Phật Giáo Và Trí Tuệ

 0
Phật Giáo Và Trí Tuệ

Đối với Phật Giáo và những người tu hành trong Phật đạo, “Duy Tuệ Thị Nghiệp” được nhắc đến như một khẩu hiệu.

Điều này có thể được xem như là “Tuyên Ngôn Phật Giáo”, một “Thông điệp” gởi đến mọi người. Hay nói một cách khác, “Duy Tuệ Thị Nghiệp” là kim chỉ nam, là tư tưởng dẫn đạo trong hệ thống giáo dục Phật Giáo.

Cứu cánh của Phật Giáo là thành Phật hay chứng quả Vô Thượng Bồ Đề, có nghĩa là đạt đến Vô Thượng Trí Tuệ.

Vì vậy, Phật Giáo rất coi trọng trí tuệ. Người tu hành trong Phật đạo lấy trí tuệ làm sự nghiệp. Cho nên một khi “sự nghiệp” này không được đặt lên hàng đầu, hoặc chưa thành tựu, thì bất cứ việc gì không nhằm mục tiêu tăng trưởng trí tuệ và thành tựu trí tuệ, dù nhân danh bất cứ ai, bất cứ điều gì và tốt đẹp cách mấy, cũng đều được coi là chướng đạo.

Tuyên ngôn “Duy Tuệ Thị Nghiệp” không những chỉ có giá trị trong Phật đạo hay những người theo đạo Phật, mà nó còn là lời kêu gọi hết thảy nhân loại lấy đây làm phương châm sống.

Coi trọng sự nghiệp giáo dục và những thành tựu thuộc phạm trù trí tuệ. Vì rằng Phật đạo không thuần túy chỉ nhắm đến những tín đồ trung thành của mình. Trong thẳm sâu, Phật Giáo biết chắc rằng chỉ có trí tuệ mới là con đường duy nhất khiến chúng sanh thoát khỏi hoàn toàn khổ đau, hay ít ra giảm thiểu đến mức thấp nhất khổ đau mà mỗi chủng loại đã và đang cưu mang như là một đặc hữu của sự sống.

Điều thẳm sâu này đã được minh chứng rất rõ trong hệ thống kinh điển hay giáo lý Phật Giáo. Phật thuyết pháp cho mọi đối tượng ở trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Không một chúng sinh nào khi được tiếp cận, dù xa hay gần giáo pháp này, mà không thể không thấy lợi ích bởi những điều đã được nghe thấy.

Dù nhìn Phật đạo dưới bất kỳ nhãn quan nào, tích cực hay ngược lại, tất cả đều phải đồng ý rằng: Phật Giáo luôn đưa người đến thấu đáo sự việc và hướng dẫn cách giải quyết vấn đề tận gốc bằng chính nhận thức của mình. Điều này Phật Giáo gọi là Chánh Tư Duy.

Cứu cánh của Phật Giáo là thành Phật. Thành Phật là đích đến cao nhất của Phật đạo, là bản hoài của ba đời chư Phật. Trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa Phật minh định rất rõ điều này.

Nhưng cứu cánh thành Phật là mục tiêu xa và lâu dài.  Trên con đường tiến về mục tiêu này, con người phải trải qua vô số khó khăn mà sức một con người, nếu không được trang bị những kiến thức cơ bản cần có của Phật Giáo, thì khó lòng hoàn thành được ước nguyện của mình. 

Vì thế, Phật chia nhỏ hành trình tu học ra thành nhiều giai đoạn. Mỗi giai đoạn như một cung đường. Trong từng cung đường, người lữ hành được trang bị những kiến thức tối cần thiết để tự mình chiếm lĩnh các cột mốc trước mắt, mà không phải quá khổ nhọc tốn sức.

Sự chia nhỏ khéo léo này, đã mặc nhiên thiết lập một hệ thống giáo dục từ thấp lên cao, nhằm làm cho người tu học tự hiểu biết và thích nghi với từng giai đoạn của đời sống mới.

Giống như con cá nước ngọt, muốn ra biển khơi và sinh sống ở đó, con cá này phải được nuôi dưỡng và thích nghi dần với nhiều môi trường có độ đậm của muối khác nhau. Sự đậm dần chất muối của môi trường, sẽ khiến con cá kia không bị sốc khi ra biển khơi do quá trình thích ứng trước đó.

Như vậy, hệ thống giáo dục Phật Giáo gồm có: Nhân thừa, Thiên thừa, Thanh văn Duyên giác thừa, Bồ tát thừa và Phật thừa. Phật Giáo cũng đưa ra năm giai đoạn cho người phát tâm Vô Thượng Bồ Đề là:

  1. Phát tâm Bồ Đề.
  2. Phục tâm Bồ Đề.
  3. Minh tâm Bồ Đề.
  4. Xuất đáo Bồ Đề.
  5. Vô thượng Bồ Đề.

Năm thừa hay năm giai đoạn phát tâm đã nêu, chính là những cung đường mà người tu hành phải vượt qua để tiến đến mục tiêu “Thành Phật” một cách an toàn.

Cũng trong năm điều nêu trên, tuy rằng Phật Giáo đề cao khẩu hiệu chung là “Duy Tuệ Thị Nghiệp”, nhưng Phật Giáo cũng minh định rạch ròi có hai thứ trí tuệ. Đó là, Trí tuệ thế gian và Trí tuệ xuất thế gian (Trí huệ).

Trí tuệ thế gian hay ‘trí thức’, là loại trí tuệ được hình thành do văn hóa, văn minh, tri thức, thành tựu khoa học, học thuyết, các môn triết lý và các loại thiền định không có cứu cánh giải thoát. Loại trí tuệ này, trong chừng mực nào đó, đã góp phần thăng hoa đời sống bằng nhận thức tinh thần hay thành tựu vật chất, cố gắng thiết lập một cuộc sống tốt nhất trên nền tảng nhân bản, được cộng thêm sự hiểu biết mới hoặc trợ giúp bởi những thành tựu vật chất, khoa học, công kỹ nghệ cao hơn và đầy đủ hơn.

Trí tuệ xuất thế hay ‘trí tuệ Phật Giáo’ là loại trí tuệ được thấm nhuần bởi giáo pháp của Phật. Loại trí tuệ này đã được thanh lọc và xử lý rốt ráo bản chất chúng sanh bằng những công cụ đặc biệt mà khoa học và kỹ thuật không với tới. Đại loại như cách xử lý ngũ ấm của Thanh văn, xử lý các duyên của Duyên giác, xử lý thấy nghe của Bồ tát bằng thấu suốt ngũ uẩn. Tất cả ba thừa đều có thể xử lý bằng công cụ đặc biệt, đó là thanh lọc các căn hay ấm để tạo ra một sự thấy biết mới, kinh gọi là “Tánh thấy, Tánh nghe” nhằm có thể thấy được bản chân của thân-tâm và vạn pháp.

Trong những công cụ này, mỗi công cụ có một giá trị riêng cho mỗi cá nhân. Tùy vào mức độ thấm nhuần và nhận thức sẽ tìm thấy công cụ cho riêng mình. Giống như người ta muốn nhìn thấy con virus phải dùng kính hiển vi, muốn thấy sao hỏa phải dùng kính viễn vọng. Như vậy, phải dùng một công cụ đặc biệt nào đó có độ tương thích cao để nhìn thấy bản chất của sự vật.

Chính vì điểm đặc thù này mà trong Phật đạo có “Ngũ Nhãn”. Ngũ nhãn chính là thấy biết khi được trang bị một công cụ đặc biệt. Khi nói đến cái thấy, người ta thường nghĩ ngay đến con mắt (nhục nhãn). Thật ra chữ “thấy” trong Phật đạo không thuần túy nói đến cái thấy của con mắt, mà chữ thấy trong Phật đạo đôi khi lại dùng để chỉ một nhận thức chẳng hạn. Ở đời, chữ thấy đôi khi cũng không nhằm nói đến cái thấy của con mắt. Ví dụ thấy đói, thấy buồn, thấy bâng khuâng, v.v… Chẳng lẽ những ai bị đui mù thì không thấy được cơn đói hay nỗi buồn trong lòng của họ?

Vì vậy ngũ nhãn, hay thay đổi nhãn lực, trong tu hành phải được hiểu đúng bản chất của nó. Có khi chữ thấy lại chỉ cho trí tuệ, không nhất thiết “thấy” thì nhất định phải do con mắt. Khi thuyết kinh Đại Thừa, Phật hay nói đến cảnh giới. Những cảnh giới này muốn thấy được, cần phải có một nhận thức tương đương, hay ít ra một sự thấm nhuần Phật pháp nào đó tương thích với cảnh giới. Nhất định thấy các cảnh giới không giống như người ta xem một bộ phim bằng con mắt thường dùng (nhục nhãn).

