Tục Đế & Đệ Nhất Nghĩa Đế & Đệ Nhất Tối Liễu Nghĩa

 0
Tục Đế & Đệ Nhất Nghĩa Đế & Đệ Nhất Tối Liễu Nghĩa

“Thưa thầy Lý Tứ! Tôi và gia đình theo đạo Phật, là một tín đồ Phật giáo thuận thành ở miền Trung, cho nên cũng có tìm hiểu đôi chút về đạo Phật. Gần đây, tôi và những người thân của mình thường xuyên theo dõi facebook của Thầy, đọc các bài viết trên đó thấy hay nên rất quý mến trang. Chúng tôi đồng tình với quan điểm tu tập cũng như cách giải thích của thầy về các vấn đề liên quan đến Phật đạo... Chúng tôi có thắc mắc như sau:

 Đọc kinh sách tôi thường bắt gặp các từ như: Tục đế, Đệ nhất nghĩa đế và Đệ nhất tối liễu nghĩa. Xin thầy giải thích ý nghĩa và chỉ rõ sự khác nhau của ba từ này? Có phải Đệ nhất nghĩa là thứ không thể dùng ngôn ngữ diễn bày?

(Đây là câu hỏi thứ nhất của bạn Bửu Khoa, câu 2 và câu 3 sẽ tiếp tục trình bày ở mục 31)

(04/03/2020 16:20:16. Nguyễn Phúc Bửu Khoa)

Đáp: Về các câu hỏi của bạn, mình xin lần lượt trả lời:

30.1. Tục đế, Đệ nhất nghĩa đế và Đệ nhất tối liễu nghĩa?

 Tục đế, Đệ nhất nghĩa đế và Đệ nhất tối liễu nghĩa là ba loại văn hoá đặc trưng, ba cảnh giới tiêu biểu, ba ý nghĩa quan trọng... Mà chư Phật và các Thiện tri thức căn cứ vào đó để tuyên thuyết quyết định nghĩa, hoặc giảng nói ý nghĩa nhằm hướng người tu hành thành tựu từng cảnh giới!!!

  • Tục đế hay thế đế là, cảnh giới thế gian... Chư Phật và các Thiện tri thức dùng “pháp thế gian” để cắt nghĩa một pháp, khiến người nghe khi nghe được lời cắt nghĩa này, có thể thành tựu các pháp lành của thế gian, hay hướng đến xuất thế gian!!! ... Ví dụ: 

  a) Dùng thế đế (thế gian pháp) để cắt nghĩa một pháp, nhằm giúp người thành tựu pháp lành thế gian:

Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo Long vương rằng:

- Tất cả chúng sanh do tâm tưởng khác nhau, nên tạo nghiệp khác nhau, vì vậy mà có sự luân chuyển trong các cõi.

Này Long vương! Ngươi có thấy trong hội này và trong biển cả, hình sắc chủng loại mỗi loài khác nhau không? Tất cả như thế đều do tâm, tạo nghiệp thiện hay bất thiện nơi thân, nơi khẩu, nơi ý mà ra... 

Nay ngươi như thế mà tu học và khiến cho chúng sanh thấu rõ nhân quả, tu tập nghiệp lành. Ngươi nên nương nơi chánh kiến bất động, chớ đọa vào trong tà kiến đoạn thường. Đối với các bậc phước điền nên vui vẻ cung kính cúng dường, thì các ngươi cũng được người trời tôn trọng cung kính cúng dường...” (Trích kinh Thập Thiện)

  b) Dùng Tục đế (thế gian pháp) để cắt nghĩa các pháp, nhằm hướng người đến xuất thế gian:

“Dùng Niệm xứ trang nghiêm nên khéo tu tập Tứ niệm xứ quán. Dùng Chánh cần trang nghiêm nên hay đoạn trừ tất cả pháp bất thiện, thành tựu tất cả pháp thiện. Dùng Thần túc trang nghiêm nên hằng khiến cho thân tâm nhẹ nhàng vui vẻ. Dùng Ngũ căn trang nghiêm nên lòng tin sâu xa kiên cố, siêng năng không biếng nhác thường không mê vọng, vắng lặng điều hòa đoạn dứt các phiền não. Dùng Ngũ lực trang nghiêm nên các oán dứt sạch, không gì hoại được. Dùng Giác chi trang nghiêm nên thường khéo giác ngộ tất cả các pháp. Dùng Chánh đạo trang nghiêm, nên được trí tuệ chân chánh thường hiện ở trước. Dùng Chỉ trang nghiêm nên dứt sạch tất cả kiết sử. Dùng Quán trang nghiêm, nên hay biết như thật Tự tánh của các pháp. Dùng Phương tiện trang nghiêm, nên chóng được thành tựu viên mãn cái vui hữu vi vô vi...” (Trích kinh Thập Thiện)

  • Đệ nhất nghĩa đế (còn gọi là Đệ nhất nghĩa, Chân đế, Thắng nghĩa đế...): Là những nghĩa (hoặc quyết định nghĩa) của xuất thế gian, thuộc cảnh giới “Thánh trí tự chứng”!!! ... Những nghĩa này ra ngoài suy nghĩ, luận bàn của người thế gian, nên gọi là “bất khả tư nghì”, “bất khả lí giải”!!! ... Một đoạn kinh tiêu biểu về Đệ nhất nghĩa đế:

Lại nữa, Thiện Hiện! Vì pháp môn giải thoát không thanh tịnh nên sắc thanh tịnh; vì sắc thanh tịnh nên trí nhất thiết trí thanh tịnh. Vì sao? Vì hoặc pháp môn giải thoát không thanh tịnh, hoặc sắc thanh tịnh, hoặc trí nhất thiết trí thanh tịnh đều không hai, không hai phần, không phân biệt, không đoạn diệt. Vì pháp môn giải thoát không thanh tịnh nên thọ, tưởng, hành, thức thanh tịnh; vì thọ, tưởng, hành, thức thanh tịnh nên trí nhất thiết trí thanh tịnh. Vì sao? Vì hoặc pháp môn giải thoát không thanh tịnh, hoặc thọ, tưởng, hành, thức thanh tịnh, hoặc trí nhất thiết trí thanh tịnh đều không hai, không hai phần, không phân biệt, không đoạn diệt...” (Trích Kinh Đại Bát Nhã, Phẩm Khó Tin Khó Hiểu, HT Thích Trí Nghiêm dịch)

  • Đệ nhất tối liễu nghĩa: Là những nghĩa thuộc cảnh giới “Xuất thế gian thượng thượng” ... Được chư Phật và các Thiện tri thức tuyên nói các nghĩa (hay quyết định nghĩa) thuộc “cảnh giới tối hậu” của Phật đạo!!! ... Một đoạn kinh tiêu biểu về Đệ nhất tối liễu nghĩa:

“Khi ấy, Bồ-tát Đại Huệ lại bạch Phật: Thế Tôn! Như Lai ứng cúng đẳng chánh giác là thường hay vô thường? 

Phật bảo Đại Huệ: Như Lai ứng cúng đẳng chánh giác chẳng phải thường chẳng phải vô thường. Nghĩa là cả hai đều có lỗi. Nếu thường thì có lỗi làm chủ, thường ấy tất cả ngoại đạo nói tác giả vì không có chỗ tác, thế nên Như Lai thường phi thường. Chẳng phải tác thường, vì có lỗi. Nếu Như Lai vô thường, có lỗi tác vô thường, sở tướng của ấm tướng thì không tánh, ấm hoại nên đoạn, mà Như Lai chẳng phải đoạn.

Đại Huệ! tất cả sở tác đều vô thường, như bình, y, v.v… tất cả đều là lỗi vô thường thì Nhất thiết trí đầy đủ phương tiện ưng vô nghĩa, vì cho là sở tác. Thế thì, tất cả sở tác đều ưng là Như Lai. Vì không nhân tánh sai biệt. Thế nên, Đại Huệ! Như Lai phi thường phi vô thường.

Lại nữa, Đại Huệ! Như Lai chẳng phải như hư không thường. Như hư không thường thì mắc lỗi tự giác thánh trí đầy đủ phương tiện thành vô nghĩa. Đại Huệ! Thí như hư không phi thường phi vô thường, lìa thường lìa vô thường, một khác, chung chẳng chung. Thường vô thường đều lỗi nên không thể nói, vì thế Như Lai phi thường. Lại nữa, Đại Huệ! Nếu Như Lai vô sanh thường như sừng thỏ, sừng ngựa v.v… cho vô sanh thường thì phương tiện vô nghĩa. Bởi vô sanh thường là có lỗi nên Như Lai phi thường. Lại nữa, Đại Huệ! Còn có các việc khác biết Như Lai thường. Vì cớ sao? Vì đã được trí vô gián thường nên Như Lai thường.

Đại Huệ! Hoặc Như Lai ra đời hoặc chẳng ra đời, pháp quyết định trụ, Thanh văn, Duyên giác, chư Phật Như Lai vô gián trụ, chẳng trụ hư không, cũng chẳng phải chỗ hiểu biết của ngu phu. Đại Huệ! Như Lai đã được trí là do bát-nhã huân, chẳng phải tâm ý ý thức các ấm giới nhập xứ huân. Đại Huệ! Tất cả ba cõi đều là vọng tưởng chẳng thật sanh, Như Lai chẳng từ tưởng hư vọng chẳng thật sanh. Đại Huệ! Do hai pháp nên có thường vô thường, chẳng phải chẳng hai, chẳng hai là lặng lẽ, vì tất cả pháp không hai tướng sanh...” (Trích Kinh Lăng Già, HT Thích Thanh Từ dịch)

30.2. “Có phải Đệ nhất nghĩa là thứ không thể dùng ngôn ngữ diễn bày?”

Đối với Phật đạo, không một cảnh giới nào là cảnh giới mà Phật và các Thiện tri thức không thể dùng ngôn ngữ để diễn bày!!! Ba đoạn kinh tiêu biểu được trích ở trên, chính là ba thứ ngôn ngữ đặc trưng mà Phật đã dùng thiện xảo ngữ ngôn để giảng nói về ba cảnh giới, trong đó có cảnh giới Đệ nhất nghĩa!!!

Tuy nhiên, để có thể trình bày một cảnh giới nào đó, điều kiện tiên quyết là, người nói phải là người đã từng kinh qua và am tường về cảnh giới mà mình trình bày!!! ... Về phần người nghe, tất nhiên muốn nghe hiểu một cảnh giới nào đó, đòi hỏi tâm trí người đó phải tương ưng với cảnh giới mình sắp được nghe!!! ... Nếu thiếu một trong hai điều nêu trên, tất nhiên người nói sẽ không nói được và người nghe sẽ không nghe thấu!!!

Câu hỏi thứ 2 và thứ 3 của bạn, kỳ sau chúng ta sẽ trao đổi tiếp!!!

Trước khi chấm dứt buổi trò chuyện hôm nay, mình có câu hỏi vui liên quan đến câu hỏi vừa rồi của bạn Bửu Khoa!!! ... Rất mong được nghe kiến giải lí thú của mọi người!!! ... Câu hỏi như sau:

Vì sao trong ba cảnh giới: Tục đế, Đệ nhất nghĩa đế, Đệ nhất tối liễu nghĩa... Chỉ có Tục đế và Đệ nhất nghĩa đế có chữ Đế... Còn Đệ nhất tối liễu nghĩa lại không có chữ Đế???

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 0
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG