Thấy Xa Cũng Thấy Gần

Hỏi: Như thế nào là “Thấy xa thì cũng thấy gần”?
Hàng Bồ-tát nào mới có thể thấy suốt xa lẫn gần?
Trả lời: Trong kinh có nói: “Thấy xa thì cũng thấy gần”, có nghĩa thấy được những nghĩa lý sâu xa, tất nhiên những nghĩa lý nông cạn cũng thấu suốt.
Chữ thấy ở đây không phải chỉ cho con mắt mà chỉ cho trí tuệ. Một khi có được trí tuệ thì vị này thấy những điều bậc Thánh thấy, cũng thấy luôn những điều chúng sanh thấy. Có trí tuệ, nhưng chưa viên mãn thì không có cái biết bao quát. Cụ thể, chỉ có những Bồ Tát từ Thập Địa trở lên, mới thấy suốt xa lẫn gần. Thập Trụ tuy có pháp nhãn, nhưng chưa viên mãn trí tuệ nên cũng không thấy hết những điều từ cạn đến sâu của giáo pháp.
Tóm lại, chỉ có các Đại Bồ Tát mới có thể nổi mây pháp, đánh trống pháp, thổi loa pháp, mưa pháp vũ, quạt gió giải thoát dập tắt lửa phiền não cho chúng sanh. Nếu chúng sanh đủ công đức, vị này có thể thị hiện Như Lai địa, gọi là thấy xa cũng thấy gần.
Do vậy, khi Phật nói: “Thấy xa cũng thấy gần” là chỉ cho hàng Bồ tát này. Hàng Bồ Tát có thể “thấy xa cũng thấy gần” gọi là Đại Bồ Tát. Trong kinh Đại Bát Nhã, khi ngài Tu Bồ Đề hỏi Phật. Bạch Thế Tôn, thế nào gọi là ma ha (đại). Phật dạy: “Ma ha là lớn, trí tuệ vô biên, từ đây có thể xuất sinh Tu Đà Huờn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, Bích Chi, Bồ Tát, Phật. Đến đâu cũng làm thượng thủ, gọi là Siêu Nhân Loại…” Đây là một trong những nghĩa “thấy xa cũng thấy gần”.
(08-2010)
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






