Tìm Hiểu Ý Nghĩa … Hai Trạng Thái Tâm Thức Thanh Tịnh Và Yên Tĩnh Trong Phật Đạo

 0
Tìm Hiểu Ý Nghĩa … Hai Trạng Thái Tâm Thức Thanh Tịnh Và Yên Tĩnh Trong Phật Đạo

0. ĐẶT VẤN ĐỀ

Thanh tịnh” và “yên tĩnh” là hai tính từ chỉ cho hai trạng thái khác nhau của tâm thức, nó rất khó phân biệt. Hầu hết người tu hành nhầm lẫn hai trạng thái này, thậm chí có người còn cho rằng "yên tĩnh chính là thanh tịnh". Như vậy, thanh tịnh và yên tĩnh (hay yên lặng) khác nhau ở chỗ nào và điều gì làm nên hai trạng thái tâm thức này? Bây giờ, chúng ta cùng nhau mổ xẻ hai khái niệm này!

Trước khi trao đổi, mình xin kể cho các bạn nghe một câu chuyện có thực, xảy ra cách đây hơn mười ngày. Hy vọng, câu chuyện mở đầu này, sẽ giúp các bạn có thể hình dung được thế nào là yên tĩnh và thế nào là thanh tịnh.

"Cách đây trên mười ngày, sau buổi thể dục buổi chiều, mình và bà xã ngồi ở chiếc bàn đá trước nhà. Có hai vị khách không quen, trong đó một vị với dáng dấp người tu hành (căn cứ vào cách ăn mặc), đi trên một chiếc xe gắn máy đến hỏi mình mua đất xây nhà, vì khu đất mình đang ở còn nhiều nền nhà bỏ trống.

  • Ở đây chú biết có ai bán nền nhà không?

- Tôi không biết! Các vị đến căn nhà bên kia hỏi, ở đó có người làm "môi giới bất động sản", họ biết rõ!

  • Giàn hoa trước nhà đẹp quá, nó tên là gì?

- Hoa này có tên là "Sử Quân Tử", dân gian gọi là "Trang Leo" hay "Cây Giun"!

  • Vì sao gọi là Sử Quân Tử?

- Ngày xưa có vị Sứ Quân họ Quách trồng nó và dùng trái để xổ giun (sán lãi) cho trẻ con, nên có tên Sứ Quân Tử. Sau đó người ta đọc thành Sử Quân Tử!

  • Tôi cũng muốn trồng loại hoa này, chú cho biết mua ở đâu?

- …

  • Sau một hồi chuyện trò có vẻ thân thiện, hai vị khách bèn khen: Ở đây thanh tịnh quá!

- Tôi thấy! Ở đây yên tĩnh, còn thanh tịnh thì hình như chỉ có ở Niết Bàn!...

  • Xin lỗi, đã nói sai, đúng là yên tĩnh chứ không phải thanh tịnh! 

-  …

Rất tiếc là hai vị khách lạ không hỏi tiếp rằng "Niết Bàn ở đâu". Nếu hai vị ấy đặt câu hỏi, chắc chắn sẽ có buổi đàm luận thú vị. Qua câu chuyện trên, cho thấy người ta thường đánh đồng giữa "yên tĩnhthanh tịnh".

Tất nhiên, ở đời, sự đánh đồng này không quan trọng. Nhưng với những người tu hành thì, đánh đồng này (do nhầm lẫn), sẽ dẫn đến hệ quả "không thể tìm thấy định hướng cho một cứu cánh quan trọng" trong Phật đạo!

* * * * *

I. VỀ... KHÁI NIỆM “YÊN TĨNH” VÀ “THANH TỊNH” TRONG PHẬT ĐẠO

I.1. Thế Nào Là “YÊN TĨNH”.

Yên tĩnh là trạng thái tâm thức (hay không gian) vắng lặng khi không bị khuấy động bởi một tác động bất kỳ. Ví dụ: Giống như một hồ nước (hoặc trong, hoặc đục), hồ nước không bị tác động bởi ngoại duyên (như tác động của gió hoặc một vật được ném xuống), hồ nước này sẽ yên tĩnh, không nổi sóng.

