Tâm Cầu Đạo Của Trung Nguyên Cửu Tuyệt

“TRUNG NGUYÊN CỬU TUYỆT”… TỪ BỎ… VŨ KHÍ; “DANH - TƯỚNG” VỀ HƯ KHÔNG
Đại bản doanh của Trung Nguyên Cửu Tuyệt gồm một cụm kiến trúc, phía trước là căn chính rộng ba gian. Phía sau là một dãy nhà liên kế có nhiều phòng được xây theo hình cong của trăng lưỡi liềm. Nhà chính và dãy phía sau cách nhau bởi một hoa viên không lớn lắm. Tuy nói là không lớn, nhưng cũng đủ hoa cảnh và hòn giả sơn... Chính giữa hoa viên là một bộ bàn gồm mười hai chiếc ghế bằng đá mài nhẵn và đặt đều đặn chung quanh chiếc bàn tròn lớn cũng bằng đá.
Nhìn tổng thể của cụm kiến trúc này, hình như chủ nhân của nó đã xây dựng trên ý tưởng cách điệu hình chữ sơn, hoặc cách điệu hình dáng chiếc cung và mũi tên đã trương lên đến cực điểm. Dãy nhà phía sau ôm lơi căn nhà chính. Lối kiến trúc như vậy rất hiếm gặp, bởi lẽ cách xây dựng này đòi hỏi cần có một mặt bằng không nhỏ và kinh phí rất lớn. Toàn bộ tòa nhà lưng dựa vào núi Dự Sơn, mặt nhìn thẳng ra Ô Giang. Phía sau là núi phía trước là sông. Tuy tòa nhà đồ sộ nhưng với cảnh quan hữu tình, dưới có sơn thủy trên mây trắng bay đã làm cho khu nhà đầy ắp chất thơ...
Nhà chính có nét gì đó mang nặng dáng dấp kiến trúc thời Đường, bởi những tấm bích họa trên vách và mặt trước của nhà là các họa tiết trang trí được tỉa gọt công phu, cộng thêm một số mảnh thủy tinh được cẩn vào đó tạo nên những nét chấm phá ấn tượng. Thường thì nhìn vào các mảnh thủy tinh và những họa tiết trang trí cũng như tấm bích họa to lớn nhiều màu trên vách cũng đoán biết lối kiến trúc này chỉ bắt đầu xuất hiện ở đời Đường. Bốn mặt của tòa nhà được bao bọc bởi tường rào cao hơn đầu người. Khiến tòa nhà như riêng biệt và tĩnh lặng…
Tiệc chay được bày trên bộ bàn đá giữa hoa viên. Đối diện với bàn tiệc về phía nhà chính là chiếc đỉnh bằng đồng thật to đang tỏa khói... Trung Nguyên Cửu Tuyệt hiện diện đủ chín người. Lý Tứ được mời ngồi ở chiếc ghế chính giữa đối diện với nhà chính có cái đỉnh đồng, bên trái là lão lái đò, bên phải là lão Đại. Tám người còn lại chia nhau trên những chiếc ghế còn lại. Chiếc ghế đá đối diện với Lý Tứ được bỏ trống nhưng ở đó cũng có một bộ chén đũa và đầy đủ thức ăn.
Chờ mọi người yên vị, Lão Đại trịnh trọng đứng dậy, xoa xoa hai bàn tay vào nhau như để lấy can đảm. Lão cung tay chào từng người, rồi lần lượt giới thiệu. Trước nhất lão giới thiệu Lý Tứ. Kế đến lão lái đò. Lão lái đò được Lão Đại gọi với danh xưng tôn trọng là Lão Trượng. Kế đến Nhị đệ, Tam đệ...
Mọi người cung tay trả lễ.
Sau phần nghi thức, Lão Đại lại cất tiếng:
Thưa các vị!... Phần ăn bỏ trống các vị thấy đó, đây là thói quen của anh em chúng tôi. Ghế không có người nhưng vẫn có một phần ăn đầy đủ. Phần ăn này nhằm nhắc nhở chúng tôi rằng, khi có cái ăn không quên người nghèo đói, và cũng để mời những vong hồn vất vưởng không có áo cơm... Nói đến đây, lão mới cất tiếng tuyên bố lý do buổi tiệc:
Thưa các vị!... Bữa tiệc chay hôm nay, anh em Trung Nguyên Cửu Tuyệt rất hân hạnh vì sự hiện diện của Lý Lão Sư và Lão Trượng. Buổi tiệc tuy đơn sơ nhưng mang trong nó nhiều lý do trọng Đại đối với anh em chúng tôi.
Thưa các vị!...
Thứ nhất, ba năm nay chín người chúng tôi đã chán cái cảnh lấy đấu tranh để sinh tồn, treo mình trên đầu gươm mũi giáo. Không phải Trung Nguyên Cửu Tuyệt này sợ gươm đao!... Nhưng sau nhiều trận sanh tử, mạnh được yếu thua, người thua thì người chẳng ra người, người thắng thì trong lòng dính máu của đồng loại. Sau mỗi trận như vậy, anh em chúng tôi tự hỏi lại, mình đã được gì trong cái thua của người... và thắng cái gì trong chính mình...
Những dằn vặt này, đã làm chín người chúng tôi không còn hứng thú làm anh hùng trên ngọn giáo đường quyền. Vì thế, năm rồi chín người chúng tôi hẹn ước với nhau, mỗi người đi một ngả, sau ba tháng lại về đây. Nếu ai tìm được cao nhân có đạo, thì chín anh em đồng bái người đó làm thầy để học. May mắn thay, năm rồi từ một thông tin nhỏ nhoi về Lão Sư Trương Tam tạ thế và có truyền nhân, thế là bằng mọi giá, chín người quyết đi tìm truyền nhân đó.
Trời không phụ lòng người, như các vị đã biết, buổi tao ngộ chiều qua trong cái quán nhỏ, Lý Lão Sư xuất hiện như một báo lành. Thế là mong ước của Trung Nguyên Cửu Tuyệt sắp thành hiện thực... Nói đến đây lão và chín người lại cung tay hướng về phía Lý Tứ xuất lễ...
Thứ hai, buổi tiệc hôm nay đặt dấu chấm hết cho cái tên Trung Nguyên Cửu Tuyệt. Mong Lý Lão Sư và Lão Trượng chứng minh cho sau buổi tiệc này anh em chín người chúng tôi chỉ còn là những huynh đệ tu hành, lấy ngọn rau cây lúa nuôi thân... Bằng hữu giang hồ không còn thấy Trung Nguyên Cửu Tuyệt xuất hiện với gươm bén trên lưng... Thú thật với các vị, bỏ đi hư danh không phải chuyện dễ, lại là thứ hư danh đánh đổi bằng máu xương. Nhưng chín anh em chúng tôi từng là Trung Nguyên Cửu Tuyệt, dựng được tên tuổi trong bằng hữu giang hồ bằng cái tên này, thì nay cũng dám từ bỏ hư danh bằng nghĩa khí của cái tên này...
Tám người còn lại của Trung Nguyên Cửu Tuyệt cùng đứng lên sau lời tuyên bố của Lão Đại và đồng cất tiếng:
Lão Đại nói phải!... Lão Đại nói phải!... Trung Nguyên Cửu Tuyệt tuy từ đây không còn, nhưng vẫn xứng đáng với nghĩa khí của Trung Nguyên Cửu Tuyệt. Nói rồi chín người đồng lột cái đai mang vũ khí. Hai tay trân trọng đặt vào chiếc đỉnh bằng đồng phía sau tòa nhà chính nằm đối diện chiếc bàn ăn trước mặt Lý Tứ đang nghi ngút khói!...
Lý Tứ nghĩ thầm trong bụng, chín người này thiệt không hổ danh anh hùng lại có cái tâm cầu đạo mãnh liệt, dám vứt bỏ hư danh, không phải hạng người tầm thường... Nhưng mà cả bọn đòi tôn ta làm Thầy, thì chuyện này thiệt là khó...
Sau khi chín người đã bỏ hết đai mang vũ khí vào đỉnh đồng để đốt cháy, như đốt cháy một quá khứ...
Chờ mọi người ngồi vào vị trí, Lão Đại cất giọng tiếp:
Xin Lý Lão Sư và Lão Trượng chứng minh cho tấm lòng của huynh đệ chín người chúng tôi. Lần này tuyệt nhiên lão không nhắc đến cái tên Trung Nguyên Cửu Tuyệt. Lão cung tay nói tiếp:
Xin mời Lý Lão Sư!... Xin mời Lão Trượng và các đệ muội nhập tiệc, ăn uống no say rồi, mời các vị lên Đại sảnh chúng ta sẽ hàn huyên tâm sự...
Lý Tứ lại nghĩ, chín người này đúng là hảo hán, chuyện gì ra chuyện đó, tiệc là chỉ để ăn!... Lão không nhắc đến chuyện cầu học, thôi thì cứ “đánh chén” rồi tính tiếp...
*********************
“TRUNG NGUYÊN CỬU TUYỆT”…BÁI “THẦY”
Như mây bay trên trời
Không đẹp cũng không xấu
Người có trí hãy tìm
Cái đẹp, trong cái đẹp.
Vì lợi ích muôn loài
Vì an vui tứ chúng
Vì sanh tử chẳng thật
Nên mây cũng không thật.
Không thật nhưng có vui
Thường cho nhiều lợi ích
Nơi không thật thành thật
Cái người trí cần tìm...
- Lý Tứ -
Mọi người tề tựu về căn giữa của ngôi nhà chính. Ngôi nhà ba gian được phân chia rất cụ thể. Gian bên phải phía trong cùng là một cái tủ lớn đựng Kinh Phật, một số quyển luận và các tài liệu Phật gia... được sắp xếp theo thứ tự kinh trên luận dưới rồi đến tài liệu. Phía trước là một bộ bàn dài với mười hai cái ghế nhẵn bóng không một hạt bụi. Gian bên trái cũng cái tủ lớn nằm phía trong cùng chứa các loại sách thế gian hỗn tạp, gồm đủ, sách của Đạo Gia, Nho Giáo, Triết Học, Binh Thư, Quyền Phổ, Kiếm Thuật, Địa Lý, Lịch Sử... Đối diện tủ sách cũng gồm một chiếc bàn dài và mười hai cái ghế, cũng nhẵn bóng không một hạt bụi...
Gian chính giữa nơi mọi người ngồi, phía trong cùng là bàn thờ lớn thờ Phật rất tôn nghiêm. Phần còn lại được để trống không bàn ghế, khoảng gạch lót sàn được trải chiếc chiếu bông to gần bằng phần diện tích của gian giữa. Với lối bài trí như vậy, mới nhìn qua có cảm giác đây là một ngôi chùa hơn là một trang viện, chỉ khác ngôi chùa ở chỗ, nơi này không có bóng dáng Tăng Sĩ...
Mười một người được mời ngồi trên chiếc chiếu bông ở gian giữa, trước mặt là những tách trà bốc khói phảng phất mùi hoa lài... Vị trí của mười một người là vị trí của buổi tiệc. Đợi mọi người yên vị, Lão Đại với tư cách là chủ nhà, lên tiếng trước:
Thưa Lý Lão Sư, Thưa Lão Trượng cùng các huynh đệ!... Có thể nói cơ duyên hôm nay thiệt là hiếm trên đời. Cơ ngơi này đã thuộc về chúng tôi hơn bốn năm qua. Cũng có rất nhiều buổi tiệc đã được diễn ra ở nơi này, nhưng chỉ có buổi tiệc hôm nay làm anh em chúng tôi hoan hỷ; hoan hỷ bởi lẽ anh em chúng tôi ăn mừng cái cần tìm đã tìm gặp, hoan hỷ bởi lẽ chúng tôi đã khai tử cái cần khai tử, hoan hỷ bởi lẽ chín anh em chúng tôi tâm nguyện sẽ khai sinh cái cần khai sinh...
Tuy thân chín anh em tôi xưa là những kiếm khách giang hồ, nhưng thường tìm cầu đạo lý. Chín anh em chúng tôi nghe ở đâu có cao nhân ẩn sĩ liền tìm đến đó để rửa tai nghe, hầu mong tìm kiếm đạo lý làm thay đổi đời mình.
Tuy là khách giang hồ nhưng chúng tôi là những đệ tử Phật gia, bởi lẽ anh em chúng tôi năm năm trước đồng đến Thiền Môn để nương dựa Tam Bảo. Từ ngày quy y đến nay, trong tâm tưởng chỉ mong gặp cao nhân, chỉ mong gặp được bạn lành cầu làm Thiện Tri Thức. Bởi chúng tôi ý thức rất rõ, như người đi trong đêm tối, nếu không có ngọn đuốc soi đường thì chẳng thể thoát ra khỏi hiểm nạn. Tâm trí của chúng tôi nhỏ hẹp, cái ảo diệu của Phật Môn khó nghĩ suy. Nếu không có cao nhân đưa đường chỉ lối thì cho dù tự thân có nỗ lực cũng chỉ như con thuyền đi vào vùng nước xoáy chẳng thể tự mình thoát ra...
Thưa Lý Lão Sư!... Thưa các vị!...
Mong gặp Thiện Tri Thức như nắng hạn mong mưa rào, như con thơ mong mẹ hiền. Nay gặp được Lý Lão Sư cùng Lão Trượng, nếu các vị không chê chín người chúng tôi, xin nhị vị coi cơ ngơi này là cơ ngơi của các vị... Xin Lý Lão Sư nhận chín anh em huynh đệ chúng tôi làm môn đệ. Bởi lẽ, nếu Lão Sư ở đây mở đường chỉ lối cho chúng tôi, thì chúng tôi cũng không thể thừa kế sản nghiệp trí tuệ của Lão Sư.
Vì danh có chính thì ngôn mới thuận, chỉ có con mới chính danh thừa hưởng tài sản của cha, chỉ có trò mới chính danh thừa hưởng trí tuệ của thầy.
Nếu Lão Sư coi chúng tôi như những huynh đệ khách quan, khi còn ở đây thì còn chút ý vị, khi Lão Sư ra đi thì khách vẫn hoàn là khách. Lẽ nào khách quan lại thừa kế sản nghiệp người ngoài... Chúng tôi ở giang hồ đã lâu, cái đạo nghĩa “thọ giáo” là như vậy. Không chính danh làm đệ tử mà học chiêu thức của người là Đại kỵ... Đạo lý giang hồ mà còn như vậy, chẳng lẽ đạo lý làm thay đổi một con người lại khác đi chăng? Xin Lão Sư thương tình chín cái thân phận nghèo đói đạo nghĩa này mà không nỡ từ chối. Nói đến đây, cả chín người đồng chắp tay hướng về Lý Tứ xá ba xá...
Lý tứ thầm nghĩ, chín người này quả là “tâm ý giống nhau”. Ở đời sao lại có chín con người nhìn bên ngoài thì khác nhau nhưng nghĩ suy lại không khác, đồng như là một... Cách ăn nói của Lão Đại thiệt là đưa ta vào thế khó xử. Ta một đời chỉ thích ung dung không muốn trói buộc, ham ưa cô độc, đứng cũng một mình, đi cũng một mình, có nhà thì ở, không nhà nằm gốc cây đánh giấc. Cuộc đời như con chim bay lưng trời, chẳng thích hơn sao... Nay nếu nhận lời với chín con người này thì thiệt là mệt mỏi... Lý Tứ chưa kịp suy nghĩ hết ý thì Lão Trượng lại nói tiếp:
Lời của Lão Đại thiệt là chí lý. Từ hôm qua đến giờ, sau khi nghe Lão Sư phân tích ngọn nguồn trên dòng Ô Giang, lòng lão thơ thới, tâm trí sáng tợ ánh trăng rằm. Nghe được lời Lão Sư như người đặt gánh nặng xuống. Cái chấp nhất ngày xưa của Lão Lái Đò bỗng dưng tan biến, chỉ còn lại cái hoan hỷ như gió thổi mát lòng... Từ hôm qua đến nay, ngồi bên Lão Sư như được ngồi dưới bóng tùng bóng bách...
Cái phong thái của Lão Sư làm lão đây như cởi bỏ cái trói buộc thế thường để bước vào Phật quốc... Lão đây một đời đã gần đất xa trời nay may nhờ có Lão Sư mới được hưởng chút an lạc nhỏ nhoi của vị ngọt giải thoát. Nếu Lão Sư thương tưởng đến cái thân già này, xin Lão Sư cho già này được ngày ngày nương tựa bên Lão Sư mà nghe diệu lý. Nói đến đây, lão quỳ hai gối lạy dài Lý Tứ...
Trước tình cảnh này, Lý Tứ buộc phải lên tiếng:
Thưa các vị!... Các vị thương tình Lý Tứ này mà ban tặng những lời tốt đẹp, khiến Lý Tứ tôi chột dạ... Nhưng thưa các vị, như hồi qua trên thuyền Lý Tứ tôi đã minh bạch với các vị. Lý Tứ tôi không phải thần thánh, cũng chẳng phải từ trên trời rớt xuống... Xin các vị đừng thần thánh hóa cá nhân tôi.
Đạo lý nhà Phật như biển rộng sông dài, như núi cao rừng rậm. Cái mà Lý Tứ học được chẳng thấm gì so với các Cao Tăng đắc đạo. So với Cổ Đức thì Lý Tứ này chẳng qua là kẻ hậu học... Những điều Lý Tứ tôi biết hôm nay, chẳng phải tự mình có được bởi lẽ sức người có hạn. Mà những điều hôm nay có được là của Thầy Tôi tức Trương Tam Lão Gia khó công dạy dỗ, và một phần do tích góp từ Tam Tạng Kinh Điển Thánh Giáo... Thành ra bảo những thứ này là của tôi thì không đúng. Tôi chẳng qua chỉ là người “nhặt lá trong rừng” được chút ít chẳng dám coi là đủ. Cái được này chẳng phải để Lý Tứ lấy đây làm thầy, mà chỉ cầu mong lấy những gì đã biết làm chỗ răn mình...
Thưa các vị!... Các vị xin học nơi tôi, điều này Lý Tứ cảm ơn vì không ngờ trên đời còn có người coi trọng mình. Nhưng thưa các vị, nhân duyên gặp gỡ giữa tôi và các vị chưa lâu, chừng mấy chục canh giờ thì làm sao các vị có thể khẳng định tôi xứng đáng làm thầy các vị... Phật dạy:
“Muốn biết trí tuệ của một người phải rất nhiều ngày đàm đạo với người đó; muốn biết phạm hạnh của một người thì phải chung sống với họ dài lâu”...
Đằng này chẳng qua tôi và các vị mới vừa bén duyên bèo mây. Lẽ nào mình không lưu ý lời dạy của Đấng Chân Ngữ...
Nếu ngày nay chỉ qua một vài câu nói, một vài hành động quái gở của tôi mà quý vị vội vã nhận đây làm thầy thì e rằng việc làm này hồ đồ chưa chín chắn.
Kẻ học đạo muốn thành tựu, mọi thứ phải soi xét thật kỹ.
Như người đời lập bàn thờ, khi thờ cái gì thì phải hiểu rõ cái này vì sao tôi thờ phụng. Cái tôi thờ phụng có thật xứng đáng hay không? Thờ phụng như vậy thì lợi ích gì cho bản thân và xã hội... Nếu không xét soi thấu đáo, không nhìn ngó trước sau mà làm thì có khác chi kẻ đầu quán trọ... Mà làm kẻ hồ đồ, ngày sau nhất định ân hận. Đã là kẻ trí khi đã làm việc gì rồi thì chớ có ân hận.
Bởi lẽ, việc làm của kẻ trí được thực hiện trên nền tảng lý lẽ thuyết phục và cơ sở đúng đắn, mọi thứ được soi rọi kỹ càng...
Người trí không nên vội vã, mọi thứ phải tường tận rồi mới làm. Nếu chưa tường tận mà làm, thì chẳng khác gì người thiếu trí. Việc làm như vậy sau này sẽ hổ thẹn với lòng...
Thưa các vị!... Lý Tứ tôi một đời chỉ thích cô độc, không thích bằng hữu nhộn nhịp, ham cái hạnh độc cư... Lý Tứ chỉ thích tự do như con chim giữa bầu trời vui thì đậu, buồn thì bay. Tôi trộm nghĩ, thầy trò là nghĩa ràng buộc. Thà làm huynh đệ với nhau. Nếu Lý Tứ tôi nói điều gì phải thì huynh đệ ngồi đó lóng tai nghe, nhược bằng Lý Tứ tôi nói điều chẳng phải thì các vị có quyền phủi y phục một cái rồi cất bước bỏ đi, không thèm ngoảnh lại cũng chẳng có sao... Vui thì gặp mặt, chẳng vui thì xa lánh; không có gì ràng buộc, chẳng nợ nần gì nhau...
Nay nếu tôi và các vị nên danh nghĩa thầy trò, thì chẳng thể làm thế được. Đã là thầy trò thì đến đi phải phép tắc, ngồi đứng phải lễ nghi, nói năng phải cẩn trọng...
Đã là thầy trò thì các vị nhất nhất phải nghe tôi, cho dù điều đó trước mắt vì lý do nào đó các vị thấy chưa đúng với mình... Nhất nhất phải nghe lời vì rằng, nếu cãi lại thì đành phải chịu mang tiếng cãi thầy, lại phải hứng chịu quả báo không nhỏ về sau, vì đây là tính tất yếu của nhân quả, mà Phật giáo rất coi trọng nhân quả...
Cãi thầy là tự bít lối đi, tự đóng cửa trí tuệ...
Các vị thử nghĩ coi? Giữ cái đạo thầy trò có phải tự ràng buộc nhau không?
Thưa các vị!... Học đạo trên đời đã có Cao Tăng. Tôi và các vị có giỏi lắm cũng chỉ là tục gia đệ tử, đồng hàng như nhau. Lấy Tam Bảo làm chỗ cậy nương... Đành rằng tôi có Thầy cũng là tục gia đệ tử, nhưng thầy tôi trong mắt tôi không phải người phàm, chẳng qua mượn cái lốt tục gia để dễ bề lui tới... Chuyện này e rằng ngàn năm có một. Vả chăng, Thầy tôi chỉ nhận mình tôi làm học trò, “cây sanh một trái”... Nay tôi chưa nghĩ đến chuyện làm thầy!... Xin các vị cảm thông...
Tấm lòng các vị, Lý Tứ tôi xin tâm lãnh, còn sự việc như thế nào tôi chưa dám hứa. Và cũng để có thời gian mọi người hiểu nhau rồi mới quyết định cũng không muộn, chớ có vội vàng. Nhưng để thỏa lòng tao ngộ, Lý Tứ tôi xin được phép ở lại đây hầu chuyện các vị vài bữa. Chúng ta thẳng thắn trao đổi với nhau, bổ sung cho nhau những khiếm khuyết của mình về đạo lý...
Lý Tứ cũng xin các vị cho Lý Tứ tôi một điều, khi nào thấy duyên ở đây đã cạn, Lý Tôi sẽ ra đi mà không báo trước...
Lão Trượng lại lên tiếng:
Những lời khẳng khái của Lão Sư đã tỏ lộ cái phong thái bất phàm. Dù Lão Sư có thối thác, trong lòng già này từ đây quyết coi Ngài là Thầy của mình... Dù có thịt nát xương tan, lão đây cũng không ân hận... Dù mai này Lão Sư có như thế nào, trong mắt của lão đây thì Lão Sư cũng xứng đáng cho đồ đệ đội trên đầu mà hãnh diện vì được làm đệ tử của Lý Lão Sư... Nói đến đây lão quỳ xuống lạy ba lạy... Lão tiếp:
Than ôi!... Từ ngày hôm qua, đồ đệ đã quên chuyện danh tướng... Tăng hay tục đối với đồ đệ không còn quan trọng nữa.
Quan trọng của đạo là ở trí tuệ cạn sâu, và cái bất phàm chính là nghi biểu cao vút vượt lên trên mọi nghi thức phàm tình thường hay cột trói phàm nhân.
Lão nói đến đây, cả chín người còn lại cũng đồng làm theo Lão Trượng!...
Lão Trượng vừa dứt lời, Lão Đại lại tiếp:
Phật gia có dạy: “Khi người tu hành ở ngọn núi nào, ở khu rừng nào, ở gốc cây nào, ở với người nào mà không làm cho người tu hành sáng tỏ diệu lý, không hết phiền não, không hết trói buộc, đời sống khó khăn thì người tu hành hãy mau mau từ bỏ ngọn núi đó, từ bỏ khu rùng đó, từ bỏ gốc cây đó, từ bỏ con người đó mà đi, chớ nên luyến tiếc... Còn nếu, ngọn núi nào, khu rừng nào, gốc cây nào, con người nào... mà ở đó làm cho người tu hành sáng tỏ diệu lý, hết phiền não, ra khỏi trói buộc, đời sống dễ dàng, thì cho dù nơi đó có đánh đuổi cũng chớ có bỏ đi”.
Lời Phật Gia đã rõ, nay anh em chúng tôi biết rõ nơi nào cần đến, người nào cần thân cận... Xin Lý Lão Sư nghĩ lại... Rồi Lão tiếp:
Nhưng lời của Lão Sư vừa dạy cũng không phải không có cái lý của nó, và lời khẳng khái của Lão Trượng khi nãy cũng là tâm nguyện của hết thảy chúng tôi.
Chúng tôi chỉ cầu xin, khi nào Lão Sư thấy hợp thời thì cho phép anh em chúng tôi lễ Ngài để được làm môn hạ.
Lý Tứ tiếp lời:
Thưa các vị!... Đã là duyên lành thì cho dù trăm sông ngàn núi cũng không vì thế mà cách ngăn, muôn năm vạn kiếp cũng chẳng thể mất dấu... Cái nghĩa thầy trò không phải một sớm một chiều mà quyết định được như người ta mua củ khoai trái chuối.
Đã nên danh phận thầy trò thì đời đời kiếp kiếp, chưa đến vô thượng chẳng thể bỏ nhau... Thuở xưa, từ ngày còn là bầy chim nhạn, tất cả dắt dìu nhau đến Phật quả há chẳng phải chuyện đùa. Duyên lành cho dù trải qua bao nhiêu thân cũng là anh em huynh đệ thầy trò...
Như vạn mũi tên từ một người bắn ra, cho dù mũi tên đã rời khỏi cây cung, thì tất cả cũng đồng đi về một hướng. Thành ra, cái nghĩa thầy trò là định hướng đời đời kiếp kiếp. Vì thế, chớ có vội vàng. Người trí một lời đã quyết cho dù vạn kiếp không quên... Xin các vị suy nghĩ thật kỹ. Lý Tứ tôi chẳng phải kẻ hẹp hòi, chẳng phải kẻ có bánh ngon lụa tốt giấu kín để riêng mình ăn, riêng mình mặc. Nhưng chuyện này là cả một đời, thậm chí vô lượng... Mong các vị bình tâm suy xét kỹ càng, ngày tháng còn dài, có chi đâu mà vội...
Thưa các vị!... Thôi thì hãy tạm gác chuyện này sang một bên. Tôi còn đây, các vị còn đó.
Nếu chúng ta quyết phải duyên thầy trò, thì không thể mất.
Còn ngược lại, nếu có cố sức thì cũng chỉ như tiếng gió phát ra từ ngọn cây cao, gió dừng tiếng mất...
Duyên chúng ta gặp nhau ở đây, cái cần nhất là đổi trao đạo lý. Để không uổng phí thời gian, mong rằng trong các vị, ai có điều gì hay, ai thấy điều gì tốt có thể giúp nhau an lạc thì chia sẻ cho mọi người. Các vị và tôi, ai có điều gì chưa thông, cũng nên đem ra nơi đây luận bàn để cùng nhau sáng tỏ... Xin mời các vị!... Mọi người nên thẳng thắn vì lợi ích của nhau... Xin mời các vị cùng tôi nâng ly, trà đã nguội rồi!...
(còn nữa)
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






