Ngũ Ấm Ma

 0
Ngũ Ấm Ma

Các bạn!!!

Theo mình, sẽ lợi ích vô cùng, nếu chúng ta nhận diện và hiểu rõ khái niệm Ngũ Ấm Ma... Khi nhận diện và hiểu rõ về các thứ ma này, nhất định người tu hành sẽ tránh được những trở lực không cần thiết trên con đường tu tập.

1. Vì sao Phật thuyết Ngũ ấm ma trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm?

Khi đọc kinh Thủ Lăng Nghiêm, người đọc dễ nhận ra Phật đã dành một chương để triển khai đề tài Ngũ ấm ma. Phật làm như vậy, nhất định đề tài này có tầm mức rất quan trọng, nhất là người học tập kinh này và ứng dụng vào việc tu tập...

- Cốt lõi kinh Thủ Lăng Nghiêm, Phật đề cập đến Chơn Tâm. Theo tinh thần kinh này thì, hết thảy hữu tình đều có chơn tâm. Nhưng, hữu tình không thấy được chơn tâm là vì chơn tâm đã bị hư vọng tâm che khuất... 

Giống như cái lu đựng nước trong, bị lớp váng dầu mỡ nổi lên trên, qua ánh sáng tán sắc, lớp dầu mỡ nổi lên trên chiếu ra nhiều màu, chính các màu sắc này trở thành ngăn che, không cho thấy được phần nước trong nằm phía dưới nó. Nước trong dụ như chơn tâm, lớp váng dầu mỡ nổi phía trên dụ cho hư vọng tâm...!!!

- Hữu tình tuy rằng đồng có chơn tâm, nhưng sẽ không thể thấy được nếu vẫn còn “lớp váng ngũ ấm che chướng bên ngoài”... Vì thế, muốn thấy được chơn tâm, một cái tâm theo lời Phật dạy là: “Chân thật, thanh tịnh, bất động và không phiền não sanh diệt”... Thì điều kiện ắt có và đủ là, phải phá bỏ cái gì che chướng nó. Để cụ thể hóa sự phá bỏ này, trong kinh có đề cập đến công việc “phá ngũ ấm”...

- Chơn tâm nằm trong ngũ ấm, giống như viên ngọc quý được cất dấu trong một cái hầm có năm lớp bao bọc bên ngoài. Nếu chỉ đứng ở bên ngoài, rồi y như những thông tin đã có được về viên ngọc kia mà kiến giải về nó, cho rằng những kiến giải, những hiểu biết này chính là viên ngọc... điều này thật đáng tiếc, và không thỏa đáng đối với một Phật Tử chân chánh...!!!

Muốn thấy được viên ngọc, muốn nhận biết giá trị đích thực, muốn tận mắt chứng kiến vẻ đẹp, muốn sở hữu viên ngọc... Sẽ không còn cách nào khác hơn là phá bỏ, đập vỡ năm lớp vỏ đã bao bọc bên ngoài viên ngọc ấy... Theo ý nghĩa Phật đã dạy, ngũ ấm chính là năm lớp vỏ kiên cố đã che khuất viên ngọc chơn tâm...

- Muốn phá vỡ năm lớp vỏ ngũ ấm, trước tiên phải biết “nguyên lý cấu tạo ngũ ấm”. Và để phá vỡ nguyên lý hình thành năm lớp vỏ này, cần phải có một công cụ phù hợp, một công cụ chuyên dùng... mới có thể phá bỏ một cách hiệu quả...

Giống như người thợ hồ, muốn xây dựng một bức tường. Điều đầu tiên, người thợ này phải dùng một số vật liệu nhất định, như: Xi măng, cát, đá, gạch và nước. Người thợ hồ chỉ cần trộn những thứ này lại với nhau, sắp đặt theo một quy luật nhất định, bức tường kiên cố sẽ hình thành... Xi măng, cát, đá và gạch, bốn món này nếu không trộn với nước hoặc không ở trong môi trường có ẩm độ cao, thì bốn món này sẽ không có sự kết dính, nhất định “sẽ sụp đổ” nếu có một lực tác động đủ mạnh...

- Nguyên lý hình thành “mạng căn” và sự “tồn tại của bức tường ngũ ấm” cũng gần giống như vậy. Năm món: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức sẽ không trở thành mạng căn, sẽ không trở thành năm lớp vỏ kiên cố bao bọc chơn tâm, nếu ta biết “rút ra, loại bỏ” chất liệu làm cho năm món này kết dính bền vững... Một khi chất liệu kết dính đã được loại bỏ, làm cho nó khô cằn, vô hiệu hoá, việc xô ngã bức tường năm ấm sẽ không có gì là không thể. Và sau đó, việc tìm thấy viên ngọc nhất định rất dễ dàng...

- Để nhận biết điều này, chỉ cần lặng lẽ quan sát một người còn sống, và một người đã chết, ta có thể thấy sự khác biệt về hiện tượng xảy ra giữa “cái còn sống” và “cái đã chết”...

- Một người còn sống, khi bị xô ngã, lập tức người này đứng dậy.

- Ngược lại, một thây ma người chết, khi bị xô ngã, thây ma này sẽ không có phản ứng... Một người khi mạng căn được một thế lực nào đó duy trì, thì căn và thân người này không bị hư hoại. Và ngược lại, thế lực này mất đi, mạng căn không còn được duy trì, nhất định thân và các căn người này sẽ lập tức bị hư thối...

- Như vậy, cái gì làm nên chất kết dính, cái gì là thế lực duy trì mạng căn??? Quan sát thật kỹ, sẽ phát hiện ra chất liệu làm cho mạng căn tồn tại đó là ý thức. Một khi ý thức bị vô hiệu hoá, hoặc ra khỏi mạng căn, chủ thể cầm giữ, chất liệu kết dính của ngũ ấm không còn nữa, bây giờ ngũ ấm chỉ tồn tại dưới dạng “một liên minh lỏng lẻo” dễ bị xô ngã... Giống như cát, đá, xi măng, gạch để chung mà không có nước hay một độ ẩm nhất định dùng để kết dính!!!

- Để phá vỡ nguyên lý tồn tại bền vững của ngũ ấm, để có thể xô dẹp bức tường kiên cố che đậy chơn tâm. Phật chỉ ra rằng: “Rút thức ra khỏi năm căn, giết chết thức hoặc bức tử ý thức”!!! Phép tu Tam Ma Đề là một công cụ hữu hiệu điển hình...

- Giết chết thức bằng cách gì??? Thức tồn tại bằng cách đi vào sáu căn và nuôi sống bởi thức ăn phân biệt. Nếu bỏ đói, không cho nương tựa vào sáu căn để đón nhận phân biệt, điều chắc chắn là, thức tự diệt. Một khi thức không còn hiện hữu, không chế ngự sáu căn, bây giờ ngũ ấm không còn thế lực cầm giữ, không có chất liệu kết dính với nhau... Ngũ ấm không còn bền vững, một liên kết không mong muốn sẽ hình thành. Bây giờ ngũ ấm nếu có tồn tại, sẽ là sự tồn tại dưới dạng không tánh, rỗng suốt, có nghĩa tồn tại đúng bản chất "sắc, thọ, tưởng, hành, thức không phải năm lớp ngăn che”!!!

- Năm bức tường sắc, thọ, tưởng, hành, thức tồn tại dưới dạng rỗng suốt, sẽ trở thành năm lớp hư không. Năm lớp hư không, không thể cản trở việc thấy rõ, hoặc sở hữu một món đồ trong đó...

