Tổng Quan

 0
Tổng Quan

Hiện nay số lượng bài giảng Phật pháp, tài liệu nói về thiền không phải ít, một khối lượng đồ sộ, đa dạng, phong phú. Phật tử có thể tìm thấy ở nhiều nguồn, từ các buổi thuyết pháp, ấn bản, băng đĩa, mạng Internet, hay các cuộc mạn đàm do các nhóm người tu hành gặp nhau trao đổi.

Có thể nói những nguồn này góp phần rất lớn vào công việc phổ biến giáo lý, và tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu Phật pháp.

Phần lớn tài liệu, bài giảng này là tâm huyết, đúc kết một đời tu hành, được phổ biến với mong muốn đem những gì tự thân thu hoạch được trong quá trình tu tập nhằm trao đổi, gởi gắm, và cùng nhau chia sẻ làm lợi ích cho những Phật tử khác cũng có mong muốn tìm hiểu chân lý trên tinh thần “tự độ, độ tha” là những việc làm đáng khuyến khích, ngợi khen và trân trọng.

Phật giáo như một cổ vật, mà đã là cổ vật thì việc giải mã tìm hiểu  những bí mật còn ẩn dấu sau lớp bụi thời gian là việc làm mà những ai đam mê và quan tâm đến cổ vật chắc chắn không coi đó là việc làm thừa.

Ngoài việc giải mã để tìm hiểu giá trị đích thực, mọi người đều biết Phật giáo không thuần túy là một tôn giáo mà Phật giáo còn là một nền giáo dục, một loại văn hóa, một phương thuốc hữu hiệu nhằm xoa dịu những khổ đau con người phải cưu mang. Nhất là trong thời đại các giá trị vật chất đã làm con người bôn ba chạy theo và phải khổ vì nó.

Vì thế, giải mã Phật giáo để tìm hiểu những giá trị còn dấu kín phía bên trong là cần thiết. Đa số Phật tử coi đây là phương cách làm giảm mỏi mệt, là liệu pháp cân bằng giữa ồn náo vật chất và tĩnh lặng tâm linh. Điều này luôn là mối ưu tư, việc làm thường xuyên của những ai còn quan tâm đến việc giải phóng chính mình ra khỏi nô lệ trói buộc nói trên.

Đi tìm chân lý và khát khao tìm thấy chân lý luôn tồn tại trong nhân loại. Đối với Phật tử, chân lý cần tìm còn nằm sâu trong những ngữ ngôn kỳ ảo của kinh điển.

Mọi giải mã từ xa xưa đến hôm nay vẫn chưa thể làm thỏa mãn khát khao ‘làm thế nào để biết hết ý nghĩa ngữ ngôn kỳ ảo kia là gì và đến đâu mới được coi là giá trị đích thực của nó?’

Đây chính là động cơ thúc đẩy vô số cuộc hành trình tìm kiếm. Dù qua mọi thời gian hay không gian nó vẫn còn đang tiếp diễn. Vì thế những khám phá mới luôn luôn có mặt, Phật giáo gọi đó là tinh tấn. Tinh tấn với mục tiêu và ý nghĩa như thế nào, dầu giống hay khác nhau về tri thức hoặc mục đích đều có giá trị riêng của nó và tất cả đều đáng được trân trọng.

Tất nhiên việc giải mã một cổ vật đã khó, chưa nói đây là sản phẩm của trí tuệ thì nhất định không đơn giản và bất đồng quan điểm giữa những kiến giải là chuyện không thể tránh khỏi. Giống như ví dụ con dao của nhà vua hay chuyện những người bán sữa trong kinh Đại Bát Niết Bàn là các điển hình nói lên điều này.

Đạo Phật là đạo của trí tuệ mà đã là trí tuệ thì việc tìm hiểu làm giàu kiến thức, nhằm thỏa mãn đòi hỏi cần vươn tới của đỉnh cao trí tuệ không bao giờ có điểm dừng. Chính vậy những lời giải về Phật giáo ngày một phong phú hơn cả về ý nghĩa lẫn về số lượng là điều đương nhiên.

Trong đời sống của những vị tu hành cũng như những nhà nghiên cứu Phật học chưa một ai tự cho rằng mình đã hiểu hết Phật giáo, cho nên việc đi tìm sự thật chắc chắn còn tiếp tục.

Trên tinh thần vừa nêu, những kiến giải Phật giáo của tập sách này chỉ là một nét chấm phá trong bức tranh Phật giáo.

Với kinh nghiệm bản thân, tích luỹ kiến thức, cho ra lời giải đáp của riêng mình về Phật giáo; giống như người nội trợ chế biến thức ăn, cũng bao nhiêu vật liệu nhưng mâm cỗ này ý vị không giống mâm cỗ kia, đã nói lên cái khéo, cái sức sáng tạo của người nấu.

Cái mới bao giờ cũng làm người thưởng thức cảm thấy ngon miệng hơn. Vì thế sự chọn lựa thức ăn trên bàn tiệc luôn là quyền tự do của mỗi người. Không ai có thể ép buộc người khác phải ăn món này, từ bỏ món kia, và không thể nói rằng món này đúng món kia sai vì đã là thưởng thức thì không thể có chuyện đúng sai hơn kém.

Điều này giống như thuốc chữa bệnh, giá trị tinh thần của mỗi món thuốc chỉ có khi nào phương thuốc này phù hợp và làm giảm nhẹ bệnh tật.

Mọi so sánh giữa hai phương thuốc có công dụng khác nhau nhất định sẽ khập khiểng và không muốn nói là vô lý. Nhất là về phương diện tôn giáo, mỗi người tự chọn cho mình con đường để đi và mục tiêu hướng đến. Người tu hành hay gọi đó là pháp môn, thật ra pháp môn chỉ là tên gọi để phân biệt cách thức tu hành.  Quan trọng là pháp môn đó giúp ích gì cho mình và đưa mình đến đâu trong Phật đạo.

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 0
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG