Tâm, Tâm Đà La Ni (Đại Bi Tâm)

 0
Tâm, Tâm Đà La Ni (Đại Bi Tâm)

Thế nào là Tâm Đà La Ni?

Lời giải thích về Tâm và Tâm Đà La Ni của vài HĐ rất đúng, có xu hướng thiên về đệ nhất nghĩa. Bám chặt giải thích này sẽ phát sinh công đức. Nếu tư duy thấu suốt chiều sâu sẽ phát sinh trí tuệ vô lậu.

- Phật Giáo lấy thanh tịnh tâm làm căn bản tu học. Mọi nghĩa đều quy về nghĩa này nên gọi là đệ nhất nghĩa, tức chỉ có nghĩa này mới là tối thắng không có nghĩa khác cao hơn.

- Tuy nhiên, nếu biết phát huy nghĩa căn bản này đến tột cùng thì trí huệ vô lậu trở thành Đà La Ni, tức Đại Bi tâm. Giống như ngọn đèn, nếu tăng nguồn sáng đến cực độ, ngọn đèn này có thể tự chiếu và chiếu vạn vật. Đây là hình tượng của Niết bàn Ba thừa và Viên giác của Chư Phật. Tự chiếu hoặc chiếu giới hạn gọi là mặt trăng Ba thừa, nếu chiếu không cùng tận gọi là mặt trăng Viên Giác.

- Trong Phật pháp, chữ Đẳng có nhiều tầng nghĩa. Sơ cơ người tu hành phải tu cho tâm được Bình Đẳng, tức còn thấy mình và người bình đẳng

- Khi tâm hoàn toàn thanh tịnh thì chữ Bình mất đi (mất sự so sánh) chỉ còn nghĩa Đẳng, đây là cảnh giới giải thoát, sắp duyên vào trí tuệ chơn thật.

Vị này rời tứ cú, tâm và lời nói đồng không kẹt mắc, viên mãn vô lậu tâm, trí huệ và đại bi phát sinh có thể làm lợi ích cho chúng sanh, ngôn thuyết của vị này là quang minh, ai tiếp cận sẽ hưởng được mùi vị thanh lương; Giống như ban đêm gặp trăng sáng, gọi là Vô Đẳng Đẳng, vị này có thể tuyên “Chú” để giúp người sang sông.

Viên mãn công hạnh, như trăng rằm, thân tâm ngôn thuyết đều có thể chiếu gọi là Vô Thượng Chánh Đẳng. Sức chiếu đồng Chư Phật xưa nên gọi là Chánh Đẳng, không còn sức chiếu nào sáng hơn nên gọi Vô Thượng.

 Có thể tóm tắt:

  • Sơ cơ tu để Bình Đẳng.
  • Thanh tịnh (giải thoát) rốt ráo sẽ được nghĩa Đẳng.
  • Tích tụ viên mãn Tâm Đà La Ni tiến về cảnh giới Vô Đẳng Đẳng.
  • Tự mình giác ngộ viên mãn cũng giác ngộ người viên mãn, chứng Vô Thượng Chánh Đẳng

Cũng có thể hiểu:

  • Tu tập để được chữ “Như vầy” (tự Như). Phát nguyện rộng sâu và thực hành “lời nguyện này” (tập hạnh Như Lai). Nguồn sáng tương ưng với vật tiếp cận (tu hạnh Ứng Cúng bình đẳng Bố Thí Ba La Mật). Có sức chiếu không cùng (Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc…)
  • Mười danh hiệu Phật từ Như Lai, Ứng Cúng… Phật, Thế Tôn là chuỗ̃i quá trình của công đức và trí tuệ huân tập cho đến viên mãn.

Những điều trên, một phần đáp ứng câu hỏi của HĐ về nghĩa Thanh tịnh (như vầy) và làm sao phát sinh đại bi. Muốn phát sinh bi tâm (từ bi) phải phát nguyện rộng sâu cứu độ chúng sanh. Khi nguyện chín mùi Bi Tâm sẽ hiện.

Trong kinh Lăng Già Phật dạy: “Khi vào địa, Bồ Tát nhớ lại nguyện xưa” hoặc Phật nhắc: “Ông có nhớ lại nguyện xưa”. Cũng có thể hiểu, đối với các Bồ Tát, đại bi là hệ quả tất yếu của thanh tịnh tâm, Bồ Tát khác Thanh Văn ở điểm này.

Đừng có lo, cứ tu tập cho Thanh Tịnh, Đại Bi sẽ hiện vì đây là nguyện xưa. Nếu không hiện, Phật sẽ nhắc. Vài dòng cùng các bạn. Tư duy những nghĩa trên, bầu trời Phật pháp sẽ rộng mở.

(10-2010)

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 1
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG