Chỉ Thú Cốt Lõi Kinh Diệu Pháp Liên Hoa

Các bạn! ... Nhận ra chỉ thú cốt lõi của Kinh Diệu Pháp Liên Hoa hay bất kì chỉ thú cốt lõi của một bộ kinh nào đó, các bạn sẽ thấy, cho dù mỗi một bộ kinh có một chỉ thú khác nhau, hoàn cảnh ra đời, mức độ cạn sâu của từng bộ kinh không giống nhau, nhưng tất cả đồng quy về một mối, đó là giải quyết rốt ráo bốn giai đoạn của Tứ Đế!
Có nhận ra tính nhất quán trong hệ thống kinh điển Phật Giáo, ta mới thấy rằng, lời dạy của Thế Tôn: “Như Lai thuyết pháp; thượng, trung, hạ đều thiện”. Lời dạy này, chính là hình mẫu cho thấy cứu cánh ba thừa hay nhất thừa tuy sâu cạn có sai khác, nhưng cùng đi trên con thuyền chân lý. Con thuyền chân lý đó, đã được Thế Tôn khái quát trong câu nói: “Như một đĩa mật, cho dù một người ăn trọn đĩa mật, hay người liếm mép đĩa, vị ngọt của mật cũng không khác”!
Vị ngọt của đĩa mật Niết Bàn, được người tu hành hưởng dụng ngay từ lúc sơ ngộ cũng chẳng khác vị ngọt của đĩa mật Niết Bàn đối với người liễu ngộ. Có nghĩa rằng, từ những lời pháp đầu tiên cho ra những nhận thức đầu tiên, hương vị thanh lương, an ổn từ sự dứt trừ những khổ nạn đầu tiên; chẳng khác hương vị thanh lương, an ổn của những đạo quả sâu hơn!
Điều này, cho phép chúng ta có thể lý giải, vì sao một người tu đúng chánh pháp, chỉ cần thể nhập quả vị Nhập Lưu, từ đó con thuyền của vị ấy cứ một đường, xuôi dòng chảy thẳng về đạo quả giải thoát rồi đi xa hơn, mà không hề tấp vào các bến bờ kiết sử. Sự vi diệu của chánh pháp ẩn chứa trong tính nhất quán này! Và điều này, cũng cho phép chúng ta nhận ra rằng, những ai tu hành trong Phật đạo, mà con thuyền của họ còn ghé vào cồn bãi ba cõi, nhất định con thuyền mà người đó đang nương tựa, có thể không phải là con thuyền chánh pháp. Vì rằng, con thuyền chánh pháp, ngay khi vừa rời bến, nhận thức đầu tiên của nó là: “Chỉ cập vào bến bờ vô lậu”.
Trong quá trình chuẩn bị các câu hỏi, mình thực hiện ý tưởng: “làm thế nào chỉ trong vòng vài ba câu hỏi đặt ra, khi thông suốt, các bạn có thể tìm thấy đạo lộ tốt nhất tiến về Vô Thượng Quả thông qua Diệu Pháp Liên Hoa!” Tuy nhiên, với bộ kinh giáo Bồ Tát như Diệu Pháp Liên Hoa, để chắt lọc những điều cốt tuỷ nhất, nêu ra vài ba gợi ý mà có thể giúp các bạn thông suốt đạo lộ vô thượng, việc làm này không thể nói là dễ dàng. Vì bởi, đây là bộ kinh được mệnh danh “khai thị ngộ nhập Phật tri kiến” thì, nhất định độ rộng và sâu của nó thật sự khó nghĩ bàn...
Đây cũng là lý do vì sao, từ xưa đến nay, người tu hành thường coi kinh này như bộ kinh gối đầu giường, thậm chí có những người lấy đây làm pháp bảo, tụng đọc tư duy hàng ngày, và cũng không ít pháp sư lấy kinh này làm đề tài giảng nói... Có một câu chuyện liên hệ đến Diệu Pháp Liên Hoa, được Pháp Bảo Đàn Kinh ghi lại như sau: “Pháp Đạt là người xuất gia, từng tụng Pháp Hoa đến ba ngàn lần, nhưng chẳng thông suốt... Một hôm, nhờ Lục Tổ khai thị, chỉ trong vòng mấy câu, Pháp Đạt lãnh hội chỉ thú của kinh! Mừng quá, để tỏ lòng biết ơn công đức khai thị của Lục Tổ, Pháp Đạt bèn làm kệ xưng tán rằng:
Tụng kinh ba ngàn lượt,
Tào Khê một câu quên.
