Thân Nghiệp. Quả Vị Ly Thân. Câu Sanh Lưỡng Chấp

Ngũ Đệ là người đứng hàng thứ năm trong nhóm chín người. Nghe nói người này xuất thân không phải tầm thường, được liệt vào hàng văn võ song toàn... Tuy là người đứng thứ năm, trên bốn người nhưng Ngũ Đệ tuổi đời chưa đến ba mươi. Năm ngoái hắn bị nội thương nghiêm trọng, không chết là may. Đến nay tuy còn sống nhưng đi đứng phải có người dìu đỡ. Ngũ Đệ lên tiếng:
Thưa Lão Sư!... Thưa các huynh đệ!... Tôi bị nội thương nặng, xoay xở khó khăn, nói năng không được mạnh dạn, xin các vị lượng thứ...
Thưa các vị!... Đã một năm rồi, tôi bị nội thương, nhờ các huynh đệ tận tình chăm sóc lại mời lương y danh tiếng về đây chữa trị, nên mới giữ được mạng sống đến hôm nay... Một năm nay, nội thương hành hạ tôi không ít. Có những lúc những tưởng chết sướng hơn sống, nhưng rồi tình nghĩa huynh đệ đã làm tôi nén cơn đau vượt qua tiêu cực...
Thưa Lão Sư!... Tôi cũng biết sanh lão bịnh tử là chuyện đương nhiên của thân này, hữu thân hữu khổ... Tôi cũng biết Phật gia ra đời giúp người khốn khổ, nhưng con đường đó là gì cả năm nay tôi nghiệm mãi không ra. Nếu Lão Sư có cách giúp tôi, tôi nguyện đem cái thân tàn còn lại này làm bất cứ điều gì Lão Sư cần đến...
Lý Tứ tiếp lời: Thưa Ngũ Huynh!... Thưa các vị!... Con người sinh ra ở đời có hai món làm cho chẳng được sướng vui, đó là khổ và đau... Khổ thuộc về tâm và đau thuộc về thân... Phật gia chỉ giúp con người ra khỏi khổ phiền não nếu họ giác ngộ thấu thoát nguồn tâm, còn đau thuộc về thân thì đã có y khoa. Y khoa có cả một nền tảng nhiều đời kế thừa chuyên lo việc này...
Tuy nhiên, Phật gia cũng có lý giải tại sao thân nghiệp con người phải chịu nhiều khổ hoạn... Ở phạm vi nào đó, Phật gia nói rằng cái quả hôm nay thấy đây là do cái nhân ngày trước tác thành. Có nhân mới có quả, từ nhân đến quả gọi là nghiệp... Giống như vay nợ, đến ngày phải trả... không trả hôm nay mai sau cũng trả. Đạo lý này không thể nói khác...
Nhưng đã là người trí, đối với tự thân khi xảy ra những điều ngoài mong muốn cũng nên có cái suy nghĩ như vầy: Trước đây ta mượn nợ... hôm nay có nhân duyên trả được, thật không thú vị lắm sao... Suy nghĩ được như vậy, cái tiêu cực trong tâm rất đỗi nhẹ nhàng...
Ngũ Huynh ơi!... Đã là huynh đệ của nhau, cái đau của huynh cũng là cái đau của Lý Tứ tôi... Nhìn cái thân ốm o của huynh, tôi chợt nghĩ ra một điều. Tất cả cỏ cây đều nương nơi đất mà tồn tại, đất tốt thì cỏ cây tốt, đất xấu thì cỏ cây tàn úa... Nếu không có đất, thì cỏ cây sẽ tự diệt mất... cũng giống như vậy…
⁎ Nghiệp quả của một hữu tình Y nơi thân này mà tồn tại, y nơi thân này mà phát triển, nếu không có thân thì nghiệp dựa vào đâu...
Nơi thân nghiệp này, nếu Ngũ Huynh quán kỹ, thì đúng như Phật dạy, chỉ là sự cấu tạo của bốn Đại, mà bốn Đại tự tánh rỗng không. Nhân nơi cái rỗng không này, chẳng nên chấp nhất cái thân, có nó hay không cũng không quan trọng... Coi như đây là nhân duyên tốt để bỏ của nợ trên đời... Còn thì dùng vào việc lợi ích cho đời, nhược bằng không có thì thôi... Hôm nay không có nhân duyên bỏ nó, thì tám mươi năm sau nó cũng tự bỏ mình. Luyến tiếc làm chi cái của vô thường...
Nếu tâm nhất quyết như vậy, Ngũ Huynh sẽ thấy đau yếu thì còn nhưng lòng nhẹ nhàng... Cái này Phật gia gọi là có quả không báo...
Thưa Ngũ Huynh!... Trong kinh cũng có kể, ngày xưa đệ tử Phật là Tất Lăng Già Bà Ta, một hôm giẫm phải cây gai độc, đau nhức vô cùng... Ông ta tìm gốc cây mà ngồi... Trong lúc đau nhức như vậy, ông ta định tâm quán cái đau nhức... Quán một hồi lâu, ông ta phát hiện ra trong một Tất Lăng Già Bà Ta lại có hai con người, một con người đau nhức và một con người thanh tịnh an nhiên... Ông ta chú tâm nhập vào con người thanh tịnh an nhiên thì chẳng còn thấy đau nhức... Sau hai mươi mốt ngày, đạo quả giải thoát xuất hiện. Ông tất Lăng Già Bà Ta chứng quả A La Hán...
Cái thân bốn Đại vốn không biết đau, nhưng khi tâm ý gá vào gìn giữ nó thì bốn Đại vô tri trở thành có tánh... Nếu bảo bốn Đại biết đau, tại sao người chết không đau? Như người đau răng lúc ngủ, cái đau đã hết đâu nhưng khi ngủ không đau... bởi lẽ thức dậy cái đau vẫn còn...
⁎ Căn cứ vào đây mới biết, sở dĩ cái thân có đau vì cái tâm có ái luyến cái thân. Điều này Phật gia gọi là “câu sanh lưỡng chấp”. Tâm chấp thân, nên khi tâm buồn khổ thì cái thân lại chảy nước mắt, rồi cái thân lại đi chấp cái tâm, cái thân này đói, cái tâm phát sinh muộn phiền.
Tu hành trong Phật đạo là phải nắm vững đạo lý này, để đem tâm quán về cái thân giả tạm... Tâm chẳng gìn giữ thân, thân không thèm gìn giữ tâm.
⁎ Thấu hiểu đạo lý này, khi cái thân có gặp phải rủi ro, tâm cũng không vì thế mà sanh phiền não... Cảnh giới này Phật gia gọi là quả vị Ly Thân... Các cảm thọ trên thân không làm cho tâm buồn chán...
Nào!... Ngũ Huynh thử gẫm xem cái đạo lý này của Phật Gia có làm cho Ngũ Huynh bớt buồn khổ chút nào chăng... Nói đến đây Lý Tứ và mọi người đồng lặng thinh như để cho Ngũ Đệ một mình nghiền ngẫm...
Sau một hồi im lặng, Lý Tứ tiếp:
Thưa Ngũ Huynh!... Cái tâm thật ra cũng chẳng có phiền não, giống như ngọn đèn chẳng thể có quầng... Nhưng người mắt nhặm, một khi nhìn vào cái đèn, lập tức thấy đèn kia có quầng… Thì cũng vậy, tâm này bổn lai tự không phiền não. Nhưng một khi tâm này mê cái thân, cái thân có vấn đề thì tâm sanh phiền muộn.
Thật ra nếu tĩnh tâm nhìn kỹ, phiền não chỉ có từ khi cái thân bị thương tổn... Nếu cái tâm không thương tiếc cái thân, thì cho dù thân này có thương tổn tâm có phiền não hay không?
Nếu một bề chấp nhất, thân thương tổn tâm sẽ khổ đau thì chấp nhất này có gì đó không ổn. Bởi lẽ nếu thân thương tổn tâm nhất định phải khổ, thì tại sao thân ông A đau bà B chẳng khổ... Khổ chỉ vì nhận lấy thân này là của ta rồi cố giữ gìn mong sao cho nó mãi mãi tốt tươi. Mà thân bản chất của nó vô thường, cố gìn giữ cũng không thể tồn tại mãi mãi như ý của mình...
Ngũ Huynh ơi!... Cái nội thương này biết đâu là dịp để Ngũ Huynh trải nghiệm đạo lý của Phật gia. Trải nghiệm thành công gọi là thân chứng...
Đâu!... Ngũ Huynh thử gẫm lại xem... Một phen lắng tâm bỏ hẳn cái thân thử coi, tâm này có còn phiền muộn hay chăng?
Lại nữa Ngũ Huynh ơi!... Tâm mê chính là môi trường tốt cho nghiệp tích tụ, giống như ao tù nước đọng là môi trường tốt cho muỗi mòng phát sinh...
Nếu nguồn tâm một bề trong sạch, không não không phiền, chẳng chấp đây kia, tĩnh lặng như gương soi cảnh vật thì cái nghiệp nương đâu mà lập thành. Một chút trên thân dễ làm cho nguồn tâm như vậy phiền muộn được sao?
⁎ Phật gia cũng dạy “Chánh báo thế nào y báo thế đấy...”. Như người kia, đủ phước làm vua thì ngai vàng sẽ có. Nhược bằng ôm cái mộng làm vua mà phước báo không đủ, đi lo tạo lập ngai vàng mong có ngày lên đó để ngồi thì than ôi, cái đầu sẽ rụng vì tội âm mưu tạo phản...
Vì thế mong Ngũ Huynh nghĩ lại, một bề lo chữa trị vết thương, một bề lo trau giồi cái tâm. Một khi tâm được thanh thản, biết đâu nhờ đó mà vết thương Ngũ Huynh mau lành... Cầu xin Tam Bảo gia hộ cho Ngũ Huynh sớm tai qua nạn khỏi... Nói đến đây, Lý Tứ nhắm mắt như để gởi gắm lời cầu xin của mình đến tận Phật trời...
Ngũ Đệ đứng phắt dậy, cung tay nói lớn:
Lão Sư ơi!... Lời Lão Sư như rót mật vào tai. Cái tâm của đệ tử một bề chảy theo lời dạy của Lão Sư. Cái thân còn đó nhưng tâm đã quên... Thiệt là đệ tử như người đui sáng mắt...
Có muộn phiền khổ não thì vết thương cũng đâu vì muộn phiền mà giảm nhẹ... Nay hiểu ra đạo lý này đệ tử thấy trong lòng nhẹ nhàng, cái đau cũng nhẹ nhàng theo, thiệt lời Lão Sư là thuốc chữa tâm bệnh. Tâm này hết bệnh thì nhất định một ngày không xa thân bệnh cũng phải đi qua...
Nghiệp ở nơi tâm, mà thân lại chịu... Lão Sư ơi đúng là “câu sanh lưỡng chấp”... Cái ngu này từ đây đệ tử xin chừa... Nói đến đây, Ngũ Đệ ngã nhào xuống đất... Lão Đại như con diều hâu chớp mắt đã chộp lấy Ngũ Đệ đặt xuống chỗ ngồi...
Lý Tứ cầm tay Ngũ Đệ rồi ân cần hỏi:
Ngũ Huynh!... Ngũ Huynh có làm sao không, nội thương chưa hết đừng có cố sức. Thế nào? Ngũ Huynh cảm thấy có bình yên không?
Ngũ Đệ mỉm cười rồi nói:
Lão Sư ơi!... Sau cái té ngã vừa rồi, thiệt may mắn cho đệ tử, nhân cái ngã này mà đệ tử thấy rõ mình hơn... Nếu là ngày xưa, sự việc như vậy nhất định đệ tử hốt hoảng, tâm thần rối loạn. Nhưng lần này thì khác... cái thân thì ngã mà tâm đệ tử vẫn dửng dưng đứng thẳng... Tận đến bây giờ, đệ tử cảm thấy hình như chưa có việc gì xảy ra... Trong lòng sảng khoái, cái thân có đau chút đỉnh nhưng trong tâm lại an vui tự tại...
⁎ Đa tạ Lão Sư đã cho đồ đệ liều thuốc tinh thần... Cho đồ đệ hiểu thế nào là ý nghĩa đích thực của hai chữ “Giác Ngộ”...
Lão Đại, nghe vậy cao hứng đến tột bậc. Lão cất giọng thỏa mãn:
Thiệt là kỳ diệu!... Thiệt là kỳ diệu... Đúng là sức mạnh tinh thần. Một năm rồi, Ngũ Đệ chưa từng tự mình có thể đứng lên. Thế mà, nay chỉ có vài lời ngắn ngủi của Lão Sư đã làm cho Ngũ Đệ trong chốc lát trở thành người khác... Nếu chẳng tận mắt chứng kiến, đồ đệ có nghe nói lại cũng chẳng thể nào tin được... Đúng là sức mạnh tinh thần có thể làm thay đổi tất cả, biến nhu thành cương, biến nhược thành cường... Cũng chỉ là lời nói, nhưng lời nói của Lão Sư trở thành thần dược. Thay mặt Ngũ Đệ và các anh em, xin Lão Sư cho đồ đệ lạy một lạy để cảm tạ ơn đức này... Nếu chẳng may, Ngũ Đệ không qua khỏi kiếp nạn, thì nghiệp quả của Ngũ Đệ trở thành quyết định vậy... Nói xong Lão lạy dài Lý Tứ...
Lý Tứ lên tiếng:
Thưa Lão Đại!... Thưa các huynh đệ!... Chẳng qua may mắn đấy thôi... Trong phút chốc nào đó, con người có thể chiến thắng tất cả...
Nhưng không vì thế mà coi nhẹ bệnh tình, phải mời lương y bốc thuốc. Bệnh của thân thì phải trị trên thân, chớ có coi thường. Sinh mạng con người không nên phó thác vào một vài câu nói... Thân của tôi đây, khi đau ốm cũng phải nhờ đến thuốc men cơm cháo...
Tôi còn nhớ trong kinh có kể, một hôm Thế Tôn thị hiện có bệnh, phải nhờ đến Thần Y Kỳ Bà... Thân này là của ba cõi, thì phải y nơi luật tắc y thuật của ba cõi mà chữa trị, không thể phó thác cho rủi may...
Nếu tâm vững vàng thì thân có đau ốm cũng không vì thế mà chao đảo kinh sợ như người đời... Chứ chẳng thể ỷ thị vào tâm mà hắt hủi cái thân... Đã là người có trí thì phải minh bạch cái gì ra cái đó... Mong Ngũ Đệ nghe lời khuyên này...
Ngũ Đệ lên tiếng:
Thưa Lão Sư!... Nay con biết mình phải làm gì cho thỏa đáng. Ngày xưa còn u tối, bây giờ sáng ra rồi... Thân này còn bịnh, nhưng tâm cực kỳ hoan hỷ. Cái bệnh chút đỉnh có sá gì đâu...
Đồ đệ nghiệm ra, con người vừa sinh ra đời, sống theo tháng năm để chờ cái chết. Mọi người chẳng qua nhận cái vui tạm của thế gian để quên đi con đường tất yếu phải đến... như người mất của xem hát để bớt sầu lo, chứ chẳng phải đoạn dứt vĩnh viễn cái lo rầu được... Một khi chưa giác ngộ thì cái lo rầu vẫn còn đó, chút vui thế gian chỉ tạm quên đi chớ chẳng thể dứt mất, như người nhìn ngó phương Đông tạm quên phương Tây...
Bây giờ đệ tử đã biết thế nào là chẳng có Đông Tây phương sở... Cái thân này nếu may mắn còn tồn tại, nhất định nó sẽ là vật có ích cho thiên hạ.
⁎ Bốn chữ “Ngũ uẩn giai không” nếu chưa giác ngộ thì chẳng thể rốt ráo hiểu được...
Bây giờ con mới biết, vì sao khi nãy Lão Sư lại nói, “Đã là chân lý tại sao có người giải thích như thế này, có người giải thích như thế kia”.
⁎ Chân lý của Phật gia là sự chứng nghiệm tự thân chứ không phải lý luận. Vì thế Lão Sư mới nói Phật đạo không chủ trương tồn tại trên những lý luận... Thiệt là muốn tự tại giữa biển khơi phải làm con cá.
⁎ Lão Sư ơi!... Con bắt đầu hiểu cái “văn hóa vô lậu” mà Lão Sư thường đề cập... Không thể đem tâm hữu lậu để bàn nghĩa vô lậu...
Con cũng hiểu cái nghĩa vì sao năm trăm gã tăng thượng mạn phải rời bỏ pháp hội Diệu Pháp Liên Hoa...
Hồi nãy Lão Sư có nói, biết đâu nhân cái bệnh này mà chứng nghiệm đạo lý Phật gia. Lời của Lão Sư thiệt là huyền ngôn, trong lời có thuốc. Thuốc theo lời mà chảy vào tâm... Thân tuy có bệnh nhưng tâm đã hết. Xin Lão Sư yên tâm, phen này đệ tử biết rồi... Nói đến đây hắn lại hướng về Lý Tứ xá dài...
(còn nữa)
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






