Liên Hệ Giữa Thiền Và Giác Ngộ

 0
Liên Hệ Giữa Thiền Và Giác Ngộ

Dưới thời Phật không thấy nói đến thiền như một pháp môn. Tất cả thánh đệ tử sau khi nghe pháp, nhân chỗ thấy biết tìm nơi thanh vắng suy gẫm ý nghĩa lời dạy.

Tùy vào căn cơ, tùy sức lãnh hội, y đó tu hành. Từ đây tâm ý và lời dạy khế hợp tạm gọi là khế chứng. Chỗ khế chứng cũng cạn sâu sai khác do giác ngộ cạn sâu sai khác, thời gian tu chứng sai khác; có người vừa nghe pháp xong đã chứng, có người sau bảy ngày, có người một năm, có người lâu hơn nữa, do đốn tiệm sai khác (Sa Môn quả).

Cũng từ một lời dạy mà sức lãnh hội khác nhau, căn trí không đồng nên ba thừa xuất hiện. Chính sai biệt này mà cách tu hành của người này không giống người kia, thừa này không giống thừa kia.

Phật không lập ra một quy chuẩn nào cho đệ tử.

Thậm chí kinh Lăng Già, Phật quở trách việc lập tông cho dù đó là tông bất sanh: “Đại Huệ ! Nếu khiến tông kia chẳng sanh, tất cả tánh chẳng sanh mà lập tông, như thế tông kia ắt hoại vì có. Vì không tánh tướng, chẳng sanh, chẳng nên lập tông. Vì năm phần luận nhiều lỗi, vì lần lượt nhơn tướng khác, và vì tạo tác chẳng nên lập tông phần. Bảo tất cả pháp chẳng sanh, như thế tất cả pháp không tự tánh, chẳng nên lập tông.”[[1]]

Như vậy dưới thời Phật, phần lớn đệ tử sau khi nghe thuyết pháp, nhân pháp đã nghe, giác ngộ lập tâm tu hành. Khi tu hành theo ý nghĩa đã giác, thì tâm sanh chuyển biến, chỗ chuyển biến tạm gọi là thiền.

Thời Phật, khi một bài kinh vừa được tuyên thuyết hoặc cho đến khi chấm dứt thời thuyết, nhiều hiệu ứng không đồng nhất xảy ra trong những người thính pháp.

  • Có người nghe xong liền chứng (đời sau gọi là thiền tông). Một số chứng quả vị này, số khác chứng quả vị khác.
  • Có người sau thời gian suy gẫm lời dạy, thấu được ý nghĩa và thấy vấn đề (đời sau cho đây là giáo tông).
  • Cũng có nhiều người, nghe thuyết rồi phát nguyện đời sau sẽ tu hành (đời sau cho là tịnh).

Sở dĩ có hiệu ứng khác nhau trong một thời thuyết là vì công đức, phước báu, trí huệ của người thính pháp không đồng đều. Sự không đồng đều này cho ra nhận thức sai biệt, mà thật ra Phật chỉ dùng một lời để thuyết, không thuyết hai ba thừa, không chủ trương ‘thiền - tịnh’.

Cái gọi là pháp môn hoặc hai hay ba thừa là do người nghe căn tánh sai biệt nên có sự sai khác như đã nêu, mà thật ra Phật không hề có chủ trương như vậy.

  • Lời kinh dạy: “Phật dùng một âm diễn nói pháp, chúng sanh tùy loài được hiểu. Song Như Lai thật không có tâm tùy loài, do các loài có duyên mà mỗi loài thấy khác.”
  • Nếu chấp rằng đây Phật dạy thiền kia tịnh, đây Thanh Văn kia Bồ Tát, phân chia này nên coi lại. Bởi Phật chưa từng có chủ ý này.

Trong Phật sử, không thiếu những người chưa thật sự giác ngộ nhưng chán ghét khổ đau, muốn thoát ra khỏi những trói buộc nên họ thành tâm tu hành; những người này tin tuyệt đối vào lời dạy của vị đạo sư, niềm tin này giúp họ có được đời sống như pháp.

Chính đời sống như pháp này cho ra hệ quả rồi cũng được thiền và sau cùng là giác ngộ. Cách tu này phần lớn nương vào giới luật. Giới luật không khuyết, thấy được lợi ích thiết thực trong việc xả ly tham ái, nhờ xả ly chướng đạo nên tâm an ổn; do tâm an ổn các thứ lớp thiền phát sinh, vì tâm có thiền nên tâm dễ dàng giác ngộ.

Đây thường là cách tu của những Phật tử có đủ niềm tin, nghiêm trì giới luật, quở trách ái dục, ái dục tiêu mòn, hỷ lạc xuất hiện. Vì tu thiền khi chưa thật sự giác ngộ, nên người tu phải cần có những hiểu biết nhất định về giáo lý; cần phải ý thức rõ lợi ích của việc mình đang làm, và không mơ hồ. Chính ý thức rõ ràng việc mình đang làm, tâm không mơ hồ, đây là cơ sở để mau chóng giác ngộ và giới luật không khuyết là căn bản vững chắc để xa rời ái dục; từ xa lìa ái dục nên tâm có thiền, nhân nơi có thiền tâm sẽ giác ngộ.

Như người nhặt đậu, trong thúng lẫn lộn bốn thứ đậu gồm: Đậu đỏ, xanh, đen, và trắng. Cần lấy đậu trắng, nhưng không biết đậu trắng thế nào? Người ấy chỉ cần biết những thứ không phải đậu trắng, và loại bỏ những hạt đậu mình đã biết. Số đậu còn lại nhất định là đậu trắng, tìm được thứ mình cần tìm, ngộ được thứ mình cần ngộ.

Tương tự như vậy, Niết Bàn là gì?  Giác ngộ như thế nào? Những thứ này vì khó thấy, khó biết, nên người tu hành khi chưa thật sự giác ngộ, chỉ cần biết những gì chướng Niết Bàn, loại bỏ những gì chướng đạo, thì đạo sẽ hiện. Cách tu hành này đơn giản nhưng hiệu quả.

Dù tu thiền do giác ngộ, hay tu để đợi giác ngộ, tất cả người tu hành phải có chánh tư duy, vì chánh tư duy là công cụ phát hiện cách thức tu hành.

Chưa giác ngộ thì chánh tư duy được coi như động lực thúc đẩy giác ngộ; nếu chỗ giác chưa sâu, cũng giác được chướng đạo và mối nguy hại chướng đạo, và những thứ giác ngộ này đều có khuynh hướng đưa đến an lạc. Vì thế, Phật không dạy đệ tử cách tu thiền phải như thế nào, chỉ hướng dẫn đệ tử cách thức tư duy một vấn đề, tư duy tột nguồn cơn nhất định thấy được phương tiện (Phật giáo gọi là văn huệ, huệ, tu huệ).

Nếu có cách nào đó để tu và coi đây là công cụ cứng nhắc, sự cứng nhắc này có khi được thiền nhưng nhất định không cho ra hệ quả giác ngộ.

  • Điều này có thể thấy các ngoại đạo dưới thời Phật dù được tám thiền chứng và năm thắng trí nhưng vẫn phải chịu sanh tử luân hồi.

Vì vậy Phật giáo luôn đòi hỏi người tu hành cần phải giác ngộ. Bởi lẽ, chỉ có giác ngộ mới thấy được bổn tâm thanh tịnh, mà bổn tâm thanh tịnh thì tự mỗi chúng sanh sẵn đủ, không phải do nay tu hành mới có, hay tu hành để làm ra pháp thanh tịnh. Nếu trong kinh có đề cập đến một vài cách thức tu hành nào đó, thì cũng chỉ để hỗ trợ phương tiện, hầu loại bỏ chướng đạo và mau chóng giác ngộ; hoặc nhân nơi công cụ này tạm ngăn phiền não chờ thấy vấn đề.

  • Đây là điểm đặc biệt của thiền Phật giáo, tất cả các thứ thiền khác không có cách thức này.

Có rất nhiều điều để một đệ tử giác ngộ từ cạn đến sâu như: Giác ngộ lợi ích thiết thực của Sa Môn Bà La Môn, giác ngộ lợi ích phạm hạnh, giác ngộ sự nguy hại của dục, giác ngộ lợi ích của thiểu dục tri túc, giác ngộ mối nguy hại của tham ái, giác ngộ sự vô thường của hữu vi pháp.

Nếu liệt kê ta thấy có nhiều món cần phải giác ngộ, tuy vậy Phật quy kết vào bốn món, đó là: Thân, Thọ, Tâm, Pháp (gọi chung là Bốn Niệm Xứ). Người tu hành chỉ cần giác ngộ một trong bốn điều này, đem một trong bốn điều này tư duy tích cực, tư duy đúng pháp nhất định thấy được cứu cánh. Đây cũng là lý do vì sao trong 37 phẩm trợ đạo, tứ niệm xứ đi đầu.

Đồng một chỉ thú là thoát khỏi khổ đau. Mỗi căn tánh nghe hiểu theo riêng mình lại thấy nguyên nhân phát sinh khác nhau, giác ngộ chỗ diệt khác nhau, nên phát khởi phương tiện tu hành cũng khác nhau. Tuy mỗi người có một cách rất riêng để tu hành, nhưng tất cả chỗ đến đồng thanh tịnh và chấm dứt khổ đau.

  • Trong quá trình tu hành, nguồn tâm được chuyển biến, chuyển biến này tạm gọi là thiền (tâm).
  • Nguồn tâm được giản trạch (xả) từ thô đến tế; các giai đoạn do giản trạch sinh ra tạm có tên sơ thiền, nhị thiền ...
  • Mỗi thứ đệ thiền, tâm ý cảm nhận đặc biệt, cảm giác này nổi lên gọi là thiền chi; sơ thiền có năm, nhị thiền có ba, tên gọi là giác, quán (tầm, tứ), hỷ, lạc, an định; càng vào sâu càng an định (kinh nói làm cho sung mãn).
  • Nguồn tâm được xả dần đến chỗ không còn thấy sai khác (bất khổ bất lạc), căn bản tâm này là: “Định tĩnh, thanh tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bất động như vậy, vị ấy hướng tâm đến….

Từ đây hành giả dùng pháp bất cộng phàm phu xả bỏ năng sở, khi năng sở không còn, có thể hướng tâm đến nhiều lĩnh vực của Phật giáo. Mỗi thừa có cách hướng tâm khác nhau, dựa vào tứ niệm xứ là: Thân, Thọ, Tâm, Pháp để hướng tâm.

Kết quả này sẽ thấy những điều cần thấy, biết những điều cần biết. “Chỗ trước chưa thấy nay thấy, điều trước chưa nghe nay được nghe.”

Cũng có những bậc khi giác ngộ vào ngay chỗ ngộ không kinh qua các thứ lớp của thiền; đây là điều hy hữu, nguồn tâm chuyển biến mau chóng (kinh gọi là đốn soi các sắc tượng). Sự kinh qua này mau chóng đến không kịp thấy thứ lớp chứ chẳng phải không có thứ lớp, giống như vòng lửa do quay nhanh không thấy đốm lửa di chuyển.

Chỉ riêng đốn ngộ không thứ lớp vì ngay nơi ngộ thấy rõ thiệt tướng, biết rõ hành tướng mọi chủng tánh nên không phải mất công đoạn trừ đa chủng tánh, hay nhất chủng tánh như Thanh Văn, Duyên Giác (ngoại trừ vì công hạnh mà tu tập các tam muội để làm lợi ích chúng sanh).

Như vậy thiền Phật giáo không hoàn toàn là một pháp môn mà chỉ là hệ quả của giác ngộ và tương ưng giác ngộ (năng sở tương ưng).

Có thể ví như người đào giếng, muốn đào giếng trước tiên phải dò tìm mạch nước (sơ giác ngộ). Dùng các công cụ (phòng hộ, đoạn trừ, yểm ly, giới luật) ra công đào đất (đưa nguồn tâm khế giác ngộ). Có kẻ đào cạn lấy được nước, có người đào sâu mới có nước (đốn tiệm khế chứng sai khác), thời gian và công sức tùy thuộc vào mỗi người (sức tinh tấn).

Công sức đào đất chẳng phải là nước (thiền chẳng phải giác ngộ, giác ngộ chẳng phải thiền). Lấy được nước mới biết nước này tự có (thiền và giác ngộ bản nhiên có sẵn), trong đó độ sâu và các cảm nhận về nước là các thứ lớp thiền và thiền chi.

Phật dạy: “Khi kiếp hoả nổi lên đốt cháy hoàn toàn cõi Diêm Phù, bấy giờ tất cả chúng sanh đều vào sơ thiền vì chủng tử sơ thiền có sẵn trong mỗi chúng sanh.” Do đó trong mỗi chúng sanh đã có sẵn chủng tử thiền, chỉ vì bị ngũ dục cột trói và che khuất nên chúng sanh không thấy. Vì thế thiền không hiện hay chưa đủ duyên để hiện.

  • Tu thiền là làm sạch những gì che khuất, làm cho đủ duyên, chứ không phải làm ra thứ thiền mới.
  • Chính vì ý nghĩa này nên Phật giáo được gọi là đạo giác ngộ. Bởi lẽ Phật giáo dẫn khởi nguồn tâm từ giác ngộ đến chứng nhập, từ không trí huệ đến thấu suốt, từ có đủ năng tu sở giác đến nhân pháp đều không.

“Tỳ kheo dứt trừ ái dục, thấu suốt nguồn tâm, trong không sở đắc, ngoài không sở cầu, cũng không có quan niệm về đạo.” [[2]]

  • Đây là điều khác biệt giữa Phật giáo và tôn giáo khác, giữa thiền Phật giáo và các loại thiền khác.

Người tu hành nếu không lấy thấy biết (giác ngộ) như pháp làm nhân, không có đời sống như pháp (tịnh hạnh) làm duyên, mà gắng công tu hành với mong muốn đoạn tận khổ đau, thì giống như đào giếng trên đá, ép cát tìm dầu, không khác ngoại đạo. Cho dù có được thiền, nhưng vì thiền này không từ nhân giác ngộ cho nên không thể có quả đoạn trừ vĩnh viễn khổ ách.  Tu Bạt Đà La trước khi gặp Phật là một ví dụ.   

  • Phật thường dạy: “Thiền của Ta không nhọc công tốn sức, không phải cái làm ra.”

Tóm lại, thiền và giác ngộ hai món có mối liên hệ hữu cơ, cái này có thì cái kia có. Cái này làm nhân, cái kia làm quả và ngược lại; hai món này xuất hiện đồng thời, trong nhân có quả, trong quả có nhân, nhân quả đồng thời. Điều này Phật  khen ngợi trong kinh Đại Bảo Tích: “Chỉ có thiền mới có nhân quả đồng thời.”

  • Thiền Phật giáo và giác ngộ là mối liên hệ giữa ‘thấy biết như pháp’ và ‘đời sống như pháp(giống như con chim với đôi cánh), không thể chỉ tồn tại một vế, có cái này mà không có cái kia. Đây cũng là đặc trưng của Phật giáo.

Giác ngộ là cơ sở để tín căn phát sinh; có tín căn mới sinh tín lực, chính tín lực làm động lực hấp thụ mạnh mẽ giới-định-huệ cho ra chất liệu dinh dưỡng nuôi lớn cây giác ngộ, và quá trình tín, tấn, niệm, định, huệ’ hình thành. Trường hợp năm anh em Kiều Trần Như hoặc đệ tử ngài Xá Lợi Phất khi thấy người ta vót tên, khơi dòng nước, hay ngài Tất Lăng Già Bà Ta khi đạp cây gai độc và Lục Tổ Huệ Năng là một vài ví dụ.

Vì lẽ này khi thuyết kinh ta không hề thấy Phật chỉ dạy cách tu, cách hiểu cụ thể như thế nào, chỉ nói phát tâm và tinh tấn tu hành. Từ đó có thể hiểu Phật giáo hay khác hơn là thiền của Phật giáo được xây dựng trên một hệ thống lý luận vững chắc, và hoàn hảo về mặt học thuật.

Khi thấm nhuầnthấu suốt học thuật sẽ có những hiểu biết nhất định về thuật ngữ. Khi thuật ngữ đã sáng tỏ thì kỹ thuật không còn là vấn đề. Kỹ thuật bây giờ sẽ là công cụ chứng minh tính đúng đắn của học thuật bằng kết quả của nó, đó là sự tu chứng. Vì thế thuật ngữ đặc trưng của Phật giáo khó có thể dựa vào sự kiến tạo cứng nhắc của tự điển thế tục, cũng không thể hiểu hết ý nghĩa của thuật ngữ khi chưa có sự thấm nhuần chân lý; mà thuật ngữ không thấu suốt thì kỹ thuật nhất định thiếu tính đúng đắn.

Ví dụ như cái bay trong xây dựng là thuật ngữ để chỉ công cụ trát hồ, thì không thể hiểu chữ bay ở đây là hành động thoát khỏi mặt đất, hoặc hiểu tương đương chữ phi trong Hán tự. Cho nên lập bày cách tu, định hướng cho người hoặc phải thế này hay thế khác đều không phải chủ trương của thiền Phật giáo.

Phật giáo chỉ tùy duyên, tùy căn, tùy cơ nói pháp, không áp đặt, không định trước, mỗi căn cơ khi thấu hiểu sẽ tự biết mình phải làm gì để tùy thuận chân lý. Sự tùy thuận này là phần kỹ thuật tự nhiên phát sinh, hệ quả của tùy thuận chân lý tạm gọi là thiền (thuật ngữ thường dùng là: Dục giải, thắng giải, thắng trí, thắng tri, thắng nghĩa, và kết quả là liễu tri hay liễu ngộ).

Đây cũng là lý do vì sao Phật giáo nhiều kinh điển hơn những tôn giáo khác hay các học thuyết thế gian.

Cũng vì lý do này mà kinh Phật là thuốc chữa bệnh, nhưng nó cũng sẽ phát sinh bệnh hoạn khi người dùng không am tường cơ chế và dược tính của mỗi loại thuốc. Điều này giống như không biết dược tính của thuốc mà tự vào kho để lấy thuốc uống, mong rằng mình sẽ hết bệnh thì đây là đại họa, mặc dù thuốc đã uống là thuốc chữa bệnh. Phật là bậc Đại Y Vương chữa muôn thứ bệnh, không từng thiết lập một chuyên khoa chữa trị đặc thù nào cho bệnh nhân, không hề có chuyện nơi này chỉ chuyên chữa bệnh này, nơi kia chuyên chữa bệnh khác, và cũng không hề bệnh này chữa thuốc khác.

Phật giáo có một điểm chung duy nhất cho tất cả người tu hành là giới luậtnghĩa kinh (37 phẩm, bốn đế).

Đây là tư lương xuyên suốt cuộc đời tu hành của Phật tử, dựa vào tứ niệm xứ làm cơ sở giác ngộ.

Bởi lẽ, mê lầm bốn món ‘thân, thọ, tâm, pháp’ nên chúng sanh khổ đau. Bậc trí giả cũng từ bốn món này khai nguồn trí tuệ. Chúng sanh lầm bốn món này giống như người ta lầm trái phá làm bằng vàng. Trái phá tưởng lầm là vàng nên sinh tham, tham không được thì sân, đắm chìm trong tham sân gọi là si. Nếu không lầm lẫn, biết đây là trái phá, món nguy hiểm chết người thì chẳng ai tham sân làm gì.

Đây là tiền đề làm cơ sở cho hệ thống lý luận Phật giáo. Mê lầm bốn món trên gọi là chẳng thấy thiệt tướng. Cũng vì thế mà tứ niệm xứ được đưa lên hàng đầu của ba mươi bảy phẩm, làm cơ sở tư duy, tu hành, và giác ngộ. Cũng chính tiền đề này, các pháp ấn tâm ra đời để người tu hành có nơi quy kết.

  • Với ThânThọ Niệm Xứ, người tu hành lấy tứ pháp ấn là ‘vô thường, khổ, không, vô ngã để soi chiếu và hướng tâm, giác ngộ hai niệm xứ này gọi chung nhị thừa (Thanh Văn, Duyên Giác).
  • Với TâmPháp Niệm Xứ, lấy tam pháp ấn là ‘không, vô tướng, vô nguyện để thanh tịnh thấy nghe gọi là Bồ Tát thừa.
  • Nếu giác ngộ ‘bốn niệm xứ này bản lai thanh tịnh’ gọi là Phật thừa hay nhất thừa, chỗ ấn tâm là ‘sanh tử Niết Bàn, phiền não Bồ Đề’ không hai. Từ đây tinh tấn đến viên mãn 37 phẩm.

Theo kinh Đại Bát Nhã, chư Phật có Tứ Bình Đẳng, trong đó Pháp đẳng là viên mãn 37 đạo phẩm. Bốn đế là quy trình chuẩn nhằm thuyết minh vạn pháp và làm sáng tỏ nguyên lý đưa người từ mê đến giác.

Đây có thể coi là quy trình xử lý vạn pháp mà nguyên liệu đầu vào là khổ đế, thành phẩm cho ra là đạo đế thanh tịnh Niết Bàn. Ba thừa đều từ bốn đế hoàn thành sở nguyện, lấy bốn niệm xứ làm nhân địa tu hành. Mỗi thừa sử dụng một công nghệ khác nhau nhưng quy trình thì không khác; công nghệ khác nhau này phân hóa bốn đế thành tục đế, thánh đế, và chơn đế.

Cho đến khi không còn chỗ dựa nương (các đế đoạn tận) như chư Phật thì chỉ gọi là chơn mà không có đế: “Vô khổ, tập, diệt, đạo. Vô trí diệc vô đắc.

Bốn hoằng thệ nguyện của chư Phật cũng không lìa xa bốn công đoạn này:

Chúng sanh nào chưa kinh qua khổ khiến kinh qua khổ, chưa biết được tập khiến biết được tập, chưa chứng được diệt khiến chứng được diệt, chưa tu được đạo khiến tu được đạo.”

Nói chung quy trình bốn đế làm trong sạch bổn tâm, trả lại chỗ chí chơn cho thân thọ tâm pháp, hết mê lầm thấy thiệt tướng. Chỗ chí chơn này Phật giáo gọi là thiện hay thiện giải thoát, chữ thiện này được dùng trong tứ chánh cần, không giống nghĩa ‘thiện ác’ của thế gian.

Có thể hiểu, khi nào nguồn tâm hướng về giải thoát gọi là thiện, không tinh tấn là bất thiện, thối tâm có xu hướng quay lại thế gian gọi là ác pháp.

[[1]] Trích kinh Lăng Già – HT. Thích Thanh Từ dịch

[[2]]  Trích kinh Tứ Thập Nhị Chương.

(còn nữa)

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 0
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG