Dừng Phân Biệt & Điều Không Thể Trở Thành Có Thể!

 0
Dừng Phân Biệt & Điều Không Thể Trở Thành Có Thể!

Các bạn!!!

Vừa rồi, mình có cuộc trao đổi bỏ túi với một số HĐ của chúng ta!!! Trong buổi sinh hoạt đó, có rất nhiều đề tài được đưa ra thảo luận và mọi người đều hoan hỉ!!!

Cuối buổi thảo luận, một số HĐ yêu cầu mình viết lại một trong những nội dung của buổi sinh hoạt, đó là: “Sự khác nhau giữa dừng phân biệt và tánh biết” để mọi người dùng làm tư liệu học tập và tham khảo!!! Đây là một trong những đề tài được mọi người tham gia sôi nổi trong buổi sinh hoạt hôm ấy!!! Sau đây là nội dung đề tài!!!

I. TẠI SAO NGƯỜI TU HÀNH TRONG PHẬT ĐẠO PHẢI DỪNG PHÂN BIỆT???

Dừng phân biệt là một trong những yêu cầu quan trọng của đạo xuất thế...  Và, hầu hết người tu hành đều nhận ra, phân biệt chính là tác nhân làm cho tâm thức không bình yên, từ đó những hệ quả ngoài mong muốn như.. khổ, phiền não, lậu hoặc, mê muội, v.v... xuất sinh!!!

Và, mọi người cũng nhận ra, đây cũng chính là lí do vì sao tâm thức không thể xa lìa cảnh giới thế gian ồn náo, để thành tựu cảnh giới vắng lặng của đạo xuất thế!!!

Yêu cầu quan trọng này, hầu hết được mọi người tu hành coi như yêu cầu số một cần phải giải quyết tận gốc... Từ đó, một số phép tắc tu hành được áp dụng...!!!

Thế nhưng, kết quả của những nỗ lực, cũng như các phép tắc tu hành có giúp vĩnh viễn dừng phân biệt hay không, có lẽ những ai đã từng áp dụng triệt để các phép tắc này sẽ tự có câu trả lời thỏa đáng nhất!!!

Và thông thường, câu trả lời sẽ là: “Trong lúc sử dụng các phép tu ấy, tâm thức tạm thời không phân biệt, ‘phiền não’, ‘lậu hoặc’ tạm thời không hiện khởi... Nhưng, đến lúc xả phép tu, trở về đời sống bình thường thì, mọi thứ đâu lại vào đấy, ‘tham sân’, ‘phiền não’, ‘lậu hoặc’ không hề suy giảm”...!!!

Với những người có công phu hàm dưỡng sâu dày, các phép tắc ấy cũng chỉ tịch diệt lâu hơn người bình thường (mới tu) một chút, nhưng tịch diệt hoàn toàn và vĩnh viễn thì không!!!

Ngày xưa, ngoại đạo phần lớn gồm những người hy sinh một đời, lên tận rừng sâu núi thẳm, chuyên tâm thiền định... Nhưng cho dù rất nỗ lực, cảnh giới cuối cùng họ đạt được để ngăn chặn “tưởng phân biệt” cũng chỉ là “phi tưởng phi phi tưởng”... Tức, lúc trong định thì không tưởng, nhưng xả định hoặc bất giác, lập tức “tưởng phân biệt” xuất hiện!!! Vì sao nó lại như vậy???

Để có thể nhận ra sự thật này, đầu tiên chúng ta phải xét đến cơ chế vận hành tâm thức của một hữu tình, cũng như hiểu rõ sự khác biệt của cảnh giới thế giancảnh giới xuất thế... Nếu, thấu suốt hai điều trên, việc giải quyết để tâm thức dừng phân biệt vĩnh viễn không còn là chuyện khó khăn!!! Một điều tưởng chừng như “không thể” sẽ trở thành “có thể” một cách dễ dàng!!!

II. CƠ CHẾ VẬN HÀNH TÂM THỨC CỦA MỘT HỮU TÌNH!!!

  • Tâm thức hữu tình được hình thành bởi một tổ hợp gồm bốn món là thọ, tưởng, hành, thức... bốn món ấy tồn tại

và được nuôi dưỡng trong sắc thân!!!

  • Năm món “sắc, thọ, tưởng, hành, thức” nương tựa và hỗ trợ lẫn nhau, cho ra một đời sống đích thực!!!
  • Khi nào, một trong năm món nói trên vượt quá “sự bình thường” vốn dĩ của nó, lập tức tâm thức bị dao động!!! Dấu hiệu của sự dao động tâm thức đó là: Phân biệt, khổ vui, phiền não, lậu hoặc, tham sân, v.v... xuất hiện!!!

II.1. Vì sao Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức lại có sự dao động?

Như mọi người đều biết, một hữu tình sinh ra trong thế giới này... Việc đầu tiên của hữu tình ấy cần phải quan tâm đó là “duy trì sự sống”!!!

Để có thể duy trì sự sống, ngoài việc giữ cho sắc thân tồn tại theo đúng quy luật... Hữu tình đó còn phải học tập thường xuyên để sở hữu một khối lượng tri thức nhất định... Khối lượng tri thức này, ngoài việc giúp tránh được những rủi ro trong đời sống, nó còn giúp đời sống thăng hoa và tạo nên xã hội văn minh!!! Đây là sự nuôi lớn hữu ích về hai mặt “vật chất và tinh thần”!!!

Thế nhưng, lẽ ra tiếp nhận tri thức để đời sống được thăng hoa trong an ổn tĩnh lặng thì, chính những bức ngặt và tác động tiêu cực của cuộc đời, bây giờ hữu tình không dừng lại trong việc tiếp nhận tri thức như một công cụ giúp hữu tình đó thăng hoa trong an ổn và tĩnh lặng...

Ngược lại, để đối phó với những tác nhân bên ngoài, cũng cố vị trí, thỏa mãn những lợi ích cá nhân trong xã hội, tri thức bây giờ trở thành một trong những khí cụ của sự chiếm hữu... Từ đó, đấu tranh, hơn thua, phân biệt hình thành... Bản chất của tri thức mặc nhiên biến tướng, thoát khỏi sự tốt đẹp bản nhiên của nó để trở thành “túi khôn” nhằm phục vụ cho ý đồ riêng tư của người đời!!!

 “Ý đồ riêng tư”, là giềng mối và là nguyên nhân của mọi nguyên nhân khiến một tâm thức đang bình lặng trở nên dao động... Từ đó, phân biệt, bất an, phiền não, tham sân, lậu hoặc, v.v... xuất hiện!!! Điều này làm cho sắc, thọ, tưởng, hành, thức từ bình thường, trở nên bất bình thường, vượt quá bản chất tự nhiên vốn dĩ của nó!!! Đây là lí do vì sao, Phật dạy trong kinh Tiểu Bộ như sau: “Những ai còn tư niệm, tư lường, thầm ý... Đây là cảnh sở duyên cho thức an trú... Thức an trú, thức tăng trưởng... Thức tăng trưởng, thức chọn lựa...”!!!

Chính tư niệm, tư lường, thầm ý từ những suy nghĩ tiêu cực của một “ý đồ riêng tư” đã làm cho tâm thức của một hữu tình xa rời bản lai thanh tịnh vắng lặng của nó... Biến tâm thức đang là một quốc độ vô sanh trở thành thế gian hữu sinh hữu diệt!!!

II.2. Sự Khác Biệt giữa Thế Gian và Xuất Thế Gian!!!

Như mọi người đều biết, cuộc sống này, thế giới này... bản nguyên tự nó chẳng phải là thế gian hay xuất thế!!!

II.2.a. Nguyên Lí Hình Thành “THẾ GIAN GIỚI”!!!

Trong quá trình tồn tại và trưởng thành của một hữu tình như đã nêu ở phần trên, đã khiến hữu tình ấy không giữ được cái bình lặng bản nhiên của mình do những “ý đồ riêng tư”... Từ đó, tri thức mà hữu tình ấy học tập, tích luỹ đã biến tướng, trở thành khí cụ chiếm hữu!!!

Chính sự biến tướng của tri thức... bây giờ tri thức trở thành tác nhân gây nhiễm ô tâm thức... Tâm thức bị nhiễm ô, mê mờ là việc không thể tránh khỏi... Từ đó, ngã và ngã sở xuất hiện... Ngã và ngã sở xuất hiện, năng thủ sở thủ xuất hiện... Năng thủ sở thủ xuất hiện, sở tri chướng xuất hiện... Sở tri chướng xuất hiện, phiền não chướng xuất hiện... Phiền não chướng xuất hiện, lậu hoặc xuất hiện... Lậu hoặc xuất hiện, thế gian giới xuất hiện... Thế gian giới xuất hiện, đạo xuất thế xuất hiện!!!

Quy trình nói trên, giống như một người sáng mắt, tự lấy tấm vải màu đen bịt kín hai con mắt... Khi hai con mắt đã bị bịt kín, u tối, mất phương hướng, vấp ngã, thương tích, oán than, đau khổ... xuất hiện chỉ là hệ quả tất yếu!!!

Quy trình nhiễm ô vừa nêu, đã được kinh Thủ Lăng Nghiêm khái quát thông qua năm giai đoạn có tên là Ngũ Trược, đó là: “Kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sinh trượcmạng trược”!!!

Năm món trược nói trên trở thành đời sống, lập tức thế gian

giới hình thành trong tâm thức... Thế gian giới hình thành, tâm thức của hữu tình phải gánh chịu những thuộc tính không mong muốn và bất như ý từ nhiễm ô là một tác động tự nhiên... Điều này giống một nguồn nước đã bị nhiễm ô, các loài thuỷ tộc sống trong ấy không thể tránh khỏi sự huỷ hoại của nguồn nước bẩn thỉu!!!

II.2.b. XUẤT THẾ GIAN Là Gì???

Xuất thế gian hay xuất thế gian giới là một khái niệm vừa mơ hồ, vừa hiện thực trong triết lí đạo Phật!!!

Đối với người chưa giác ngộ, khái niệm xuất thế là những gì rất mơ hồ, người ta chỉ có thể hiểu biết cảnh giới này qua việc tưởng tượng khi được nghe hoặc đọc các tư liệu Phật học!!! Vì nó chỉ là sản phẩm của tưởng tượng, nên mơ hồ, không chính xác và thiếu nhất quán khi mọi người biểu đạt về nó!!!

Đối với người giác ngộ, đây là cảnh giới thực chứng từ sự giác ngộ chắc thiệt... Cho nên, những người đã từng thâm nhập cảnh giới này đều rất thông hiểu những gì người cùng cảnh giới tuyên thuyết!!! Sự tuyên thuyết về cảnh giới xuất thế của những người giác ngộ luôn luôn hàm ý những gì hiện thực, chắc thật và nhất quán!!!

Xuất thế trở thành “văn hoá sống” của những người giác ngộ, nó không hề mơ hồ hay chỉ là một sản phẩm của “sự tưởng tượng” hoặc “ảo giác”!!!

Xuất thế là cảnh giới thực chứng, là một loại văn hoá... Nên nó bao gồm những đặc tính bất di bất dịch, đó là: Vô phân biệt, thường an vui, thường thanh tịnh, tâm thức vắng lặng, thích độc cư, chán ồn náo, không ghét ganh, không đố kị, không tham lam, ham học tập, ưa trí tuệ, không bốn tướng, không bốn bịnh, xa rời tứ cú, v.v...!!!

Nói chung, cảnh giới xuất thế có những đặc tính rất riêng mà người chưa giác ngộ, còn trong thế gian giới rất khó có thể cảm nhận hay hưởng dụng!!!

Khi nghe đến cảnh giới xuất thế hay vô lậu, người ta thường nghĩ ngay đến một thế giới vật lí xa xăm nào đó mà một người bình thường không thể đến được!!!

Suy nghĩ như thế hoặc tương tự như thế, là những suy nghĩ sai lầm về bản chất đích thực một cõi nước xuất thế do Phật pháp tuyên thuyết!!! Thậm chí những suy nghĩ như thế không làm cho ta tiến vào đạo xuất thế để thành tựu đạo quả hay cảnh giới xuất thế, mà còn đi ngược lại nhân sinh quan và vũ trụ quan của Phật đạo, gọi chung là Phật pháp!!!

Như đã nói ở phần trên, trong cuộc sống này, thế giới này, tâm thức này... Bản lai nó chẳng phải là thế gian hay xuất thế!!! Tự các thứ ấy chẳng là pháp và vĩnh viễn không bao giờ trở thành một pháp, nên tự nó không tánh, không tướng, không sanh, không diệt, không cấu, không tịnh, không tăng, không giảm, vô sở đắc, vô sở cầu, vô tác, vô nguyện, v.v...!!!

Thế nhưng, từ khi hữu tình sinh ra, tồn tại và tiếp nhận các tri thức hữu ích... “Sắc, thọ, tưởng, hành, thức” của hữu tình lập tức bị dao động do những “ý đồ cá nhân”, từ đó mê muội, ngã, phân biệt, tự tướng cộng tướng... sinh khởi!!!

Những thứ nói trên sanh khởi, hữu tình bị cột chặt vào đó, không thể tự mình thoát ra... Giống như một người ngồi trong thau không thể tự nhấc cái thau lên... Hoặc con người không thể nắm tóc của mình để nhấc bỗng bản thân lên khỏi mặt đất!!! Khi tâm thức bị các sự tình vừa nêu cột chặt và che mờ... Phật đạo gọi những tâm thức như vậy là tâm thức thế gian hay thế gian giới!!!

Ngược với thế gian giới, những người may mắn giác ngộ, cũng những thứ ấy, cũng đời sống ấy, cũng những tri thức ấy, v.v... Nhưng họ nhận ra đúng bản chất của nó, không bị các thứ ấy làm nhiễm ô hay trói buộc... Sắc, thọ, tưởng, hành, thức được trả về đúng bản nguyên “vô uẩn, vô ấm”... Phật đạo gọi các tâm thức như vậy là người thành tựu đạo xuất thế hay giải thoát khỏi thế gian giới!!!

Tóm lại, thế gian hay xuất thế là kết quả của nhận thức chứ chẳng phải việc gì ghê gớm, cao siêu, hay xa vời... Xuất thế thực chất chỉ là kết quả của nhận thức và sống đúng với nhân sinh quan, vũ trụ quan Phật đạo!!! Những ai không thông hiểu, không thực hiện đúng với Phật pháp, bị trói buộc và sống bởi các quan niệm thế gian... Phật đạo gọi đó là người đang kẹt mắc trong thế gian giới!!!

II.2.c. THẾ GIAN VÀ XUẤT THẾ - CẢNH GIỚI NÀO ƯU VIỆT HƠN???

Khách quan mà nói, khi bình tâm, lặng lẽ quan sát hai cảnh giới thế gian và xuất thế... Người viết không hề thấy cảnh giới nào ưu việt hơn cảnh giới nào!!!

Trong cuộc sống, mỗi người, mỗi loài đều có niềm tin, hạnh phúc, lí tưởng, mục tiêu riêng... Những gì phù hợp với niềm tin, lí tưởng, hạnh phúc, mục tiêu của họ thì, cái ấy trở thành ưu việt nhất đối với họ!!!

Điều này giống như chuyện con nai và con cá... Nghiệp quả đã sanh ra hai loài như thế, một loài được nuôi lớn bằng văn hoá sơn lâm, một loài được nuôi sống bằng văn hoá thuỷ tộc!!! Hạnh phúc của con nai là được thong dong giữa đại ngàn, hạnh phúc của con cá là được tung tăng bơi lội trong biển cả mênh mông!!! Con nai sẽ đau khổ nếu một ngày nào đó phải từ bỏ đại ngàn đặt chân xuống biển và con cá thì ngược lại!!!

Con người sinh ra trên đời cũng như thế... Có người thích giàu sang, quyền thế, mặc dù phải cam chịu khổ sở để đánh đổi ước nguyện của mình!!! Có người lại thích an nhàn, vắng lặng thì lại ưa đạo xuất thế, chán bỏ thế gian!!! Từ những ước nguyện khác nhau, ý chí khác nhau... Không thể nói trên đời, thế gian và xuất thế cảnh giới nào ưu thắng hơn!!!

III. DỪNG PHÂN BIỆT CÓ PHẢI BỊ RƠI VÀO TÌNH CẢNH VÔ Ý THỨC???

Có rất nhiều người tỏ ra lo ngại, họ cho rằng “một người không còn phân biệt, sẽ rơi vào tình cảnh vô ý thức hay tâm thức bị đoạn diệt”!!!

Tất nhiên, lo ngại này không phải không có lí của nó... Nhưng, đây là cái lí của những người luôn sống trong phân biệt, chưa từng dứt phân biệt và không hiểu rõ cơ chế hoạt động của tâm thức!!!

Người ta không biết rằng, tâm thức một hữu tình tồn tại và vận động thông qua hai cơ chế vận hành, đó là “tri giác”...!!!

  • Tri, là cái biết do huân tập, học hỏi: Giống như một đứa trẻ, sinh ra và lớn lên, đứa trẻ học tập những gì xảy ra chung quanh, nhà trường, xã hội cùng kinh nghiệm sống!!! Khối lượng tri thức này được đứa trẻ ấy ứng dụng vào đời sống và trở thành nhân cách của chính nó!!!
  • Giác (tánh giác), là cái biết bản nhiên: Cái biết này một hữu tình tự có (thường hằng)... Khi cái biết chạy vào con mắt, cho ra cái thấy và cái biết của sự thấy... Khi chạy vào lỗ tai, cho ra cái nghe và cái biết của sự nghe... Ngửi, nếm, xúc chạm và nghĩ suy đều nằm trong cơ chế hoạt động như vậy!!!

Nếu không có giác và tri, hoặc giác và tri vắng mặt trong sắc thân, bây giờ hữu tình không còn là hữu tình mà trở thành vô tình... Gọi là “vô tri vô giác”!!! Đây là hình ảnh của một người đã chết, ngất xỉu, bất tỉnh hay ngủ mê!!!

Trong quá trình sống, tri và giác hỗ trợ lẫn nhau giúp hữu tình đó hoàn thiện bản thân trong điều kiện tri không làm nhiễm ô giác!!! Nhưng thực tế như đã trình bày ở trên... Vì “ý đồ cá nhân”, vị hữu tình này quá coi trọng tri thức cùng các món đi kèm là sắc thọ, tưởng, hành... Từ đó, hữu tình ấy mê năm món nói trên và lấy sắc, thọ, tưởng, hành, thức làm ta, làm ngã của ta và làm tự ngã của ta... Khiến tri trở thành tác nhân làm nhiễm ô giác!!!

Để cảnh báo sự mê mờ, nhiễm ô và cột trói tai hại này, bài thuyết pháp đầu tiên tại vườn Lộc Uyển, Phật đã đưa ra một thông điệp mạnh mẽ để cảnh báo sự nguy hại của nhầm lẫn ấy... Đó là:

Không lấy sắc làm ta, làm ngã của ta, làm tự ngã của ta... Diệt sắc vô thường, sẽ được sắc giải thoát, thường trụ... Thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như vậy”!!!

Khi tri nhiễm ô giác, trong mọi đối đãi, hữu tình ấy dùng tri như một lợi thế phân biệt để thoả mãn thấy nghe... để rồi thấy, nghe, hay, biết không ra khỏi vòng cương toả của tri... Kết quả là, hữu tình bây giờ trở thành kẻ nô lệ cho tri, từ đó phiền não, lậu hoặc, tham sân, trói buộc, v.v... hiện khởi!!!

Phật đạo đã nhìn thấy sự nô lệ này, và cũng nhìn thấy sự biến tướng của tri thức... Để ngăn chặn sự nhiễm ô không đáng có nêu trên và giúp giác (tánh giác) phát huy diệu dụng của nó... Phật đạo chỉ ra rằng, dừng phân biệt chính là yếu tố then chốt giúp tâm thức dần dần thoát khỏi ràng buộc của tri, để đưa đến sự thanh lọc cuối cùng là, tri mất khả năng làm nhiễm ô giác... Hành động đó, còn bao gồm công việc trả lại cho tri thức giá trị tối thượng, đúng với bản chất tốt đẹp của nó là làm cho đời sống thăng hoa!!!

Thành ra dừng phân biệt bằng con đường giác ngộ đúng bản chất [hay thiệt tướng] của tri thức (vạn pháp), sẽ không làm cho người ta rơi vào tình cảnh vô ý thức hoặc đoạn diệt, mà đây là hành động phát huy tích cực sức mạnh thấy biết trong sạch, tĩnh lặng của tánh giác!!!

Điều trên, giống như nguồn nước bị nhiễm ô bởi bụi đất từ hai bờ, người ta lọc sạch những thứ bị nhiễm ô, để trả lại sự trong sạch đúng bản chất của nước, chứ không phải huỷ diệt tất cả những gì hiện hữu hai bên bờ!!!

Giống như một người mắt sáng, đeo cặp kiếng màu đen... Vị ấy chấp nhất vào những gì mình đã thấy, cho rằng thế giới này chỉ toàn một màu đen... Chỉ cần người ấy bỏ đôi kiếng ra khỏi cặp mắt, hình ảnh trung thực của thế giới sẽ hiện ra rõ rệt!!! Như vậy, để thấy màu sắc thật sự của thế giới, người ấy bỏ cặp kiếng xuống hay huỷ diệt tất cả những gì đã thấy từ cặp kiếng màu đen mang lại!!!???

Và khi cặp kiếng không còn, cái thấy người ấy trung thực hơn, sáng tỏ hơn hay rơi vào tình trạng vô ý thức hoặc đoạn diệt???!!!

Tóm lại, dừng phân biệt bằng cách giác ngộ đúng bản chất của các pháp, chính là một trong những hành động quan trọng đầu tiên để thoát khỏi mọi mê lầm, trói buộc, phiền não, lậu hoặc, tham sân, v.v... giúp người tu hành bước tới những giác ngộ cao hơn, sáng suốt hơn của cảnh giới xuất thế!!! Từ đó, người tu hành sẽ cảm nhận cho đến thông suốt lời dạy đầy đủ tính chân lí của Phật, đó là: “Hết thảy pháp, đều là Phật pháp”!!!

IV- GIẢI PHÁP NÀO ĐỂ VĨNH VIỄN DỪNG PHÂN BIỆT???

Đối với người tu hành trong Phật đạo, có rất nhiều giải pháp giúp dừng phân biệt, ta quen gọi đó là phương tiện!!!

Thế nhưng, một thực tế không thể chối cãi, các phương tiện hay phép tắc tu tập đều mang tính nhất thời, chỉ giúp người tu hành dừng phân biệt khi phép ấy được ứng dụng trong lúc hành trì, và không hiệu quả khi tiếp xúc thế giới bên ngoài!!! Có nghĩa rằng, mọi phương tiện của thế gian không thể giúp người vĩnh viễn chấm dứt phân biệt (trong mọi hoàn cảnh)!!! Vì sao nó lại như vậy???

Vì rằng, không phân biệt là cảnh giới vô lậu, xuất thế... Mà, các phép tu tập đều là các pháp làm ra của thế gian hữu lậu... nên nó không thể trở thành đạo lộ xuất thế và chẳng bao giờ đảm đang nổi sứ mệnh đưa người vào cảnh giới xuất thế!!!

Bởi lẽ, cái gốc của phân biệt là do nhận thức mê lầm, không thấu suốt bản chất của các pháp... Từ đó, bất giác trước muôn pháp là điều hiển nhiên!!! Bất giác cùng phân biệt như bóng với hình, bất giác là hình, phân biệt là bóng, một cái là thể một cái là dụng... Cái này sanh nên cái kia sanh!!!

Để giải quyết rốt ráo phân biệt, ta không thể tịch diệt cái bóng cây trong khi cái cây vẫn còn đó!!! Khi không đủ duyên, bóng cây mất... đủ duyên bóng cây nhất định sẽ hiện!!! Các phép tắc làm ra của thế gian pháp chỉ có thể cho phép dừng các duyên để bóng cây không hiện trong thời gian dụng công... Về lâu về dài hoặc khi tiếp xúc ngoại duyên, cái cây (bất giác) còn đó, nhất định bóng của nó sẽ hiện!!! Đây là sự thất bại tất yếu khi dừng phân biệt từ các phép tu thế gian!!!

Như vậy muốn vĩnh viễn dừng phân biệt, chỉ có con đường duy nhất đó là giác ngộ, tức là tịch diệt nguyên nhân làm cho phân biệt sinh khởi!!! Có hai điều cơ bản, khi giác ngộ sẽ tịch diệt hoàn toàn phân biệt, hai điều đó là:

1) Giác ngộ bản lai một hữu tình không tâm!!!

2) Giác ngộ các pháp không tánh, chỉ do mê sanh!!!

  • Giác ngộ bản lai hữu tình không tâm, sẽ nhận ra các thứ tâm hư vọng đang hiện khởi, từ đó sẽ không trụ nơi thấy nghe để sinh tâm!!! Giác ngộ điều này, là cách tốt nhất để thực hiện thành công lời dạy của Phật: “Bất ưng trụ sắc sinh tâm, bất ưng trụ thinh, hương, vị, xúc, pháp sinh tâm”!!!
  • Giác ngộ các pháp không tánh, chỉ do mê sanh... Ý thức sẽ tự dừng sinh pháp khi đối trước nội trần hoặc ngoại trần!!! Giác ngộ điều này, sẽ cảm nhận đầy đủ lời dạy của Phật: “Ta dùng Phật nhãn, quan sát hết thảy địa đại, sông ngòi, tinh tú, nhật nguyệt, hữu tình, vô tình, v.v... không một pháp có được”!!!

Khi giác ngộ hai điều trên, cơ sở để làm nên phân biệt đó là bất giác sẽ tịch diệt hoàn toàn!!! Bất giác diệt, phân biệt sẽ tự tịch diệt!!!

V- MỘT VÀI HỎI ĐÁP TIÊU BIỂU TRONG BUỔI SINH HOẠT!!!

1. Hỏi: Làm thế nào để nhận ra bản thân đã hoàn toàn dừng phân biệt, trong lúc thấy nghe vẫn hiện hữu???

1. Đáp: Khi nào bản thân (của ông) có thể tự đưa ra định nghĩa hoàn hảo nhất về hai điều, đó là: “Thế nào là phân biệt”, và “thế nào là cái biết của tánh giác”!!!

2. Hỏi: Thế nào là “ngũ uẩn giai không”???

2. Đáp: 1, 2, 3, 4, 5 có khác 0 hay không???

─ Bản chất của những con số không khác nhau!!!

⁕ Nếu sau mỗi con số ta thêm một đại lượng, như đồng hoặc con... Bây giờ 1, 2 hoặc 1con hay 2con có khác 0 hay không???

─ Tất nhiên là khác, vì đại lượng là thứ có thể cân, đong, đo, đếm... nên nhất định nó khác không!!!

⁕ Sắc, thọ, tưởng, hành, thức có khác 0[1] hay không???

─ Bản chất của năm món ấy không phải là pháp uẩn (đại lượng), nên nó chẳng khác 0!!!

⁕ Nếu ta thêm đằng sau năm món ấy các đại lượng như ấm, uẩn... Thì năm món ấy có khác 0 hay không???

─ Khi năm món ấy trở thành năm đại lượng, nhất định nó sẽ khác 0!!!

⁕ Như vậy ngũ uẩn và ngũ uẩn giai không là như thế nào, ông đã hiểu ra chưa???!!!

─ Đã hiểu!!!

⁕ Hiểu điều gì???

─ Phải dùng trí tuệ xuất thể để thấy cho được rằng, sắc, thọ, tưởng, hành, thức bản chất của nó không phải là một đại lượng và vĩnh viễn không bao giờ là đại lượng (ấm, uẩn)!!! Trừ... kẻ... mê ưa phân biệt!!!

3. Hỏi: Một số người, khi chưa tu học, chỉ chấp nhất những điều nhỏ nhặt của thế gian...Vì sao, sau khi tu học, chấp nhất của họ có thêm những thứ thuộc về đạo (tăng lên một cách đáng ngờ)??? Đây có phải là chủ trương của đạo giải thoát hay không???

3. Trả lời: Đạo giải thoát không chủ trương dạy người chấp nhất, cho dù chấp nhất những điều của đạo và thuộc về đạo... Có lẽ các vị ấy nhận thấy chấp nhất ở đời chưa đủ, nên họ học thêm các thứ chấp nhất của đạo để làm giàu sự chấp nhất!!!

4. Hỏi: Có một số người không giác ngộ, bản thân họ cũng biết mình không giác ngộ... Nhưng để loè thiên hạ, họ học các câu nói của những người giác ngộ, và luôn chứng tỏ cho mọi người biết mình là người đã giác ngộ!!! Xin hỏi, có cách gì kiểm chứng hay phát hiện đó là người đang xài “hàng nhái” hay không???

4. Đáp: Giống như muôn thú, mỗi loài có một thứ ngôn ngữ riêng, văn hoá riêng và tập tính sinh hoạt riêng... Loài thú khác không thể bắt chước hoàn toàn những thứ ấy!!! Vì thế, chỉ cần nghe giọng nói, thời điểm nói, tập tính sinh hoạt hay văn hoá ứng xử... Người tinh ý, sẽ nhận ra đó là “hàng thật” hay “hàng nhái”, mà không cần đến chuyên môn của Quản Lý Thị Trường!!!

Chúc mọi người an vui, tinh tấn!!!             

(12-02-2020)

[[1]0: chỉ là một ký tự số

Bạn cảm nhận bài viết thế nào?

Thích Thích 0
Không thích Không thích 0
Yêu Yêu 0
Buồn cười Buồn cười 0
Tức giận Tức giận 0
Thất vọng Thất vọng 0
Ấn tượng Ấn tượng 0
Văn Hoá Phật Giáo Đạo tràng Văn hoá Phật giáo "Hương Sắc Bồ Đề" là nhóm phật tử, nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức yêu mến Văn hóa Phật giáo, cùng tham gia học tập Phật đạo và lan tỏa Văn hóa Phật giáo vào đời sống thông qua các loại hình nghệ thuật: văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, biểu diễn, điện ảnh, với tinh thần Sáng Đạo Trong Đời - Mang yêu thương và ước mơ đến những nơi xa nhất; Nội dung: TUỆ QUANG - Biên tập: LÝ HUYỀN KHÔNG