I.2. Thế Nào Là “THANH TỊNH”.

Tính từ “thanh tịnh” trong Phật đạo, nhằm chỉ cho tính chất tự nhiên của bổn tâm (Niết Bàn). Tính chất tự nhiên này là tính chất thường hằng của người giác ngộ, cho dù có bị tác động ngoại duyên hay không, tính chất thanh tịnh vẫn không mất. Ví dụ 1: Một hồ nước trong (không còn bị nhiễm ô, thanh tịnh). Cho dù hồ nước này có bị tác động bởi ngoại hay nội duyên, sức trong của nước không vì thế mà thay đổi.

- Lục Tổ khẳng định điều này bằng câu nói: "Xông đao phá trận cũng thanh tịnh". • Kinh Lăng Già gọi hiện tượng này"Sóng ấy tức nướchay "Hoặc loạn tức thường". Ví dụ 2: Một hồ nước bị nhiễm ô (vẩn đục, không thanh tịnh). Cho dù hồ nước này được che chắn, không bị tác động bởi ngoại duyên. Hồ nước này không nổi sóng, yên tĩnh. Nhưng đây là sự yên tĩnh của một hồ nước "đang vẩn đục, đang nhiễm ô". Tức một sự yên lặng rất cần xem lại, khi tâm thức đang có vấn đề (của mê muội).

I.3. Tính Chất Của “THANH TỊNH” VÀ “YÊN TĨNH”.

Như những gì chúng ta đã khảo sát ở phần trên, giữa thanh tịnh và yên tĩnh rất khác nhau về tính chất. Một bên thuộc về hiện tượng của tâm thức (yên tĩnh), một bên thuộc về bản chất của bổn tâm (thanh tịnh). 

Những gì thuộc về hiện tượng (yên tĩnh thuộc về hiện tượng), đều bị chi phối bởi quy luật vô thường, giống như tâm thức lúc yên lúc không yên, giống như hồ nước không gió thì yên, có gió thì nổi sóng.

Còn những gì thuộc về bản chất (thanh tịnh thuộc về bản chất của bổn tâm), thì thường hằng, bất biến. Giống như nước đã trong, không nhiễm ô, cho dù có nổi sóng, sóng này cũng trong. Và, tu hành trong Phật đạo là tìm đến bản chất của tâm thức. Giác ngộ ban đầu của người tu hành trong Phật đạo chính là thấy được "bản lai tâm này tự thanh tịnh, bất động".

Các biện pháp che chắn, ngăn ngừa mọi tác động (thấy, nghe) để tâm thức không nổi sóng, chỉ là biện pháp tạm thời, biện pháp tình thế khi chưa giác ngộ bổn tâm!

II. CON ĐƯỜNG ĐƯA ĐẾN “YÊN TĨNH” VÀ “THANH TỊNH”.

Có hai con đường, một con đường khi thực hành (tạo tác) sẽ đưa đến yên tĩnh, và một con đường khi giác ngộ (thấu rõ) sẽ đưa đến thanh tịnh!

II.1. Con Đường Đưa Đến “YÊN TĨNH”.

Trong thế gian cũng như Phật đạo, có rất nhiều phương pháp giúp một người giảm thiểu ồn ào của tâm thức. Ngoài việc tập trung tư tưởng, hay lánh xa phiền toái như người đời thường làm một trong những phương pháp hiệu quả để ngăn, không cho tâm thức bị tác động bởi ngoại duyên, đó là thiền định (thế gian định).

Thiền định, được dịch là "Tỉnh lự", tức sự cố gắng giảm thiểu đến mức thấp nhất những "lao lự" khi tâm bị tác động. Đây là hình thức, là nỗ lực che chắn, bảo vệ để tâm thức không bị khuấy động bởi một lý do bất kỳ.