Chưa rõ lẽ xuất thế,
Qua bao kiếp mê cuồng.
Dê, nai, trâu, giả lập,
Trước sau, khéo giải bày.
Ai hay trong nhà lửa,
Thật có đấng Pháp vương.
Nghe xong, Lục Tổ bảo: “Từ nay, có thể gọi ông là ông Thầy biết tụng kinh...” ...! ... Huệ Năng quả là cáo già! “Từ nay, có thể gọi ông là ông thầy biết tụng kinh...” ... Mèo lại hoàn mèo, có khác chăng, một con mèo cụt đuôi bỗng dưng biến thành con mèo có đuôi!
- Tại sao:“Từ nay, có thể gọi ông là ông thầy biết tụng kinh...”?
- Mà không là,“Từ nay, ông sẽ là con rồng biết mưa pháp”?
Các bạn thử suy gẫm xem! Tại sao… và tại sao? Qua câu chuyện vừa rồi mới biết, tụng đọc giảng nói là một chuyện, thấu suốt lí lẽ siêu mầu của kinh lại là một chuyện. Vì rằng, lí lẽ siêu mầu, không ở trong lớp vỏ văn tự ngữ ngôn của kinh!
Về ba câu hỏi từ Diệu Pháp Liên Hoa, chúng ta có thể tìm thấy đạo lộ từ một phàm phu tiến về Vô Thượng Quả, được phát hoạ bởi ba bước như sau:
- Bước thứ nhất: Dời thế gian pháp ra khỏi tâm thức...
- Bước thứ hai: Dùng tâm trí, thể nhập tất cả các pháp lành của chư Phật...
- Bước thứ ba: Khi tâm trí (của hành giả) và pháp lành (của chư Phật) không còn là hai pháp... Dùng chính nhục thân này làm công hạnh, hoá độ chúng sanh, viên mãn công đức, chứng Vô Thượng Quả...
Điều này ta có thể hiểu qua ví dụ sau: “Như có người dấn thân đi tìm châu báu... Người này dùng một chiếc thuyền lớn (dõng tâm, dõng trí), chở đầy tạp hoá, vừa rong ruổi vừa buôn bán làm kế sinh nhai trên đường tìm kho báu (tạp hoá dụ cho các pháp lành thế gian và thiền định)... Thấp thoáng thấy kho báu (pháp lành xuất thế hay Phật tri kiến), lập tức đổ bỏ tất cả những thứ trên thuyền xuống biển một cách không thương tiếc (dời trời người ra khỏi tâm thức)... Với chiếc thuyền trống (bổn tâm), người lái buôn gom tất cả báu vật (pháp lành của chư Phật) chất đầy thuyền (Trí xuất thế đựng pháp xuất thế)... Sau đó, quay trở lại chốn cũ (nhập thế gian giới), tự thân đem châu báu bán cho người đời (dùng nhục thân làm công cụ hoá độ), trở thành người giàu có bậc nhất (chứng Vô Thượng Trí)…
Về lý thuyết, ba bước là như vậy! Vấn đề là: “Bằng cách nào, người tu hành có thể thực hiện thành công ba bước này?”
Đây là câu hỏi lớn, giải quyết được câu hỏi này, nhất định con đường tu tập của bản thân và đạo lộ giúp người của các bạn, vi lai nhất định sẽ thông suốt.
- Trong thời gian tới, HĐ nào có thể giải quyết rốt ráo câu hỏi trên... Xin rỉ tai, nói nho nhỏ để mình biết với! Nhớ đừng la lớn! La lớn nó chui xuống hang! Rất mong!...
Có lẽ giờ này, mọi người đã đọc xong những bài viết của mình, cũng như các câu trả lời của HĐ chúng ta về TRÒ CHƠI TRÍ TUỆ - 2018/07... Theo mình nghĩ, mỗi người trong HĐ chúng ta, từ nay, tự thân có thể tìm ra các câu trả lời đúng nhất đối với năm câu hỏi vừa qua, cũng như biết rõ chỉ thú cốt lõi của Kinh Diệu Pháp Liên Hoa là gì!
Chúc các bạn an vui và tinh tấn! (02-07-2018)
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






