lúc, mi với tau bàn đến chuyện giống hay khác, khi mi chưa biết đạo xuất thế là cái chi!
Chừng mô, mi giác ngộ, biết rõ đạo xuất thế là cái chi, lúc đó hai đứa mình bàn cũng không muộn! Thậm chí, chính mi sẽ tự trả lời sự giống hay khác đó!
B: Nhưng, mi có thể nói để tau có một chút khái niệm sơ sơ về đạo xuất thế được không?
A: Những khái niệm đơn giản giữa đạo thế gian và xuất thế, tau có thể chia sẻ cho mi!
Thế gian, dạy người tu sửa, để từ một con người xấu trở
thành con người tốt! Đạo xuất thế, dạy người lìa bỏ, vượt thoát ra khỏi hai khái niệm tốt xấu của thế gian!
Thế gian, dạy một người mang ác tâm, tu sửa để thành người có thiện tâm! Đạo xuất thế, dạy người siêu quá hai pháp thiện ác!
Thế gian, dạy người theo đạo ni, phải học tập lề thói của đạo ni, không được theo đạo khác, vì đạo ni mới là số một!
Đạo xuất thế, dạy người: “Không tâm, không đạo mới chính là đạo”! Vì rằng “hết thảy chúng sinh đều có Phật tánh”!
Khi mê thấy có đạo ni khác đạo kia! Hết mê, người ở đạo mô cũng có thể thành Phật! Những ai còn mê, cho dù có nhân danh đạo chi, cũng không thể thoát khỏi phiền não, trói buộc của đạo thế gian!
Nói tóm lại, có vô số sự khác biệt giữa thế gian đạo và xuất thế gian đạo! Ở đây chúng ta không bảo rằng đạo thế gian tốt hay đạo xuất thế tốt!
Chúng ta cũng không nên bảo rằng, định nghĩa: “Tu là sửa” là sai hay đúng! Mà chỉ nên nói rằng: “Những ai thích đạo thế gian, thì hãy tu sửa để trở thành một người tốt như đạo thế gian mong muốn! Còn những ai ham thích đạo xuất thế thì, định nghĩa tu là sửa theo kiểu thế gian, không phải con đường đưa người đến bến bờ xuất thế!”
Điều ni, giống như người ta không thể sử dụng tri thức, kĩ thuật, công nghệ, v.v... của việc chế tạo một chiếc xe hơi để sản xuất một chiếc tàu bay! Vì rằng, mỗi thứ đều có tri thức, kĩ thuật, công nghệ riêng của mình! Mà mỗi một thứ tri thức, công nghệ, kĩ thuật, v.v... đều có tính ưu việt đặc trưng của nó! Sử dụng sai, vô hình trung, tự huỷ hoại tính ưu việt của loại công nghệ, kĩ thuật đó!
B: Tau hiểu! Tau hiểu! Cảm ơn mi! Chỉ riêng điều ni, mi đã là bậc Thầy của tau về phương diện giáo pháp! Tau hiểu ra sức tự tai, sự thông tuệ, tính nhân văn trong con người mi có được hôm nay, là do mi đã áp dụng đúng “tri thức, kĩ thuật, công nghệ của giáo pháp”! Còn tau, kẻ tự cho mình là người trí, mà lại lấy tri thức, công nghệ, kĩ thuật thế gian để mong thành tựu đạo xuất thế! Tau đã bỏ gần cuộc đời để mong chiếc xe hơi cũ kĩ có thể bay lên trời! Tau biết mình đã sai rồi! Đã sai rồi!
Bây chừ! Mi là Thầy của tau về phương diện ni rồi! Nhưng mà, tau phải làm răng? Mi nhận tau làm đồ đệ đi!
A: Tau không đủ sức làm Thầy của mi! Tau còn Thầy của tau! Hiểu biết của tau chỉ là con đom đóm, Thầy tau mới là mặt trời! Nếu mi muốn, tau sẽ xin phép để mi với tau cùng làm huynh đệ, học chung một Thầy”!
LM: Hai huynh cho muội theo với!
A: Con nhỏ mắm ruốc ni cũng muốn học tri thức, kĩ thuật, công nghệ xuất thế hả?
LM: Từ ngày gặp huynh, trong lòng tiểu muội đã coi huynh là Sư Huynh của mình!
A: Trước khi dẫn hai đứa bay đi gặp Thầy của tau, tau hỏi hai đứa một câu, câu ni không khó nếu chịu tư duy! Phật đạo là đạo trí tuệ! Tư duy như pháp chính là con đường khai mở trí tuệ!
Hai đứa bay từ xưa đến chừ, quen thói tư duy theo lối mòn, tư duy theo đạo thế gian, lấy tri thức thế gian để hiểu về đạo xuất thế, thành ra không thể thấu suốt ý nghĩa của đạo xuất thế! Bữa ni, hai đứa bay phải tập tư duy theo cách tư duy của đạo xuất thế, tập thành thục tư duy sẽ nhạy bén, từ đó hiểu ra nhiều điều bí ẩn của cái được gọi là đạo xuất thế!
Câu hỏi như ri: “Một người bình thường (như hai đứa bay) muốn bước vào con đường xuất thế. Điều đầu tiên, phải mần (làm) cái chi?”
Đứa mô tư duy không ra, tau không dẫn đi!!!!!!
Cháy chén! Cháy chén! Hào Huynh Tí! Cháy chén!!!!!!
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






