Thập Như Thị Và Nhân Duyên

Các bạn!!!
Hồi tối, nhân nói về ý nghĩa của thập như thị và mười hai nhân duyên với một số HĐ. Mình xin tóm tắt, để các bạn hiểu hơn về hai món trên.
1.1. Về thập như thị.
Phật thuyết thập như thị (Nhân, Duyên, Quả, Báo, Tánh, Tướng, Thể, Lực, Tác, Bổn Mạc) trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa, nhằm mục đích giúp người tu hành sau khi đã xong phần tự cứu, tiếp tục tu học trí tuệ, bằng cách: "Căn cứ vào tiến trình của mười hiện tượng để xem xét, đánh giá một pháp. Từ đó, có thể đưa ra dự báo, hoặc làm thay đổi pháp này theo khuynh hướng thiện lành. Vì thế trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa Phật nói đại ý rằng: "Chỉ có Phật (trí tuệ) với Phật (trí tuệ), mới hiểu hết tánh tướng của một pháp. Vì nhân như vậy, duyên như vậy, cho nên rốt ráo nó phải như vậy..."
Có nghĩa rằng:
─ Nơi nhân: Không có tánh tướng của nhân.
─ Duyên: Không có tánh tướng của duyên.
─ Cho đến rốt ráo trước sau đều không có tánh tướng.
Ví dụ về nhân không có tánh tướng của nhân:
- Nhân là hạt đậu, nếu duyên là đất, nước, cho đến lực, tác, đều thoả mãn điều kiện canh tác, thì rốt ráo trước sau sẽ là cây đậu với tánh tướng của nó là như vậy.
- Nhân là hạt đậu, duyên là lửa, là chảo, cho đến lực, tác, thoả mãn điều kiện rang nấu, thì rốt ráo trước sau sẽ không phải tánh tướng cây đậu, mà tánh tướng của món đậu rang.
- Hoặc nhân là hạt đậu, duyên là lửa, là chảo, cho đến lực, tác là nghiền là giã, thì rốt ráo trước sau tánh tướng không phải là hạt đậu rang, mà tánh tướng của nó là bánh đậu (xanh).
Từ ví dụ ngoại nhân duyên nêu trên, ta có thể hiểu về tánh tướng nội nhân duyên của ba nghiệp thân, tâm, ý cũng giống như vậy.
- Nếu nhân ngu si như vậy, duyên ngu si như vậy, lực, tác mê muội như vậy, rốt ráo tánh tướng sẽ khổ đau như vậy.
- Nếu nhân ngu si như vậy, duyên giác ngộ như vậy, lực, tác tinh tấn như vậy, rốt ráo sẽ thành tựu tánh tướng của thánh quả như vậy.
- Nếu nhân ngu si như vậy, duyên giác ngộ như vậy, lực, tác thấu suốt như vậy, rốt ráo sẽ thành tựu tánh tướng của trí tuệ như vậy.
Nói chung, thập như thị vừa là nguyên lý, vừa là phương pháp làm thay đổi nguyên lý dựa trên cơ sở thấu suốt tánh tướng. Vì thế, thập như thị là môn học trí tuệ của Phật đạo, thấu suốt nó, sẽ thành tựu vô số pháp lành.
1.2. Về mười hai nhân duyên.
Phật thuyết mười hai nhân duyên, để chỉ ra sự chuyển biến thân, tâm, ý thức của một hữu tình thông qua mười hai giai đoạn từ vô minh đến sanh lão tử, gọi là "một vòng đời".
Trong vòng đời này, nhân trước làm duyên để nhân sau hiện, gọi là nhân duyên. Có nghĩa, nhân vô minh thành thục sẽ làm duyên cho hành sanh. Nhân hành thành thục sẽ làm duyên cho thức sanh. Nhân thức thành thục sẽ làm duyên cho danh sắc sanh... cho đến lão tử.
Nhân trước làm duyên để có nhân sau, nhân sau làm duyên để có nhân kế tiếp. Chính sự duyên nhau này, mà thân tâm và ý thức của một hữu tình chảy mãi trong vòng nhân duyên, gọi là luân hồi.
Biết rõ mười hai nhân duyên chỉ từ một nhân sanh, do nhân này duyên nên có các nhân sau. Nếu một nhân trong mười hai nhân này tịch diệt, sự duyên không còn, thì vòng đời, luân hồi tự tịch diệt. Có nghĩa rằng: "đây tịch diệt, thì kia cũng tịch diệt, ngược lại đây luân chuyển thì kia sẽ luân chuyển.
Để chấm dứt quá trình nhân duyên luân chuyển này, Phật dạy quán luân chuyển và quán hoàn diệt.
- Quán luân chuyển để thấy rằng: "Đây sanh nên kia sanh".
- Quán hoàn diệt để biết rằng: "Đây diệt nên kia diệt".
Các bạn!!!
Thập như thị và thập nhị nhân duyên là hai pháp mà:
- Nếu ngu si, hai món này trở thành phàm phu pháp, đưa đến kết quả khổ đau.
- Nếu biết vận dụng, hai món này trở thành thánh pháp, cho ra thánh quả.
- Nếu thấu suốt tánh tướng, hai món này trở thành trí tuệ, có thể thấy được thật tướng, biết rõ thật tánh.
- Nếu liễu đạt ý nghĩa, hai món này trở thành diệu lý, dùng đây cứu người gọi là diệu pháp.
Các điều vừa nêu, chỉ sơ lược tánh tướng, ý nghĩa của thập như thị và mười hai nhân duyên, độ sâu của hai món này không cùng tận.
Các bạn có thể từ hai món trên:
─ Dùng chánh kiến: Để quán sát tánh tướng.
─ Phát khởi chánh tư duy: Để thấu suốt ý nghĩa.
─ Dùng chánh ngữ: Để diễn nói, viết.
Làm được ba điều này, nhất định sẽ thành tựu diệu lý!!!
(18-09-2014)
−−−••• ⁕ ⁕ ⁕ ⁕ •••−−−
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






