Phật Tánh Và Pháp Tánh

 0
Phật Tánh Và Pháp Tánh

Các bạn !!!
Thời gian qua, BQT nhận được câu hỏi của Đình Vân…Nội dung câu hỏi như sau:

“Thưa BQT Lý Gia, tôi có tham gia nhóm và thường theo dõi các bài viết được đăng trong trang. Nhờ những bài viết trong đó giúp tôi hiểu ra nhiều điều mà trước đây tôi đã hiểu sai về Phật pháp. Hiện nay tôi có một thắc mắc, xin BQT giải đáp dùm. Tôi thường hay nghe nói đến Phật tánh và Pháp tánh, không biết Phật tánh và Pháp tánh có khác nhau không? Tu đến đâu mới thấy được Phật tánh và Pháp tánh. Xin cảm ơn BQT”!

Đình Vân thân mến !!!
Trước khi trả lời câu hỏi của bạn… Thiết nghĩ, chúng ta cần hiểu rõ và thống nhất ý nghĩa hai thuật ngữ mà bạn đã thắc mắc !!! Nếu, chưa hiểu và thống nhất ý nghĩa thuật ngữ (mỗi người hiểu một cách), chắc chắn mọi trả lời đều khó có thể làm vừa lòng nhau !!!

* Phật tánh là gì ???
Phật tánh là các đức tính (tính chất) cao đẹp đặc biệt của một vị Phật (đã chứng Đẳng Chánh Giác)…Khi một bậc giác ngộ rốt ráo (Đại Giác) sẽ viên mãn các đức tính đặc biệt ấy !!!

Trong các kinh Đại Thừa, mà cụ thể là kinh Đại Bát Niết Bàn, Phật dạy Phật tánh có tám đức tính đặc biệt, đó là: Thường, ngã, lạc, tịnh, từ, bi, hỉ, xả !!! Những đức tính này, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát cũng có nhưng không đầy đủ !!! Khi nào tám tính chất này hiện viên mãn, Phật tánh bây giờ chính là Đại Niết Bàn !!!

Trong quá trình tu hành, từ sơ giác đến giác ngộ rốt ráo, tám tính chất nói trên sẽ lần lượt hiện ra, người tu hành trong từng giai đoạn cụ thể, sẽ hưởng dụng lợi ích từ một đức tính cụ thể cho đến đầy đủ tám món…Đây là lí do vì sao, sơ ngộ đã có “chủng tử bất thối” và “tinh tấn lực” !!!

Điều này giống như một người bị lạc giữa rừng sâu trong đêm tối, không biết hướng đi…Bất chợt nhìn thấy đốm sáng ở bìa rừng…Nhờ đốm sáng và sức chiếu của nó, người ấy nhận ra phương hướng…Từ đó hãi sợ chấm dứt, trong lòng phát sinh an vui, tinh tấn bước về hướng đốm sáng !!! Có hai đặc tính đầu tiên trong tám đức tính của Phật tánh mà một người sơ giác ngộ có thể cảm nhận được đó là, an lạc và thanh tịnh (lạc và tịnh) !!!

* Pháp tánh là gì ???
Pháp tánh là tính chất tự nhiên (tự tính) của tất cả các pháp…Tất cả các pháp đều có những tính chất tự nhiên, thường hằng như: Tính chất không tính chất (không tánh), không tướng mạo (không tướng), không sinh diệt (bất sinh, bất diệt), không lớn lên hoặc nhỏ lại (bất tăng, bất giảm), không sạch dơ (bất cấu, bất tịnh), chẳng phải có chẳng phải không (phi hữu, phi vô), chẳng phải minh chẳng phải vô minh (phi minh, phi vô minh)…v..v…!!!

Ví dụ: Khi ta quan niệm về nóng hay lạnh, trong quan niệm ấy không có tính chất của nóng hay lạnh, gọi là không tánh !!! Khi ta quan niệm người này đẹp, kẻ kia xấu…Trong quan niệm ấy không có tướng đẹp hay xấu gọi là không tướng !!! Khi ta quan niệm, quan niệm này sinh ra, sau đó mất đi…Trong quan niệm ấy không có tính chất của sinh ra hay mất đi, gọi là không sanh diệt !!!…v..v…Nói chung, tất cả các pháp đều có những tính chất tự nhiên, thường hằng như vậy, nên Phật dạy: “Các pháp bình đẳng” (bình đẳng vì bản chất của các pháp không khác nhau) !!!

Từ các giải thích trên ta có thể hiểu, Phật tánh và Pháp tánh là hai thuật ngữ đặc trưng của Phật đạo nhằm chỉ cho hai lãnh vực, hai phạm trù khác biệt !!! Phật tánh, nhằm chỉ cho các đức tính của một Đẳng Chánh Giác…Pháp tánh, nhằm chỉ cho những tính chất tự nhiên, thường hằng của các pháp !!!

– Về việc bạn hỏi, tu tập đến địa vị nào sẽ thấy được Phật tánh và Pháp tánh…Mình xin trả lời như sau:

Bắt đầu từ sơ giác ngộ, người tu hành đã có thể cảm nhận được ý vị của Phật tánh và Pháp tánh…!!!

Về Phật tánh, như đã nói ở trên, người sơ ngộ sẽ cảm nhận được hai tính chất đặc biệt của Phật tánh đó là an lạc và thanh tịnh !!! Về Pháp tánh, người sơ ngộ có thể “mang máng” nhận ra bản chất của các quan niệm là không tánh, không tướng !!!

* Tuy nhiên để có thể nhận rõ (viên mãn) Phật tánh, người tu hành phải dứt hoàn toàn hai phần “sở trí ngu”, tức đã tịch diệt vĩnh viễn ba thứ vô minh là Nhuận chi vô minh, Căn bản vô minh và Vô minh trụ địa…Điều này được minh hoạ qua ví dụ sau: Giống như một người trên đường đi, thấy từ xa một dãy màu đen, người ấy không biết đó là đàn trâu hay dãy núi (Nhuận chi vô minh)… Càng đi đến gần, người ấy nhận ra, đó là dãy núi chứ không phải đàn trâu (dứt Căn bản vô minh)…Khi đến dãy núi, người ấy biết rõ trong núi này gồm các loại cây gì, cây nào có quả ăn được, cây nào có quả không ăn được, nơi nào hiểm nguy, nơi nào an toàn…v..v… (tịch diệt Vô minh trụ địa, viên mãn Phật tánh) !!!

* Để có thể nhận ra những tính chất tự nhiên, thường hằng của các Pháp (Pháp tánh), người sơ ngộ chỉ “mang máng” cảm nhận một vài ý vị của nó như không tướng, không tánh… Đến khi thành tựu “ý sinh thân thứ hai” là “Giác pháp tự tánh tánh ý sinh thân” mới thấy hoàn hảo các tính chất tự nhiên, thường hằng của vạn pháp !!! Nếu tính theo địa vị, thấy Pháp tánh hoàn hảo thuộc về nhãn lực của Bát Địa Bồ Tát sau khi “từ bất động bước ra” để tiến về Cửu Địa !!! Bát Địa Bồ Tát sau khi từ bất động bước ra nhờ thấy được những tính chất thường hằng của các pháp, nên vị ấy vượt qua đặc tính cố hữu của “Pháp Môn Bất Nhị” là “trụ vô vi”, để thành tựu “Pháp Môn Tận Vô Tận Giải Thoát” thuộc cảnh giới “chẳng tận hữu vi, chẳng trụ vô vi” của bậc “Hướng Nhất Thiết Trí Trí” !!!

Đình Vân thân mến !!!
Những điều bạn hỏi, thuộc về chuyên môn kĩ thuật của Phật đạo… Phật tánh và Pháp tánh là thuật ngữ nhằm chỉ cho hai cảnh giới của các tầng bậc giác ngộ khác nhau !!! Vì thế, việc giải thích, cũng chỉ nhằm giới thiệu để người đọc có một số “kiến thức bỏ túi” về một vài cảnh giới đặc trưng của Phật đạo hơn là thấy biết cụ thể !!!

Muốn thấy biết cụ thể các cảnh giới nói trên, không có con đường nào khác, ngoại trừ bản thân bạn phải trải qua nhiều lần giác ngộ (gọi là thực chứng) !!! Giống như muốn nhìn thấy và hiểu rõ một thành ấp nào đó, bạn phải đi đến đó và làm cư dân sinh sống tại chính thành ấp ấy… Mọi việc nghe người khác nói, hoặc học thuộc các thông tin từ sách báo rồi nói lại…v..v…đều không giúp người tu hành hoàn thành công việc tu học của mình !!!

Hy vọng, đám mây tâm thức đang nổi trôi của Đình Vân sẽ sớm dừng lại, để có thể nhận ra điều cần nhận ra, như cái tên tốt đẹp “Đình Vân” của chính bạn !!! Chúc Đình Vân an vui, tinh tấn !!!

BQT rất mong nhận được những câu hỏi lí thú và bổ ích từ các bạn !!!
17/12/2020
LÝ TỨ

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 0
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG