Chìa Khóa… Trao Tay

Các bạn!!!
Mình nhận được hai câu hỏi của một HĐ. Đó là:
- Thế nào là lời nói, chỉ nhằm thoả mãn người nghe???
- Thế nào là chiếc chìa khoá của Phật Đạo, và cách trao chiếc chìa khoá cho người???
Xin trả lời hai câu hỏi như sau:
1) Lời nói chỉ nhằm thoả mãn người nghe là: Cách nói, cách đặt vấn đề theo kiểu thế gian đánh vào tâm lý. Lời nói thuận tâm ý người nghe, đúng tâm trạng, khiến người nghe vui vẻ trong nhất thời, lời nói chiều lòng người, thuận theo sở thích của người mà tán thán, mà vuốt ve, cứ theo thế pháp giải bày, không y như chân lý để tuyên thuyết.
Người nghe có cảm giác người kia hiểu và đồng cảm với mình, lầm nhận như vậy rồi an vui. Việc làm này không giúp người như pháp mà giác ngộ. Phép này có nhiều lỗ̃i lầm, giống như người rành tâm lý, dùng tâm sự ở đời đánh lạc hướng cái khổ trước mắt, giống như đi xem hát để hết buồn, chỉ tạm trong giây lát, không vĩnh viễn đoạn tận khổ phiền não.
2) Trao chìa khoá là, chỉ cho người thấy cái sai của họ đối với đạo giải thoát, chỉ cho họ thấy nguyên nhân không thanh tịnh, chỉ cho thấy cái gì là kiết sử là trói buộc, và giúp họ tự thoát ra. Giúp họ thấy và tự mình thoát ra những cột buộc để tự cởi trói, tự hết phiền não, tạm gọi là trao chiếc chìa khoá. Giống như người bệnh, được Thầy thuốc bắt mạch kê toa để người đó tự mua thuốc uống.
Hai món này trong Phật Đạo có thể tạm sử dụng cùng lúc trong một đương cơ nào đó. Có nghĩa, bước đầu tạm chấp nhận một số nghĩ suy của người, để có cơ hội gần gũi. Sau đó phải đem giáo pháp diệt khổ, tức chiếc chìa khoá trao cho người.Nếu chỉ làm cho người vui lòng, bằng lòng, hoan hỷ với những đồng thuận của hai bên, mà không trao chiếc chìa khoá chánh lý để người tu tập dứt khổ phiền não thì, cách làm này trở thành ác pháp, trở thành bất thiện pháp, trở thành thế pháp. Cách làm đó hoàn toàn không được chấp nhận trong giáo pháp của Đức Phật.
Ví dụ: Khi gặp chàng trai Thi Ca La Việt, đang thực hành việc lễ lạy sáu phương mỗ̃i ngày, theo ý nghĩa thế gian do người cha truyền lại. Cách lạy này, không có ý vị giải thoát, không thanh tịnh, không chân lý, không có cơ hội vĩnh viễn diệt khổ. Lúc đầu, Đức Phật tạm chấp nhận những gì Thi Ca La Việt hiểu biết và thực hành. Nhưng sau đó, khi đã thân thiện, có sự cảm thông, bây giờ Đức Phật mới đưa những ý nghĩa chân chánh vào mỗ̃i lạy. Nhờ các ý nghĩa Phật đã dạy, chàng trai này nhân cái lạy với ý nghĩa thắng diệu, được nhiều lợi ích.
Nói chung có nhiều cách, cho dù cách nào thì, cuối cùng cũng phải chỉ ra: “nguyên nhân đem đến khổ đau, và dùng cách nào để diệt khổ”. Cụ thể, những gì người ấy đang hiểu, người ấy đang thấy, hoàn toàn hư vọng. Vì hư vọng nên mới có khổ đau và cột trói, muốn hết khổ đau, cột trói, phải có nhận thức như pháp để dừng những thấy biết nghĩ suy hư vọng này. Làm được như vậy, tạm gọi là đưa cho người chiếc chìa khoá. Có chiếc chìa khoá chánh pháp, người sẽ từ bỏ tà kiến, từ bỏ hư vọng kiến, từ bỏ đảo kiến, để có được chánh kiến.
Có bốn chiếc chìa khoá là bốn đế, không trao cho người thứ lớp từng chiếc một để người tự mở cửa Niết Bàn. Cho dù có nói hay, nói giỏi, nói nhiều người nghe, cũng không phải là mục tiêu của Phật đạo. Mục tiêu của Phật đạo là “chìa khoá trao tay”, hãy trao cho người lần lượt bốn chiếc chìa khoá của bốn đế, không cần nói hay, không cần nói giỏi, không cần nhân danh, Phật giáo đích thực cũng sẽ tự hiện.
20-10-2013
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






