Giải Quyết Nguồn Tâm

- Khi sự việc xảy ra, người đời giải quyết sự việc theo mong muốn của mình...
- Người tu hành thì ngược lại... Chỉ giải quyết tâm này chứ không giải quyết sự việc...
− Đối trước sự việc, nếu tâm này còn thấy đúng sai, phải quấy, tốt xấu, được mất... Thì phải biết: “Tâm này đang có vấn đề” và nhất định phải coi lại...
− Còn thấy đúng, sai, phải, quấy biết rằng tâm này đang mê... Vị nào sở hữu một “cái tâm như vậy, nhất định không thể phát sanh Vô Lậu Trí...”
- Giải quyết “nguồn tâm” bằng mấy cách?
Có hai cách để giải quyết rốt ráo một vấn đề đúng như pháp đó là:
1. Tâm Vô Sanh.
− Vị bằng hữu này không đem tâm câu hữu (dính dáng) đến sự việc, vì biết rằng sự việc và tâm chẳng có mối liên hệ nào. Vị này cũng biết rằng sự việc chẳng phải là tâm. Vì tâm mê nên Ngã sanh, dứt mê Ngã tự dứt. Ngã hư dối chính là cầu nối giữa tâm và sự việc...
− Thấy biết như vậy, vị tu hành này ở yên nơi Vô Ngã, không khởi Vọng Ngã đối phó sự việc. Ở yên như vậy, Phật Đạo gọi là Xa Ma Tha (đình chỉ vọng tâm). Thành tựu pháp này, chứng quả Vô Sanh (nhân vô ngã, đoạn Phiền Não Chướng)…
2. Pháp Vô Sanh.
Vị tu hành này tuy tâm đã yên ổn, nhưng nghĩ suy về sự việc chưa dứt trong lòng...
− Bây giờ vị này quán tiếp, nghĩ suy chẳng phải sự việc. Nếu ta tiếp tục nghĩ suy về nó, chính nghĩ suy cột trói ta. Vị này cũng biết rằng “nghĩ suy chẳng có tánh”, tức cái đúng chẳng ở nghĩ suy, cái sai chẳng ở nơi nghĩ suy, chỉ tại duyên mê mà hiện đúng sai.
− Quan sát như vậy, vị này bằng lòng “từ bỏ các niệm”. Tịch diệt vọng niệm, làm cho Pháp chẳng sanh... Thành tựu điều này, Phật Đạo gọi là Tỳ Bà Xá Na (Huệ Quán). Chỗ chứng gọi là Vô Sanh Pháp (Pháp không sanh). Phần này thuộc về Đoạn Sở Tri Chướng...
− Hai phần chướng là phiền não chướng và sở tri chướng đã đoạn xong. Gọi là thành tựu, hai vô ngã, nhân không pháp không, Vô Sanh Nhẫn và Vô Sanh Pháp Nhẫn... tùy chỗ đặt tên, bây giờ danh tướng không còn quan trọng...
− Thành tựu như thế, tâm vị này Bất Động như trụ đá, trí vị này như mặt trời... Trước muôn cảnh muôn duyên, không làm cho Tâm động lay, không làm cho trí mờ tối... Gọi là Bất động Giải thoát, chứng Diệt Đế...
− Như một cái cây giữa trời, khi cây này bị động lay, người có trí liền biết: Sở dĩ cây kia có động lay, là do một tác động nào đó, hoặc là tác động hữu ý, hoặc tác động vô tình...
− Tác động hữu ý là, có người cố tình lay động cái cây, tác động vô tình là có thể do gió, hoặc bầy chim bay đến làm ngọn cây lay động... Nếu cây kia không có những tác động này, cây sẽ Bất Động... Bất Động là điều hiển nhiên (tự tánh) của một cái cây...
− Đối trước sự việc, Sanh Tâm và Sanh Pháp là hai tác động làm cho tâm động lay, giống như cái cây bị động lay... Triệt tiêu những tác động đó, tâm dừng lặng, như cây dừng lặng... Tự tánh sẽ hiện!!!
(12-2011)
−−−••• ⁕ ⁕ ⁕ ⁕ •••−−−
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