2. Thế nào được gọi là Ma? 

Ma trong cách nói của Phật giáo, là thuật ngữ để chỉ một thế lực vô hình, không thực thể, nhưng có năng lực dẫn người vào các thứ sai lầm, đưa đến mê muội, mất tự chủ và không thể tìm thấy con đường giải thoát, hoặc trí tuệ bị u tối khi đi theo, hay làm đồ chúng của nó... Khác hơn, Ma ở đây là hiểu biết sai lầm, hiểu biết không như pháp, sự chấp chặt nào đó, dẫn dắt ta lạc lối, không thể giác ngộ hay giải thoát…

Khái niệm Ma trong Phật Đạo được Phật nói trong kinh, không hoàn toàn giống “khái niệm con Ma” như thế gian đã hiểu. Chữ Ma trong Phật Đạo nhằm chỉ đến một sự biến hiện nào đó của tâm thức, có năng lực lôi kéo, buộc người ta chấp nhận, đi theo cái không phải cứu cánh... Có nghĩa, y cứ vào sự nhận biết, nhận thức sai lầm ma quỷ này, sẽ không có cứu cánh an vui, giải thoát, không ra khỏi bóng tối vô minh...!!!

Trong kinh, Phật chỉ ra nhiều loại Ma như: Ngũ Ấm Ma, Ma Ba Tuần, Ma Vương, Thiên Ma... Các loại Ma này chính là cảnh giới biến hiện của tự tâm hoặc ảo giác khi ý thức bị bức tử, nó còn có thể là sự mê hoặc, hay những nhận biết, hiểu về một vấn đề không thấu tình đạt lý, một sự hiểu sai, cái thấy và hiểu không như chân lý. Đi theo con đường sai lầm này, Phật đạo gọi đó là Ma đạo. Ma đạo là con đường hoàn toàn trái ngược với Phật Đạo...

3.  Vì sao Ngũ Ấm Ma xuất hiện?

Như đã nói ở phần trên. Ngũ ấm là năm món che mờ chơn tâm. Năm món này tồn tại và duy trì bởi ý thức. Ý là chất liệu kết dính, thức là màu tối, là bức màn ngăn che. Hai thứ ý và thức chủ động làm cho năm món sắc, thọ, tưởng, hành, thức tồn tại trong u tối và trở thành tội đồ ngăn che chơn tâm gọi là ngũ ấm. Năm món này nếu chỉ tồn tại lỏng lẻo, thông qua chất liệu kết dính của ý, mà không có thức chen vào để ngăn che hay trói buộc, không gọi là ngũ ấm, mà gọi là “năm món giải thoát”...

Ngũ ấm ma là tên gọi của một bóng dáng, một sản phẩm của ảo giác, một loại tưởng, một sự nhìn nhận phi chân lý, hình thành trong quá trình ngũ ấm phân rã, không có sự cầm giữ của ý thức. Nó chỉ xảy ra trong hoàn cảnh ý thức bị bao vây, bị bỏ đói, bị cô lập, bị một sở pháp nhiếp, hoặc bị bức tử!!!

Ví dụ như người tu Tam Ma Đề thực hiện biện pháp đình chỉ phân biệt, thức bị bỏ đói nên yếu ớt, mất năng lực cầm giữ ngũ ấm. Hay ngoại đạo tu chỉ, bức tử ý thức bằng một sở pháp...v.v...

Khi ý thức bị bao vây, cô lập, cột chặt, đình chỉ, bức ngặt... Lập tức từng ấm thoát ly ra khỏi “liên minh ngũ ấm”, mạng căn đón nhận một “nghiệp mới”... Quá trình tự thoát ly của từng ấm này, cho hành giả một cảm giác lạ, cảm giác này không giống nhận biết thường nhật của não bộ...

Một khi não bộ bị ức chế, không còn nhận biết phương vị của thân và thế giới chung quanh được ghi nhận bởi ý thức, các ảo giác sẽ hiện, ảo giác này là một loại nhận thức của nghiệp mới... Vì lạ lẫm với “trạng thái tồn tại mới này”, nếu không nhận thức đúng đắn, không biết đây chỉ là sự biến hiện của ngũ ấm, sẽ lấy đó làm sở chứng, coi đây là sự thành tựu, hoặc lầm nhận như một thứ thần thông. Nói chung, nếu mê theo các ảo tưởng này, sẽ “nghiện” nó, mong chờ nó, và coi nó như chỗ thành tựu, thì sẽ bị nó dẫn dắt. Đó là một thứ “tà tinh tấn”, là Ma!!! 

Thuật ngữ Ngũ Ấm Ma, dùng để chỉ cho những ảo giác này. Vì thế trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, Phật dạy: “Đó là cảnh giới tốt... nhưng lấy đó làm sở chứng sẽ thành quyến thuộc của Ma...”

Vì sao gọi là cảnh giới tốt??? Vì có kềm chế ý thức.

Vì sao gọi là quyến thuộc của Ma??? Vì những thứ đó không phải cứu cánh của Phật Đạo...!!! Nếu người tu hành coi đây là thành tựu, căn cứ vào đó để tiến tu, thì sẽ rơi vào tà nẻo. Nếu không tự thoát ra, bị các ảo giác này trói buộc sẽ có một đời sống bất bình thường. Và một khi, ảo giác này cô kết thành nghiệp, sẽ trở thành điên loạn!!!

Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, Phật liệt kê có 50 ấm ma. Mỗi ấm sẽ có mười hiện tượng xảy ra khi ấm này bị tác động trước nguy cơ phá vỡ.

Ngũ ấm ma là sự chuyển biến ngoài mong muốn của thức. Mỗi ấm, khi không còn được “ý thức quản lý”, nó sẽ tự biến đổi tính chất, để trở về chân tính của nó. Quá trình biến đổi, một số hiện tượng khác lạ mà hành giả có thể cảm nhận được, đó là hiện tương thăng hoa và rực rỡ của từng ấm, nếu không được cảnh báo trước, điều này rất dễ làm người tu hành say đắm, coi như một thành tựu, hay là thần thông khi tu tập...

Sự thăng hoa và rực rỡ của từng ấm khi bị phá vỡ, giống như vàng và các kim loại chảy lỏng trong điều kiện đun nấu ở nhiệt độ cao, mỗi thứ kim loại khi nóng chảy, sẽ có sự rực rỡ riêng của nó, điều này trong kinh Thủ Lăng Nghiêm gọi là “chơn tinh bị trào ra”... Có nghĩa cái tinh anh nhất của từng ấm trước nay bị thức nghiệp giam hãm, nay có dịp phát tiết!!!

4. Năm thứ Ma

Hiện tượng bùng nổ của từng ấm, có thể tóm lược bằng các cảm nhận sau... Và vì đây chỉ là “sự bùng nổ nhất thời” mang tính hữu vi, nếu người tu hành cảm nhận được nó, không coi đó là quan trọng, thì sự bùng nổ tự nhiên này sẽ là dấu hiệu tốt cho người tu tập... Còn ngược lại, đắm mê và coi đây là thành tựu thì, hiện tượng này “sẽ huân thành ngã”, và nó sẽ dẫn đến những kết quả không mong muốn. Phật Đạo gọi đó là Ma Ấm...

- Sắc ấm ma: Khi tập trung cao độ, ý thức dường như tê liệt, não bộ không còn là trung tâm điều phối mọi hoạt động của thân. Có nghĩa lúc này ý thức không còn năng lực nhận dạng hay định vị về thân, lập tức một ảo giác từ thân sẽ hiện khởi, như: Thân hoặc to lớn, thân hoặc nhỏ lại, thân hoặc mất hút, thân hoặc bay bổng, thân hoặc dài ra, thân hoặc lộn ngược...

Đây là hiện tượng sắc ấm thoát ly ra khỏi sự chi phối của ý thức, chơn tinh từ sắc ấm trào ra... Phật dạy: “Đó là cảnh giới tốt trong tu tập, nhưng đắm mê nơi nó, gọi là ma sắc ấm…”

- Thọ ấm ma: Khi thân thoát ra khỏi sự nhận biết bình thường của thức, hành giả cảm nhận một cảm thọ khác đang hiện hữu, không lệ thuộc bởi môi trường chung quanh. Đó là hiện tượng thoát ly của thọ ấm như: Cảm giác mát lạnh toàn thân, cảm giác không có cảm giác, cảm giác cực nóng, cảm giác trước thân thì nóng sau thân thì lạnh, hoặc ngược lại... 

Đây là hiện tượng thọ ấm thoát ly ra khỏi sự chi phối của ý thức, chơn tinh từ thọ ấm trào ra... Phật dạy: “Đó là cảnh giới tốt trong tu tập, đắm mê nơi đó, gọi là ma thọ ấm…”

- Tưởng ấm ma: Khi hành giả cột chặt ý thức, bây giờ là lúc tưởng ấm tự do hoá hiện. Sự hoá hiện này được thiết lập dưới nền tảng từ những ghi nhận thuộc quá khứ trong tiềm thức. Các thông tin và hình ảnh không có thực trong hiện tại này, hiện ra như một giấc chiêm bao, lộn lạo và mơ hồ, nhưng cũng có lúc rõ nét, tùy vào tưởng nghiệp của mỗi cá nhân... 

Một số hiện tượng sau đây xảy ra khi thức ấm thoát khỏi sự quản lý và định hướng của ý thức. Đó là: Trước mắt là những khuôn mặt khác lạ hoặc những hình ảnh nhảy múa, có lúc những cảnh vật nào đó mà hành giả chưa từng gặp trong đời hiện tại, có khi đó lại là một đoạn phim ngắn, có hoặc không có xuất xứ rõ ràng... Đại loại, tất cả những thứ này đều do tưởng sản sanh từ kho tư liệu khổng lồ tàng thức, phần lớn không thật trong hiện tại... 

Đây là hiện tượng tưởng ấm thoát ly ra khỏi sự chi phối của ý thức, chơn tinh từ tưởng ấm trào ra... Phật dạy: “Đó là cảnh giới tốt trong tu tập, nhưng đắm mê nơi nó, gọi là ma tưởng ấm…”

- Hành ấm ma: Khi thức gần như hoàn toàn không còn áp đặt và làm chủ ý căn, ý căn trên đường trở về với cái rỗng suốt bản nhiên của nó. Đây là lúc “chơn tinh của ý phát huy hiệu quả tính độc lập của nó”... 

Giai đoạn này, người tu hành có khả năng phân tích và hiểu thấu một số ý nghĩa mà trước đây bị trói buộc bởi các quan niệm, phong tục, tập quán, văn hoá, văn minh... Đó là sự thấu suốt một phần ý nghĩa đích thực của thiện, bất thiện, ác pháp... Tự giải thích thế nào là luân chuyển, thế nào là dừng, thế nào là sanh, thế nào là diệt... Nói chung, giai đoạn này, ý căn trở nên sáng suốt, một vài nét thông tuệ hiện khởi... 

Đây là hiện tượng hành ấm thoát ly ra khỏi sự chi phối của ý thức, chơn tinh từ hành ấm trào ra... Phật dạy: “Đó là cảnh giới tốt trong tu tập, nhưng đắm mê nơi đó, gọi là ma hành ấm…”

- Thức ấm ma: Đây là sợi giây trói buộc cuối cùng của ngũ ấm được tháo bỏ. Với những hiểu biết mới từ hành ấm, thức ấm bây giờ trở nên thông tuệ... Sự nhận biết xuất xứ của căn thân và thế giới trở nên rõ rệt. Thức ấm tự thiết lập cho mình một quan niệm mới về nhân sinh và vũ trụ... 

Một số luận thuyết về nhân sinh và thế giới hình thành từ giai đoạn này... Tất nhiên, đối với Phật đạo, những luận cứ này là tốt, nhưng không có ý vị giải thoát, vì nó là sản phẩm của hữu lậu... Nếu mê muội, dựa vào sự thấy biết này và cho đây là tối thắng, sẽ không có cơ hội giác ngộ... 

Đây là hiện tượng thức ấm thoát ly ra khỏi sự chi phối của ý thức, chơn tinh từ thức ấm trào ra...Phật dạy: “Đó là cảnh giới tốt trong tu tập, nhưng đắm mê nơi đó, gọi là ma thức ấm…”

Tóm lại, sự bùng vỡ của năm ấm đối với Phật Đạo, gồm đủ hai mặt “tích cực và tiêu cực”...

- Về mặt tích cực, nó chính là cảnh giới tốt của người tu hành trong quyết tâm phá vỡ sự che chướng của ngũ ấm đối với chơn tâm...

- Về mặt tiêu cực, nó sẽ là ma, nếu người tu hành đắm chấp, coi như đây là sự thành tựu cao nhất, và nhất định bị nó sai sử để đi vào đường tà...!!!

Phá vỡ ngũ ấm, có phải đã thấy được chơn tâm???

Giống như viên ngọc được dấu kín trong một hang động sâu thẳm, tối đen có năm lớp ngăn che. Sau khi đập phá hết năm lớp ngăn che, viên ngọc sẽ hiện ra trong điều kiện có ánh sáng và một người mắt sáng.

Thì cũng vậy, chơn tâm sẽ xuất hiện khi ánh sáng giác ngộ rọi vào viên ngọc, và một người có con mắt tuệ sẽ tức thì nhận biết “viên ngọc chơn tâm” là đây!!! Vì thế, phá ngũ ấm là rút ngắn con đường dẫn đến giác ngộ, chứ việc làm này “chưa phải là giác ngộ”...

Phá ngũ ấm để có thể tiếp cận vị trí viên ngọc chơn tâm là việc làm hợp lý. Nhưng sẽ vô phương nhìn thấy hoặc sở hữu được viên ngọc này bởi những người mù loà chân lý và thiếu ngọn đuốc trí tuệ. Thực tế này đã xảy ra trong vô vàn người tu hành, do ‘chưa như pháp’ thấu đạt diệu lý, mà vội vã quyết tìm mọi cách bức tử ý thức để cầu mong phá vỡ ngũ ấm hay "cắt đứt mạng căn” là một hành động tự tử trong tăm tối!!!

Còn mù loà chân lý và chưa có ngọn đuốc trí tuệ dẫn đường mà quyết tâm bức tử ý thức và ôm giữ những thăng hoa rực rỡ của ngũ ấm, coi đây là thành tựu cao nhất, là những thấy biết phi thường, Phật Giáo gọi sự không thấu tình đạt lý này là đi theo con đường của ngũ ấm ma vậy!!!

5.  Kết luận

Tóm lại, Phật đạo là đạo giác ngộ và Phật pháp là loại giáo pháp được dẫn đường bởi ngọn đuốc trí tuệ. Tất cả mọi phương tiện trong Phật đạo đều bị chi phối bởi hai  phạm trù này. Vì thế, trước khi Phật dạy pháp Tam Ma Đề, Phật phải cất công giảng giải Kinh Thủ Lăng Nghiêm cho đến khi nào đại chúng giác ngộ ý nghĩa cơ bản của kinh này, bây giờ Phật mới tuyên nói pháp phương tiện...

Do đó, “giác ngộ cơ bản” là rất quan trọng, đây chính là ngọn đuốc sáng, giúp người tu hành không bị các thứ Ma của ngũ ấm tàn hại!!!                                        

(04-2011)

−−−••• ⁕ ⁕  ۝⁕ ⁕ •••−−−

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 0
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG