Phật Pháp Là Pháp Xả. Thiệt Tướng Của Vạn Pháp Là Không Tướng

 0
Phật Pháp Là Pháp Xả. Thiệt Tướng Của Vạn Pháp Là Không Tướng

Lý Tứ lại quắc mắt nhìn sang phía Như Báo, gục gặc cái đầu ôn tồn hỏi: 

- Như Báo!... Ông đang suy nghĩ cái gì? 

Như Báo trả lời: 

Thưa Lão Sư!... Con đang tư duy câu nói của Lão Sư đó là: “Phật đạo có thể biến quả người thành báo thánh, quả ác thành báo lành”. 

- Ông hiểu như thế nào về câu nói này? 

Thưa Lão Sư!... Bây giờ con mới thoát hẳn ra khỏi nghi hoặc xưa nay, đó là vì sao Phật dạy trên Cực Lạc cây vàng sanh trái bạc, cây lưu ly sanh trái mã não... Nhân sinh ra thân con là tham ái, thân của con đây là quả, quả này không thể làm khác. Nhưng nếu thấu suốt bốn Đại không tánh, tâm này bổn lai tự không, ngã kia không thật... thì cho dù đang mang thân phàm tục, sinh ra từ ái dục mẹ cha... Nhưng diệu lý chư Phật là loại công nghệ cao, có thể biến tính chất chua ngọt ở trong thân này là tâm, từ phàm sang thánh... từ ngu si thành trí tuệ... Như người ta có thể biến quả cam từ chua thành ngọt, như Phật đã biến kẻ giết người không gớm tay Ương Quật Ma La thành một A La Hán... 

Bây giờ con mới hiểu vì sao trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Phật Đa Bảo mang nguyên nhục thân đến nơi đâu có Phật tuyên nói kinh này để xưng tán... Con cũng thấu suốt luôn vì sao chư Phật khi thị hiện thành Đẳng Chánh Giác cũng thị hiện sinh ra bằng thân tướng như con người... Cũng sinh ra lớn lên... nhưng Phật lại tuyên nói đã thành từ vô lượng kiếp chứ không phải nay mới thành... Kinh cũng nói chỉ cần ai tin điều này thôi, được vô lượng công đức... 

Con cũng hiểu luôn vì sao Phật không để cho các tha Bồ Tát hộ trì kinh Diệu Pháp Liên Hoa mà nói rằng chỉ có các Bồ Tát ở phương này mới đủ sức hộ trì... 

Lý Tứ nói tiếp: 

- Như Báo!... Ông có thể tuyên nói cặn kẽ những điều trên cho mọi người cùng nghe được không? 

Thưa Lão Sư!... Khi nghe Như Quả Lão Huynh nói về nghĩa như thị, tâm con chợt rỗng rang... Con thầm nghĩ, chỉ một niệm bất giác, hữu tình trôi lăn trong ba cõi... Nếu tự tâm không bất giác, thì nhân kia do đâu mà có... Nhân đã không thì duyên cũng không... Quả báo... cũng như thế mà tự không... Tính chất của ba cõi là cột trói, nên cây nào sanh quả ấy... Nếu thoát ra khỏi sự cột trói này, không một tính chất có thể có được... thì tại sao cây vàng không sanh trái bạc, cây lưu ly tại sao không sanh trái mã não... Nhân quả không còn tương tục thì nhân này sinh quả kia cũng đâu có gì là lạ... 

⁕ Từ đây cho thấy thiệt tướng của vạn pháp là không tướng... đã là không tướng thì tướng vàng bạc lưu ly... có thể hóa sanh... 

Nhưng vì sao, từ cung trời Đâu Suất đản sanh vào cung vua Tịnh Phạn, Phật cũng phải thị hiện thân người? 

- Thứ nhất: Vì hữu tình ở đây là nghiệp người nên không thể thấy khác... 

- Thứ hai: Nếu thị hiện bằng thân hóa sanh, thì hiệu quả thuyết pháp không được con người chấp nhận, bởi lẽ chúng sanh chấp Tướng... Đạo vô thượng lại khó thấy... Cho nên nếu thị hiện thân nghiệp khác, khi tuyên nói Phật pháp, chúng sẽ đổ thừa, ông là huyễn nhân nên thành Phật được, còn thân tôi do cha sanh mẹ đẻ làm sao mà có thể bắt chước được... 

- Thứ ba: Thân ông từ trời sa xuống nên không tham hoặc chẳng cần các thứ... vì thế có thể từ bỏ tham sân, còn đã là người thì không thể nào bỏ các thứ ấy... 

- Thứ tư: Thân ông không khổ, vì chẳng có tính chất của khổ... Thân người đầy đủ tính chất kia thì hết khổ là làm sao... 

- Thứ năm: Ông chưa từng tham nên nói rằng tham là khổ... Làm sao ông biết tham là khổ? Chưa thân chứng điều này thì lời Pháp một khi thốt ra trở thành hư dối... Các thứ pháp khác như ái biệt ly, cầu bất đắc... cũng đồng được chúng sanh hiểu như vậy... 

Đây cũng là nguyên nhân vì sao Phật không chấp nhận cho tha Bồ Tát hộ trì Phật Tri Kiến mà chỉ dành cho Bồ Tát cõi này, vì Bồ Tát cõi này dưới con mắt của chúng sanh, xuất thân Hữu Vi Bồ Tát không khác gì họ... Nay Bồ Tát tu được thì các chúng sanh này cũng tu được, Bồ Tát thành tựu trí tuệ thì người đời cũng có thể thành tựu trí tuệ... 

Cõi này, Phật Tri Kiến thành tựu nơi nhục thân chứ không phải thành tựu từ cái gì khác, nên nói quả phàm mà báo thánh... Như sen kia chỉ mọc trên bùn chứ chẳng thể mọc nơi hư không hay gò nổng... Phật tri kiến chỉ thành tựu nơi cõi đời ác thế ngũ trược... Như thầy thuốc hay chỉ hay giữa những người bệnh... Nếu không có bệnh nhân thì cái hay của thuốc men chẳng thể thành tựu... Chính ý nghĩa này mà Phật Đa Bảo mang nguyên nhục thân đến xưng tán công đức thuyết kinh Diệu Pháp Liên Hoa...

⁎ Thưa Lão Sư!... Vì sao Phật nói: “Chư Phật đã thành Phật từ vô lượng kiếp... thân Phật chẳng phải như thân huyết nhục, chẳng phải do cha sanh mẹ đẻ... lớn lên bằng cơm cháo... nuôi sống bằng thuốc men”… Câu này có hai điều: 

Thứ nhất: Phật dạy trong kinh Kim Cang: “Ta không có một chút pháp chi gọi là thành tựu, Phật Nhiên Đăng mới thọ ký cho ta đời sau thành Phật, hiệu là Thích Ca Mâu Ni”. 

Điều này có nghĩa là: Thành Phật là thành cái không thành... Phật pháp là pháp xả... như viên ngọc quý vùi lâu trong sình bùn... cạo bỏ sình bùn đeo bám bên ngoài thì viên ngọc tự hiện ra với đầy đủ tính chất quý báu của nó... 

Có nghĩa rằng, thành Phật là xả bỏ những gì ngu si đeo bám trí huệ, làm mờ tối trí huệ... Thành Phật là tìm lại cái tự đã có từ vô lượng trước chứ chẳng phải làm ra cái mới... Vì thế, nghe pháp là bỏ đi cái được nghe chứ không phải đeo bám kiến thức... Nghe pháp là bỏ đi cái chấp nhất chứ không phải học thêm cái mới để nó trói buộc như học vấn thế gian... Nói chung, thành Phật là thành cái đã tự thành... 

Thứ hai: Cũng trong kinh Kim Cang Phật dạy: “Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thanh cầu ngã, thị nhân hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai”. Cũng kinh này Phật lại dạy: 

Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, nhược kiến chư tướng phi tướng, tức kiến Như Lai”. 

Có nghĩa: Hai điều trên Phật đồng cảnh báo, đừng nên thấy thân tướng hay âm thanh mà cho đó là Như Lai... Thân tướng, âm thanh... không phải là Như Lai thì cái gì mới là Như Lai... Thưa Lão Sư!... Như Lai đích thị là trí tuệ tối thượng hay còn gọi là Pháp Thân Phật vậy... Cho nên Phật ân cần căn dặn, chỉ cần ai tin Như Lai chẳng phải do cha sanh mẹ đẻ... thôi, cũng phát sinh vô lượng công đức... Vì Sao? Vì công đức do trí tuệ sanh chứ chẳng phải do tướng tạo tác sanh... 

Vì thế, tin trí tuệ tối thượng mới thật là Phật, thì niềm tin vào trí tuệ này sẽ nhân trí tuệ mà thành tựu trí tuệ, có trí tuệ là có công đức... 

Thưa Lão Sư!... Con trước đây là kẻ u mê vô trí... chỉ đem cái thân hì hờm này ra giang hồ mà dọa nạt người khác, chẳng có một chút trí tuệ... Tháng ngày phiền não, chỉ lấy tranh đấu hơn thua làm vui... Nhưng cái vui này thật giả tạm... Từ ngày Lão Sư hóa sanh ra con, cái ngu tự dứt... Trí tuệ bỗng dưng sáng suốt...

Bây giờ con mới hiểu được ý vị câu nói của Lão Sư: “Chỉ có tâm vô lậu, trí vô lậu, mới hiểu kinh Phật, vì kinh Phật là ngữ ngôn vô lậu”. Ví như chỉ có con cá mới thấm nhuần văn hóa thủy tộc... Con tự biết từ đây vĩnh viễn thôi hết mê lầm... 

Ơn đức hóa sanh của Lão Sư, con xin đem cái quả không thể đổi thay trong đời này là thân con, lấy nó giữ gìn cái báo an lạc là trí tuệ này, để làm lợi ích cho tất cả hữu tình... Con tự nghĩ chỉ có làm như vậy mới đền đáp công ơn Lão Sư, công ơn chư Phật... Con nguyện từ đây đến tận đời vị lai, có sinh ra nơi nào cũng vì tất cả chúng sanh... Xin Lão Sư và các huynh đệ chứng minh cho tâm nguyện của con... Nói đến đây, Như Báo bước khỏi chỗ ngồi hướng về phía Lý Tứ và mọi người lạy ba lạy... 

Đợi Như Báo ngồi vào vị trí của mình, Lý Tứ nghiêm giọng: 

Như Báo!... Sức thông tuệ của ông đúng là “báo lành”. Thân tâm có như thì trí mới như, trí có như thì lực mới như, lực có như thì tác sẽ tự như... Như chiên đàn tự tỏa hương, những ai có tỷ căn sẽ ngửi được mùi thơm của nó... 

Như Báo!... Cứ như thế!... Như thế!... Mọi tốt lành sẽ đến với ông...

(còn nữa) 

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 0
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG