Khai Thị Ngộ Nhập Phật Tri Kiến

Các bạn! ... Đề tài trong Phật đạo thì không thiếu, nhưng để có một đề tài khế cơ, đòi hỏi phải hội đủ nhân duyên công đức. Có nghĩa rằng, mỗi một đề tài gởi đến các bạn, phải tương ưng với tiến trình tu tập của số đông, và đề tài đó phải nằm trong tiến trình tu học, đề tài thấp dễ đâm ra nhàm chán, đề tài quá cao sẽ dẫn đến hụt hẫng! Chưa tìm ra một đề tài phù hợp để giúp các bạn tư duy, mình luôn cảm thấy như có một “bất thiện pháp” đang hiện hữu trong lòng!
Thật may mắn! Chiều nay, có buổi trao đổi ngắn với SĐ Giác Minh. Thế là, cuộc trao đổi ngắn của mình với vị SĐ này xoay quanh tinh thần kinh Diệu Pháp Liên Hoa! Mình còn nhớ như in, những ngày cách đây trên bốn mươi năm, mình và một số bạn bè thường hay đến ngôi chùa gần nhà để tụng Diệu Pháp Liên Hoa hàng đêm. Tất nhiên ngày ấy, mình chỉ biết cùng chuông mõ tụng hết phẩm này sang phẩm khác, nhưng ý nghĩa của nó, ngô khoai như thế nào thì mù tịt!
Mình chỉ tin một điều, tụng kinh Diệu Pháp Liên Hoa sẽ phát sinh công đức, điều này cũng chỉ nghe thiên hạ đồn. Và, công đức là thứ gì, nó được tính bằng lon, lít, ký, tạ, tấn hay mét... mình cũng không hình dung nổi. Nhưng, chỉ với niềm tin vào kinh Phật, mình đã tụng đọc bộ kinh này không biết bao nhiêu lần! ... Thế rồi, không biết có phải do tích lũy được nhiều ký (Kg) hay nhiều tấn (1000Kg) công đức hay không...
... Một ngày cách đây chừng mười năm, mình đã hiểu ra kinh Diệu Pháp Liên Hoa nói gì, dành cho đối tượng nào và ứng dụng ra sao! ... Theo mình biết, trong hiện tại, cũng có rất nhiều Phật tử đang tụng Diệu Pháp Liên Hoa như mình hồi xưa, thậm chí có những đạo tràng chuyên tụng kinh này. Và, cũng không ít Pháp Sư đang giảng nói kinh Diệu Pháp Liên Hoa trong hiện tại.
Khi viết những dòng này, tận sâu thẳm của thâm tâm, mình cầu mong cho những vị Phật tử đang gởi gắm niềm tin vào việc tụng đọc kinh Diệu Pháp Liên Hoa, rồi sẽ có ngày tích tụ đủ công đức để có thể nhận ra Phật tri kiến là cái gì và trực nhận rõ ràng làm thế nào để phát sinh công đức!
Các bạn! ... Hầu như mọi người tu hành trong Phật đạo đều biết, kinh Diệu Pháp Liên Hoa ra đời, nhằm khai, thị, ngộ, nhập Phật tri kiến... Có nghĩa kinh này chỉ ra rằng, Phật đạo không dừng lại ở những quả vị nhỏ của phần tự độ [[1]] mà mục tiêu tối thượng là: “Giúp hết thảy người tu hành trong Phật đạo thành tựu quả vị cao nhất, đó là Vô Thượng Bồ Đề quả!”.
Muốn thành tựu Vô Thượng Bồ Đề, ngoài việc phải thành tựu phần tự độ của Diệt Đế, người này còn phải học trí tuệ (của Đạo Đế). Có trí tuệ, vị tu hành mới có thể làm công hạnh, để hoàn thành công việc độ tha, khi công việc độ tha viên mãn, chừng ấy quả Vô Thượng Bồ Đề với mười danh hiệu mới hiện!
Phàm ở đời, muốn học nghề gì, phải biết rõ nghề đó. Muốn mua món đồ nào, phải hiểu thứ mình cần mua. Cũng vậy, muốn thành tựu Vô Thượng Quả, muốn có trí tuệ trong Phật đạo, điều đầu tiên vị tu hành này phải biết trí tuệ của Phật đạo là gì, Vô Thượng Quả do đâu mà thành! Kinh Diệu Pháp Liên Hoa đảm nhận vai trò chỉ rõ hai công việc: Giới thiệu thế nào là Phật tri kiến[[2]] và điều kiện để chứng Vô Thượng Bồ Đề! Tất nhiên để học Phật Trí và sau đó là chứng Phật Quả[[3]], hai thứ này luôn luôn bao gồm những điều kiện bắt buộc của nó. Một trong những điều kiện không thể thiếu, đó là: “Vị tu hành phải thành tựu Diệt Đế và học trí tuệ để thành tựu Đạo Đế”.
Ta có thể hiểu, Pháp Hội Diệu Pháp Liên Hoa có phần nào đó giống như một buổi tư vấn hướng nghiệp đối với những học sinh vừa tốt nghiệp Phổ Thông Trung Học, các học sinh đang cần những kiến thức tối thiểu về ngành nghề và cơ sở đào tạo, để tự mình có thể chọn ngành nghề, trường lớp phù hợp với năng lực bản thân. Đây cũng là lý do vì sao năm trăm vị tăng thượng mạn [[4]] từ bỏ pháp hội ra đi. Tất nhiên, giới thiệu về Phật tri kiến hoàn toàn không giống một buổi tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh. Vì, những ngữ nghĩa thâm u của cảnh giới xuất thế chỉ có những tâm cảnh tương ưng xuất thế mới cảm nhận được; ta có thể hiểu, nó giống như buổi hướng nghiệp được giảng giải bằng một thứ ngôn ngữ đặc biệt, mà chỉ có những người đã tốt nghiệp mới có thể hiểu được (còn những ai chưa tốt nghiệp “Diệt Đế” thì... pó... tay)!