Khi thấy nghe được thanh lọc và xử lý rốt ráo thì, người tu hành sẽ có một sự hiểu biết mới. Hiểu biết này không hoàn toàn kế thừa bởi kiến thức thế gian và nhất định không phán xét sự việc theo cách nhìn thuần túy thế pháp. Thấy nghe và hiểu biết này Phật Giáo gọi là “Trí tuệ xuất thế”. Đây mới được tạm coi như thành tựu bước đầu trí tuệ Phật Giáo.

Nói thành tựu bước đầu trí tuệ Phật Giáo bởi lẽ, trong quá trình thành tựu viên mãn trí tuệ, người tu hành phải vượt qua 11 thứ trí. Đó là: 1) Khổ trí, 2) Tập trí, 3) Diệt trí, 4) Đạo trí, 5) Loại trí, 6) Pháp trí, 7) Tận trí, 8) Vô sanh trí, 9) Nhất thiết trí, 10) Đạo tướng trí, 11) Nhất thiết chủng trí. Mười một loại trí này, giống như mười một chiếc chìa khóa mở cửa kho tàng Phật đạo, người ta sẽ lần lượt mở từng chiếc một. Khi nào đến cánh cửa cuối cùng gọi là viên mãn.

Muốn có được mười một chiếc chìa khóa mở cánh cửa trí tuệ này, người tu hành phải trải qua một quá trình tìm kiếm. Chiếc chìa khóa đầu tiên sẽ có được một khi người đó tự vượt qua sự cột trói bởi ngũ ấm. Hoặc nếu là thắng căn hơn thì đó là lúc nhận được bản tâm thanh tịnh. Khi có được chiếc chìa khóa đầu tiên thì những chiếc chìa khóa sau sẽ lần lượt xuất hiện tùy vào sức tinh tấn của bản thân.

Như vậy, có thể hiểu năm thừa hay năm giai đoạn phát tâm Bồ Đề (như những chiếc chìa khóa mở cửa trí tuệ), giống như một người muốn lấy nước sạch trong dòng nước đục đang chảy siết, phải tuần tự thứ lớp thực hành xử lý qua năm công đoạn:

1. Phát tâm Bồ Đề.  

Quy Y Tam Bảo, phát tâm tu hành, quyết tìm con đường thoát khỏi khổ đau. Giống như người múc nước đục trên dòng chảy vào một cái thùng. Đây là giai đoạn đưa người tu hành từ Nhân thừa lên Thiên thừa bằng sự thấu đáo ngũ giới, bát giới và thập thiện, hoặc các loại giáo điển tương ưng.

Phương cách này giúp người tu hành dừng hiện nghiệp gồm cả biệt nghiệp và cộng nghiệp (Nhân thừa), thăng tiến vào một nghiệp mới thắng diệu hơn đó là Thiên thừa. Cụ thể là Sa Di giới (xuất gia) và Bát giới (cư sĩ). Trong đây, ngoài năm giới căn bản, còn có ba giới quan trọng nữa là giới không đeo trang sức, không xem ca múa hát không nằm giường cao chiếu rộng, lấy ngọ trai làm thể (không ăn phi thời), kinh gọi là “Trai Pháp Bát Chi”, nhằm giúp hành giả xử lý bước đầu biệt nghiệp và cộng nghiệp, làm thay đổi y báo và chánh báo.

Tách khỏi biệt nghiệp và cộng nghiệp, làm thay đổi y báo chánh báo, là cơ sở quan trọng để tiếp nhận một tri kiến mới tốt hơn. Đó là tri kiến giải thoát. Phật Giáo không chủ trương coi Thiên thừa như một miền đất hứa và dừng lại ở đó. Nhưng Phật Giáo biết rất rõ Thiên thừa là bệ phóng tốt nhất cho con tàu giải thoát. Vì thế, thập thiện đạo được chú trọng nhằm giúp người tu hành đặt chân vào bệ phóng này.

 “Chư ác mạc tác

   Chúng thiện phụng hành

   Tự tịnh kỳ ý

   Thị chư Phật Giáo”.   (Trích Kinh Pháp Cú)

Người thọ Bát Quan Trai giới lấy ngọ trai làm thể để không kẹt ở Thiên thừa mà sẵn sàng bước lên con tàu giải thoát khi có điều kiện. Người tu Bát Quan Trai cũng phải tu lục niệm để thấu đáo rằng Thiên thừa cũng vô thường nên thường tâm niệm “Không phải chỗ mong cầu của tôi…”  Kinh Đại Bát Niết Bàn hoặc Kinh Lăng Già Phật cũng nói rõ: “Như Lai đặt yên người tu hành nơi trời Sắc cứu cánh…”.

2. Phục tâm Bồ Đề.

Làm thay đổi hẳn nhận thức bằng sự thấm nhuần Bốn đế thông qua 37 Phẩm trợ đạo. Giống như đặt yên thùng nước một nơi nào đó và cho chất liệu vào thùng nước làm trong nước (ví dụ như phèn chua).

Đây là giai đoạn cực kỳ quan trọng. Đối với người tu hành thì ở A Lan Nhã rất cần thiết như để yên thùng nước, và chất liệu làm trong nước là những tri kiến liên quan đến sự thấy biết mới gọi là giác ngộ. Đó là, khổ đau hiện hữu là do mê mờ ngũ ấm, hay không thấu suốt bản chất bốn đế. Trong đó bốn món Thân, Thọ, Tâm, Pháp, tức Tứ Niệm Xứ, phải được thấu hiểu như tiền đề làm nên thánh quả.

Tâm thức của chúng sinh thường nhật bị chảy (trôi lăn) trong dòng tạp niệm, là sự tiếp nối các niệm được câu hữu bởi sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Bốn niệm xứ chính là chất liệu khiến tạp niệm trước kia trở thành nhớ nghĩ có thú hướng. Sự thấu suốt bốn đế và bốn niệm xứ sẽ làm lóng trong Thân, Thọ, Tâm, Pháp. Từ sự lóng trong bốn điều này, người tu hành nhìn nhận lại chính thân tâm của mình, hay nói khác đi là sự thấu suốt mối nguy hại khi bị năm ấm (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) cột trói. Bây giờ người tu hành mới nhận ra rằng, tạp niệm trước kia chỉ là sự hiện khởi liên tục của ngũ ấm, bản chất không thật.

Vì lầm nhận lấy ngũ ấm làm ngã, trong khi ngã này không thật có, và mê mờ ngũ ấm nên bị ngũ ấm che khuất và cột trói. Giống như người bị bệnh mắt nhận lầm đèn có quầng và chính quầng đèn làm sai lệch ánh sáng của cái đèn. Sự hiểu biết tường tận này có công năng giúp người tu hành tiêu thất tự ngã và không bị ngũ ấm cột trói nữa. Khi không bị ngũ ấm cột trói tạm gọi là giải thoát.

Tạng Nikaya thuyết minh rất cụ thể điều này. Tri kiến hay trí tuệ về giải thoát là bước quan trọng làm thay đổi nhận thức của một chúng sinh từ mê mờ bước ra ánh sáng. Đây là chất liệu cần thiết để làm trong nước. Một khi nước đã hòa tan chất liệu này, sớm hay muộn nước cũng sẽ trong. Giống như thùng nước đục được bỏ phèn và quậy đều, nếu tiếp tục quậy, nước sẽ đục. Nhưng một khi để yên, nước sẽ tự lắng trong mà không cần phải gia thêm một công sức nào hết.

Quá trình tự trong của nước là quá trình từ mê đến giác. Sự chuyển biến tự nhiên này xảy ra đối với thân tâm, Phật Giáo gọi đó là Thiền. Do đó, Thiền của Phật Giáo hay thiền giải thoát chính là hệ quả của giác ngộ ngũ ấm. Đây là hiệu ứng tự nhiên của thân tâm từ mê mờ ngũ ấm đến hết mê mờ.

Giác ngộ và giải thoát chính là sự tương tác giữa hiểu biết như pháp và điều chỉnh hành vi cá nhân. Sự thay đổi nhận thức cực kỳ quan trọng. Phật Giáo gọi đó là thắng giải và thắng tri. Hiểu biết và thay đổi hoàn toàn hành vi thuận theo giải thoát gọi là Thắng Trí. Đây có thể coi như hoa trái trí tuệ đầu tiên trong Phật đạo mà người tu hành gặt hái được.

3. Minh tâm Bồ Đề.  

Bắt đầu tiếp nhận một loại văn hóa mới, đó là Bát Nhã trí. Bát Nhã Trí có công dụng làm sạch nguồn tâm bằng mười tám pháp không. Giống như nước đã trong nhưng phải dùng nhiệt để xử lý mầm bệnh còn tiềm ẩn. Khi xử lý xong thì nước này mới sử dụng an toàn. Hệ Bát Nhã xử lý triệt để nguồn tâm và pháp giới thông qua mười tám pháp không. Thấy biết bây giờ đã hoàn toàn tinh sạch, thuật ngữ Phật Giáo gọi là “Nhân không và Pháp không” hay “Nhân Pháp vô ngã” (hai vô ngã). Viên mãn trí này, người tu hành hoàn tất Căn Bản Trí. Đến đây, có thể tạm coi phần tự giác đã xong.

4. Xuất đáo Bồ Đề.  

Sau khi nguồn tâm và pháp giới đã sạch, tiếp tục bỏ một thứ chất liệu đặc biệt vào để giúp trí tuệ thăng tiến. Đó là học Nhất Thiết Trí, tức là học tất cả các môn giải thoát của chư Phật.

Học Nhất Thiết Trí giống như biến nước sạch thành Cam Lồ. Đây là giai đoạn mà kinh Đại Bát Niết Bàn Phật gọi giai đoạn tô biến thành đề hồ (đề hồ là loại dược liệu có thể trị bệnh). Giai đoạn này thông thường người tu hành “vừa học vừa làm”. Đó là thực hành Lục độ Ba la mật. Thực hành sáu Ba la mật chính là cách vừa học vừa tu. Nếu phát nguyện rộng sâu, lấy bốn tâm vô lượng làm tư lương Bồ đề, người này sẽ có thêm bốn Ba la mật sau. Đó là:

1) Phương tiện Ba la mật,

2) Nguyện Ba la mật,

3) Lực Ba la mật, và

4) Huệ Ba la mật.  

Khi bốn Ba la mật này viên mãn, đây là lúc thành tựu Đạo tướng trí. Như vậy, độ thứ sáu trở thành Trí Ba la mật và độ thứ mười trở thành Huệ Ba la mật, thành tựu đầy đủ Trí và Huệ. Trí là Căn Bản Trí, Huệ là Sai Biệt Trí. Đầy đủ trí và huệ này, tạm có thể hiểu “thể và dụng đều viên”.

5. Vô thượng Bồ Đề.  

Đem nước Cam lồ dập tắt lửa phiền não của chúng sinh. Đây là giai đoạn của Nhất thiết chủng trí, Bồ tát làm công hạnh để Nhất thiết chủng trí viên mãn. Khi viên mãn trí này gọi là Vô thượng Bồ Đề.

Tóm lại, Trí tuệ của Phật Giáo là loại trí tuệ đặc biệt, chỉ dành cho những người chuyên tâm tu hành cầu Phật đạo. Loại trí này không giống thế trí, tức nó không được kế thừa bởi sự khôn ngoan hay kiến thức ở đời. Người trí có thể minh họa các thứ bậc của Trí huệ này bằng ví dụ sau:

1) Đem trái ấu (một loại trái mọc ở ao) ra khỏi ao bùn (Nhân Thiên thừa).

2) Rửa sạch, không cho trái ấu hôi mùi bùn (Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát quyền thừa) gọi là Niết Bàn quyền thừa hay Hóa thành.

3) Dùng công nghệ cao làm mất bản chất của ấu (Bát nhã trí).

4) Biến trái ấu thành củ sen (ấu thành sen nên gọi diệu pháp). Khai diệu pháp dạy Nhất thiết trí.

5) Đem củ sen trồng lại trong ao bùn, từ một củ sen có thể nhân lên thành vô lượng cây sen (chủng). Đây là Nhất thiết chủng trí, viên mãn Phật đạo.

Như vậy, “Duy Tuệ Thị Nghiệp” là thông điệp mà Đức Phật gửi đến cho toàn thể chúng sanh gồm năm công đoạn, từng bước tu hành thành tựu suốt thấu Nhân thừa, Thiên thừa, Thanh Văn Duyên Giác thừa, Bồ Tát thừa và sau cùng là Phật thừa. Thành tựu cứu cánh này là quả Vô Thượng Bồ Đề chứng Vô Thượng Trí Huệ, Phật tri kiến có công năng giáo dạy chúng sanh tiến đến trí tuệ siêu việt này. Kinh Pháp Hoa Phật dạy, “Đại sự nhân duyên Phật ra đời nhằm khai thị cho chúng sanh ngộ nhập Phật Tri Kiến”.                                                

(08-2010)

−−−••• ⁕ ⁕  ۝⁕ ⁕ •••−−−

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 0
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG