Tự Tâm Tự Tánh Là Gì

 0
Tự Tâm Tự Tánh Là Gì

- Hỏi

Các bạn!!! ... Mãi đến sáng nay mình mới có thời gian ghé thăm và nhận được ba câu hỏi của một bạn đọc có tên là Sol gởi vào đường link từ hôm 15/01, bạn Sol không ghi địa chỉ nên mình cũng không biết bạn ấy ở đâu!!! ... Nội dung các câu hỏi như sau:

“BQT cho mình gởi câu hỏi như sau: 

1) Tự tâm là gì?

2) Tự tánh là gì?

3) Trong quá trình tu học làm thế nào người tu hành biết mình đã thấy được tự tâm. Làm thế nào để biết mình thấy được tự tánh. Và từ cái thấy tự tâm trải qua những cách tu hành nào để thấy được tự tánh.?" (15/01/2021 15:23:16; Sol)

- Đáp

 Về ba câu hỏi của bạn, hầu như các đề tài bạn thắc mắc, mình đã đề cập rất nhiều trên Page Lý Tứ thông qua những chủ đề khác nhau... Tuy nhiên, để giúp mọi người hiểu rõ hơn, lần này mình lại xin được tiếp tục giải thích!!!

65.1. Tự tâm là gì?

Tự tâm hay bổn tâm là cái tâm bổn nhiên (hay bản nhiên) của tất cả hữu tình!!! ... Có nghĩa là, khi một hữu tình có mặt trên đời, cái tâm ấy đã sẵn có!!!

Nhưng do không thực hành đời sống như pháp, các hữu tình ấy bị ba món lậu hoặc gồm dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu che mờ tâm trí!!! Từ đây, thấy nghe hay biết của họ là thấy nghe của lậu hoặc vì thế tâm thức bị nhiễm ô và động lay!!! ... Do đó, “bổn tâm thanh tịnh” trở thành “vọng tâm bất tịnh”, từ không pháp trở thành có pháp!!!

Giống như một hồ nước, gốc của hồ nước ấy là trong sạch, nhưng do những tác động từ bên ngoài, hồ nước ấy đang trong sạch vắng lặng dần dần trở nên dơ bẩn và nổi sóng!!! Hồ nước trong sạch dụ cho bổn tâm thanh tịnh, hồ nước vắng lặng dụ cho tự tánh an nhiên bất động!!! Hồ nước dơ bẩn dụ cho hư vọng tâm, hồ nước nổi sóng dụ cho tâm thức động lay!!!

65.2. Tự tánh là gì?

Tự tánh hay bổn tánh là những tánh chất tự nhiên từ tâm thức vô lậu (tâm thức không bị che lấp) của một hữu tình!!! Nói khác hơn, tự tánh hay bổn tánh chính là những tính chất tự nhiên của bổn tâm!!!

Khi bổn tâm không bị tác động, bổn tâm có những tính chất đặc thù như: Vắng lặng, thanh tịnh, bất động, an vui, v.v...!!! Khi bổn tâm bị một tác động nào đó, các tính chất này không còn như trước nữa mà tự chuyển biến thành những tính chất hư vọng như giận hờn, tham lam, tật đố, v.v...!!! Giống một con suối nước trong, khi có đàn gia súc lội qua, dòng nước trong của con suối ấy trở nên khuấy động, vẩn đục, v.v...!!!

65.3. Trong quá trình tu học làm thế nào người tu hành biết mình đã thấy được tự tâm. Làm thế nào để biết mình thấy được tự tánh. Và từ cái thấy tự tâm trải qua những cách tu hành nào để thấy được tự tánh?

a) Trong quá trình tu học, khi nào người tu hành đối trước mọi cảnh duyên, “nhận thức rõ ràng cảnh duyên” trước mắt mà không sanh các thứ tâm hư vọng!!! Đối trước đẹp xấu, sang hèn, thiện ác, v.v... “nhận thức rõ ràng các pháp thế gian ấy”, mà tâm trí không bị mê mờ hay động lay!!! Lúc đó, người tu hành sẽ nhận ra đây chính là bổn tâm hay tự tâm!!!

b) Sau khi thấy được tự tâm, người tu hành “lặng lẽ quan sát” bổn tâm, sẽ phát hiện những tính chất đặc thù của tự tâm như: Thanh tịnh, an vui, bất động, giải thoát, v.v... Các tính chất đặc thù này chính là tự tánh!!! ... Vì thế, khi Lục Tổ Huệ Năng phát hiện ra những tính chất đặc thù của tự tánh bèn la lớn: “Nào dè tự tánh vốn tự thanh tịnh, nào dè tự tánh vốn không sanh diệt, nào dè tự tánh vốn không động lay, nào dè tự tánh có thể liễu tri muôn pháp, v.v...”!!!

c) Muốn thấy tự tâm và tự tánh phải giác ngộ!!! ... Không giác ngộ, cho dù có tu suốt kiếp cũng không thể thấy được hai thứ này!!! ... Vì rằng, “tu” là pháp làm ra, tu là nhân duyên tạo tác, tu là hành vi khởi niệm, v.v... Nói chung, khi ta “khởi lên niệm tu” chính là lúc ta ném vào hồ tâm (bổn tâm) một vật gì đó (tạm coi là vật của sự tu) ... Chính tác động từ việc ném này, bổn tâm đang thanh tịnh vắng lặng bất động, bỗng dưng trở thành vọng động nhiễm ô và sanh diệt!!!

Đây là lí do vì sao Phật đạo lại có danh xưng là “đạo giác ngộ”, chứ không có danh xưng là “đạo tu hành”!!! Và đây cũng là lí do vì sao Phật đạo lại đề ra ba mục tiêu mà người tu hành cần phải đạt đến là Giác Ngộ - Giải Thoát - Trí Tuệ!!! Chính vì thế mà người ta thường xưng tán đức Phật là bậc “đại giác ngộ” chứ người ta không gọi Phật là bậc “đại tu hành”!!!

Trong quá trình giác ngộ, người tu hành lần lượt giác ngộ ba thứ cơ bản là: Tánh giác, tự tâm và tự tánh!!! Giống như ba giai đoạn để một hồ nước trở về tính chất nguyên thuỷ của nó phải gồm: Không khuấy động (thấy tánh giác), nhận ra tổng thể cái hồ nguyên thuỷ (thấy tự tâm) và thấy được các tính chất của cái hồ nguyên thuỷ (thấy tự tánh)!!!

Vì thế, giác ngộ chính là tiêu chí đầu tiên giải quyết những vấn đề cơ bản đã ngăn che tự tâm tự tánh của một chúng sanh gồm: Khổ, phiền não, kiết sử, lậu hoặc!!! Khi giải quyết rốt ráo những vấn đề cơ bản nêu trên thông qua con đường giác ngộ, tự tâm và tự tánh mới có cơ hội hiện ra!!! Giống như bầu trời hết mây mù, mặt trời mới hiện!!! ... Hy vọng bài viết có thể giúp Sol và bạn đọc tìm thấy cơ hội giác ngộ bổn tâm và bổn tánh!!!

Chúc mọi người an vui, tinh tấn!!!

(19/01/2021)

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 0
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG