Nhất Xiển Đề, Ác Kiến và Tà Kiến

Như Lực vâng mệnh, châm một bình trà nóng, rót mỗi người một ly... Hương trà thơm phức, mọi người vui vẻ uống... Đợi cạn tuần trà, Như Bổn Mạt lên tiếng:
Thưa Lão Sư!... Thưa các huynh đệ!... Lão Sư vừa rồi đã giảng nói ý nghĩa của chữ nghi. Đến nay trong lòng đệ tử đã dứt ba thứ nghi, nhưng còn vài điều chưa thông suốt, xin Lão Sư cắt nghĩa cho chúng con minh bạch...
Lý Tứ mỉm cười nói: - Lão Huynh Như Bổn Mạt!... Lão Huynh có gì chưa thông, xin nêu lên để mọi người cùng kiến giải.
Như Bổn Mạt nói:
Thưa Lão Sư!... Trong lòng đồ đệ còn thắc mắc về sự khác biệt giữa ba thứ, đó là:
- Như thế nào gọi là “Nhất Xiển Đề”, như thế nào gọi là “ác kiến”, như thế nào gọi là “tà kiến”... Ba thứ này có liên quan với nhau, cùng một nguồn gốc hay mỗi thứ đều riêng khác?
Lý Tứ ôn tồn nói:
- Thưa Lão Huynh!... Trong Phật đạo có ba hạng người như huynh vừa nêu ra. Ba hạng người này có ba cách nhìn và hiểu biết khác nhau về Phật đạo.
- Hạng thứ nhất, đó là những người không tin Phật đạo. Vì không tin nên đánh mất thiện căn, hạng này Phật đạo gọi là Nhất Xiển Đề.
- Hạng thứ hai, chạy theo các kiến chấp sai lầm, tựu trung có 62 thứ kiến chấp. Dùng đây trói buộc mình, người không tìm thấy con đường giải thoát nhẫn đến quả vị tối thượng, hạng này Phật đạo gọi là ác kiến.
- Còn hạng thứ ba đó là hạng người tu hành trong Phật đạo nhưng do thiếu trí nên có những kiến giải lệch lạc, hoặc vì si mê nên tin vào những điều không đáng tin, tin vào những điều không có cơ sở và chẳng được kiểm chứng bằng kinh điển. Phật giáo gọi hạng này là tà kiến...
Ba hạng người này không có mối liên hệ gì với nhau về nhận thức, nếu có mối liên hệ nào đó thì liên hệ này không lớn lắm...
Thứ nhất, tôi xin nói về Nhất Xiển Đề. Nhất Xiển đề là phiên âm từ Phạn văn của chữ “A tyan tka”, người Hán đọc là Nhứt Xiển Đề, A Xiển Đề Ca, A Xiển Đề hoặc Triển Đề... Chữ này có nghĩa là chẳng thành quả Phật... Cũng có khi dịch là “bất tín cụ”, tức niềm tin không đầy đủ.
Trong kinh Phật, chia làm hai loại Nhất Xiển Đề. Đó là: Bồ Tát Nhất Xiển Đề và Nhất Xiển Đề... Bồ Tát Nhất Xiển Đề là loại Bồ Tát chẳng mong muốn thành Phật quả và Nhất Xiển Đề tức hạng người niềm tin không đầy đủ (bất tín cụ)...
- Hạng thứ nhất là Bồ Tát Nhất Xiển Đề chỉ cho những Bồ Tát chẳng mong thành Phật quả. Danh xưng Nhất Xiển Đề trong trường hợp này nhằm nói đến các Bồ Tát vì Bi nguyện mà chẳng chịu thành Phật. Ví dụ như ngài Địa Tạng vì thâm nguyện của mình mà không nỡ vào Niết Bàn khi thấy chúng sanh còn khổ đau nơi địa ngục... Hoặc như ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, phát nguyện rằng: “khi nào còn một chúng sanh chưa thành Phật thì bản thân mình chưa thành Phật”...
- Hạng thứ hai, Nhất Xiển Đề có nghĩa là “bất tín cụ”. Nghĩa này để chỉ cho những chúng sanh niềm tin không đầy đủ. Đó là những hạng chúng sanh không tin có Phật quả và có các quả Thánh trong phật đạo, không tin giáo pháp của Đức Phật có thể dứt phiền não và các cột trói, thậm chí không tin nhân quả...
Hạng này do vì không tin Phật, Pháp, Tăng nên đánh mất căn lành, vì thế chẳng thể quy y Tam Bảo, chẳng thể tu hành trong Phật đạo. Không thể tu hành trong Phật đạo nên không có các quả vị an lạc, không quy y Tam Bảo nên chẳng có chỗ nơi để sám hối ba nghiệp lỗi lầm... Vì thế Phật dạy hạng này phải chịu quả báo về những nhận thức không đầy đủ nói trên...
Tuy nhiên Phật cũng dạy, đối với hạng chúng sanh như thế, sau khi tạm thời đánh mất căn lành do ngu mê, phải chịu quả báo khốc liệt nơi đường dữ thời gian dài lâu, sau đó thức tỉnh nếu có duyên lành, phát khởi tín tâm, người này tu hành rồi cũng được các quả vị bậc Thánh cho đến Phật quả. Vì Phật Tánh là thường... Và “Nhất Xiển Đề cũng có Phật Tánh...”
Thứ hai, tôi xin trình bày về nghĩa “ác kiến”. Chữ “ác kiến” trong Phật đạo thông thường để chỉ cho các ngoại đạo và những kiến chấp sai lầm...
Những kiến chấp nào có tính trói buộc, đi ngược lại ý nghĩa giải thoát đều gọi chung là ác kiến... Cho nên, có thể hiểu ác kiến là những hiểu biết không làm cho chúng sanh giải thoát, đưa chúng sanh đến mờ tối, trái với quan điểm giải thoát của Phật giáo... Vì thế kinh Lăng Già Phật nói: “Các ngoại đạo kia bị ác kiến nuốt sống”.
Ác kiến thuộc về lợi sử, tức những người bị các món lý luận được cho là cao siêu của thế gian trói buộc...
Thứ ba là tà kiến. Chữ tà có nhiều nghĩa, ở đây chúng ta chỉ đề cập đến ba nghĩa. Ba nghĩa này liên quan đến nhận thức tu hành đó là: Một, tà có nghĩa là: Lệch, cong... Nghĩa thứ hai của chữ tà là trái với chánh: Bất chánh... Thứ ba chữ tà được dùng trong các từ ngữ sau đây: Tà thuật, tà ma, yêu tà, tà thuyết...
Tà kiến là một trong những kiết sử... Vì thế chữ tà kiến trong Phật đạo nhằm nói nhiều đến nghĩa của chữ tà trong ý thứ nhất và ý thứ nhì... đôi khi cũng có đề cập ý nghĩa thứ ba nhưng rất hiếm...
Như vậy, nếu xét ở nghĩa thứ nhất và thứ nhì của chữ tà, thì tà kiến ở đây được hiểu rằng, tà kiến là chỉ cho những người tu trong Phật đạo mà thiếu trí tuệ, căn trí ám độn... nên hiểu biết giáo pháp sai lệch, hiểu biết không chân chánh... Vì hiểu biết sai lệch, hiểu biết không chân chánh nên dù người này có cố công cũng chẳng thể giác ngộ, chẳng thể thấu suốt... Cố công trong trường hợp này gọi là tà tinh tấn, tức là tiến lên trong sự không trong sạch, nỗ lực không đúng chánh pháp… kiến giải giáo pháp theo ý nghĩa tà vạy... tức những kiến giải này không thật sự đưa đến giác ngộ và thanh tịnh như pháp...
Để làm rõ nghĩa tà kiến, chúng ta có thể tham khảo đoạn kinh Kim Cang: “Nhược dĩ sắc kiến ngã; Dĩ âm thanh cầu ngã; Thị nhân hành tà đạo; Bất năng kiến như Lai”. Đoạn kinh này có nghĩa, đã là người tu hành trong Phật đạo mà không thấu suốt ý nghĩa Phật dạy, nên chấp thân tướng của Phật gọi là Phật, chấp văn tự lời nói của Phật cho rằng đó là Phật... Hạng người như vậy được gọi là đi đường tà (tà đạo), tà vì chẳng thể thấy được Như Lai, tức chẳng rốt ráo chân chánh biết được trí tuệ tối thượng...
Như vậy chữ “tà” trong đoạn kinh này nhằm đề cập đến những người tu trong Phật đạo mà hiểu biết sai lầm chứ không nhằm chỉ người ngoài đạo...
Hoặc ta có thể hiểu chữ “tà” qua câu chuyện kinh sau:
Phật dạy “Tỳ Kheo, ăn ngày một bữa, ít bịnh, ít não, thân thể khinh an, dễ đắc thiền định”. Có vị Tỳ Kheo nghe như vậy rồi ngẫm nghĩ và bạch với Phật: “Bạch Thế Tôn!... Con nghĩ, ăn ngày ba bữa, ít bịnh, ít não”.
Hiểu sai lệch, rồi thấy biết sai lệch, gọi là tà kiến...
Chữ tà kiến trong Phật đạo còn dùng để chỉ cho hạng người tu hành trong Phật pháp mà thiếu trí, cả tin... bị người khác dùng tà thuật, tà pháp, tà đạo, tà thuyết dối gạt... Do thiếu trí nên tin những thứ này là Phật pháp rồi chạy theo... Vì tin và chạy theo những thứ không chân chánh như vậy nên chẳng thể hết phiền não, chẳng được giải thoát...
Có thể nói, chữ tà kiến trong Phật đạo nhằm chỉ cho những người tu hành pháp Phật mà ít trí tuệ, hiểu biết sai lệch, tin vào những kiến giải hoặc hiện tượng không chân chánh... Kết quả của tà kiến là nhọc công tu hành mà không đưa đến giác ngộ...
Các vị!... Nói tà là vì có chánh. Tự thân những kiến chấp như thế, tự thân những niềm tin như thế không gọi là tà, vì đây là tự do của mỗi chúng sanh... Nhưng một khi đã dấn thân tu hành trong Phật đạo mà theo đuổi những kiến chấp này, tin vào những hiện tượng không chân chánh này, rồi coi đó là Phật đạo thì mới được gọi là tà...
Đã là Phật tử thì phải quang minh, mọi thứ đều có chuẩn mực của nó, không quơ đũa cả nắm...
Một người không tu hành trong Phật đạo, có quyền tin và có quyền nghe vào những gì mình cho là đúng cho là phải... Nghe và tin như vậy chẳng có gì là tà, thậm chí còn là chánh đối với bản thân họ... bởi chuẩn mực của họ là những thứ này...
Nhưng nếu đã là Phật Tử, lấy Tam Bảo là chuẩn mực và là chỗ cho mình nương cậy. Nhưng vì lý do nào đó, chỉ quy mà không y, vì không y nên dẫn tới hiểu sai, vì không y nên gởi gắm niềm tin vào những thứ không chân chánh.
Phật Tử mà y vào những thứ không chân chánh bây giờ mới gọi là “tà”... Có thể hiểu “tà” ở đây là lệch lạc so với cái “chánh”.
Tóm lại Nhất Xiển Đề, ác kiến và tà kiến như tôi vừa trình bày ở trên... xét tổng thể thì, nếu chúng sanh nào bị một trong ba thứ này đều không đưa đến đạo quả an lạc. Nếu xét riêng biệt thì mỗi loại phát sinh từ một nhận thức khác nhau... Cả ba thứ như vậy, Phật đạo đều gọi chung là “vô minh”...
Trên đây chỉ là kiến giải cá nhân tôi về ý nghĩa của ba thứ này. Huynh đệ!... Vị nào có kiến giải tốt hơn, xin mời tham gia để mọi người cùng tăng trưởng kiến thức... Nói đến đây, Lý Tứ đảo mắt nhìn mọi người rồi cung hai tay thủ lễ hướng về phía Thập Như nói lớn:
- Xin mời các vị… Xin mời!...
Như Bổn Mạt lại lên tiếng:
Thưa Lão Sư!... Ba thứ này trước nay đồ đệ có suy nghĩ nhưng không phân minh, nay được lão Sư cắt nghĩa, đồ đệ sáng tỏ rành mạch từng thứ... Từ đây biết đâu là Nhất Xiển Đề, biết đâu là ác kiến và cũng biết đâu là tà kiến... không còn nhầm lẫn nữa...
Lý Tứ thấy mọi người im lặng nên nói:
- Các vị!... Nếu không còn gì nghi hoặc, không còn gì thắc mắc, hoặc hiện tại chưa có thắc mắc, chúng ta tiếp tục uống trà... Nào Như Lực Cô Nương... Bày tuần trà thứ hai!...
(còn nữa)
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






