Pháp Xả Của Ba Thừa

Như đã giới thiệu ba thừa do giác ngộ dẫn khởi nên thất giác chi có mặt trong tiến trình tu hành, xả là công đoạn cuối cùng thành tựu viên mãn thất giác chi hay diệt đế, chi phần này quan trọng đánh dấu bước ngoặc lớn trong đời sống tu hành.
Xả là giai đoạn thay đổi triệt để bản chất từ phàm lên thánh, viên mãn xả là viên mãn thánh quả chấm dứt phiền não sanh tử luân hồi. Phần còn lại hay hệ quả của sự chuyển đổi quan trọng này là bát chánh đạo hay đạo đế. Đến đây người tu hành chỉ còn y như bát chánh để làm môi trường sống như cá với nước. Muốn có môi trường trong lành và phù hợp thánh đạo, xả giác chi làm công việc trong sạch hóa những gì mà định giác chi không đủ sức mạnh tẩy xóa vết tích phàm tâm. Như nước đã trong nhưng chưa thật sự sạch phải dùng nhiệt xử lý để nước này trở nên tinh khiết, mọi mầm bệnh không tồn tại khi dùng thứ nước này, cho nên trong kinh thường khen ngợi bát chánh đạo là: “Độc đạo an ổn và bất tử.”
a. Pháp Xả Của Ba Thừa
Nhị thừa giác ngộ ngũ ấm và năm dục là đầu mối phát sinh mọi hiểm họa, yểm ly được coi như cơ sở tốt nhất để đi đến thành tựu. Đối với nhị thừa, yểm ly là nguyên tắc, nếu đi ngược hoặc không tuân thủ nguyên tắc này tức ác pháp.
Nguyên tắc này đưa nhị thừa đến thánh quả bằng con đường giới-định-huệ, lấy giới làm tường vách yểm ly ngũ ấm, lấy thánh giáo làm tuệ giác yểm ly dục, giới và thánh giáo hỗ trợ cho nhau để làm sạch “thù trong giặc ngoài.” Không còn bóng dáng kẻ thù ngũ dục thiền phát sinh, ngũ ấm yểm ly triệt để định sanh.
Thiền định của nhị thừa đặt nền móng ly dục từ nhận thức gọi là thắng giải, nhận thức ăn sâu trong mỗi hành động việc làm. Do nhận thức này tâm ý không sanh khởi các ác bất thiện pháp, tức không cho phép thân tâm duyên các dục gọi là tuệ tri. Đây là hành động lấy nhận thức để yểm ly, lấy yểm ly để xả, khi dục đã được xả hoàn toàn, căn bản thoát ly dục giới thành tựu rồi mới tiếp tục tiến sâu vào các cảnh giới khác cao hơn. Pháp xả của nhị thừa có thứ lớp, giống như lột vỏ trái bắp, lột rốt ráo gọi là liễu hay liễu tri, tức nhận thức trọn vẹn mà rời xa.
Đoạn kinh sau mô tả công việc kiểm soát thân tâm (niệm xứ) của nhị thừa để xả các ý niệm bất thiện (dục), thuật ngữ kinh gọi là tuệ tri:
“Và này các Tỳ Kheo, thế nào là Tỳ Kheo sống quán thân trên thân? Này các Tỳ Kheo, ở đây, Tỷ Kheo đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, và ngồi kiết già, lưng thẳng và an trú chánh niệm trước mặt.
Tỉnh giác, vị ấy thở vô; tỉnh giác, vị ấy thở ra. Thở vô dài, vị ấy tuệ tri: "Tôi thở vô dài,” hay thở ra dài, vị ấy tuệ tri: "Tôi thở ra dài,” hay thở vô ngắn, vị ấy tuệ tri: "Tôi thở vô ngắn,” hay thở ra ngắn, vị ấy tuệ tri: "Tôi thở ra ngắn.” "Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô,” vị ấy tập. "Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở ra,” vị ấy tập. "An tịnh toàn thân, tôi sẽ thở vô,” vị ấy tập. "An tịnh toàn thân, tôi sẽ thở ra,” vị ấy tập. Này các Tỳ Kheo, như người thợ quay hay học trò người thợ quay thiện xảo khi quay dài, tuệ tri: "Tôi quay dài,” hay khi quay ngắn, tuệ tri: "Tôi quay ngắn.” Cũng vậy, này các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo thở vô dài, tuệ tri: "Tôi thở vô dài,” hay thở ra dài, tuệ tri: "Tôi thở ra dài,” hay thở vô ngắn, tuệ tri: "Tôi thở vô ngắn,” hay thở ra ngắn, tuệ tri: "Tôi thở ra ngắn.” "Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô,” vị ấy tập. "Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở ra,” vị ấy tập. "An tịnh toàn thân, tôi sẽ thở vô,” vị ấy tập. "An tịnh toàn thân, tôi sẽ thở ra,” vị ấy tập. Như vậy, vị ấy sống quán thân trên nội thân hay sống quán thân trên ngoại thân; hay sống quán thân trên cả nội thân, ngoại thân; hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên thân; hay sống quán tánh diệt tận trên thân; hay sống quán tánh sanh diệt trên thân. "Có thân đây,” vị ấy an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước vật gì trên đời. Này các Tỷ Kheo, như vậy là Tỷ Kheo sống quán thân trên thân.
Lại nữa, này các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo đi, tuệ tri: "Tôi đi,” hay đứng, tuệ tri: "Tôi đứng,” hay ngồi, tuệ tri: "Tôi ngồi,” hay nằm, tuệ tri: "Tôi nằm.” Thân thể được sử dụng như thế nào, vị ấy tuệ tri thân như thế ấy.
Vị ấy sống quán thân trên nội thân; hay vị ấy sống quán thân trên ngoại thân; hay vị ấy sống quán thân trên nội thân, ngoại thân; hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên thân; hay vị ấy sống quán tánh diệt tận trên thân; hay vị ấy sống quán tánh sanh diệt trên thân. "Có thân đây,” vị ấy an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỳ Kheo, như vậy là Tỳ Kheo sống quán thân trên thân.
Lại nữa, này các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo, khi bước tới bước lui, biết rõ việc mình đang làm; khi ngó tới ngó lui, biết rõ việc mình đang làm; khi co tay, khi duỗi tay, biết rõ việc mình đang làm; khi mang áo Sanghati (Tăng Già Lê), mang bát, mang y, biết rõ việc mình đang làm; khi ăn, uống, nhai, nếm, biết rõ việc mình đang làm; khi đại tiện, tiểu tiện, biết rõ việc mình đang làm; khi đi, đứng, ngồi, ngủ, thức, nói, im lặng, biết rõ việc mình đang làm.
Như vậy, vị ấy sống quán thân trên nội thân; hay sống quán thân trên ngoại thân; hay sống quán thân trên cả nội thân, ngoại thân; hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên thân; hay sống quán tánh diệt tận trên thân; hay sống quán tánh sanh diệt trên thân. "Có thân đây,” vị ấy an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ Kheo, như vậy là Tỷ Kheo sống quán thân trên thân.”[[1]]
Sau khi xả các dục bằng cách: “Hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời.”
- Chánh trí, chánh niệm ở đây có nghĩa hiểu biết và nhớ nghĩ không còn liên hệ đến dục nên gọi là chánh. Những nhớ nghĩ hiểu biết nào có bóng dáng của dục được gọi là tà trí, tà niệm.
Sau khi năm dục hạ liệt không còn trưởng dưỡng, tiếp tục hướng đến dục công đức để xả các cảnh giới cao hơn đó là thân tâm và ý thức. Kinh gọi là sắc giới và vô sắc giới, hai giới này thuộc đại hành tâm, tức loại tâm có thiền định. Căn bản của sắc giới là giác quán và cảm thọ, giác quán gồm hai món thuộc về tâm ý. Tâm có giác, ý có quán, thuật ngữ là tầm tứ. Thân tâm gồm hai món là hỷ và lạc, hỷ hiện khởi trên thân và lạc hiện khởi trên tâm.
Nhị thừa y thánh giáo nên nhận thức của họ bây giờ những gì tồn tại trên thân tâm đều phải xả, do đó giác quán hỷ lạc là pháp thượng diệu nhưng nó cũng là ‘hữu vi pháp’.
- Những gì thuộc ‘hữu vi pháp’ vô thường biến hoại và đó là nhân sanh diệt. Do hiểu biết này nhị thừa hướng tâm vào dục công đức (một hình thức của dục như ý túc) làm cho tăng trưởng giác quán sung mãn hỷ lạc, phép tăng trưởng này dựa trên nguyên lý lấy trong xả đục, tức dục công đức hưng thịnh thì dục hạ liệt tiêu diệt. Ở đây còn nguyên lý thứ hai là khi no đủ sẽ không đòi hỏi, khi tâm đã no các dục công đức giác quán hỷ lạc sẽ tự xả trong điều kiện bảo hòa.
Đây là trạng thái thân tâm tuần tự vượt qua sắc giới, đỉnh điểm của sắc giới là tứ thiền, cảnh giới này tâm như một mảnh vải trắng chưa nhuộm khổ vui, vì thế có tên “bất khổ bất lạc thọ,” cụm từ này nói lên tính chất thân tâm đã được xả ly triệt để; do xả triệt để dục giới và sắc giới nên thân tâm không còn câu sanh lẫn nhau.
Hai món này được tách rời, giống như người ta tách hạt đậu ra khỏi vỏ đậu, giai đoạn này cực kỳ quan trọng đối với nhị thừa, chuẩn bị ra khỏi sắc giới, tức tâm ra khỏi giới hạn của thân.
- Khi tâm xả được thân, tâm này vi tế có thể xâm nhập bất kỳ lĩnh vực nào mà một hữu tình còn thân không thể làm được; thân tâm tách ra khỏi nhau là tiền đề để nhị thừa vào thánh vị nếu không muốn vượt qua vô sắc giới.
Đoạn kinh sau giới thiệu cách thức xả sắc giới và nơi xả tâm không thọ các thứ có liên hệ đến ác bất thiện pháp: “Vị ấy với sự thành tựu Thánh giới uẩn này, với sự thành tựu Thánh hộ trì căn này, và với Thánh chánh niệm tỉnh giác này, lựa một chỗ thanh vắng, tịch mịch như khu rừng, gốc cây, khe núi, hang đá, bãi tha ma, lùm cây, ngoài trời, đống rơm. Sau khi đi khất thực về và ăn xong, vị ấy ngồi kiết-già, lưng thẳng, tại chỗ nói trên, và an trú chánh niệm trước mặt. Vị ấy từ bỏ tham ái ở đời, sống với tâm thoát ly tham ái, gột rửa tâm hết tham ái. Từ bỏ sân hận, vị ấy sống với tâm không sân hận, lòng từ mẫn thương xót tất cả chúng hữu tình, gột rửa tâm hết sân hận. Từ bỏ hôn trầm thụy miên, vị ấy sống thoát ly hôn trầm thụy miên, với tâm tưởng hướng về ánh sáng, chánh niệm tỉnh giác, gột rửa tâm hết hôn trầm thụy miên. Từ bỏ trạo cử hối quá, vị ấy sống không trạo cử, nội tâm trầm lặng, gột rửa tâm hết trạo cử, hối quá. Từ bỏ nghi ngờ, vị ấy sống thoát khỏi nghi ngờ, không phân vân lưỡng lự, gột rửa tâm hết nghi ngờ đối với thiện pháp.
Sau khi từ bỏ năm triền cái làm ô nhiễm tâm, làm cho yếu ớt trí tuệ, vị ấy ly dục, ly ác bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ. Lại nữa, này các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Lại nữa, này các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm giác sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là "xả niệm lạc trú," chứng và trú Thiền thứ ba. Lại nữa, này các Tỳ Kheo, vị Tỳ Kheo xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh .
Khi vị ấy thấy sắc bằng mắt, vị ấy không tham ái đối với sắc đẹp, không ghét bỏ đối với sắc xấu, vị ấy sống an trú niệm trên thân, với tâm vô lượng. Vị ấy như thật tuệ tri tâm giải thoát, tuệ giải thoát, chính nhờ chúng mà các ác bất thiện pháp của vị ấy được trừ diệt, không có dư tàn. Như vậy từ bỏ (thuận nghịch), có cảm thọ nào khởi lên: Lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ, vị ấy không tùy hỷ, không hoan nghênh, không tham trước thọ ấy. Vì vị ấy không tùy hỷ, không hoan nghênh, không tham trước thọ ấy, nếu có dục hỷ nào đối với các cảm thọ, dục hỷ ấy được trừ diệt. Do dục hỷ của vị ấy diệt nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt.
Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não diệt. Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này. Khi vị ấy nghe tiếng bằng tai... (như trên)... Khi vị ấy ngửi hương bằng mũi... (như trên)... Khi vị ấy nếm vị bằng lưỡi... (như trên)... Khi vị ấy cảm xúc bằng thân... (như trên)... Khi vị ấy nhận thức pháp bằng ý, vị ấy không tham ái đối với pháp tốt, không ghét bỏ đối với pháp xấu. Vị ấy sống an trú niệm trên thân, với tâm vô lượng. Vị ấy như thật tuệ tri tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Chính nhờ chúng mà các ác bất thiện pháp của vị ấy được trừ diệt, không có dư tàn. Như vậy, vị ấy đoạn trừ (thuận nghịch) có cảm thọ nào khởi lên: Lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ, vị ấy không tùy hỷ, không hoan nghênh, không tham trước thọ ấy. Vì vị ấy không tùy hỷ, không hoan nghênh, không tham trước thọ ấy, nếu có dục hỷ nào đối với các cảm thọ, dục hỷ ấy được trừ diệt. Do dục hỷ của vị ấy diệt nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não diệt. Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này. Này các Tỳ Kheo, các Ông hãy thọ trì ái tận giải thoát này, được Ta nói một cách tóm tắt, nhưng (phải nhớ là) Tỳ Kheo Sati, con của người đánh cá, đã bị mắc trong cái lưới lớn của ái, trong sự rối loạn của ái.” [[2]]
Vấn đề quan trọng của nhị thừa là vào sắc giới xả khổ lạc, tâm không câu hữu với khổ lạc là một thứ tâm không bị hệ phược hoặc ít ra trí tuệ không bị hệ phược. Những mối liên hệ nào làm ‘tâm vọng động’ và ‘ý giong ruổi’ nay đã dừng lại, giống như lá cờ không bị gió thổi.
Chính tâm này là nguyên liệu làm nên mọi thứ thánh quả nếu biết sử dụng và thiện xảo trong sử dụng. Theo như các kinh giáo nhị thừa, để chỉ tâm này Phật dùng cụm từ “nhu nhuyến dễ sử dụng,” cụm từ này mô tả đầy đủ tính chất của đệ Tứ Thiền, giống như một loại bột chưa được nhào nắn, nhờ tính chất này có thể hướng tâm đến bất kỳ nơi nào hành giả muốn, như hướng tâm đến tam minh diệt sạch các lậu vượt thoát sanh tử. Có thể phát khởi các loại thần thông vào Tứ Không Định chứng thánh quả; nếu phát tâm Vô Thượng Bồ Đề dùng bất cộng phàm phu pháp chứng vô sanh của Bồ Tát; hoặc hướng tâm đến Bát Bội Xả, trái bỏ những gì còn tồn tại của một phàm phu hay không liên hệ đến mục đích của bậc thánh; phát khởi tâm vô lượng với bốn món Từ Bi Hỷ Xả nhập Bồ Tát thừa.
Tóm lại nhị thừa dùng pháp yểm ly theo nguyên lý tam vô lậu học để xả, nên xả giác chi của thừa này mang dáng dấp thánh giáo, tức cái gì Phật bảo xả thì nhị thừa kiên quyết không thọ, thậm chí không được nghĩ tưởng đến, vì vậy cụm từ ‘ác bất thiện pháp’ thường xuyên xuất hiện trong tạng kinh giáo thừa này.
Do đó có thể kết luận pháp xả của nhị thừa là xả ác và bất thiện pháp, xả đến bao giờ toàn tâm là thiện thì mới viên mãn xả pháp (chữ thiện trong đạo xuất thế là thiện giải thoát).
[[1]] Trích kinh Niệm Xứ -HT. Thích Minh Châu dịch.
[[2]] Trích kinh Đoạn Tận Ái –HT. Thích Minh Châu dịch.
(còn nữa)
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