Đây cũng là lý do vì sao kinh Đại Thừa khó hiểu hoặc không thể hiểu nổi với những người chưa Giác Ngộ. Điều này, cũng phù hợp với câu nói bất hủ của Ngũ Tổ: “Bất thức bổn tâm, học pháp vô ích”. Ta có thể hiểu nôm na câu nói trên với đại ý: “Chưa Giác Ngộ, chưa chứng Diệt Đế, không thể học Đại Thừa Pháp của Đạo Đế”. Và đây cũng là lý do vì sao, các kinh giáo Nhị Thừa (bất liễu nghĩa, dạy pháp thế gian) khi đọc lên, dù người có tu hay không tu... đều có thể nhận hiểu một cách dễ dàng!
Đến đây, chúng ta mới thấy rõ ngữ nghĩa, cảnh giới của văn tự thế gian được biên chép phần lớn trong kinh tạng Nikaya khác biệt với ngữ nghĩa, cảnh giới của văn tự xuất thế gian được biên chép phần lớn trong kinh tạng Đại Thừa là như thế nào!
Nếu, Tứ Đế là quy trình học tập, nhằm đưa một phàm phu vô văn đến quả vị cao tột Vô Thượng Bồ Đề thì, kinh Diệu Pháp Liên Hoa được coi là tư liệu cơ sở nhằm đặt nền móng xây dựng một loại hình văn hoá mới, đó là văn hoá Đại Thừa, một loại văn hoá thể hiện đầy đủ cảnh giới rộng lớn của Trí Tuệ (thuộc về Đạo Đế), ta thường gọi là “Khai”, “Thị” Phật tri kiến... Khai thị, là giới thiệu, là chỉ cho thấy, là tập làm quen, là tập nhận biết... Khi đã thấy, đã làm quen, đã nhận biết. Chừng ấy, cơ may “Ngộ, Nhập” Phật tri kiến mới có thể đến!
Ngày xưa, khi chưa tuyên thuyết kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Thế Tôn chưa tuyên nói về những điều thâm u của Phật tri kiến. Các La Hán thường nghĩ rằng, quả vị A La Hán là cứu cánh cuối cùng của Phật đạo, sự nhầm lẫn này được biểu hiện rõ nét qua lời tuyên bố: “Chư lậu dĩ tận, phạm hạnh dĩ lập, sở tác dĩ biện, bất thọ hậu hữu”. Cho đến khi Pháp Hội Diệu Pháp Liên Hoa ra đời, chừng ấy các A La Hán mới biết rằng, quả vị La Hán chỉ là Hoá Thành. Đây là lý do vì sao các Phẩm Thí Dụ, Phẩm Hoá Thành Dụ hay câu chuyện Gã Cùng Tử có mặt trong kinh! Và, đây cũng là lý do vì sao các Phẩm Pháp Sư; Như Lai Thọ Lượng; Tòng Địa Dõng Xuất; Phân Biệt Công Đức hay Phẩm Thọ Ký được tuyên thuyết trong Pháp Hội này!
Các bạn! ...Học Đạo Đế mà không có những hiểu biết nhất định về kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Nó giống như người đi tìm châu báu mà không có những hiểu biết nhất định về châu báu!
Để tập làm quen với kinh văn, tập làm quen với văn hoá Đại Thừa cũng như tập làm quen với cảnh giới trí tuệ. Ngay từ giờ phút này, chúng ta tập phân tích một số ý nghĩa cơ bản của kinh Đại Thừa, mà cụ thể là kinh Diệu Pháp Liên Hoa! Mình sẽ đưa ra một số câu hỏi đơn giản theo nội dung kinh, kèm theo đó vài câu hỏi thuộc cơ sở lý luận, sau đó các bạn phân tích và trả lời. Những câu hỏi này, phần liên hệ đến kinh văn, sẽ giúp các bạn thâm nhập hành trình và ý nghĩa của Đạo Trí Tuệ. Phần câu hỏi thuộc về lý luận, giúp các bạn lập luận để giải quyết một vấn đề như pháp!
- CÂU HỎI TCTT 2018/07 – “Khai, Thị, Ngộ, Nhập” Phật Tri Kiến
1) Vì sao, khi tuyên thuyết Diệu Pháp Liên Hoa, trong kinh bảo rằng “phải dời trời người” đi nơi khác?
2) Vì sao, muốn tuyên thuyết Diệu Pháp Liên Hoa... Phải “thỉnh tất cả Hoá Phật” về với Pháp Hội?
3) Vì sao Phật Đa Bảo phát nguyện: “Nơi nào tuyên thuyết Diệu Pháp Liên Hoa, sẽ đem nhục thân đến cúng dường”?
4) Có người bảo rằng: “Kiến tánh thành Phật” [[5]]... Có người lại bảo rằng: “Kiến tánh khởi tu” [[6]]... Trong hai câu nói này, câu nào đúng??? Hay cả hai đều đúng? Hãy phân tích cụ thể, có ví dụ minh hoạ càng tốt!
5) Có người bảo rằng: “Kinh nào đọc dễ hiểu, đó là kinh Phật. Còn kinh nào đọc khó hiểu, là do người đời nguỵ tạo!” Theo bạn, câu nói này có hợp lý hay không? Vì sao hợp lý? Vì sao không? Hãy phân tích, lập luận và cho ví dụ để làm sáng tỏ ý kiến của bạn!
Rất mong, nhận được những kiến giải bổ ích từ Các bạn! ...
[Hiện nay (2018), đường link (liên kết) tải về Kinh Diệu Pháp Liên Hoa (nếu chưa có Kinh) có địa chỉ sau: https:// thuvienhoasen.org/a567/kinh-dieu-phap-lien-hoa]
GỢI Ý... TCTT 2018/07 – “Khai, Thị, Ngộ, Nhập” Phật Tri Kiến
Các bạn! ... Để có thể trả lời hoàn hảo các câu hỏi. Mình có một vài gợi ý sau: Đầu tiên, các bạn cần xác định ý nghĩa của những thành tố quan trọng, mang tính quyết định trong câu hỏi. Ví dụ:
− “Trời người” nhằm ám chỉ điều gì? Vì sao phải dời? Dời đi đâu? Ai dời? Nếu không dời, điều gì sẽ xảy ra?
− “Hoá Phật” được nêu trong kinh, nhằm ám chỉ điều gì? Vì sao “cần phải” cung thỉnh các Hoá Phật ấy về khi khai thị Phật tri kiến?
− “Nhục thân” đóng vai trò quan trọng như thế nào đối với Phật Trí, đến độ Phật Đa Bảo phát nguyện cúng dường khi biết được ở quốc độ nào có tuyên thuyết Kinh Diệu Pháp Liên Hoa?
- Muốn lập luận thuyết phục, có lẽ các bạn cần xác định khái niệm “kiến tánh”là kiến cái gì? Khi xác định được điều này. Theo mình, cánh cửa lập luận sẽ rộng mở và không rơi vào cực đoan.[[7]]
Các bạn! ... Ngoài việc trả lời đúng các câu hỏi, yêu cầu được đặt ra cho các bạn lúc này là: Cần có một lập luận thuyết phục, cách đặt vấn đề sắc bén, cộng thêm một...chút...chút...văn...trong bài viết! Các câu trả lời từ hôm qua đến giờ, nếu chúng ta chỉ trả lời theo kiểu hỏi đâu đáp đó, lý luận không thuyết phục, dẫn chứng không đặc sắc, ví dụ không cô đọng, văn tự không trôi chảy, v.v...
Theo mình thì, chúng ta sẽ gặp nhiều trở ngại trong việc nhiếp phục người ở vị lai! Mình đang chờ đợi một bức phá nào đó từ các bạn về phương diện trình bày. Đành rằng: “Diệu lý của Chư Phật chẳng can dự gì đến văn tự” theo cách nói của Lục Tổ. Nhưng, nếu chúng ta thể hiện “đệ nhất nghĩa” bằng một thứ văn tự thiếu chất văn (đôi khi đọc lên tức ngược!). Có lẽ điều này cũng không phải là một ưu thế!
Các bạn! ... Hôm nay, mình và các HĐ có chuyến viếng thăm và cúng dường Chư Tăng Trường Hạ Phước Long. Nơi có hai vị HĐ của chúng ta là SĐ Giác Minh và SĐ Giác Bảo đang an cư ở đó.
Trong ngày hôm nay, mình nhận thêm trả lời của HĐ. Đọc bài viết của các HĐ này, mình có cảm giác “cái cớ sự nghèo cùng văn chương” đã không còn nữa. Theo mình, có thể đây là bước ngoặt lớn trong việc tu tập!
Không biết, cái bước ngoặt đầy bất ngờ này, có phải do phước duyên từ việc cúng dường Chư Tăng mùa An Cư Kiết Hạ hôm qua, được chùa đãi ăn món “khổ qua bào mỏng sấy khô trộn gia vị” rồi xào hay không, mà các vị HĐ của ta tỏ ra thông suốt đến thế? Nếu điều này là đúng, chúng ta nên phát động phong trào “ăn khổ qua bào mỏng phơi khô” để cùng nhau tống cổ cái khổ “nghèo túng văn chương”, cho nó mau mau đội nón ra đi theo đúng nghĩa đen của hai chữ “khổ qua”!
Mình vừa nghĩ ra, tên của pháp này, chúng ta nên đặt cho nó là “Khổ Qua Đế”, đây là đế thứ năm do ăn mà Lão Lý ngộ ra. Điều này cũng phù hợp với “Kỳ Cục Môn” của Lý Gia!...
Các bạn! ... Đến giờ, chúng ta có thể thấy rõ một điều, đó là: “Nếu chịu khó đầu tư kỹ lưỡng, không có gì là không thể đối với HĐ chúng ta”! Như mọi người đều biết, Diệu Pháp Liên Hoa là loại kinh Giáo Bồ Tát Thừa hay còn gọi là Giáo Nhất Thừa. Có nghĩa rằng, Nhị Thừa và Bồ Tát Quyền Thừa sau thời gian tu học, các thừa này đã thành tựu đạo quả sau cùng theo yêu cầu của thừa đó. Ví dụ như, Thanh Văn chứng A La Hán Quả, Duyên Giác chứng Duyên Giác Đạo, Bồ Tát Quyền Thừa chứng hai Vô Sanh.
Từ khởi điểm này, ba thừa nói trên, bằng lòng từ bỏ Niết Bàn an vui của riêng mình, họ dõng mãnh phát tâm Vô Thượng Bồ Đề, phát nguyện độ tận chúng sinh với mong muốn thành tựu mục tiêu cao nhất của Phật đạo. Để thực hiện thành công hai mục tiêu này, sau khi chứng Thánh, các thừa ấy phải lần tìm về biển Đại Giác để cầu học trí tuệ. Vì bởi, muốn thành tựu Vô Thượng Quả, muốn độ tận chúng sanh, con đường duy nhất là “Phải Có Trí Tuệ”, không có trí tuệ thì, mọi tâm nguyện chỉ là những khẩu hiệu suông, hô xong...rồi...bỏ!
Khái quát ba giai đoạn: Từ bỏ Niết Bàn an vui, đồng vào Nhất Thừa để cầu học trí tuệ và độ tận chúng sinh. Trong kinh có những lời dẫn dụ vừa ẩn mật, vừa như một mệnh lệnh khẩn thiết của Đạo Pháp... Những ẩn dụ và mệnh lệnh khẩn thiết này, chúng ta có thể tìm thấy trong những câu chuyện cụ thể như:
− Chuyện: “Người cha một chân bước vào thành An Ổn, chân kia còn ở ngoài, đã trực nhớ các con mình còn ở nơi hiểm nạn, bèn từ bỏ toà thành An Ổn, quay trở về chốn cũ để “Tìm Cách” cứu các con của mình!”
− Câu chuyện “Người cha thấy các con mãi mê ham vui nơi nhà lửa ba cõi, đã đem ba xe (ba thừa) là xe dê, xe hưu, xe nai để dẫn dụ các con ra ra khỏi nơi ấy... Nhưng, cuối cùng đồng cho một loại xe, đó là xe trâu trắng (Nhất Thừa) cao quý nhất!”
− Câu chuyện “Gã cùng tử (ba thừa) phải đi làm thuê làm mướn (học pháp quyền tiểu) cho Ông Trưởng Giả (Phật) để tìm miếng cơm thừa (Niết Bàn ba thừa), nhưng lại không biết bản thân mình chính là đứa con một yêu quý nhất của Ông Trưởng Giả đã thất lạc từ bé...
Chỉ cần người con này nhận ra Ông Trưởng Giả chính là cha mình, bằng lòng từ bỏ thân phận thấp hèn của kẻ tôi đòi (Niết Bàn tự độ), nhận ông Trưởng Giả làm cha, nhất định gã cùng tử sẽ kế thừa gia sản (trí tuệ) của Ông Trưởng Giả ở vị lai...”
− Gia sản Trí Tuệ Vô Đối của Ông Trưởng Giả, không thể và vĩnh viễn không thể là thứ được thừa kế bởi những kẻ chỉ bằng lòng với thân phận thấp hèn qua những tư duy, những quan niệm nhỏ nhoi của thế gian mà con người (Người) là điển hình của sản phẩm đó!
− Nó lại càng không thể là thứ được kế thừa bởi những hạng người chỉ biết ôm ấp, thoả nguyện, tự hào bởi những cảnh giới Thiền Định (Trời) mà bản thân đạt được trong quá trình tu hành!
− Và, cuối cùng, cho dù “đã chứng Thánh Quả Ba Thừa”, nhưng không có tâm “Từ Bi”, không vì hết thảy chúng sinh, coi “Niết Bàn quyền tiểu” như là một “Trú Xứ Bình Yên” không dám từ bỏ thì, chẳng khác nào “Hạt Giống Thối” sẽ tự phân huỷ theo thời gian!
Phật tri kiến là loại văn hoá Xuất Thế Gian Thượng Thượng, là cảnh giới cao tột của trí tuệ, là không gian dành riêng cho những “Pháp Lành” mà các Hóa Phật đã tuyên thuyết từ quá khứ cho đến hôm nay. Những pháp lành này, nhiều như số lá trong một rừng cây, còn những gì ba thừa biết được, chỉ nhỏ bé như số lá trong nắm tay. (Muốn biết lá trong rừng là bao nhiêu? Hãy đi đến từng khu rừng, từng ngọn cây… mà chứng kiến)!
Để có thể thấy biết Phật tri kiến là gì, đòi hỏi người tu hành phải thoả mãn các điều kiện bắt buộc của nó. Giống như muốn bay vào không gian, phải có một cơ thể đủ sức chịu đựng điều kiện không trọng lực. Muốn thấy xa hơn người, phải có con mắt cực sáng. Muốn chạy nhanh, phải có đôi chân lành. Muốn vào đại học, phải tốt nghiệp phổ thông. Thiếu những yếu tố bắt buộc này, chuyện đặt một chân vào một ngưỡng nào đó, nhất định sẽ là điều không thể! Để có thể chứng nhập Phật tri kiến, đòi hỏi người tu hành phải đủ năng lực trí tuệ và một tâm địa vô bờ. Giống như muốn bắt con kình ngư, phải ra ngoài biển lớn. Muốn bắt con cọp chúa, phải vào tận thâm sơn! Con kình ngư không có nơi ao lạch, con hổ chúa không có nơi bụi lùm!...
Các bạn! ... • Hãy, “đầu tư thật nhiều, nhất định sẽ thành công”! • Và, “đầu tư cho trí tuệ, chính là đầu tư khôn ngoan nhất”!
Chúng ta có thể khẳng định như đinh đóng cột rằng: Kinh Diệu Pháp Liên Hoa ra đời, theo mọi người thường hiểu, đó là khai, thị, ngộ, nhập Phật tri kiến cho chúng sanh! Và lời kinh cũng dạy như vậy: “Đại sự nhân duyên Phật ra đời là để khai, thị, ngộ, nhập Phật tri kiến cho chúng sanh”. Bài viết trước, mình có đề cập đến những ẩn mật và mệnh lệnh khẩn thiết chứa đựng trong lời kinh... Như vậy, những ẩn mật và mệnh lệnh khẩn thiết đó là gì?
Nếu bảo rằng, kinh Diệu Pháp Liên Hoa chỉ gói gọn trong việc khai, thị, ngộ, nhập Phật tri kiến thì... Có lẽ, bộ kinh này không làm “đau đầu nhức óc” bao thế hệ người tu hành. Đến nỗi, chính mình được nghe câu chuyện đối đáp giữa một vị thính chủ tham vấn đạo pháp với một vị Sa Môn về một vài ý nghĩa có liên hệ đến kinh này. Sau một hồi giảng giải, vị ấy kết luận: “Kinh nào khó hiểu, đó chẳng phải là kinh...Phật”... Ấy thế mà! Sau khi vị Sa Môn kia trả lời, Vị nữ thính chủ nọ tỏ ra mãn nguyện, lại nhoẻn miệng cười...tươi!
Đúng là, “trên cõi đời này, chuyện gì cũng có thể xảy ra”. Lúc đó, trong đầu mình chợt loé lên một suy nghĩ rất hài hước nhưng mà đắng... như… khổ...qua! Rằng! Đối với vị Sa Môn này, ta chỉ nên kết luận: “Những kinh nào ông ta đọc mà hiểu, nhất định chẳng phải kinh Phật... Kinh nào ông ta không hiểu, đích thị đó là... kinh... Phật” .... Rồi, mình lại tư duy đến câu chuyện Phật Đa Bảo phát nguyện cúng dường nhục thân khi ở đâu có đề cập đến Phật tri kiến. Mình cảm nhận, Vị Cổ Phật này khôn thiệt! Phật đạo có ba thứ tôn quý là Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo, thì ông ta phát nguyện dành hết!
− Phật bảo (hay Pháp thân): Muốn thấy được món quý báu này, phải dời “trời người” ra khỏi tâm thức (trời người đi chỗ khác chơi). Vì đây là điều kiện tiên quyết để tâm thức sạch sẽ, tĩnh lặng, không còn bóng dáng hữu lậu, mới có thể cất chứa cũng như không làm nhiễm ô Phật tri kiến. Từ đây, “Hằm Bà Lằng Thức” mới có thể thành Như Lai Tàng Tâm! ... Cái Phật tri kiến tuy quý như vậy, nhưng vào tay các anh phàm phu và mấy bác ham ưa Thiền Định, nhất định nó sẽ trở thành món “khổ qua xào tàu hủ, giả bộ như xào trứng để đỡ thèm!”. Tuyệt đối, muôn ngàn lần không thể bì với món “khổ qua bào mỏng, phơi khô xào với gia vị” do Lão Lý giới thiệu! Nếu bạn nào không tin, hãy tìm thấy ý nghĩa của những điều này trong Kinh Đại Thí Dụ Lõi Cây! Cái lõi! Nhất định phải là cái lõi cây, mới có thể tạc nên những bức tượng cao quý, sừng sững trước thời gian!
− Pháp bảo (hay Hoá thân): Báu vật này, đối với Phật quốc độ, nó nhiều như lá mùa thu. Nhưng ở Hồng Trần, nó lại tản mác trong thập phương thế giới. Bây giờ là lúc Thích Ca Mâu Ni hô hào “quy tập” để tiếp thị với cộng đồng vô lậu. Sau lần tiếp thị này, một phen người ta chứng kiến sự khốc liệt giữa cuộc chiến một bên là Trí Tuệ với bên kia là lũ giặc phiền não vô trí... Cuộc chiến sanh tử này đã làm hao tốn biết bao “chất xám”. Nhiều đến nỗi, Thiền Sư Tào Tùng, năm Quảng Minh (880 DL) phải thốt lên:
“Trạch quốc giang sơn nhập chiến đồ,
Sinh dân hà kế lạc tiều tô.
Bằng quân mạc thoại phong hầu sự,
Nhất tướng công thành vạn cốt khô...”
Lão Lý bèn cao hứng phỏng dịch như sau:
“Ba cõi xưa nay ham đánh nhau
Sứt đầu, mẻ trán thiệt khổ đau
Ngồi đó, tham thiền đâu tránh được
Trí tuệ mới làm tiêu binh đao!”
...
− Tăng bảo (hay Nhục thân): Nhục thân tuy là vô thường, nhưng nó lại chứa được hai thứ bảo trên. Anh nào tuy mang tấm thân cha sinh mẹ đẻ, nhưng trong mình có được hai thứ bảo trên thì...thì...thì sớm muộn gì cũng được “ngồi bàn thờ” để thiên hạ sớm tối đèn nhang, chuối bánh, hì hục sụp lạy để... để... để xin... số... đề... Đời nay, người gặp Phật xin số đề thì nhiều mà cầu Pháp thì chẳng được bao nhiêu! ... Thói đời là như vậy! Thôi thì, tạm chuối bánh qua ngày, vì bởi: “Gặp thời thế, thế thời phải thế” theo cách nói của cụ Ngô Thì Nhậm.
Thế mới biết! Sau vụ phát nguyện cách đây trên 2.600 năm, kẻ có trí mới phát hiện ra, Phật Đa Bảo, biểu hiện Trí Tuệ hơn người khi phát nguyện: “Ở đâu có hai bảo kia, ở đâu có hai thân kia! Thậm chí, ở đâu có người dám luận bàn về hai thứ ấy! Ông xin đem nhục thân đến cúng dường đặng đựng hai cái của quý này, để từ cái nhục thân 60 ký không đáng một đồng xu trở thành Tăng Bảo Xuất Thế Gian... Để từ món vô thường trở thành Sắc Thường Trụ”.
Các bạn! ... Muốn giải mã thành công những ẩn mật, phải có trí bén... Muốn thực thi mệnh lệnh hoàn hảo, phải có dũng khí hùng tâm... Muốn biết được Tam Bảo cao quý đích thực là gì, phải không nên là người có “nụ cười xinh đẹp mà ngây thơ... như con nghé mừng vui, khi được quẩn quanh bên...vú... mẹ!”
Việc đa số các bạn đã trả lời sai câu 4 cũng không có gì lạ, vì từ trước đến giờ, đối với câu 4, hầu như mình chỉ triển khai khái niệm “Kiến Tánh” mang ý nghĩa của “Kiến Giác Tánh” và “Kiến Tự Tánh”, mà chưa đề cập đến khái niệm thứ ba đó là “Kiến Phật Tánh”! Vì sao nó lại như vậy? Các bạn đều biết, việc tu tập trong Phật đạo phải được thực hiện bởi một quy trình nghiêm ngặt. Quy trình này được dẫn dắt từ cạn đến sâu, từ thô đến tế, từ thế gian đến xuất thế rồi mới đến xuất thế gian thượng thượng.
Quy trình này được dẫn đạo bởi Tứ Đế, Tứ Đế như bốn nấc thang của một cái thang, muốn đến nấc thang thứ hai phải qua nấc thang thứ nhất, muốn đến nấc thang thứ ba phải đi qua hai nấc thang trước, chuyện này không thể đảo ngược, còn việc đi chậm hay mau là tuỳ thuộc vào năng lực của từng người. Khái niệm Kiến Tánh, nhằm chỉ cho ba giai đoạn cơ bản, phụ thuộc vào sự thành tựu các Đế như sau:
- Giai đoạn I (Kiến Tánh Giác): Gồm Khổ Đế và Tập Đế thuộc về Thế Gian Đế... Muốn hoàn thành hai đế này, người tu hành phải dùng “Sức Giác” (hiểu biết như pháp) để “Thay Đổi Nhận Thức”. Trong quá trình thay đổi nhận thức, phàm tâm cùng các Kiết Sử và Lậu Hoặc thối mòn, sự thối mòn này được diễn ra theo logich “Nhận Thức Thay Đổi, Hành Vi Thay Đổi”. Hành vi được thay đổi đến một ngưỡng nào đó, hành giả chợt nhận ra “Tâm Này Tự Thanh Tịnh” ... Khi tâm thức tiếp cận được đạo vị thanh lương đầu tiên (gọi là Sơ Ngộ); Đời sống của Hành Giả bắt đầu thay đổi. Trong đời sống mới, hành giả chợt “Ngộ” ra ba điều:
− Sáu căn tự thanh tịnh không cần gìn giữ.
− Tâm thức không duyên theo trần cảnh.
− Ý căn có được sự tĩnh lặng nhất định.
Giai đoạn này, năm căn thân không duyên nơi trần cảnh, Ý căn không lao xao như trước, nhưng “Thấy Nghe Hay Biết” vẫn rõ ràng, lúc này hành giả trực nhận thế nào là “Tánh Thấy, Tánh Nghe” mà Kinh Thủ Lăng Nghiêm từng đề cập... Tánh thấy, tánh nghe Kinh Thủ Lăng Nghiêm đề cập, chính là “Tánh Giác”. Đây là lúc Tánh Giác phát huy sức diệu dụng của nó để “Thay Thế Sáu Thức”, cảnh giới này, được gọi là “Kiến Tánh Giác” (Thấy Tánh Giác). Chữ “Kiến Tánh” trong giai đoạn này, là cách nói vắn tắt của ba chữ “Kiến Tánh Giác”. Ta có thể hiểu, trạng thái Kiến Tánh ở đây, tương tự như hoàn cảnh tâm thức Huệ Năng lần đầu nghe Kinh Kim Cang. Sau đó trình bài kệ với nội dung “Xưa nay (tâm thức) không một hạt bụi, đâu có cần phải lau chùi”....
Loại tâm thức này, hạt bụi nhỏ của Kiến Hoặc và Tư Hoặc thì không còn, nhưng hạt bụi cực nhỏ gọi là Trần Sa Hoặc thì hãy còn. Vì thế, Huệ Năng sau đó còn phải lên thất của Ngũ Tổ một lần nữa, để nhờ Ngũ Tổ quét luôn cho sạch!
Sau khi được Ngũ Tổ quét cho sạch sẽ, Huệ Năng mới sững sốt thốt lên: “Ai dè! Ai dè nó là như vậy... hả... Thầy!” (Nào dè tự tánh...). Ta cũng có thể tìm thấy cách giáo hoá của giai đoạn này trong các bản kinh Nikaya, loại kinh do Báo Thân Phật thuyết. Hình thức giáo hoá trên, nhằm giúp người tu hành thành tựu các bước của Kinh Lõi Cây (Xuất gia, giữ giới, thiền định, tri kiến). Trong các bước vừa nêu, thành tựu bước thứ tư (có tri kiến) mới là thành tựu cốt lõi trong việc tu học. Tri kiến ở đây, chính là nhận thức như pháp của giai đoạn I trong bài viết. Nhờ có được nhận thức như pháp, nên hành vi người tu hành từ đó sẽ chuyển biến như pháp, nhờ hành vi chuyển biến như pháp, sẽ có được một đời sống như pháp.
A La Hán quả (Bất động, Giải thoát) là hệ quả của một nhận thức như pháp, chứ không phải là thành quả của việc Thiền Định. Vì rằng, thành tựu tột cao của Thiền định, chỉ có thể đến được cõi Trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ (không thể ra khỏi ba cõi). Đây cũng là lý do vì sao, muốn thể nhập Phật Tri Kiến, phải dời “trời người” ra khỏi tâm thức. Hoặc như Kinh Lõi Cây chỉ ra, thành tựu Thiền Định chỉ được xếp vào vị trí thứ ba, trước khi thành tựu hai điều quan trọng là Tri Kiến (nhận thức như pháp) và Bất Động Giải Thoát (chứng Diệt Đế).
- Giai đoạn II (Kiến Tự Tánh): Hoàn thành giai đoạn một, hành giả ở yên nơi Tánh Giác, “Lặng Lẽ Quan Sát”. Trong quá trình lặng lẽ quan sát, hành giả được Đạo Sư khai thị một lần nữa, lần này lại ngộ ra Ngũ Ấm Rỗng Không, trong cái rỗng không ấy, hành giả trực nhận ý nghĩa đích thực của Bất Động Giải Thoát. Ở yên nơi Cảnh Giới Bất Động, vị hành giả này hoát nhiên nhận ra thế nào là Bổn Tâm, thế nào là Bổn Tánh. Từ đây, các tính chất tự nhiên của Bổn Tánh lần lượt xuất hiện như: Thường thanh tịnh, không động lay, không sanh diệt, hay liễu tri... [[8]]
Sự nhận biết của giai đoạn này, tương tự như những gì Lục Tổ đã mô tả khi chợt thấy Tự Tánh sau khi lên thất của Ngũ Tổ “Nào dè tự tánh vốn tự thanh tịnh, nào dè tự tánh vốn không lay động, nào dè tự tánh vốn không sanh diệt, v.v...”. Sự thấy biết trên cũng gọi là Kiến Tánh. Hai chữ Kiến Tánh ở đây là cách nói rút gọn của ba chữ “Kiến Tự Tánh”. Đến đây, hành giả hoàn thành công việc tự độ, gọi là “Chứng Diệt Đế”. Thành tựu “Cảnh Giới Xuất Thế”.
Hoàn thành giai đoạn vừa nêu, để giúp người tu hành từ cảnh giới Xuất Thế Gian tiến vào cảnh giới Xuất Thế Gian thượng thượng. Các Hoá Phật xuất hiện tuyên thuyết kinh Giáo Bồ Tát Nhất Thừa, thuộc hệ Đại Thừa Phương Đẳng. Cũng chính vì lẽ ấy, các kinh thuộc dạng liễu nghĩa văn tự khó hiểu, ngữ nghĩa thường được mô tả thông qua “ngôn ngữ hình ảnh” ta quen gọi là cảnh giới, hoặc “ngôn ngữ ẩn dụ” ta quen gọi là mật ngữ! Thật ra ngôn ngữ hình ảnh hay mật ngữ chỉ khó hiểu đối với những ai chưa thoát khỏi lậu hoặc, còn ở trong Tục Đế (Thế Gian Đế). Nó giống như văn hoá, ngữ ngôn của loài này, loài kia không thể hiểu.
- Giai đoạn III (Kiến Phật Tánh): Sau khi Chứng Diệt Đế, vị tu hành phát khởi Từ Bi Tâm... Phát Đại Nguyện: Trên, thành tựu Vô Thượng Bồ Đề Quả... Dưới, thí xả thân mạng vì hết thảy chúng sanh... Để có thể thành tựu hai đại nguyện này, vị tu hành bây giờ cầu học cho bằng được Trí Tuệ của Chư Phật! Vì họ biết rằng, với trí tuệ hiện có, chỉ đủ để giải quyết bản thân. Từ đây, “Quá Trình Cầu Học Nhất Thiết Trí Hình Thành” (Kinh Diệu Pháp Liên Hoa ra đời trong giai đoạn này) …
Trong quá trình cầu học Nhất Thiết Trí, hành giả không tiếc thân mạng, đem thân cúng dường cho bất kỳ những ai có thể dạy họ “Đạo Trí Tuệ”. Học được Đạo Trí Tuệ, vị tu hành thành tựu viên mãn “Đạo Đế”, nhập “Xuất Thế Gian Thượng Thượng”. Với Xuất Thế Gian Thượng Thượng Nghĩa, vị ấy lấy “Trung Đạo” làm con đường để “Trở Lại Ba Cõi” vì hết thảy chúng sanh, không tiếc thân mạng ra sức giáo hoá (Kinh gọi là Nhập Pháp Giới).
Trong quá trình giáo hoá, một lần nữa, vị này “Thấy Trọn Vẹn Phật Tánh”, người xưa gọi là “Kiến Phật Tánh” hay còn gọi là Kiến Tánh Thành Phật! Kiến Phật Tánh hay Kiến Tánh là cái thấy cuối cùng của người tu hành. Với cái thấy này, kinh dạy: “Trước khi thọ thực, thân Bồ Tát là nhục thân... Thọ thực xong, Bồ Tát nhập Kim Cang Tam Muội tiêu hoá thức ăn, biến nhục thân thành Kim cang thân... Thấy Phật Tánh thành Đẳng Chánh Giác...” Người tu hành có thể tìm thấy cách giáo hoá, cũng như ý nghĩa của giai đoạn trên trong các kinh Đại Thừa Phương Quảng. Loại kinh này do Pháp Thân Phật thuyết, nội dung thường nói về thật tướng của các pháp và thật tướng các quốc độ. (Nội dung nói về thật tướng các pháp, phần lớn được ghi lại trong các kinh Đại Bát Nhã, Đại Niết Bàn... Nội dung nói về thật tướng các quốc độ ta có thể tìm thấy phần lớn trong kinh Hoa Nghiêm hoặc các kinh tương tự!)
Các bạn! ... Như vậy, ba giai đoạn Kiến Tánh đã được mình khái quát. Trong mười năm qua, để dẫn dắt các bạn từng bước lần lượt thành tựu ba giai đoạn nêu trên, mình đã tuần tự giải thích hai chữ Kiến Tánh thông qua ý nghĩa của giai đoạn một và giai đoạn hai, tức Kiến Tánh Giác và Kiến Tự Tánh, và phần lớn HĐ chúng ta đã thể nhập. Đến nay, hai chữ Kiến Tánh thuộc giai đoạn ba, tức Kiến Phật Tánh, đã được trình bày cụ thể cách thức tu tập ở phần trên của bài viết. Hy vọng, chúng ta sẽ nỗ lực dắt tay nhau, để trong những ngày tới mọi người có thể chạm vào ngưỡng cửa Trí Tuệ của Đạo Đế. Và rồi vị lai, cái thấy cuối cùng, đó là Kiến Phật Tánh trở thành hiện thực. Về việc vì sao, thời gian vừa qua mình không đề cập cụ thể ý nghĩa của Phật Tánh, thậm chí đôi lúc còn quở trách khi các bạn đề cập đến tính chất nhạy cảm của hai từ này, chắc giờ này mọi người đã hiểu rõ!
Kinh nghiệm bản thân, đã cho mình thấy rằng: Hầu như hai chữ Phật Tánh hay Kiến Tánh đã bị người tu hành “lạm dụng” quá nhiều. Đi đâu, đến đâu, cũng nghe người ta bàn Luận Về Kiến Tánh, có thể nói, nhiều người lạm dụng vô tội vạ. Sự lạm dụng vô lối này, dẫn đến nhiều hệ quả tai hại. Hệ quả tai hại nhãn tiền là, có nhiều anh “dốt đặc Phật Pháp”, một câu kinh cũng chưa từng đọc qua, chỉ nghe lõm vài lý luận vô bổ của ai đó, rồi nghĩ tưởng mình cũng đã Kiến Tánh, cứ thế mà mặc tình phóng dật. Lại có những anh, chỉ võ vẽ đọc vài cuốn sách vớ vẩn... Thế là, cả cuộc đời sống trong hoang tưởng, mở miệng là Kiến Tánh, mà thực chất bụng dạ cố chấp, tệ hại hơn cả một phàm phu.
Có vô số, vô số những điều tệ hại về việc lạm dụng hai chữ Kiến Tánh như thế, mà bản thân đã tiếp xúc. Đây cũng là lý do vì sao mình ít đề cập đến hai khái niệm này khi trao đổi Phật Pháp với nhau. Vì rằng, “Cho dù đó là thuốc quý, cũng chỉ tác dụng khi dùng đúng bệnh... Dùng sai cách, thiếu hiểu biết, món thuốc quý sẽ trở thành thuốc độc!”
Người xưa, dùng hai chữ Kiến Tánh để chỉ việc thành tựu một giai đoạn nào đó trong quá trình tu tập. Khi nói đến Kiến Tánh, họ biết rất rõ hai chữ Kiến Tánh thuộc về giai đoạn nào: Kiến Tánh Giác, Kiến Tự Tánh hay Kiến Phật Tánh. Vì thế, nếu Kiến Tánh là:
− Kiến Tánh Giác: Khi Kiến Tánh này phải tu, gọi là “Kiến Tánh Khởi Tu”!
− Kiến Tự Tánh: Khi Kiến Tánh này cũng tu cũng không tu... Vì bởi, việc tu của hạng này, ra khỏi thấy biết, ra khỏi nghĩ bàn của người thế gian!
− Kiến Phật Tánh thì: “Yết đế, yết đế, ha ha yết đế, ha ha ha yết đế, Bồ Đề Tát Bà... ” ... Cho nên, khi nghe người đời nay bảo rằng, Kiến Tánh rồi mới tu, hay Kiến Tánh thành Phật ngay. Các bạn chớ nên vội phản bác, vì phải biết rằng chỉ hai chữ Kiến Tánh không thôi, chưa nói lên được điều gì. Trước khi kết luận rằng, Kiến Tánh là tu hay không tu, các bạn cần phải hỏi lại người đó một cách cụ thể, ví dụ như:
− Ông nói Kiến Tánh là Kiến Tánh ở giai đoạn nào? Hai chữ Kiến Tánh ông đã nói, ám chỉ thành tựu điều gì trong Phật đạo?
− Khi họ giải thích rõ ràng khái niệm Kiến Tánh mình đã nói... Chừng ấy, chúng ta sẽ kết luận phát biểu kia là đúng hay sai cũng không muộn!
Hai chữ Kiến Tánh... Theo mình, nó cũng giống như hai chữ “tốt nghiệp” trong Giáo Dục. Có thứ tốt nghiệp rồi phải học nữa, có thứ tốt nghiệp xong vừa học vừa làm, nhưng cũng có những học vị, khi tốt nghiệp xong, đi làm Thầy thiên hạ. Như vậy, hai chữ tốt nghiệp khi phát ra nhằm nói đến tốt nghiệp bậc học nào. Vì thế, tốt nghiệp xong phải đi học và tốt nghiệp xong không phải học nữa, cả hai đều đúng. Vấn đề đặt ra là: “Đúng với ai và không đúng với... ai... đây?”
Câu hỏi này, mình đưa ra, nhằm giúp HĐ chúng ta chuẩn bị một thói quen của Đạo Đế đó là: Đối với Phật Pháp, mọi thứ phải “minh bạch” ... Mỗi phát ngôn phải rõ ràng, mỗi lời nói ra đều có chỉ thú cụ thể, mỗi từ ngữ phải mang đầy đủ ý nghĩa của cảnh giới thuộc về từ ngữ đó, “mỗi một pháp khi tuyên xưng phải vô ngại”. Học tập việc làm này, đến khi thuần thục, các bạn sẽ tránh được những phát ngôn vô ích, những lập luận hồ đồ khi chưa biết chắc phát ngôn ấy nhằm ám chỉ điều gì, và nhất là ngữ ngôn của Đạo Pháp không phải là một công cụ của hý luận hay phóng dật. Đây cũng là, một trong những nét đặc trưng của Trung Đạo Đệ Nhất Nghĩa và Bát Nhã Văn Tự. Rất mong các bạn chú ý.
Thế đấy! Món “Khổ Qua” của Lão Lý giới thiệu mấy hôm nay, nay “Khổ Đã Qua” theo tinh thần “Ai chưa thông suốt Tứ Đế chính là Khổ Đế” như lời Phật dạy!
Năm câu hỏi của TRÒ CHƠI TRÍ TUỆ lần này tuy ít, nhưng nó chính là năm cửa ngõ, giúp các bạn thông thuộc hành trình Tứ Đế với ba lần Kiến Tánh, hiểu rõ Ba Thân Phật cùng Tam Bảo Xuất Thế chẳng phải hai (Bất Nhị), nhận ra rằng: Phật Trí là vô biên, Phật Tri Kiến là vô tận... Từ đó Trung Đạo Đệ Nhất Nghĩa sẽ là đạo lộ thênh thang mà các bạn có thể từng bước, từng bước chiếm lĩnh ngọn núi cao nhất của Phật đạo! (27-06-2018)
--------------------------------------------------------
[[1]] quả vị nhỏ của phần tự độ: Giới hạn cuối cùng của chứng Diệt Đế.
[[2]] Phật tri kiến: Thấy biết của một Đức Phật.
[[3]] Phật quả, Vô Thượng Bồ Đề quả: Tức thành Phật đủ mười danh hiệu; Điều kiện để chứng Vô Thượng Bồ Đề: Độ vô lượng chúng sinh, cúng dường vô lượng Chư Phật để cầu học Trí Tuệ.
[[4]] tăng thượng mạn: Chưa chứng nói chứng, chưa đắc nói đắc.
[[5]] Kiến tánh thành Phật: Kiến tánh rồi, không phải tu.
[[6]] Kiến tánh khởi tu: Kiến tánh rồi, phải tu mới có thể thành Phật.
[[7]] cực đoan: Chấp giữ một phía, một bên.
[[8]] các tính chất này, là thuộc tính của Bổn Tánh, gọi là Tự Tánh
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






