Kiến Hoặc, Tư Hoặc, Trần Sa Hoặc Là Gì?

− Hỏi: Con nghe nói có ba thứ hoặc là kiến hoặc, tư hoặc và trần sa hoặc. Xin Thầy giải thích dùm ý nghĩa, sự khác biệt cũng như cách đoạn trừ ba thứ hoặc nói trên? (29/12/2019 22:37:52; Tâm Đức)
023.1. Đáp: Con người bị rất nhiều thứ làm cho mê mờ, từ đó phát sinh các món phiền não!!! ... Một khi trí bị che mờ, tâm bị phiền não thì người ấy không còn sáng suốt, dẫn đến mất thanh tịnh... Gộp chung hai thứ mê mờ và phiền não, Phật đạo gọi là “lậu hoặc”!!! (Lậu: Rỉ chảy; Hoặc: Che mờ).
Ta có thể hiểu, “tâm và trí” của một con người giống như tấm kính chắn gió của chiếc xe hơi... Nếu tấm kính trong suốt (dụ cho trí không bị che mờ), người lái xe sẽ thấy rõ mọi thứ, những sai lầm khi điều khiển chiếc xe sẽ không xảy ra (dụ cho tâm thanh tịnh, không phiền não)!!!
Nếu tấm kính chắn gió bị nước mưa chảy lên làm mờ đi (dụ cho các lậu xuất hiện), người lái xe không thấy đường điều khiển (dụ cho hoặc loạn hiện hữu), nhất định phiền não sẽ xuất hiện!!! Không thấy đường là phiền, sự cố xảy đến là não!!!
Liên hệ ví dụ trên, ta sẽ thấy người tu hành khi chưa giác ngộ, tâm và trí luôn luôn gặp những sự cố như vậy từ lậu hoặc, khiến không thể thành tựu những điều cần thành tựu trong Phật đạo!!!
Để trả lại sự trong sạch cho bổn tâm, sáng suốt cho trí tuệ, Phật đạo chỉ ra rằng có hai thứ làm che mờ tâm trí, đó là kiến hoặc và tư hoặc!!! ... Muốn thanh tịnh, sáng suốt, không phiền não phải tịch diệt hai thứ này!!!
✹ Kiến hoặc: Là những thứ che mờ do nhận thức không đúng với chánh pháp!!! ... Kiến hoặc thuộc về lỗi nhận thức, người xưa gọi là lợi sử, gồm các món “Thân kiến, biên kiến, kiến thủ kiến, giới cấm thủ kiến và tà kiến”!!!
✹ Tư hoặc: Là những thứ thuộc lỗi hành vi, khi ba nghiệp (thân, khẩu, ý) tạo tác sẽ phát sinh phiền não!!! ... Tư hoặc thuộc lỗi hành vi, người xưa gọi là độn sử, gồm các món “Tham, sân, si, mạn và nghi”!!!
- Để đoạn trừ kiến hoặc, người tu hành phải được trang bị những kiến thức cơ bản của Phật đạo nhằm tránh những nhận thức sai lầm, gọi là người có chánh kiến... Các thứ nhận thức cơ bản cần được trang bị là: − Thấy biết chân chánh về thân và các cảm thọ, thoát khỏi thân kiến!!! ... − Thấy biết chân chánh về các pháp, thoát khỏi biên kiến!!! ... − Thấy biết chân chánh về ngã và tám thức, thoát khỏi kiến thủ kiến!!! ... − Thấy biết chân chánh về nguồn tâm, thoát khỏi giới cấm thủ kiến!!! ... − Thấy biết chân chánh về con đường đưa đến giác ngộ, thoát khỏi tà kiến!!!
- Khi có được nhận thức như pháp, người này y theo những nhận thức đó mà quan sát thân tâm và thế giới, gọi là người có “giác lực”!!! ... Sau khi thành tựu giác lực, vị này lấy những hiểu biết ấy làm chánh niệm và chánh tư duy!!! ... Niệm và tư duy đến khi nào những nhận thức từ giác lực trở nên nhất tâm, gọi là “thường giác quán” ...!!!
