Hai Anh "Quảng Nôm" Bàn Chuyện Sanh Tử

 0
Hai Anh "Quảng Nôm" Bàn Chuyện Sanh Tử

B: Tau thường nghe nói, tu hành trong Phật đạo, nếu đắc thành quả vị nào đó, sẽ ra khỏi sanh tử, một dạng giống như tu luyện để trở thành “trường sinh bất tử” trong truyền thuyết, có phải như vậy hay không?

A: Nếu có người làm được điều ni, thì vị ấy sẽ là người sống lâu nhất, được cả thế giới biết đến. Nhưng từ xưa đến nay, chưa một ai trên đời có thể thoát ra khỏi quy luật “sinh, lão, bịnh, tử”. Thậm chí đến các vị giáo chủ tiếng tăm kể cả Đức Phật cũng không thể ra ngoài quy luật ni được!

B: Như vậy theo mi, tu hành trong Phật đạo ra khỏi sanh tử là ra khỏi cái chi?

A: Theo tau biết, Phật đạo không dạy người tu hành thoát khỏi sanh, lão, bịnh, tử! Mà Phật đạo chỉ dạy người ra khỏi “sanh, lão, bịnh, tử khổ”. Có nghĩa rằng, khi người tu hành đắc thành một quả vị nhất định nào đó, người này sẽ chấm dứt mọi khổ não, trong đó có cái khổ của sanh, lão, bịnh, tử. Nói nôm na là “ra khỏi sanh tử khổ”!

B: Nhưng tại răng vẫn có người nói như đinh đóng cột rằng, mình đã thoát khỏi sinh tử và làm chủ sinh tử!

A: Cái vị nói đó, hiện nay ở đâu, có còn trên đời không?

B: Tất nhiên là nói như vậy, nhưng ông ta cũng ra đi theo quy luật. Chính điều ni, mới làm tau thắc mắc!

A: Nói là một chuyện, chứng minh bằng thực tế là một chuyện. Thành ra tau khuyên mi, nghe người ta nói điều chi, mình phải kiểm chứng cụ thể rồi hãy tin, đừng vội tin cũng đừng vội phản bác! Tau nhớ không lầm thì, Đức Phật cũng đã từng dạy như rứa!

B: Nhưng mà chuyện ni, có nhiều người tin?

A: Nhiều người tin, chưa hẳn đã đúng! Thực tế mới là đáp án đáng tin cậy nhất! Còn người đời, một khi chưa giác ngộ, chưa thông suốt giáo pháp, thì niềm tin của họ có thể gởi gắm vào bất kì điều gì mà họ cho rằng phù hợp với mình, đôi khi điều đó không cần chứng minh cụ thể! Sự thật ni, xảy ra hàng ngày trong xã hội. Họ tin là quyền của họ, còn bản thân mình có tin hơn không mới là chuyện cần bàn!

Nghe mi hỏi, tau nhớ chuyện hồi con nít! Hồi tau còn nhỏ, đứa mô cũng ham biết bơi. Lợi dụng việc ham biết bơi, tụi tau bị mấy đứa lớn hơn gạt rằng, đứa mô để chuồn chuồn cắn lỗ rún thì sẽ biết bơi! Tin mấy đứa lớn, mấy đứa nhỏ như tau, lén bắt chuồn chuồn cho cắn nát lỗ rún, đau thấy mẹ cũng không dám la! Nhưng mà cho dù chuồn chuồn có cắn nát lỗ rún thì cũng có đứa mô biết bơi! Rứa rồi, thằng lớn gạt thằng nhỏ, thằng nhỏ lớn lên gạt thằng nhỏ nữa, cuối cùng thằng mô rớt xuống nước cũng chìm như hòn đá! Hồi đó tụi tau dân nhà quê, tối ngày chơi ngoài ruộng mặt mũi đen thui, ở trần cả ngày, da bụng đen như cột nhà cháy, lỗ rún bị chuồn chuồn cắn đỏ lòm, mới nhìn giống như mấy em da đen thoa son môi Hàn quốc! Ha ha ha ha!!! Chuyện đời như rứa đó!

B: Nhưng mà trong kinh cũng có nói: “Các vị ấy đã thoát khỏi sinh diệt”! Câu ni phải hiểu ra răng?

A: Còn hiểu ra răng! Thì người tu hành, giác ngộ đến một chuẩn nào đó, tâm thức hết sinh diệt! Chớ còn hiểu răng nữa?

B: Mi có thể giải thích cụ thể cho tau biết: “Sanh tử và sanh diệt” khác nhau chỗ mô không?

A: Phật đạo ra đời, giải quyết hai điều được coi là lớn của kiếp nhân sinh bằng con đường Tứ Diệu Đế, hai điều đó là:

─ Đối với thâncảm thọ (Thân niệm xứ và Thọ niệm xứ): Thân phải chịu quy luật của sanh, lão, bịnh, tử. Từ quy luật ni, khi thân chuyển biến, các cảm thọ khổ đau hiện khởi, Phật đạo gọi đó là “sanh, lão, bịnh, tử khổ”. Khổ đế của Phật đạo nếu người tu hành thông suốt, sẽ giúp an vui khi thân bị quy luật trên chuyển biến! Vì thế kinh dạy: “hết khổ là Niết Bàn”! Thành ra, Phật đạo chỉ giúp người “dứt sanh tử khổ”, chứ không thể giúp người “trường sinh bất tử”!

─ Đối với tâmpháp (Tâm niệm xứ và Pháp niệm xứ): Sau khi vị đó thành tựu Khổ đế, tuy tám món khổ nhân sinh đã giảm thiểu đến mức thấp nhất, nhưng phiền não, kiết sử, lậu hoặc hãy còn. Vị ấy tiếp tục học tập Tập đế và Diệt đế. Thành tựu Tập đế vị ni hết kiết sử lậu hoặc. Thành tựu Diệt đế, vị ni hoàn toàn tịch diệt sanh tâm sanh pháp!

Đến chỗ ni, khổ, phiền não, kiết sử, lậu hoặc thô trọng mới tịch diệt phần lớn, kinh gọi là đã đoạn ‘Kiến hoặc’ và ‘Tư hoặc’! Tuy thế, một số một số lậu hoặc nhỏ nhiệm vẫn còn thừa sót, kinh gọi cái ni là ‘Trần sa hoặc’! Trong quá trình vào Đạo đế học tập trí tuệ, nhờ thông suốt giáo pháp, các ‘Trần sa hoặc’ sẽ dần dần tịch diệt theo! Tại răng hắn như rứa?

Giống như một đứa bé học hết cấp một, về cơ bản, những bài toán cấp một đứa bé ni giải được. Tuy nhiên sẽ còn nhiều bài toán của cấp một, phải đợi đến khi đứa bé học lên cấp hai, cấp ba, thậm chí đại học mới giải thông suốt tất cả các bài toán cấp một đó! Trong Phật đạo cũng như rứa, người giác ngộ Khổ đế chỉ giải quyết giỏi lắm là 70% nổi khổ nhân sinh (Ái biệt li, Cầu bất đắc, Oán tăng hội, Ngũ ấm xí thịnh và sanh, lão, bịnh, tử). Người giác ngộ tập đế cũng chỉ giải quyết 70% phiền não, kiết sử, lậu hoặc. Người chứng Diệt đế vẫn còn Trần sa hoặc. Khi mô, người tu hành thành tựu rốt ráo trí tuệ, chừng ấy mới giải quyết tất cả những thứ nớ. Đây là lí do vì sao, đã là Bồ Tát mà phải thường xuyên tu 10 (mười) Ba La Mật!

Như rứa có thể hiểu: Sanh, lão, bịnh tử khổ để chỉ thân và cảm thọ! Còn sanh diệt nhằm chỉ cho tâm và pháp. Tức là, đối với thân và cảm thọ thì hết khổ đau vì sanh tử biến hoại, gọi là ra khỏi sinh tử khổ. Còn đối với tâm và thức thì: Tâm hết sanh kiết sử, phiền não, lậu hoặc! Thức hết sanh các pháp hư vọng! “Tâm và thức” hoàn toàn tịch diệt gọi là “ra khỏi sinh diệt”!

Nói chung, “ra khỏi sanh tử khổ” và “ra khỏi tâm thức sanh diệt” là hai cảnh giới của Phật đạo! Vì nó là cảnh giới thuộc về giác ngộ, nên nó thường bị những người chưa giác ngộ diễn giải thông qua tri thức thế gian, vì thế mới xảy ra chuyện hiểu lầm như rứa!

Chuyện hiểu lầm không đáng trách, chỉ trách những người bản thân không hiểu biết đến nơi đến chốn, mà đã vội làm thầy dạy người (người chưa giác ngộ dạy đạo giác ngộ)!  Dạy nhau như rứa, có tu mãn kiếp cũng không thể thành tựu đạo quả diệt khổ! Sự thật ni, không hiếm gặp trong giới tu hành, mi có thể tìm thấy bất kì ở mô, bất kì lúc mô! Chỉ có điều, những người ấy có dám nhìn nhận sự thật ni hay không mà thôi!

B: Thiệt ra tau cũng thấy như rứa! Nhưng cũng khó nói, khó biết!

A: Có chi mô khó nói khó biết! Gặp những vị như rứa, mi chỉ cần đặt một hai câu hỏi về chuyên môn kĩ thuật của Phật đạo, là họ sẽ giải thích vòng vo, giải thích lung tung, thậm chí sân hận, phản ứng loay hoay như “bồn mắc tóc”!

B: Ủa! “Như gà mắc tóc” chớ răng mi nói như “bồn mắc tóc”?

A: Ha ha ha ha!!! Mi đúng là thằng hủ lậu! Biết một mà không biết hai!

“Gà mắc tóc” là thực tế của thời đại ba chấm (3.0)! Hồi nớ, gà thả rông, chị em để tóc dài, gội đầu ngoài vườn, tóc rụng gà ăn phải, nên quếnh đầy mề, mửa không ra, tiêu không xong, chết dở sống dở gọi là “gà mắc tóc” hay “gà nuốt dây thun”!

Còn “bồn mắc tóc” là thực tế của thời đại ni, thời đại bốn chấm (4.0). Gà thì nuôi công nghiệp, ăn thức ăn gia súc, ngủ có mùng, đọc sách bằng đèn điện, nằm phòng máy lạnh, làm chi có tóc mà ăn! Còn chị em ta, cuộc sống khấm khá, tóc uốn ở tiệm, tóc rụng lượm sạch đem bán để họ nối tóc nối mi, kiếm một sợi làm thuốc không ra! Nhà mô cũng có bồn rửa mặt, chị em ta mỗi sáng soi giương chải đầu, một vài sợi cô đơn vô tình rớt vô bồn, thế là lâu ngày, hệ thống thoát bị nghẽn, nước xả ứ lại, xoáy vòng vòng, thoát không được, gọi là “bồn mắc tóc”! Mi có hiểu cái đạo lí bốn chấm ni không?

B: Cho tau hỏi mi: “Ra khỏi sanh tử khổ” hiểu thành ra khỏi sanh tử, bỏ mất chữ khổ! “Tâm thức thôi không sanh diệt”, hiểu thành hết chết sống! Hiểu và dạy nhau như rứa, có hại chi không? Quả báo mắc rẻ, trả giá bao nhiêu?

A: Chưa giác ngộ, hiểu sai chuyện chẳng có gì để bàn! Bởi lẽ, đạo pháp quá cao thâm! Không trách họ được! Có trách chăng, là trách những người như tau nói ở trên. Còn cái giá bao nhiêu, mắc rẻ chừng mô thì sức tau không với tới!

Nhưng, cái chuyện bớt xén chữ khổ, từ sanh tử khổ còn lại sanh tử. Theo suy nghĩ của tau, mấy anh ni, hiểu kiểu nớ, dạy kiểu nớ, giác ngộ giải thoát hiện đời là rất khó đối với họ! Mà không giác ngộ, không giải thoát thì phải trả cái quả bớt xén! Cái quả ni theo tau, ngày sau mấy ảnh có tái sanh ở cõi ni, làm nhà làm cửa, nhứt định phải chịu quả báo bị nhà thầu xây dựng ăn bớt vật liệu. Thay vì đổ bê tông cốt thép thành đổ “bê tông cốt tre”! Cái nhân bớt chữ, quả báo bị bớt vật liệu xây dựng cũng không nên coi là... mắc... lắm!

Hi hi hi hi!!! Au revoir, chéri "! " Au revoir, chéri "!!!!

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 2
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG