Hạnh và Giải

Thưa Thầy,
Con đọc “Sử 33 Vị Tổ Thiền Tông Ấn-Hoa” có đoạn viết: “- … Thầy ở Ấn-Độ được kế thừa làm Tổ, vậy thế nào là Tổ, xin Thầy dạy cho?
Ngài đáp: Rõ được tâm tông của Phật, không lầm một mảy, “hạnh” và “giải” hợp nhau, gọi đó là Tổ.
- Chỉ một nghĩa nầy hay còn nghĩa nào khác?
Cần rõ tâm người, biết rành xưa nay, chẳng chán có không, cũng chẳng cố chấp, chẳng hiền chẳng ngu, không mê không ngộ. Nếu hay hiểu như thế, cũng gọi là Tổ.” Thưa Thầy! Cho con hỏi:
(1) Thế nào là “hạnh” và “giải” hợp nhau? Con vẫn chưa được rõ, nhưng tự nhiên con nghĩ đến thuật ngữ “Quân bình chỉ quán” nhân con nhớ đến “...cái đỉnh (đảnh)... làm bằng đồng, rất bự...” trong (sách) Tâm Pháp. Vì “...tập khí nhiều đời định chưa kịp tuệ, Bồ Tát phải trải qua thời gian tu hành y nơi giác ngộ lắng sạch phàm tâm đến khi định tuệ quân bình mới thành tựu quả vị vì thế gọi là quyền thừa...” (trích Phật Giáo và Thiền).
(2) “Muốn vào Nhất thừa, Nhị thừa và Bồ Tát phải tu Thiền Na Ba La Mật để quân bình hai pháp này...” phải không Thầy? Xin Thầy chỉ dạy. Con cám ơn Thầy.
Các bạn!!!
Nhân có vị HĐ hỏi về hai chữ “Hạnh” và “Giải”, mình xin tạm kiến giải như sau:
Ba thừa: Hạnh và Giải được hiểu: “Lý và Sự”
- Lý: Thuộc về Trí, sức hiểu biết, sức kiến giải.
- Sự: Thuộc về hành động, ứng dụng hiểu biết trên để thân tâm khế chứng...
Lý và Sự muốn viên dung phải tu tập sáu Ba La Mật gồm: Bố Thí, Trì Giới, Kham Nhẫn, Tinh Tấn, Thiền Định và Trí Tuệ...
Năm Ba La Mật đầu thành tựu sẽ có được Trí tuệ Ba La Mật. Tu sáu Ba La Mật này là một hình thức để “Quân Bình Chỉ Quán”. Một khi Chỉ Quán quân bình sẽ thành tựu Thiền Na. Thiền Na đối với ba thừa chính là Hạnh và Giải hợp nhau. Hạnh và Giải hợp nhau hay chưa, căn cứ vào biểu hiện của thân, tâm và trí của vị tu hành này...
Nhất thừa: “Hạnh và Giải” được hiểu “Nguyện và Huệ”.
Hạnh: Có nghĩa là công hạnh, tức y theo nguyện mà thị hiện...
Huệ: Mức độ thiện xảo phương tiện cùng với sự chính xác trong giáo hoá...
Muốn thành tựu hai điều này, phải tu tập bốn Ba La
Mật gồm: Nguyện, Lực, Phương tiện và Huệ Ba La Mật...
Hạnh và Giải hợp nhau của Bồ Tát Nhất thừa là “Nguyện và Lực” đồng viên mãn. Hạnh và Giải hợp nhau hay chưa, sẽ căn cứ vào số lượng và chất lượng của hữu tình mà Bồ Tát này giáo hoá... Vì thế, Tổ mới có câu trả lời sau: “... Rõ được tâm tông của Phật, không lầm một mảy, hạnh và giải hợp nhau, gọi đó là Tổ.
- Chỉ một nghĩa nầy hay còn nghĩa nào khác?
Cần rõ tâm người, biết rành xưa nay, chẳng chán có không, cũng chẳng cố chấp, chẳng hiền chẳng ngu, không mê không ngộ. Nếu hay hiểu như thế, cũng gọi là Tổ...”
Mong rằng, với câu trả lời trên, các bạn có thể hiểu được điều gì đó để “Hạnh và Giải hợp nhau”!!!
(17-06-2012)
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






