Ba Vị Huynh Đệ Luận Về Cực Lạc

 0
Ba Vị Huynh Đệ Luận Về Cực Lạc

B: Thưa SH! Thời gian gần đây, trong giới tu hành thường bàn luận nhiều về cõi Cực Lạc, người cho rằng Cực Lạc là thật có, người cho rằng Cực Lạc là không có!

Xin SH giải thích cho Tiểu Đệ và Lã Muội biết, rằng cõi Cực Lạc, tức quốc độ của Phật A Di Đà là có hay không?

A: Thỉnh thoảng, mình cũng có nghe chuyện người ta bàn luận về cõi Cực Lạc là có hay không!

Và theo mình, chuyện này từ xưa đến giờ luôn là đề tài để người tu hành đưa ra bàn luận! Và tất cả chỉ dừng lại ở luận bàn, chưa có hồi kết! Như vậy, thực chất chuyện cõi Cực Lạc là có hay không, mình xin đưa ra quan điểm cá nhân như sau:

Những ai cho rằng, cõi Cực Lạc là thế giới vật lí (vật chất) nằm trong không gian, ở một nơi xa xăm nào đó, giống như quả đất của chúng ta! Theo mình thì, những người hiểu về thế giới Cực Lạc, hay các Phật quốc độ được ghi chép trong kinh điển Phật giáo trên tinh thần như thế, những người ấy dù nói rằng: “Cực Lạc là có hay không”, lời nói này đều không ổn, thậm chí xa rời Phật đạo!

Vì sao bảo rằng, những người hiểu như vậy, cho dù nói Cực Lạc là có hay không đều không ổn?

Muốn lí giải thoả đáng việc này, chúng ta cần nắm vững tinh thần giáo dục của Phật đạo! Tức chúng ta phải biết rằng, đối tượng của Phật đạo nhắm đến là điều gì? Nếu chưa thông suốt việc này, cho dù có bàn luận đến mãn kiếp, cũng chẳng thể thống nhất với nhau! Và, người nói Cực Lạc là có, hay kẻ nói Cực Lạc là không, hai người này chẳng thể giải quyết mối nghi của bản thân, và mối nghi của người tu hành!

B: Thưa SH! Như vậy, trọng tâm giáo dục của Phật đạo là nhắm đến đối tượng nào?

A: Trọng tâm giáo dục của Phật đạo là nhắm thẳng vào tâm thức người tu hành! Có nghĩa rằng, mọi cảnh giới, mọi quốc độ, v.v... nếu Phật đạo có nói ra, cũng chỉ nói đến sự biến hiện của tâm thức! Chứ Phật đạo không đề cập đến thế giới bên ngoài tâm thức hay thế giới vật lí!

Vì thế, các chỉ thú như: “Nhất thiết Phật ngữ tâm”, “hết thảy do tự tâm hiện”, “khéo phân biệt tự tâm hiện lượng”, “tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”, “tứ niệm xứ”, v.v... luôn được nhắc đến trong kinh điển Phật giáo! Đây là kim chỉ nam, là đối tượng cụ thể để người tu hành lấy đó làm mục tiêu điều phục và làm cơ sở lí luận!

Hay nói khác hơn, giải quyết tâm và pháp là triết lí giáo dục của Phật đạo! Các lời dạy như: “Vì thương chúng sanh nên, Như Lai vẽ các hình” hay “chớ nên hướng ngoại tìm cầu” chẳng phải là lời cảnh báo, khuyên người tu hành chớ nên phóng tâm ra ngoài, đi tìm một cảnh giới nào đó của Phật đạo thông qua thế giới vật lí bằng suy luận chủ quan!

B: Thưa SH! Như vậy, tất cả các cõi, kể cả cõi Cực Lạc được ghi lại trong kinh, cũng chỉ là cảnh giới biến hiện của tâm thức, chứ không phải là thế giới bên ngoài tâm thức hay thế giới vật lí?

A: Đúng vậy! Tất cả các cảnh giới được ghi chép trong kinh điển đều là cảnh giới biến hiện từ tâm thức, chứ không phải thế giới vật lí!

B: Thưa SH! Như vậy cõi Cực Lạc hay các cảnh giới được ghi chép trong kinh là có hay không có?

A: Các cảnh giới đó: Cũng có, cũng không có!

B: Thưa SH! Vì sao nói rằng, các cảnh giới đó cũng có, cũng không có?

A: Nói rằng các cảnh giới đó cũng có, cũng không có là vì: Đã là cảnh giới biến hiện từ tâm thức nên, khi nào tâm thức hội đủ các duyên, cảnh giới đó sẽ hiện gọi là có! Những ai tâm thức không hội đủ các duyên, các cảnh giới đó sẽ không hiện, gọi là không có!

Có nghĩa rằng, cho dù là thiện cảnh giới hay ác cảnh giới, muốn đến được cảnh giới đó, đòi hỏi tâm thức phải hội đủ những điều kiện nhất định! Những ai không hội đủ các điều kiện, muốn đến cũng không được! Những ai hội đủ điều kiện, muốn tránh cũng không xong!

B: SH có thể cho một vài ví dụ để làm sáng tỏ vấn đề?

A: Ví như, người muốn đến cảnh giới sơ thiền, người này phải hội đủ các yêu cầu của sơ thiền như: “Ít muốn biết đủ, xa rời các dục, xa rời các ác bất thiện pháp, thực hiện đầy đủ giác quán như pháp...” Khi thực hiện hoàn hảo các pháp như thế, tâm thức vị này sẽ phát sinh năm chi của sơ thiền, gọi là người vãng sanh sơ thiền! Khi tâm thức vãng sanh đến đó, người này mới thực biết rằng, cảnh giới sơ thiền là cảnh giới của tự tâm hiện, chứ chẳng phải cõi nước vật lí bên ngoài tâm!

Người không thực hiện đầy đủ các yêu cầu trên, cho dù có ngồi tu mãn kiếp, hay suy lường đến bạc đầu, cảnh sơ thiền cũng không hiện, và không thể thực chứng sơ thiền là như thế nào!

Ví như, người có tâm tính xấu ác, hay làm các ác nghiệp, trong mỗi hành động đều chứa ác tâm, mọi nghĩ suy đều toan tính ác pháp, v.v... Khi tâm thức viên mãn ác nghiệp, tâm thức người này tất chịu khổ đau, ngu si, v.v... Phật đạo gọi kẻ ấy là người bị đoạ vào ba đường dữ! Ba đường dữ ở đây nhằm chỉ cho tâm thức biến hiện, không phải có một địa ngục nào đó ở ngoài tâm thức!

Ngược lại, người làm thiện nghiệp, người không tạo ác nghiệp, hoặc lỡ gieo tạo ác nghiệp mà tâm thức chưa đủ yếu tố cấu thành ác quả, tâm thức người ấy muốn đoạ vào khổ đau như người làm ác nghiệp cũng không thể được!

Với người giác ngộ, trước muôn cảnh không sinh tâm, trước muôn duyên không sinh pháp, thời thời tâm thức vắng lặng, v.v... Người này không muốn đến Niết Bàn, tâm thức họ cũng tự Niết Bàn, muốn trở lại ba cõi khổ cũng không thể trở lại!

Từ những đơn cử trên, ta có thể hiểu ra, nếu người tu hành nào chán cảnh khổ thế gian, muốn cầu về Cực Lạc! Khi người này tu tập đầy đủ 12 món của Tư lương vị, tâm thức hoàn thành ba nghiệp phần Tịnh Độ, lúc tư lương vị và các nghiệp phần viên mãn, người ấy không muốn vãng sanh Tây Phương, Tây Phương Cực Lạc cũng hiện trong tâm thức người đó! Còn những ai, muốn vãng sanh Tây Phương mà tư lương vị không đủ, ba nghiệp phần chưa viên, cho dù có cầu xin đến chết, Cực Lạc cũng chẳng hiện trong tâm!

  • Nói tóm lại, mỗi cảnh giới trong Phật đạo là một thế giới biến hiện của tâm thức, mỗi cảnh giới đều có những điều kiện riêng của nó, người tâm thức không hội đủ điều kiện của cảnh giới đó, thì không thể nào đến cảnh giới đó được!

Ta có thể tạm hiểu các điều kiện ấy như sau:

Có một người từ nước A, muốn sang định cư ở nước B, người này phải thực hiện các yêu cầu sau: Đầu tiên phải tìm hiểu, muốn làm công dân của nước B, nước B đòi hỏi những yêu cầu gì, các yêu cầu đó ta có đáp ứng được hay không! Khi thấy bản thân đáp ứng được các yêu cầu nước B, người này phải tìm xem nước A có những luật lệ gì đối với người muốn ra đi để định cư ở ngước ngoài!

Khi người đó thoả mãn yêu cầu của hai nước, người này làm thủ tục, kiếm đủ tiền và chờ kết quả, khi nào có kết quả và bản thân đủ tiền bạc để mua vé tàu xe, v.v... mới có thể ra đi! Việc vãng sanh các tịnh quốc độ hay các cảnh giới trong Phật đạo cũng gần giống như vậy!

LM: Thưa SH! Đỉnh cao của Phật đạo là trí tuệ, chứ chẳng phải các thiền thú hay tịnh quốc độ! Nhưng vì sao, Phật đạo lại tuyên thuyết nhiều cảnh giới như thế? Và các thiền thú hay tịnh quốc độ đó giúp ích gì trong việc tìm đến cứu cánh vô thượng trí tuệ hay không?

A: Hai vị HĐ! Đúng! Đỉnh cao của Phật đạo là trí tuệ, chứ chẳng phải các cảnh giới của tâm thức!

Nhưng, trí tuệ của Phật đạo là thứ trí tuệ xuất thế gian, được xây dựng trên nền tảng vô lậu tâm! Cho nên những ai tâm thức chưa thoát khỏi thế gian trói buộc, còn kiết sử, phiền não, lậu hoặc sẽ khó tiếp nhận!

Vì thế, Phật phải hoá hiện ra các thiền thú cũng như các tịnh quốc độ, để nhân nơi các thiền thú cũng như các tịnh quốc độ đó giúp tâm thức hữu tình rời xa ác quốc độ, vào thiện quốc độ, dần dần tiến đến chấm dứt kiết sử, phiền não, lậu hoặc và cuối cùng thoát khỏi cột buộc thế gian...

Chừng ấy, mới có thể giảng nói đạo trí tuệ! Cho nên, ba mục tiêu: Giác ngộ, giải thoát và trí tuệ được Phật đạo đề ra! Ba mục tiêu này, chính là ba giai đoạn người tu hành phải trải qua trong quá trình tu tập để tiến về vô thượng trí!

Điều này cũng giống như sự học ở đời! Về lí mà nói, học tập là tiếp thu tri thức, để tiếp thu tri thức, chỉ cần có người dạy và người học là việc chuyển giao tri thức xảy ra!

Nhưng, trong thực tế không đơn giản như vậy! Để giúp người dạy và người học hoàn thành công việc chuyển giao tri thức, người ta phải tính đến những tác động thuận và nghịch trong quá trình dạy và học... Từ đó, cơm ăn, áo mặc, trường lớp, đồ dùng dạy học, v.v... ra đời!

Mặc dù, cơm ăn, áo mặc, trường lớp, thiết bị, v.v... không dính dáng nhiều đến việc chuyển giao tri thức! Nhưng thiếu những thứ ấy, việc dạy và học rất khó khăn, không muốn nói là không thể thực hiện được!

Thì cũng vậy, công việc chuyển giao trí tuệ trong Phật đạo cũng cần phải có những phương tiện phù hợp cho từng đối tượng và đòi hỏi một môi trường lí tưởng! Đây là lí do vì sao, đối với những người chưa giác ngộ, Phật phải hoá hiện ra nhiều cảnh giới! Mục tiêu các cảnh giới này chính là tạo phương tiện thích hợp và môi trường lí tưởng, nhằm giúp hạn chế tối đa các tác động tiêu cực đối với những tâm thức còn non yếu khi chưa giác ngộ!

B: Thưa SH! Bây giờ mọi thứ đã sáng tỏ trong lòng Tiểu Đệ!

Các cảnh giới trong Phật đạo là cảnh giới của tâm thức, chứ chẳng phải thế giới vật lí! Nếu không quay lại tâm này để tu tập, cứ mãi chạy ra bên ngoài rồi suy lường, phân tích để cho rằng Cực Lạc là thế giới vật chất, từ đó bảo rằng các tịnh quốc độ là có hay không, có hay không theo cách nhìn nhận từ suy luận như thế đều không thoả đáng, thậm chí trái với triết lí giáo dục của Phật đạo!

LM! Xin cảm ơn SH những luận giải hôm nay! Đúng là như lời kinh dạy:

                             “Người trụ nơi phân biệt

                               Làm hư thanh tịnh nhãn

                               Lại thêm lớn ngu si

                              Người này...không...thấy...Phật...”!!!

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 0
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG