Giác Ngộ Được Gì Cho Hiện Tại Và Tương Lai? 

 0
Giác Ngộ Được Gì Cho Hiện Tại Và Tương Lai? 

− Hỏi:

“Cốt lõi của đạo Phật là Giác Ngộ, vậy giác ngộ để được gì cho hiện tại và tương lai? (Minh Quân)

- Đáp:

Để có thể giải đáp thoả đáng câu hỏi... Đầu tiên, chúng ta tìm xem hai chữ “Giác Ngộ” trong Phật đạo nhằm chỉ cho điều gì!!! ... Khi chúng ta hiểu rõ hai chữ này, việc Giác Ngộ sẽ được gì cho hiện tại và tương lai không khó giải quyết!!!

11.1.  Giác Ngộ là Gì?

Giác ngộ là thuật ngữ Phật Giáo, được dịch từ chữ Bodhi của Phạn văn là Bồ Đề, để chỉ sự thức tỉnh, chợt nhận ra một điều gì đó mà từ trước mình chưa nhận ra.

Thuật ngữ này (nguyên thủy) không hàm ý nói đến sự kế thừa của ý thức hoặc kinh nghiệm đời sống, mà nhằm chỉ sự bùng vỡ hoàn toàn của tri thức. Một khi tri thức vượt ra khỏi giới hạn chính mình, phá nát sự bao bọc che khuất chủ quan của ý thức và mọi thói quen nghe nhìn thẩm định của các giác quan được chỉ định bởi thức nghiệp. Khi không còn những thứ này bủa vây, người ta mới thật sự biết đến nó.

Vì thế, Giác ngộ hay Bohdi hoàn toàn mang ý nghĩa tự thân cảm nhận hay còn gọi là tự chứng... Sở dĩ nói tự thân cảm nhận, vì đây là một thứ cảm nhận đặc biệt mang nặng dấu ấn của trí tuệ hơn là sự nhận biết chủ quan của nghiệp thức phân biệt thông qua các căn. (Trích Phật Giáo Và Giác Ngộ; Anh Lạc Luận Tập I; NXB Dân Trí 2019; Lý Tứ)

  • Theo Tự Điển Phật Học Hán Việt của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Phân viện nghiên cứu Phật học (Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội) thì Giác 覺 bodhi (thuật ngữ): Tiếng Phạn là Bồ Đề, cách dịch cũ là Đạo, và cách dịch mới là Giác. Giác có hai nghĩa là Giác sát (xem xét hiểu biết) và Giác ngộ.
  • Theo Đại Thừa nghĩa chương, quyển 2 thì giác cũng có hai nghĩa: 1) Giác sát gọi là giác; 2) Giác ngộ gọi là giác, như người ngủ thức dậy. Giác sát là nhận ra các chướng phiền não.
  • Theo Từ Điển Phật Học của Ban biên dịch Đạo Uyển (Nhà Xuất Bản Tôn Giáo) thì danh từ Giác ngộ (覺 悟; S, P: Bodhi) được dịch nghĩa từ chữ Bodhi (Bồ-đề, tỉnh thức) của Phạn ngữ; chỉ trạng thái tỉnh thức.
  • Còn theo Tiểu Từ Điển Phật Học thông dụng của Thiện Nhựt Huỳnh Hữu Hồng thì, Giác cũng có hai nghĩa: 1) Nghĩa thông-thường, giác là hiểu-biết. 2) Nghĩa chuyên-môn trong Phật-học, giác là giác-ngộ, sự hiểu-biết chơn-chánh, thấu-đáo về lẽ sống chết và bản-thể chơn-thật của muôn pháp. Chữ giác dùng để dịch chữ Phạn Bodhi, Bồ-đề. Giác-ngộ (giác = biết; ngộ = hiểu rõ) = tình-trạng hiểu-biết thật rõ-ràng, chính-xác, đúng với Chơn-lý.
  • Theo Tác giả Thiều Chữu thì, chữ Giác và chữ Ngộ được định nghĩa như sau: Giác 覺: Hiểu biết, hiểu những điều không biết đến gọi là giác. Đạo Phật 佛 cốt nhất phải giác ngộ chân tính tỏ rõ hết mọi lẽ, cho nên Phật được gọi là Giác vương (覺王). Người học Phật được chứng tới quả Phật gọi là chánh giác 正覺. Ngộ 悟 là tỏ ngộ, biết. Trong lòng hiểu thấu gọi là ngộ, đọc sách hiểu được ý hay, gọi là ngộ tính 悟 性. Mở, bảo cho người biết tỉnh lại không mê muội nữa. (hết trích)
  • Tóm lại: Giác ngộ xét về mặt văn tự, thì đây là một cặp từ gồm hai từ. Đó là: Từ Giác (覺) có nghĩa hiểu biết, hiểu được những điều mà từ trước tới nay không biết gọi là giác; và từ Ngộ (悟) có nghĩa rõ biết như thật, như nhận ra một vật thể rõ ràng trước mắt.

11.2.  Giác Ngộ để được gì cho hiện tại... và tương lai?

Như vậy, ta có thể hiểu, hai từ Giác Ngộ trong Phật đạo, nhằm chỉ cho cảnh giới của một người tu hành đã trực nhận (giác) và thấy rõ (ngộ) những điều cần trực nhận và phải thấy rõ theo yêu cầu của giáo pháp!!! ... Giáo pháp có bốn yêu cầu, bắt buộc người tu hành phải trực nhận và phải thấy rõ, đó là:

1) Nhận ra bản chất (giác) và thấy rõ (ngộ) thiệt tướng của “Thân” (thân niệm xứ): Nhận ra bản chất và thấy rõ thiệt tướng của thân, người tu hành sẽ không còn bị thân trói buộc, thành tựu Sắc Giải Thoát, chấm dứt vĩnh viễn khổ, phiền não, v.v... khi thân chuyển biến theo quy luật sanh, lão, bịnh, tử...

2) Nhận ra bản chất (giác) và thấy rõ (ngộ) thiệt tướng của các “Cảm Thọ” (thọ niệm xứ): Nhận ra bản chất và thấy rõ thiệt tướng của các cảm thọ, người tu hành sẽ không còn bị các cảm thọ làm mê mờ, thành tựu Thọ Giải Thoát, chấm dứt vĩnh viễn khổ, phiền não, si mê, v.v... khi thân tâm bị tác động bởi những tác động không mong muốn...

3) Nhận ra bản chất (giác) và thấy rõ (ngộ) thiệt tướng của “Tâm” (tâm niệm xứ): Nhận ra bản chất và thấy rõ thiệt tướng của tâm, người tu hành sẽ không còn sinh các thứ tâm hư vọng, chấm dứt vĩnh viễn kiết sử (tham, sân si...). Lậu hoặc (dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu) không còn sanh khởi, hết u mê... Từ đó, thấy rõ bổn tâm, nhận ra bổn tánh (minh tâm, kiến tánh) ... Thành tựu hai đức tính cao quý của Niết Bàn (mà một người chưa giác ngộ không thể có), đó là an lạc và thanh tịnh...

4) Nhận ra bản chất (giác) và thấy rõ (ngộ) thiệt tướng của vạn “Pháp” (pháp niệm xứ): Nhận ra bản chất và thấy rõ thiệt tướng của vạn pháp, người tu hành sẽ không còn bị các pháp (quan niệm, khái niệm, nhận thức...) làm mê mờ... Chấm dứt vĩnh viễn vòng luẩn quẩn của thế gian đối đãi (nhị nguyên) như: Đúng, sai; phải, quấy; thiện, ác; hơn, thua; được, mất, v.v... Từ đó, không còn bị trói buộc bởi chúng sinh giới và khí thế gian (thân tài thế giới) ... Nhờ thế, trí tuệ chơn thiệt phát sinh, biết cách giúp mình và người (tự độ, độ tha) ra khỏi ngu, mê, lầm (giác ngộ, giải thoát, trí tuệ) ... Thành tựu hai đức tính cao quý còn lại của Niết Bàn (mà một người chưa giác ngộ không thể có) đó là thường và ngã!!!

Nói chung, một người có giác và có ngộ, hiện tại và tương lai vĩnh viễn hết “ngu, mê, lầm” (theo quan điểm Phật giáo) ... Thành tựu bốn mục tiêu của giáo pháp đề ra đó là: Hết khổ (ra khỏi tám món khổ nhân sinh). Dứt tập (không còn phiền não, kiết sử, lậu hoặc). Chứng diệt (an vui vĩnh hằng). Tu đạo (thành tựu chơn thiệt trí)!!!

Hy vọng những giải đáp trên, có thể giúp bạn hiểu ra Giác Ngộ là gì, và nó giúp được gì cho chúng ta trong hiện tại cũng như tương lai!!! ... Chúc bạn an vui!!!

(11-10-2019)

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 0
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG