Tứ Trí

Các bạn!!!
1. Trí huệ trong Phật đạo được xây dựng trên mười một thứ trí.
Đó là: Khổ trí, tập trí, diệt trí, đạo trí, loại trí, pháp trí, tận trí, vô sanh trí, nhất thiết trí, đạo tướng trí và nhất thiết chủng trí.
Kinh Kim Cang Phật dạy: "Nhất thiết pháp, giai thị Phật pháp". Có nghĩa rằng, bất kỳ pháp nào, nếu khéo thiện xảo, người trí nhân pháp đó có thể diễn nói khiến người thành tựu đạo quả.
Muốn thực hiện được điều này, phải có một trí tuệ chắc thật.
1. Bốn trí căn bản là: Khổ trí, tập trí, diệt trí và đạo trí.
Xét tổng thể mười một thứ trí thì nó là bốn trí đi đầu. Có nghĩa rằng: Muốn thành tựu đầy đủ các thứ trí, trước tiên phải thành tựu bốn trí căn bản này. Bốn trí này chính là xương sống, là nền móng của giáo pháp. Giống như người ta xây một căn nhà, nền móng không vững thì các tầng cao không thể thực hiện được. Giống như người ta đúc một bức tượng, trong bức tượng không có cốt sắt, thì bức tượng sẽ gãy đổ.
- Trong Phật đạo, bốn đế là bốn bậc thang đưa người từ mê đến giác, từ ngu thành trí. Bốn đế tự chúng sanh không thể biết, mà phải được người có trí, thấu suốt giảng nói cho họ. Vì thế muốn giảng nói bốn đế phải thành tựu bốn trí.
- Bốn thứ trí chính là sự "thấu đạt diệu tính" của bốn đế, bốn thứ trí chính là sự "thông thuộc tướng trạng" của bốn đế. Vì rằng: Muốn đưa người từ mê đến giác và thành tựu mọi đạo quả trong Phật đạo, không thể tách rời bốn đế. Cho nên, bốn trí là thuyền bè đưa người vượt biển sanh tử, là đạo lộ thẳng ngay giúp người bước đến vô thượng.
- Tất cả các pháp muốn trở thành Phật pháp phải diễn nói, thuyết minh trên ý nghĩa bốn đế. Có nghĩa rằng: Phải chứng minh cho được pháp đó chính là khổ, phải chứng minh cho được pháp đó là nguyên nhân phát sinh kiết sử, phải chứng minh cho được vì pháp đó che chướng mà chơn tâm không hiện, phải chứng minh cho được pháp đó bản lai tự Niết Bàn. Có chứng minh được những điều nêu trên, mới có thể tuyên nói phương tiện giúp người thành tựu Tứ chân đế.
Tóm lại.
Bốn trí chính là phương pháp luận của Phật giáo, bốn trí chính là logich học của Phật giáo, bốn trí chính là biện chứng pháp của Phật giáo, bốn trí chính là nền giáo dục của Phật giáo. Vì thế, Phật dạy: "Không biết bốn đế, chính là khổ đế".
- Những câu hỏi vừa rồi được đưa ra, không ngoài mục đích giúp HĐ tập tư duy quan sát để thành tựu bốn trí. Khi tư duy, người ta thấy rõ ý nghĩa của từng đế. Khi quan sát, người ta thấy được cấu trúc tổng thể của từng đế. Thấy được ý nghĩa, biết rõ cấu trúc tổng thể của từng đế và có thể vận dụng linh hoạt tương ứng với từng mỗi pháp, làm được như thế, Phật đạo gọi là diệu. Nhân diệu lý chỉ cho người thấy diệu nghĩa, nhân diệu quan sát khiến người thành tựu diệu minh.
- Đọc phần trả lời của HĐ về các câu hỏi vừa rồi, mình có một vài nhận xét sau: Phần lớn các bạn chỉ nói được bốn đế mà chưa thể hiện được bốn trí. Các bạn chỉ quanh quẩn trong nghĩa thô mà chưa thể diễn bày được nghĩa diệu. Điều này, cũng không có gì là lạ. Nó giống như người ta xây một ngôi nhà, đầu tiên phải hoàn thành phần thô, sau đó mới tô phết để làm nổi bật đường nét của ngôi nhà. Mình đang chờ sự tô phết tinh xảo từ các bạn để căn nhà bốn đế trở nên uyển chuyển, mềm mại và có hồn...!!!
- Trong bài viết của Đức hồi sáng, có một điều thiếu sót nay mình bổ sung, đó là: "Thành tựu tam muội này rồi, bất kể gỗ tạp, gỗ quý, sắt, đá, nhôm, kẽm, than đá, đồng, kim cương ...v.v... Đều có thể "đẽo thành tượng" cho thiên hạ chiêm ngưỡng mà chẳng nhọc công tốn sức là bao!!! (Trừ mu rùa trời Dạ Ma và cứt sắt [[1]] cõi Diêm Phù!!!) (09-09-2014)
−−−••• ⁕ ⁕ ⁕ ⁕ •••−−−
[[1]] Cứt Sắt: Còn gọi là xỉ sắt. Nó là loại phế phẩm thường thấy khi người ta hàn điện, phần xỉ bám quanh mối hàn, người thợ hàn dùng búa gõ để nó văng ra...
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






