Hai Anh Quảng Nôm Bàn Chuyện Đạo Phật và Phật Pháp

 0
Hai Anh Quảng Nôm Bàn Chuyện Đạo Phật và Phật Pháp

Hỏi: Bữa trước nghe nói: “Với mi, Đạo Phật và Phật pháp là hai thứ. Mi đi chùa vì mi là tín đồ của Đạo Phật, còn nghiên cứu Phật pháp là để tự thay đổi bản thân, hai thứ ni phân minh!”, có thể giải thích rõ hơn được không?

Đáp: Mi muốn hiểu rõ điều chi trong hai thứ nớ?

Hỏi: Tau muốn biết, Đạo Phật và Phật pháp khác nhau ở chỗ mô?

Đáp: Theo tau, Đạo Phật là một tôn giáo, cũng giống như bất kì tôn giáo mô ở đời, tức cũng có giáo chủ, giáo luật, giáo lễ (nghi thức, lễ hội), giáo hội, giáo quyền, giáo chúng, giáo sở, v.v... Và, tín đồ của họ đều coi giáo chủ là đấng tối cao cũng như đặt niềm tin trọn vẹn vào giáo chủ. Nói chung, về mặt tâm linh, về mặt hình thức, về mặt đức tin, theo cái nhìn chủ quan của tau, các tôn giáo không khác nhau là mấy!

Còn Phật pháp! Theo tau, đây là một nền giáo dục, một thứ triết lí, một loại văn minh, một hình thức văn hoá, v.v...

Phật pháp chủ yếu khai thác tối đã sức mạnh trí tuệ trong mỗi con người, hay khác hơn là, dùng chính trí tuệ của người đó để giải quyết vấn đề tâm thức, nhằm đạt đến mục tiêu được coi là hoàn hảo nhất của nền giáo dục đó đề ra. 

Vì thế, Phật pháp không chú trọng nhiều đến các hình thức bên ngoài hay tâm linh như tôn giáo!

Theo tau biết, ngày còn tại thế, Đức Phật là một vị thầy, các môn đồ là những học trò, họ cùng tụ tập dưới gốc cây, bãi đất trống, v.v... để nghe Phật giảng thuyết về triết lí của mình gọi là văn, nếu trong lúc nghe giảng chưa thấu đáo, các đệ tử tìm nơi vắng vẻ chiêm nghiệm lời dạy gọi là (thiền tư), hiểu xong họ ứng dụng lời dạy đó vào đời sống cho đến khi nào thuần thục gọi là tu.

Đề khỏi quên lời Phật dạy, họ chia thành từng nhóm nhỏ, đứng đầu là các trưởng lão, họ thường xuyên tụng lại các lời giảng vừa nghe như một hình thức ôn bài (tụng đọc để không quên, là cách giải quyết vấn nạn chưa có văn bản ghi chép sự kiện). Kèm theo đó, họ cùng nhau mổ xẻ, trao đổi, đào sâu ý nghĩa lời dạy gọi là luận! ... Ở những nơi cách xa Phật, các vị hiểu biết nhiều, học cao hơn các vị còn lại, thay mặt Phật giảng nói những điều Phật đã dạy, gọi là Bồ Tát!

Về nghi thức, họ có cách ứng xử riêng giữa thầy và trò, giữa huynh trưởng với người dưới, v.v... Như đi nhiễu, quỳ xuống hôn chân Phật, chắp tay cung kính với người trên. Theo tau, đây là một loại văn hoá ứng xử thời đó, quỳ lạy là phép cung kính tối cao, chứ không mang nặng ý nghĩa van xin!

Về luật lệ, để bảo đảm tính ổn định của một tổ chức, họ có những luật lệ riêng, mọi người trong tổ chức phải tuân thủ nội quy đề ra, luật lệ đó chính là giới luật ngày nay. Giới luật với họ: Về đối nội, đây là biện pháp nhằm ổn định tổ chức, giúp cho việc học tập không bị xáo trộn, hoặc đời sống giảm thiểu rắc rối (giống như nội quy trường lớp). Về đối ngoại, giới luật giúp tăng uy tín, tạo sức ảnh hưởng to lớn, và hình thành nét đẹp cao quý trong con mắt xã hội! ... Vì thế, Phật chỉ chế giới, khi trong tổ chức có người vi phạm làm mất tính ổn định của tổ chức, hoặc bị xã hội phê phán!

Về tu học, Phật trình bày thế giới quan và nhân sinh quan do bản thân giác ngộ và nêu bật lợi ích thiết thực của nó, gọi chung là Phật pháp. Từ thế giới quan và nhân sinh quan đó, người tu hành thấu triệt và thấm nhuần đến khi không còn u mê, gọi là thành tựu vô lậu giới. Từ vô lậu giới đã thành tựu, tâm ý tự an định gọi là định vô lậu. Do biết rõ con đường mô hữu lậu con đường mô vô lậu, gọi là tuệ vô lậu. Theo tau, đây là nét đặt trưng của giáo pháp, và chỉ khi nào người tu hành thấm nhuần nhân sinh quan và vũ trụ quan do Bậc Đại Giác tìm ra mới đạt đến hiệu ứng tuyệt vời ba (3) trong một (1) ni.

Vì thế, vô lậu giới không giống hữu lậu giới (một hình thức của nội quy, ngăn cấm)! Tu tập đầy đủ ba thứ giới, định, tuệ hữu lậu (của thế gian), chỉ cho ra đạo quả thế gian (hữu lậu), đạo quả đó cao nhất là giúp người tu hành trở thành một người có đạo đức trong đời, chớ không thể vượt thoát ra khỏi ba cõi hữu lậu!

Ngược lại, thấu suốt những gì gọi là vô lậu giới và thành tựu giới ni, nhất định người đó sẽ thành tựu định và tuệ vô lậu! ... Đây là nét đặc trưng, là hệ quả tất yếu do tính chất siêu việt của giáo pháp, và nó chính là con đường duy nhất dẫn đến một trong ba cánh cửa giải thoát, gọi là tam giải thoát môn, tức cửa không, cửa vô tướng và cửa vô tác! ... Mi có thể thấy đặc điểm ni ở thời kì đầu của giáo pháp, lúc đó Phật chưa chế giới (hữu lậu) nhưng người chứng thánh quả rất nhiều!

Hỏi: Nói như mi, thời Phật như một trường học. Mần răng mà Phật pháp lại biến thành Đạo Phật?

Đáp: Do quá trình phát triển, do tác động lịch sử, do niềm tin của người, do thuận theo nhu cầu xã hội, do Phật pháp siêu quá tư duy bình thường, do năm thời kì dẫn đến chánh pháp suy vong như tau nói với mi hôm trước, v.v... Nói chung, có vô số lí do từ chủ quan đến khách quan, mà lí do chủ yếu vẫn là “pháp nhĩ nó như vậy”!

Mi thấy đó, ví như Đạo Khổng! ... Ngày xưa Khổng Tử là người thầy, mở trường dạy môn hạ của mình đạo lí do ông ta tìm ra gọi là Nho giáo. Đến hôm nay, vì trân trọng bậc thầy, người ta lập Khổng Miếu (miếu thờ Khổng Tử), lẽ ra Khổng Miếu là nơi thờ phụng, tri ân và là nơi học tập tư tưởng Khổng gia. Nhưng trái lại, hầu như trong hiện tại, người ta đã biến những nơi ấy thành chỗ cúng bái, cầu xin (một hình thức tín ngưỡng, tôn giáo), coi Khổng Tử như một vị thần linh. Như rứa ta có thể thấy, thịnh suy và biến thể là quy luật gần như muôn đời đối với các hệ tư tưởng phương Đông!

Hỏi: Theo mi, Đạo Phật xuất hiện trong đời, ích lợi có nhiều hay không?

Đáp: Nói đến lợi ích, thì Đạo Phật hay bất kì tôn giáo mô cũng có những lợi ích nhất định của nó, đây là điều hiển nhiên không thể chối cãi. Vì tôn giáo đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của những người theo đạo đó! ... Và phần lớn, tôn giáo, tín ngưỡng ra đời phát xuất từ nhu cầu có thật của xã hội, chứ chẳng phải bỗng dưng mà thành! ... Nói chung, khi nào con người còn chưa thật sự giác ngộ, thì tôn giáo hay tín ngưỡng vẫn là chỗ dựa tinh thần không thể thiếu!

Nhưng mà, nếu người tu hành trong Phật đạo chỉ biết có một Đạo Phật, không tìm hiểu, tu học đúng với tinh thần giáo pháp thì, lợi ích không nhiều như mong muốn của giáo pháp! ... Thậm chí, chỉ sa đà vào chức năng tôn giáo, chính Đạo Phật đôi lúc lại đi ngược tinh thần giáo pháp!

Hỏi: Tau thấy nơi chùa am, người ta cũng đề ra khẩu hiệu “Duy Tuệ Thị Nghiệp”, tức là nơi đây ngoài việc đáp ứng yêu cầu của một tôn giáo, họ còn chú trọng đến việc dạy người giáo pháp!

Đáp: Tau cũng thấy như rứa! Biện pháp lồng ghép ni theo tau là đúng, không có gì để bàn! ... Nhưng, như hôm trước đã nói: “Đạo giác ngộ, phải được giảng dạy bởi những người giác ngộ, bây giờ người học mới có cơ may giác ngộ! Còn ngược lại, thì hòn than mô cũng đen thui như hòn than mô”! ... Thành ra, trước khi dạy người đạo giác ngộ, bản thân phải giác ngộ.

Nếu chưa giác ngộ, khi dạy người chỉ nên giảng dạy những điều căn bản của giáo pháp, không nên dạy những gì mà ta chưa thật sự thấu đáo, hoặc những thứ giáo pháp không có yêu cầu. Nhưng, phần lớn người dạy, sợ người nghe chê mình dốt, cao hứng, tỏ ra mình hiểu biết, nói những thứ mình chưa biết, chưa nắm vững, việc ni theo tau, chẳng những không đem lại lợi ích, mà có khi hại cả đôi bên! ... Vì rằng, trong giáo dục, dạy sai, dạy người cái mình không hoặc chưa biết, hoặc dạy ngoài giáo trình, là điều không thể chấp nhận!

Hỏi: Theo mi, những điều như rứa đã xảy ra hay chưa?

Đáp: Theo những gì tau biết, những điều như rứa xuất hiện nhan nhản! ... Tất nhiên theo tau nghĩ, “không phải mọi nơi đều như rứa”, nhưng cái “không phải mọi nơi đều như rứa” thì bản thân tau chưa thấy! Cũng như bản thân mình không thể thấy hết mọi nơi là điều chắc chắn! Nhưng, những gì tau thấy, tau nghe, tau chứng kiến thực tế là như vậy!

Tau chỉ cầu mong, trên cõi đời này, còn có những nơi Đạo Phật vừa mang hình thức tôn giáo nhằm giải quyết nhu cầu tâm linh cho người, vừa là nơi giúp người giác ngộ đúng như tinh thần giáo pháp là, “giải quyết sự u tối, triền phược của tâm thức!”.

Có làm được như thế, chuyện thịnh suy của giáo pháp, mới không còn là trăn trở của những người như tau, mi và con nhỏ ni!

Nguồn: Lý Tứ, CHUYỆN TRÊN MÂY Tập 1 - trích Bài 66, NXB Hà Nội, 2021

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 2
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG