Tiến Trình Tu Tập

- A La Hán chỉ dứt sanh tử phần đoạn, ra khỏi khổ đau ba cõi, còn thấy có sanh tử có Niết Bàn vì thế vị này bỏ sanh tử cầu Niết Bàn, vì chưa thấy phiền não cùng Bồ Đề chẳng hai, nên vị này sợ phiền não tìm Bồ Đề. A La Hán chỉ chứng được nhân không mà chưa thấy pháp cũng không và A La Hán cũng chưa thấy được thiệt tướng.
- Sau khi chứng La Hán, muốn thành tựu những điều nêu trên, vị này phải phát tâm Vô Thượng Bồ Đề, phát nguyện độ sanh và cầu học Nhất Thiết Trí. Thực hiện những điều này, một A La Hán sẽ không còn danh xưng là A La Hán, mà được gọi “hồi tâm A La Hán”.
- Sau khi có trí tuệ, vị này hành công hạnh Bồ Tát gọi là Bồ Tát sơ phát tâm, trải qua hai vô số kiếp, chuyển biến trong “Bất tư nghì biến dịch sanh tử” vì công hạnh, vị này viên mãn Nhất thiết trí, dứt hai phần Sở trí ngu, Bồ Tát này mới thấy được thiệt tướng, đồng thời thấy Phật tánh.
- Thấy Phật tánh, Bồ tát này được thọ ký, có danh xưng là Đại Bồ Tát. Trải qua một vô số kiếp còn lại gọi là “Hậu biên thân”. Về thân, Đại Bồ Tát tu tập 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp. Về trí, Đại Bồ Tát Tu tập Nhất Thiết Chủng Trí. Về cõi nước, thiết lập cõi nước, trang nghiêm chúng sanh.
- Viên mãn hai phần công đức và trí tuệ, tức thân tướng đầy đủ và trí huệ tối thượng, Bồ Tát này nhập “Tối hậu thân” còn gọi là “Sắc thường trụ” giống như thân Thích Ca Mâu Ni, từ cung trời Đâu Suất đản sanh chứng Vô Thượng Bồ Đề. Đây mới được gọi là thân rốt sau. Vì thế mới có danh xưng “Chánh Đẳng Chánh Giác” tức thân và trí đồng chư Phật mười phương.
- Người tu hành trong Phật đạo đều không thể ra khỏi tiến trình này, nếu muốn chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
- Trong kinh Đại Niết Bàn, Phật dạy: “Trước khi thọ thực, thân Bồ Tát là nhục thân. Thọ thực xong, Bồ Tát nhập Kim Cang Tam Muội tiêu hóa thức ăn, biến nhục thân thành kim cang thân, thấy Phật tánh chứng Vô Thượng Bồ Đề”.
Từ La Hán đến thành Phật, nên Phật còn được gọi là Đại A La Hán.
“Tu hành vì người là thật nghĩa của tu hành vì mình, Bồ Tát lấy chúng sanh làm tự thể tu tập. Thanh Văn chủ trương vô ngã nên không thể giác ngộ chúng sanh, Bồ Tát biến Ngã thành Bi, biến Khổ thành Từ, thấy Không thành Hỷ, hiểu Vô Thường nên tâm thường tự Xả. Vì rốt ráo xả nên tâm thanh tịnh, tâm thường thanh tịnh nên gọi là tinh tấn..."
(12-2010)
−−−••• ⁕ ⁕ ⁕ ⁕ •••−−−
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