− "Thiền (zh. chán 禪, ja. zen), gọi đầy đủ là Thiền na (zh. chánna禪那, sa. dhyāna, pi. jhāna, ja. zenna, en. Meditation), là thuật ngữ ”Hán Việt“ được phiên âm từ dhyāna trong “tiếng Phạn“. Dhyāna là danh từ phái sinh từ gốc động từ √dhyā (hoặc √dhyai). Tất cả các trào lưu “triết học Ấn Độ“ đều hiểu dưới gốc động từ này là sự tư duy, tập trung lắng đọng và vì vậy, ta cũng tìm thấy từ dịch ý Hán Việt là Tĩnh lự (zh. 靜慮). Các cách phiên âm Hán Việt khác là Đà-diễn-na (zh. 馱衍那), Trì-a-na (持阿那) ..." (Theo Wikipedia)

  • Như đã nói ở phần trên, dùng thiền định hay một phương pháp nào đó để giữ cho tâm thức không bị động lay hay dao động, chỉ là hình thức của nỗ lực triệt tiêu hiện tượng chứ chưa phải phương cách thấu rõ (giác ngộ) bản chất của tâm thức. Mà đối với Phật đạo, giữa bản chất và hiện tượng, không hề có mối liên hệ biện chứng nào…
  • Hiện tượng chỉ là những dấu tích trong mê và sản phẩm của mê, khi chưa hết mê, (chưa giác ngộ), nhất định hiện tượng sẽ còn hiện khởi trở lại...
  • Nỗ lực chứng đạt "Phi tưởng phi phi tưởng xứ định"của ngoại đạo hay người tu hành trong Phật đạo, cho dù đã nỗ lực hết sức, cũng không thể nào giải quyết"mê lộ động lay và mờ tối" khi còn là thành viên của ba cõi, là một minh chứng lịch sử rõ ràng nhất đối với người tu hành!

II.2. Con Đường Đưa Đến “THANH TỊNH”.

Mọi người tu hành đều biết, bổn tâm sẵn đủ những tính chất đặc dị (tự tánh) của nó, đó là: Thanh tịnh, bất động, an vui, minh liễu, bất sanh diệt, v.v... Khi thấu suốt điều này, Lục Tổ bèn la lên: "Nào dè tự tánh vốn tự thanh tịnh, nào dè tự tánh vốn không động lay, nào dè tự tánh vốn không sanh diệt, nào dè tự tánh vốn tự sẵn đủ, nào dè tự tánh vốn minh liễu các pháp!"

Theo những gì được Lục Tổ mô tả ở trên. Ta có thể thấy rằng thanh tịnh, chính là một trong những tính chất đặc dị của bổn tâm. Mà bổn tâm là cái đã có sẵn và đầy đủ những tính chất như vậy, có nghĩa từ xưa (bản lai) nó đã như vậy. Vì thế, thanh tịnh hay bất động chân thiệt, không phải "là cái" hay "sản phẩm" được người tu hành làm ra trong hiện tại từ một phương tiện của thế gian. Bổn tâm giống như một kho báu đã có từ trước... Công việc hiện nay, muốn sở hữu kho báu, chỉ cần biết nơi có kho báu và đào bới nó lên.

III. Công Cụ Và Phương Pháp Tìm Kiếm “KHO BÁU BỔN TÂM” Để Có Thể Sở Hữu “THANH TỊNH TÂM”.

Trong Phật đạo, giác ngộ là công cụ hữu hiệu để tìm thấy bổn tâm. Giác như chất liệu (phèn) dùng để lóng trong nước. Ngộ, như người có đôi mắt sáng, qua lớp nước trong, nhìn thấy kho báu bổn tâm với những tính chất đặc dị chiếu sáng ở dưới đó. Kinh Đại Niết Bàn có cho một ví dụ về điều này, đại ý như sau:

"Trên một thương thuyền, có người đánh rơi viên ngọc quý xuống biển. Mọi người vội vàng lao xuống biển để tìm viên ngọc, vì thế nước biển vẩn đục, nước biển vẩn đục nên những người đó mờ tối, lấy sạn, đá, tạp vật mỗi người một thứ cất giấu trong người, vui mừng cho đây là viên ngọc.

Một người có trí, không làm như thế, vị ấy ngồi trên thuyền, chờ cho nước trong và thế lực viên Thuỷ Thanh Châu chiếu sáng. Người ấy ung dung xuống biển và sở hữu viên ngọc.”

Theo đoạn ví dụ trên, ta thấy có ba tình huống xảy ra:

a) Số đông lập tức nhảy xuống biển làm cho nước vẩn đục vì thế cất giữ những thứ không phải Thuỷ Thanh Châu. Điều này, dụ cho những người không có trí, không giác ngộ, nên không thấy được bổn tâm, y nơi mê muội tìm kiếm vì thế chẳng thể sở hữu thanh tịnh tâm!

b) Người có trí, ung dung ngồi trên thuyền chờ cho nước trong. Điều này, dụ cho người có giác (hiểu biết rõ ràng), chờ sức giác làm cho mê lầm, nhiễm ô tịch diệt.

c) Nhờ thế lực của viên Thuỷ Thanh Châu soi sáng, nên vị ấy sở hữu được vật cần tìm. Điều này, dụ cho người hết mê, tâm thức không bị che khuất bởi tạp nhiễm vô minh, với sức thanh tịnh, sáng suốt (minh liễu), bất động của bổn tâm... Vị này tìm được vật cần tìm.

Qua câu chuyện trên, ta có thể thấy rằng, khi đã sở hữu được viên ngọc bổn tâm… Cho dù chiếc thuyền ấy có xuôi về phương nào, người có trí kia cũng là người giàu có, an vui và sáng suốt nhất đối với những người trên thuyền!

IV. KẾT LUẬN:

Thanh tịnh” và “yên tĩnh” là hai trạng thái tâm thức khác nhau:

  • Thanh tịnh là một trong những tính chất đặc dị của bổn tâm. Vì là tính chất của bổn tâm, nên nó thường hằng bất biến, và chẳng phải thứ do một phương thức thế gian làm ra (tạo tác).
  • Yên tĩnh là một trong những tính chất nhất thời khi tâm thức được cách ly khỏi các duyên ồn náo. Yên tĩnh thuộc về hiện tượng, nên nó vô thường (hết diệt lại sanh).

Hy vọng, bài viết sẽ đem đến những gợi ý tối thiểu, giúp HĐ thấy rõ sự khác biệt giữa yên tĩnhthanh tịnh.

(Tham khảo) CẢM NHẬN của HĐ (Huynh Đệ)

Các bạn! ...  Bài viết “cảm nhận Ý Nghĩa Của Hai Khái Niệm “KIẾN THỨC” Và “GIÁC” Trong Tu Tập Phật đạo” của Tịnh Hiền là bài viết hay, sắc sảo. Xin chuyển đến HĐ tham khảo. (14-04-2017)

Thầy Kính! Con tập viết về cảm nhận của mình “Kiến thứcgiác trong tu tập Phật đạo”. Kính Thầy chỉ dạy thêm cho con...

“KIẾN THỨC” Và “GIÁC” Trong Tu Tập PHẬT ĐẠO

0. ĐẶT VẤN ĐỀ

Kiến thức và giác (giác trong giác ngộ) giống và khác nhau ở những điểm nào? Hai khái niệm này cần nhận thức rõ ràng, minh bạch trong tu tập Phật đạo.

I. ĐIỂM GIỐNG NHAU

Giác là biết (biết này do đọc, do nghe nói, do học, do tiếp xúc, do tích luỹ mà biết).

Kiến thức cũng gọi là biết (biết này cũng do đọc, do nghe nói, do học tập, do tích luỹ mà thành).

II. ĐIỂM KHÁC NHAU

− Được gọi là giác, vì những điều đã biết có khuynh hướng đưa đến tịch diệt cái tôi, cái ta (ngã hư dối).

− Được gọi là kiến thức, vì những điều đã biết chỉ làm tăng hoặc còn nguyên cái tôi, cái ta.

Vì thế, khi bị kiến thức trói buộc thì thức bây giờ có tên là thức ấm. Còn nếu lấy kiến thức để làm lớn tự ngã, thì thức bây giờ có tên là thức uẩn.

Tóm lại, cái biết nào có khuynh hướng đưa đến mất cái tôi, cái ta... thì gọi là giác, còn cái biết nào làm tăng trưởng hoặc còn nguyên cái tôi, cái ta thì gọi là kiến thức.

III. Nhận Ra Sự Có Mặt Của “HÀNH” Trong Năm Món “SẮC, THỌ, TƯỞNG, HÀNH, THỨC”.

Sau buổi sinh hoạt vừa rồi, con cảm nhận: Đối với “sắc, thọ, tưởng, hành, thức”. Thì mấu chốt nằm ở “hành”.

Thầy đã dạy: "Thiền định chỉ giải quyết được Sắc, thọ và tưởng, còn hành và thức thì thiền địnhpó tay”. Và, nếu hành thuộc về thiện hành (giác), thì hành sẽ có khuynh hướng tịch diệt (ngộ). Còn hành thuộc ác hành hay bất thiện hành (kiến thức), thì niệm niệm sanh diệt luôn chảy trong tâm thức là điều không tránh khỏi...

IV. Vậy Muốn “HÀNH” Dừng Thì Phải Làm Sao?

Khi tâm thức chưa về lại đúng bản nguyên “không tâm, không pháp” (thức), thì tâm thức luôn diêu động, sự diêu động này gọi là hành.

Sở dĩ “hành” diêu động là do chỉ số tâm và thức khác “không (không tâm, không pháp)” nên hành xuất hiện và diêu động. Cho nên, một người tu hành khi chưa giác ngộ thì vị này phải nương vào Thiện Tri Thức để thay đổi nhận thức, Kinh gọi là "tuỳ tín hành hay tuỳ pháp hành”.  Vì thế, vai trò của Thiện Tri Thức là làm cho hành tâm của người thính pháp dừng, ví dụ như đoạn Kinh vấn đáp giữa Phật và Trường Trảo, còn vị thính pháp chỉ cần tuân thủ theo lời Thiện Tri Thức nhất định sẽ thành tựu.

Lão Đại Tổ Tông (Phật Tổ) đã phát biểu: "Đạo của ta, không nhọc công tốn sức...”.  Và đoạn Kinh Thầy trích cũng đã dạy: "Người có trí, ung dung ngồi trên thuyền chờ cho nước trong. Điều này, dụ cho người có giác (hiểu biết rõ ràng), chờ sức giác làm cho mê lầm, nhiễm ô tịch diệt. Nhờ thế lực của viên Thuỷ Thanh Châu soi sáng, nên vị ấy sở hữu được vật cần tìm!

Điều này, dụ cho người hết mê, tâm thức không bị che khuất bởi tạp nhiễm vô minh, với sức thanh tịnh, sáng suốt (minh liễu), bất động của bổn tâm Vị này tìm được vật cần tìm!"

V. ỨNG DỤNG VÀO TU TẬP TRONG PHẬT ĐẠO.

Đối với các HĐ chúng con, muốn tập sự hướng dẫn người tu hành, vị này phải tìm mọi cách giúp hành tâm của người thính pháp không chạy theo văn tự, ngữ ngôn. Bằng cách dùng thiện phương tiện nào đó, và phương tiện này có công lực đủ mạnh, giúp chỉ số giữa tâm và thức của vị thính pháp cân bằng (không tâm, không pháp) để hành tâm không còn dong ruỗi thì hành ấm sẽ dừng. Biểu hiện của hành dừng là: 

Đối với thân thì tri túc.

Đối với khẩu thì không muốn nói, không sẽ nói.

Tâm thì chỉ có danh vô thực (không tâm), như sừng thỏ lông rùa.

Ý thì không bị trói buộc giữa tịnh hay bất tịnh, thiện hay ác, đời hay đạo... như gió thổi qua đồng trống.

Kính Thầy chỉ dạy thêm! Con.

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 0
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG