Người Tu Có Cần Học Kinh Điển? Nhận Biết Một Người Đã Giác Ngộ?

− Hỏi:
1) Người tu có cần đọc kinh điển hay không? Có người bảo rằng chỉ cần hành, không cần đọc kinh, vì tâm chính là kinh, câu nói này đúng hay chưa?
2) Lên mạng tôi thấy ai cũng tự cho rằng mình đã ngộ, chê kẻ khác là chạy theo tưởng tri gì đó rất khó hiểu, làm thế nào để phân biệt được người nào ngộ thiệt người nào ngộ giả? (Nhất Vi)
3) Thưa Thầy! Có người quy y Tam Bảo rồi, sau này người đó tu theo Thiên Chúa. Như vậy người đó có lạc mất quy y không Thầy?
(Câu hỏi ngồ ngộ... gửi qua messenger; Vô Danh)
- Đáp
6.1. Kinh điển với người tu Phật?
Về câu hỏi thứ nhất, xin chia làm hai ý:
6.1.1. Người tu có cần đọc kinh điển hay không?
Kinh Phật chính là “sách giáo khoa” của Phật đạo...!!! ... “Sách giáo khoa trong giáo dục là loại sách cung cấp kiến thức, được biên soạn với mục đích dạy và học tại trường học. Thuật ngữ sách giáo khoa còn có nghĩa mở rộng là một “loại sách chuẩn” cho một ngành học. Sách giáo khoa được phân loại dựa theo đối tượng sử dụng hoặc chủ đề của sách” Nguồn: Wikipedia.
Theo ý nghĩa trên thì, dạy và học trong bất kì lãnh vực nào, cũng cần có sách giáo khoa, vì dạy và học mà “không căn cứ vào sách giáo khoa”, chắc chắn người dạy chẳng biết mình dạy gì, người học chẳng biết điều mình đã học có đúng với chuẩn mực của ngành học đó đề ra hay không!!!
Cho nên theo mình, người tu học trong Phật đạo rất cần đọc kinh (Phật) ... Nếu không đọc, không căn cứ vào lời dạy của Phật được ghi chép trong kinh điển thì, khó có thể thành tựu những điều cần thành tựu trong Phật đạo!!!
6.1.2. Có người bảo rằng chỉ cần hành, không cần đọc kinh, vì tâm chính là kinh, câu nói này đúng hay chưa?
Như đã nói trên, kinh Phật chính là mẫu mực, là lí thuyết (chuẩn) để người học căn cứ vào đó mà thực hành, nếu không đọc kinh thì thực hành như thế nào đây???
− Kinh: Theo Tiến Sĩ Vũ Cao Phan đăng trên Website Khoa Ngôn Ngữ Học Trường Đại Học Quốc Gia Hà Nội thì “Kinh điển” là một từ Hán-Việt. Giải nghĩa về từ này hầu như tất cả các từ điển xuất bản lâu nay tại Việt Nam (và cả Trung Quốc) đều thống nhất:
1)Tác phẩm có giá trị mẫu mực, tiêu biểu; có ảnh hưởng lớn cho một học thuyết, một chủ nghĩa, một tôn giáo. 2)Tác giả của các tác phẩm ấy (nhà kinh điển). 3)Có tính quy chuẩn, bài bản, cổ điển...
Thành ra, câu “tâm chính là kinh”, có lẽ nên coi lại!!! ... Theo mình, kinh (hay sách) xuất phát từ trí, chứ chẳng thể từ tâm!!! ... Và câu: “Có người bảo rằng chỉ cần hành, không cần đọc kinh, vì tâm chính là kinh” câu này có vấn đề...!!!...!!!
6.2. Phân biệt được... Giác Ngộ thiệt... Giác Ngộ giả?
Bất kì người tu học nào trong Phật đạo cũng mong muốn giác ngộ, mong muốn này là chánh đáng!!! ... Tuy nhiên, muốn là một chuyện, còn giác ngộ hay không là một chuyện!!!
Việc “rất nhiều người tự cho rằng mình đã giác ngộ, chê lời người khác là tưởng tri” cũng đâu có gì quan trọng!!! ... Vì rằng, có ai đó tuyên bố mình đã giác ngộ và chê lời người khác là tưởng tri, tuyên bố này không phạm pháp, cũng không đóng thuế đồng xu cắc bạc nào... Cho nên, thích thì cứ tuyên bố, không ưa thì cứ chê, chẳng sao hết...!!!
Quan trọng là, sau khi tuyên bố, anh được gì??? ... Sau khi chê, anh được gì???
Nếu là người chân thật giác ngộ, chắc chắn họ không nói càn, không khen ẩu, chẳng chê bừa... Vì rằng, đối với bậc giác ngộ, dù khen hay chê, mỗi lời đều có căn cứ, dựa trên cơ sở thuyết phục, nhằm giúp người nghe (hay đọc) hiểu ra điều gì đó, chứ không nhằm mục đích hơn thua, hay nói cho thoả mãn... cái... ngã... hư vọng như người đời!!!
Về việc làm thế nào để biết một người đã giác ngộ hay chưa??? Mình xin giới thiệu bài viết (trích sách Vô Đối Môn, NXB Dân Trí; 2019, Tác giả Lý Tứ) đề cập đến việc này như sau:
֎ NHẬN BIẾT MỘT NGƯỜI ĐÃ GIÁC NGỘ
− Hỏi: Làm thế nào để biết được một người đã Giác Ngộ?
- Đáp: Muốn biết được một người có Giác Ngộ chân thật hay không, chỉ có ba hạng người có thể biết rõ.
- Một là Bậc Đạo Sư của người ấy.
- Hai là người có Giác Ngộ sâu hơn.
- Ba là chính bản thân người đó.
Tuy nhiên, có một số dấu hiệu mà người tinh ý có thể nhận ra và tạm đánh giá đây là một vị đã Giác Ngộ thật sự:
− Một, nhìn vào phong thái của người đó trước kia và hôm nay (sau khi Giác Ngộ) thay đổi như thế nào.
− Hai, trong hành động và lời nói của người thật sự Giác Ngộ, không có (hoặc rất ít) bóng dáng của ngã, luôn luôn thể hiện sự nhân hậu.
− Ba, khi nói chuyện về đạo, người này lấy chỗ thực chứng để trình bày, nên văn tự ngắn gọn, không suy luận dài dòng.
− Bốn, lời nói thường “không có mùi phiền não”, vì thế hay làm cho chúng hòa hiệp.
− Năm, chán ghét tham gia chuyện thế gian, trừ trường hợp bất đắc dĩ.
− Sáu, ham ưa vắng lặng, thường độc cư thiền định.
− Bảy, không có tâm tranh giành, người đối diện cảm nhận được an lạc, thích gần gũi.
− Tám, chỉ thích văn tự, ngữ ngôn vô lậu.
− Chín, ham ưa đọc tụng kinh luận của Phật và Bồ Tát.
− Mười, khi đọc kinh luận chính thống của Phật và Bồ Tát, vị này thấy phấn khởi trong lòng, cảm giác Phật và Bồ Tát tuyên thuyết điều này cho riêng mình.
− Mười một, dễ phát hiện ra các sai lầm trong cách giảng nói của người chưa Giác Ngộ.
− Mười hai, ham ưa văn hóa vô lậu, nên thường tán thán người được pháp lành, dần dần từ bỏ thói quen nhân ngã, khen mình chê người.
− Mười ba, thường biết ơn, nhớ ơn Phật, Thiện Tri Thức.
− Mười bốn, tập khí chấp nhất, xả dần cho đến mất hẳn.
Nói chung, có vô số pháp lành xuất sanh từ một vị đã Giác Ngộ chân thật... Nếu một người tinh ý có thể căn cứ vào những đức tính nói trên, để nhận định đây có phải là một vị đã Giác Ngộ thật sự hay chưa.
6.3. Quy y Tam Bảo rồi, sau này người đó tu theo Thiên Chúa. Như vậy người đó có lạc mất quy y không Thầy?”
Theo mình, sau khi mãn duyên bên Thiên Chúa, chủng tử quy y Tam Bảo sẽ hiện trở lại... Vì Tam Bảo là thường, nên “tạm thời có lạc, mà không có mất”!!!
Các bạn!!! ... mình xin kể cho các bạn câu chuyện vui... Câu chuyện xảy ra cách đây trên mười năm!!!
Ngày ấy, mỗi sáng mình và một số bạn đạo thường hay ra quán cà phê quen, làm mỗi anh một ly xây chừng... Trong đám bằng hữu, có một anh lớn hơn mình chừng năm tuổi, nói về tu hành thì anh này cũng thuộc loại ba sồn ba sựt, tánh khí bốc đồng, thường tìm học những câu nói vu vơ, ngớ ngẩn, không đầu không đuôi... Nghe ở đâu có người tu hành, chẳng biết nông sâu thế nào, bèn lân la tìm đến chất vấn, đòi kiểm chứng, và kết quả cuối cùng là... cãi... nhau... một trận sanh tử lửa, mỗi người ôm một cục giận ra về, trăm lần như một!!!
Sáng hôm ấy, như thường lệ, mới ngồi vào bàn, chưa kịp chào hỏi... Không biết anh ta học lóm ở đâu cái câu xưa như trái đất, mà bất kì anh tu hành nào ăn vài hủ chao, đọc vài câu chuyện thiền hạng bét cũng thuộc như cháo, đem ra cật vấn mình liền:
− Tui hỏi già! Già nói cho tui biết, đạo ở đâu???
- Mình giả vờ không nghe rõ, hỏi lại: Bộ anh hỏi tui, gạo (mua) ở đâu hả???
Anh ta bèn đính chính: Không, tui với già đâu có bàn chuyện gạo thóc mà làm chi!!! Tui hỏi già, đạo ở đâu???
- Mình giả bộ nghiêm mặt, bày đặt lên giọng cha nội, vừa đùa vừa thật: Đạo là thứ thâm u, những người tu hành ba sồn ba sựt như anh, công phu hàm dưỡng không có, kiến thức chưa đầy lá mít, tui có trả lời đúng, trả lời sai... nói đạo trong củ khoai hay trái bí thì anh cũng đâu có biết!!! Thành ra, cho dù tui có biết chắc “đạo ở đâu” thì cũng đâu thể trả lời cho anh được!!!
Anh ta hơi bực tức, nhưng có vẻ cố kìm chế, nói: Già đừng có chê tui!!! Già nói đi, đúng sai tui biết liền à!!!
- Mình từ từ uống ngụm cà phê, rồi đủng đỉnh nói: Anh Hai à!!! Tui đã nói rồi!!! ... Đạo là cái thâm u, hạng như anh không nghe nổi đâu, tui có nói đúng hay sai, anh cũng đâu có biết!!! ... Thôi, uống cà phê đi!!! ... Đừng có hỏi nữa mà sinh giận hờn, mất hoà khí, lại tổn công đức...lắm...lắm!!!
Nghe mình nói thế, anh ta phừng phừng nổi giận, đứng dậy đập bàn cái rầm, quơ tay múa chân, xỉ vả mình và la lớn: Già khinh người quá đáng!!! ... Thế là anh ta chửi mình một trận nên thân!!!
- Mình từ tốn nói: Anh chửi xong chưa??? Tôi đã bảo rồi!!! Hạng người thiếu hàm dưỡng như anh, tu hành thì ba sồn ba sựt, chỉ tối ngày lo đi học mấy câu vô nghĩa về làm của, để loè thiên hạ, chưa chi đã giận hờn chửi rủa!!! Tâm địa như thế, làm gì hiểu nổi “đạo ở đâu” mà buộc tui phải trả lời!!! Giờ anh tin lời của tui rồi chớ!!!
Nghe xong, không nói năng, anh ta ngoe nguẩy leo lên chiếc xe đạp, đi tuốt luốt một mạch, không kiếu từ ai hết!!!
Thế là, anh ta giận mình cả năm trời, gặp mặt không chào hỏi, mặc dù mình cố ra sức làm lành... Từ đó về sau, anh ta kiên quyết, không thèm ghé quán cà phê chỗ mình hay uống mỗi sáng!!!
Trên đời có những hạng người, tu hành thì chẳng ra gì, hiểu biết thì vụn vặt, học chỗ này vài câu, chỗ kia mớ nhắm, chắp vá lung tung... Tối ngày, chỉ lo đi kiếm người tu hành thách đố đạo pháp (bằng những câu mà bản thân người ấy cũng chẳng biết các câu mà họ học được là đúng hay sai) ... Thế đấy các bạn!!!
(30-08-2019)
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






