Rộng Sâu Và Mười Một Thứ Trí

Các bạn!!!
Hôm nay, có HĐ hỏi mình về chiều rộng và chiều sâu trong Phật đạo... Mình xin tóm tắt trả lời như sau:
Chiều rộng và chiều sâu trong Phật đạo là hai lãnh vực mà mỗi người tu hành cần phải đạt đến.
1. Chiều rộng (trong Phật đạo).
Bao gồm những hiểu biết về các loại văn hóa Phật Giáo như: Kiến thức từ kinh tạng, kiến thức từ luận tạng, kiến thức luật tạng, kiến thức về lịch sử và các loại văn hóa thế gian có mối liên hệ đến Phật Giáo…
Nói chung, chiều rộng của Phật Giáo là những kiến thức liên hệ đến đạo Phật được tích lũy qua thời gian, muốn có kiến thức tốt đòi hỏi phải có sự đầu tư nhất định. Đã là kiến thức, luôn luôn có hai mặt. Nếu chỉ dùng kiến thức có được như một thứ trang sức, mà không biết vận dụng để trở thành văn hoá sống, mang lại lợi ích thiết thực, kiến thức bây giờ trở thành cái ‘ngã’, chẳng lợi cho mình, chẳng lợi cho người. Thậm chí, kiến thức rộng mà không biết biến kiến thức trở thành ngọn đuốc soi sáng, vô hình trung kiến thức chính là chướng đạo, gọi là ‘sở tri chướng’.
2. Chiều sâu Phật Giáo.
Là kết quả có được từ chiều rộng cộng với năng lực tư duy và phương pháp ứng dụng hiệu quả, từ đó cho ra thành tựu như pháp. Nói khác đi, nó là kết quả của một đời sống tu hành được kiến thức soi sáng một cách chân chánh. Chiều sâu của Phật Giáo chính là trí tuệ, loại trí tuệ này có năng lực đưa người từ bờ này sang bờ kia, cao hơn nữa có thể giúp người đến Vô Thượng Quả.
- Trong Phật đạo, chiều rộng và chiều sâu, nếu nói quan trọng, hai điều này quan trọng như nhau... Giống như người ta đào giếng lấy nước, miệng giếng hẹp không thể đào sâu, muốn đào giếng thật sâu, người ta phải tăng chiều rộng, rộng và sâu có hài hoà, thì giếng mới chứa được nhiều nước và không sợ tắt mạch khô dòng...
3. Mười một thứ trí của Phật đạo.
Là sự kết hợp tốt nhất giữa chiều rộng và chiều sâu, đây là chuỗi những chuyển biến tâm, ý, ý thức xảy ra trong quá trình phát sinh trí tuệ. Ta cũng có thể hiểu, mười một thứ trí là mười một tầng thấu triệt như pháp của Phật Giáo. Để dễ hiểu công dụng của một thứ trí, ta có thể chia thành các nhóm như sau:
- Nhóm khổ trí, tập trí, diệt trí, đạo trí: Nhóm này thấu suốt nguyên lý Bốn Đế.
- Nhóm loại trí, pháp trí: Nhóm này biết rõ sự sai khác của từng căn cơ, do biết rõ căn cơ chúng sanh nên có thể tuyên thuyết khế thời, khế cơ và khế lý.
- Nhóm tận trí, vô sanh trí: Nhóm này biết rõ nguyên nhân phát sinh lậu hoặc và biết rõ cách chấm dứt lậu hoặc.
- Nhóm đạo tướng trí, nhất thiết trí và nhất thiết chủng trí: Nhóm này, có thể thiết kế chương trình giảng dạy cho từng thừa đến viên mãn nhất thừa.
Tóm lại, rộng và sâu là hai điều kiện bắt buộc của bất kỳ sự học tập nào, nếu muốn có được thành tựu cao nhất đối với ngành học của mình, chẳng riêng gì Phật đạo... Trong võ học, rộng được ví như chiêu thức, sâu được ví như nội lực!!!
Người có nhiều chiêu thức mà không có nội lực, khi lâm trận chẳng khác gì phế nhân!!! Người nội lực sung mãn mà
không biết chiêu thức, chẳng khác nào con trâu chỉ biết dùng sức mạnh để kéo cày!!! Người có đủ hai thứ này, sẽ là thiên hạ...vô...địch!!!
(10-2010)
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