- Giác quán chi phối toàn bộ đời sống người ấy đến không thể đảo ngược (gọi là sơ bất thối) ... Thành tựu đạo quả sơ bất thối, “giác lực” biến thành “huệ lực”!!!
- Sức mạnh của huệ lực giúp mọi hành động, nghĩ suy của người ấy không xa rời chánh pháp, từ đây các thứ chánh còn lại là chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, v.v... thành tựu theo!!! ... Lỗi hành vi hay độn sử là tham, sân, si, mạn, v.v... sẽ tự tịch diệt!!! ... Đây là lí do vì sao một Tu đà hoàn (sơ ngộ) đoạn ba kiết sử cơ bản là thân kiến, giới cấm thủ và nghi... Mà không đoạn ngay ba độn sử tham, sân, si!!!
- Thành tựu sơ ngộ của một Tu đà hoàn dựa trên cơ sở: Nhận thức thay đổi, hành vi thay đổi, hành vi thay đổi các độn sử tự diệt!!! Giống như một người thấu suốt nguyên lí giải toán, sẽ có thể giải tất cả các bài toán dưới mọi dạng thức!!!
- Về nguyên tắc, người tu hành thành tựu những điều nêu trên, phiền não, kiết sử, lậu hoặc sẽ tịch diệt vĩnh viễn, chứng nhập đạo quả vô lậu!!! ... Thế nhưng, tập khí phiền não, sinh pháp, sinh tâm của một hữu tình vẫn còn thừa sót do nhiều đời vị ấy đã sống trong ba cõi, những thừa sót trong tâm thức của đạo quả vô lậu giống như một vết hằn trên da thịt từ vết thương quá sâu... Tuy giờ đây vết thương đã lành, nhưng vết hằn hãy còn đó, đôi khi âm thầm phát tác, kinh gọi là “nọc của chuột độc ba cõi hãy còn”!!! ... Thứ phiền não, kiết sử, lậu hoặc nhỏ nhiệm còn thừa sót trong thánh quả, Phật đạo gọi là “Trần sa hoặc”!!!
✹ Trần sa hoặc: là những hoặc loạn nhỏ nhiệm như hạt bụi, còn thừa sót trong tâm trí của những vị đã chứng thánh quả, tuy đã chứng thánh quả nhưng lâu lâu lại tái phát như nọc chuột độc lâu lâu phát tác!!! ... Muốn đoạn dứt “trần sa hoặc”, có hai cách:
- Một là, vị này phải ở yên nơi Niết Bàn chân đế, đợi đến khi được Phật khai Phật tri kiến mới hồi tâm học trí tuệ để tịch diệt vĩnh viễn (Trường hợp các La Hán nhập Niết Bàn)!!!
- Hai là, vị ấy phải phát tâm Vô thượng Bồ đề ngay hiện đời để học trí tuệ... Trong quá trình học trí tuệ và làm công hạnh, trần sa hoặc sẽ trở thành một trong những đối tượng giúp hành giả quan sát để phát khởi từ bi tâm và sanh trí tuệ!!!
֎Tóm lại: Kiến hoặc thuộc về nhận thức!!! ... Tư hoặc thuộc về hành vi!!! ... Trần sa hoặc thuộc về di chứng!!! ... Để hoàn toàn tịch diệt ba thứ hoặc này, “Phát tâm Vô thượng Bồ đề” để thành tựu “Vô thượng Trí tuệ” là con đường duy nhất giúp người tu hành vĩnh viễn tịch diệt ba thứ hoặc nêu trên!!!
Hy vọng những giải thích trên, sẽ giúp bạn hiểu thêm về ba thứ hoặc mà người tu hành cần phải đoạn trừ!!! ... Chúc bạn mau chóng thành tựu đạo quả vô lậu!!!
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






