Pháp Môn Là Gì?

Các bạn !!!
Trong tuần, BQT nhận được thắc mắc của bạn Tâm Phước… Nội dung các câu hỏi như sau:
“Tôi muốn hỏi thầy Lý Tứ một vài thắc mắc về việc tu hành, không biết thầy có vui lòng giải đáp hay không? Những câu hỏi này tôi đã hỏi nhiều vị tu hành nhưng họ trả lời tôi thấy chưa thoả mãn.
Sau khi vào trang của thầy tôi có đọc những trả lời của thầy, phần lớn tôi đồng ý với cách giải thích của thầy. Tôi cũng nhận ra cách trả lời của thầy không áp đặt người nghe, không trả lời máy móc hay giáo điều mà phân tích vấn đề đến nơi đến chốn giúp người hỏi dễ thông cảm và giải toả thắc mắc trong lòng. Tôi mong các câu hỏi của tôi cũng được thầy trả lời thoả đáng.
1) Tôi nghe nói Phật giáo có nhiều pháp môn nhưng đem hỏi nhiều người, họ chỉ kể ra có ba hoặc bốn pháp môn như thiền, tịnh, mật, giáo. Tôi thắc mắc những pháp môn còn lại là những pháp môn gì xin thầy nói rõ?
2) Tôi thường thấy người tu hành coi pháp môn mình đang tu là nhất, thường chê bai người tu pháp môn khác là căn cơ thấp. Theo thầy thì bốn pháp môn pháp môn nào là hay nhất?
3) Vào trang của thầy tôi thấy thầy không theo tông phái nào cũng chẳng có pháp môn tôi rất lấy làm lạ, nếu không có tông phái thì ai là tổ, không có pháp môn thì công phu thế nào? Lý Gia có ăn chay giữ giới của Phật không?” 08/7/2020 10:45:12 – Tâm Phước
Bạn Tâm Phước thân mến !!!
Mình và BQT trang rất hoan hỉ khi nhận được thắc mắc về Phật đạo của bạn đọc… Từ lúc khai trương chuyên mục Bạn Đọc Hỏi – Lý Tứ Trả Lời đến nay đã được 44 kì với hơn 100 câu hỏi do bạn đọc gởi về, sau khi nhận được, chuyên mục của trang đã trả lời đầy đủ !!! Vì thế, Tâm Phước cũng như bạn đọc không nên ngại chuyện câu hỏi có được trả lời hay không !!!
Về các câu hỏi của bạn, mình xin được trả lời như sau:
1) Tôi nghe nói Phật giáo có nhiều pháp môn nhưng đem hỏi nhiều người, họ chỉ kể ra có ba hoặc bốn pháp môn như thiền, tịnh, mật, giáo. Tôi thắc mắc những pháp môn còn lại là những pháp môn gì xin thầy nói rõ?
Trả lời:
Trước khi trả lời câu hỏi này, mình xin giải thích sự khác biệt giữa “pháp môn và phép tu” !!! Nếu hiểu rõ thế nào là pháp môn, thế nào là phép tu, thì sẽ không còn thắc mắc chuyện pháp môn của Phật là những pháp môn nào !!!
– Pháp môn trong Phật đạo là gì ???
Pháp môn trong Phật đạo là các bài pháp, các câu pháp, những lời khai thị, những lời giáo giới…v..v… được Phật dạy, để người tu hành nhân nơi bài pháp, nhân nơi câu pháp, nhân nơi lời khai thị, nhân nơi lời giáo giới ấy mở cửa tâm thức để giác ngộ, hoặc ứng dụng nhằm thành tựu một đạo quả nào đó trong Phật đạo !!!
Vì thế, Phật đạo có rất nhiều pháp môn, mỗi pháp môn chỉ phù hợp với một giai đoạn tu hành của một số căn cơ nhất định nào đó… Sau khi mở cánh cửa tâm thức đầu tiên từ một pháp môn (lời dạy) nào đó, người tu hành lại tiếp tục mở cánh cửa kế tiếp để bước vào đạo quả cao hơn bằng lời dạy phù hợp… Cứ thế, cho đến bao giờ người tu hành thành tựu đạo quả cao nhất (đạo quả Vô tu vô chứng, Nhiếp thọ chánh pháp vô dị biệt, hay Đẳng giác địa…v..v…) người này mới hết dùng pháp môn để tu tập !!! Cho nên trong Tứ hoằng thệ nguyện của Bồ tát có lời nguyện sau: “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học” !!!
Các pháp môn trong Phật đạo cũng theo đó mà đặt tên, có pháp môn có tên gọi, có pháp môn không có tên vì mỗi người tu một cách, không ai giống ai… Lời dạy của Phật cũng vô số, cho nên không ai có thể thống kê hoặc đặt tên tất cả pháp môn trong Phật đạo !!! Ta có thể thấy một số pháp môn có tên tiêu biểu như: Bất nhị pháp môn, Không pháp môn, Vô tướng pháp môn, Giải thoát pháp môn, Tồi tà hiển chánh pháp môn, Đoạn mê khai giác pháp môn, Thân cận thiện hữu pháp môn, Vô tác pháp môn, Kim cang dụ pháp môn, Học vô học pháp môn…v..v…!!!
– Phép tu là gì ???
Phép tu là cách thức người ta dùng sở pháp để tôi luyện thân tâm qua quá trình công phu, với ước mong từ sự tôi luyện này, sẽ đạt được điều gì đó theo quan niệm của phép tu ấy đề ra !!!
Theo mình biết, Phật giáo có các phép tu thiền, tịnh, mật như bạn đã nêu… Ngoài đời cũng có rất nhiều phép tu như Tinh khí thần, Điển quang, Xuất hồn, Luyện linh đan, Tập trung tư tưởng, Nhân điện, Yoga đại định, Trường sinh học…v..v…!!! Nói chung, phép tu cũng rất đa dạng và phong phú !!!
Như vậy ta có thể tạm kết luận, pháp môn của Phật đạo và phép tu là hai cách “học tập” và “tu luyện” khác nhau…Mỗi thứ có một mục tiêu riêng !!! Để ứng dụng thành công một pháp môn của Phật đạo, người tu hành phải thực hiện đủ ba bước là “văn, tư, tu” !!! Để thực hiện một phép tu, người tu phải được thầy của họ dạy “cách sử dụng sở pháp” và “phép tắc công phu” của phép tu đó !!!
2) Tôi thường thấy người tu hành coi pháp môn mình đang tu là nhất, thường chê bai người tu pháp môn khác là căn cơ thấp. Theo thầy thì bốn pháp môn pháp môn nào là hay nhất?
Trả lời:
Như đã trình bày ý nghĩa về pháp môn ở câu hỏi trên… Mỗi một pháp môn phù hợp với một số căn cơ nhất định, và cũng tuỳ vào mỗi giai đoạn tu hành, người tu ứng dụng một số lời dạy phù hợp để làm pháp môn phương tiện hướng đến mục tiêu trước mắt, nên không thể nói pháp môn nào hay nhất…!!! Giống như qua sông phải dùng thuyền, leo núi phải chống gậy… Khó có thể đánh giá, thuyền hay gậy phương tiện nào hay hơn !!!
3) Vào trang của thầy tôi thấy thầy không theo tông phái nào cũng chẳng có pháp môn tôi rất lấy làm lạ, nếu không có tông phái thì ai là tổ, không có pháp môn thì công phu thế nào? Lý Gia có ăn chay giữ giới của Phật hay không?
Trả lời:
– Bản thân mình từ lúc biết Phật pháp tới nay, không theo một tông phái nào, chỉ đọc kinh sách rồi ứng dụng lời dạy trong đó vào đời sống, nên mình không có Tổ riêng, mà chỉ lấy Phật và các Tổ có y bát làm kim chỉ nam để bản thân hướng theo !!!
Cách tu học của mình là: Sau khi học lời dạy của Phật xong, tư duy lời dạy đó cho thật thấu đáo, sau cùng ứng dụng ý nghĩa đã tư duy vào thực tế đời sống… Vì thế, cái được gọi là công phu của mình chính là việc áp dụng triệt để lời dạy của Phật vào mọi thời điểm trong cuộc sống, khi nào quên tự nhắc nhở bản thân, không có thời khoá hay tư thế cố định !!!
– Về việc bạn hỏi, Lý Gia có ăn chay giữ giới của Phật hay không? Theo mình biết, hầu hết HĐ Lý Gia sau khi giác ngộ đều ăn chay !!! Chưa giác ngộ thì tuỳ !!!
Huynh Đệ của Lý Gia có rất nhiều người theo các tôn giáo khác nhau, không phải chỉ có Phật giáo, cũng có người không theo đạo nào… Vì thế, đối với người có đạo, họ tự giữ những điều mà đạo của họ yêu cầu !!! Nhưng, để hoàn thành mục tiêu vô lậu, hầu hết HĐ Lý Gia đều được “học tập thấu đáo” và “ứng dụng triệt để” ba học pháp vô lậu (tam vô lậu học) là: Giới vô lậu, Định vô lậu và Tuệ vô lậu vào đời sống !!!
Tâm Phước và bạn đọc thân mến !!!
Hy vọng, những giải thích ở trên giúp Tâm Phước giải toả những thắc mắc mà bạn đã đặt ra !!!
BQT rất mong, nhận được những câu hỏi lí thú và bổ ích từ các bạn !!! Chúc mọi người an vui, tinh tấn !!!
11/07/2020
LÝ TỨ
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






