Cặp Phạm Trù Bản Chất & Hiện Tượng và Thiệt Tướng & Hư Vọng Tướng

Trong Phật đạo, có một số khái niệm gần gũi với triết học… Hai khái niệm gần gũi nhất của Phật đạo với triết học, đó là cặp phạm trù “bản chất và hiện tượng” của triết học, và cặp khái niệm “thiệt tướng và hư vọng tướng” của Phật giáo.
1. Bản chất - Hiện tượng (củ̉a Triết học)
“Triết học cho rằng, bản chất là cái tồn tại khách quan gắn liền với sự vật, hiện tượng là biểu hiện ra bên ngoài của bản chất... Và triết học cũng cho rằng, không có bản chất nào tồn tại thuần tuý ngoài hiện tượng, cũng không có hiện tượng nào hoàn toàn không biểu hiện bản chất.
Tuy vậy, triết học cũng cho rằng, giữa “bản chất” và “hiện tượng” có những mâu thuẫn nhất định.
Bản chất phản ánh cái chung, cái tất yếu, quyết định sự tồn tại và phát triển của sự vật, trong khi hiện tượng phản ánh cái riêng, cái cá biệt.
Bản chất là mặt bên trong ẩn giấu sâu xa của hiện thực khách quan, còn hiện tượng là mặt bên ngoài của hiện thực khách quan đó.
Bản chất không được biểu lộ hoàn toàn ở một hiện tượng mà biểu hiện ở rất nhiều hiện tượng khác nhau. Hiện tượng không biểu hiện hoàn toàn bản chất mà chỉ biểu hiện một khía cạnh của bản chất, biểu hiện bản chất dưới hình thức đã biến đổi, nhiều khi xuyên tạc bản chất hoặc phản ánh không đúng bản chất, ví dụ: Hiện tượng khúc xạ hoặc ảo ảnh.
Muốn nhận thức được bản chất của sự vật, phải xuất phát từ những sự vật, hiện tượng, quá trình thực tế. Vì lẽ, bản chất không tồn tại thuần túy, mà tồn tại trong sự vật và biểu hiện qua hiện tượng. Bản chất của sự vật không được biểu hiện đầy đủ trong một hiện tượng nhất định nào, và cũng biến đổi trong quá trình phát triển của sự vật.
Do vậy, phải phân tích, tổng hợp sự biến đổi của nhiều hiện tượng, nhất là những hiện tượng điển hình, mới hiểu rõ được bản chất của sự vật. Nhận thức bản chất của sự vật là một quá trình phức tạp đi từ hiện tượng đến bản chất, từ bản chất ít sâu sắc đến bản chất sâu sắc hơn”. (Nguồn Wikipedia)
2. Thiệt tướng - Hư vọng tướng (Phật Giáo)
Về hai khái niệm “thiệt tướng” và “hư vọng tướng” của Phật giáo: Nếu coi “thiệt tướng là bản chất” của sự vật, “hư vọng tướng là hiện tượng” của sự vật ấy.
Phật giáo lại có cái nhìn khác triết học. Phật giáo cho rằng, bản chất không có mối liên hệ bất kỳ nào đến hiện tượng, tức “thiệt tướng” và “hư vọng tướng” là hai phạm trù riêng biệt, không có mối liên hệ biện chứng với nhau.
Có nghĩa rằng, bản chất (thiệt tướng) siêu quá hiện tượng (hư vọng tướng). Nó không phải cái mà hiện tượng có thể biểu hiện, vì hiện tượng thuộc về hữu vi, tức cái có. Còn bản chất, thuộc về vô vi, cái không thực thể, trong bản chất cũng không có cái được gọi là tinh thần làm nên hiện tượng...
Bản chất, theo Phật giáo, là cái gì bất biến, chung nhất của tất cả sự vật, không thể thay đổi, không thể dùng tri thức đến được. Do đó hiện tượng không được coi là biểu hiện của bản chất, và không thể tìm hiểu bản chất thông qua hiện tượng dù dưới bất kỳ hình thức nào. Giống như một người giàu có, ngủ mơ thấy mình nghèo đói.
Phật giáo cho rằng, hư vọng tướng hay hiện tượng, là một thứ biệt tướng, được nhận thức thông qua các căn nghiệp, nó không có bản chất. Giống như người ngủ chiêm bao, giấc mơ không có bản chất, không tồn tại cũng như không biểu hiện được điều gì, không được sản sinh từ bản chất. Điều này có nghĩa rằng, không thể truy tìm bản chất thông qua hiện tượng, giống như người ta không thể đem về một cái ngai vàng trong giấc mơ để sử dụng, xem nó làm bằng thứ gì, cũng như làm cơ sở đi tìm nguồn gốc.
Như vậy, Phật giáo mô tả bản chất hay thiệt tướng sự vật như thế nào???
Kinh Hoa Nghiêm: “Thiệt Tướng vô tướng, diệc vô bất tướng, tướng nhi vô tướng, danh vi thiệt tướng”, có nghĩa rằng, thiệt tướng không có tướng, cũng chẳng phải không có tướng, tướng mà không có tướng, gọi là thiệt tướng. Định nghĩa này muốn nói, bản chất của các pháp không có tướng bản chất, nhưng chẳng phải không có tướng (tự tĩnh lặng), có tướng tĩnh lặng mà không có tướng bản chất, gọi là thiệt tướng.
Kinh Bảo Võ: “Tổng tướng pháp môn của nhất pháp giới vậy. Có chỗ gọi là tâm tính chẳng sanh chẳng diệt, hết thảy các pháp chỉ do vọng niệm mà có sai khác. Nếu xa lìa vọng niệm thời không có tướng sai khác của tất cả các cảnh giới. Cho nên tất cả các pháp xưa nay, xa tướng biện luân, lìa tướng danh tự và xa lìa các tướng tâm duyên, rốt ráo bình đẳng không có biến đổi sai khác, không thể phá hoại; duy chỉ nhất tâm, nên gọi là chơn như.”
Kinh Giải Thâm Mật: “Các pháp do nhơn duyên sanh khởi, không có tự tính (bản chất), vì không có tự tính, tức là rốt ráo “không”; cái rốt ráo “không” ấy, từ xưa đến nay tự “không”, chẳng phải Phật hay người nào làm cho nó “không””.
Các dẫn chứng ở trên cho thấy, hai quan điểm về thiệt tướng hay bản chất giữa triết học và Phật giáo không đồng nhất... Sự không đồng nhất này là tất nhiên, bởi lẽ triết học dựa vào thế luận, minh triết một khái niệm trên nền tảng thế luận. Còn Phật giáo dựa vào nhãn quan xuất thế để nhìn thấy bản chất sự việc, chứ không dựa vào hiện tượng để truy tìm bản chất.
3. Nhận xét
Triết học và Phật giáo phục vụ cho những mục tiêu khác nhau, cho nên việc giải thích sự vật dựa trên những quan điểm khác nhau là chuyện tự nhiên. Vấn đề đặt ra ở đây là, giải thích theo Phật giáo hay triết học nhằm phục vụ cho cái gì, và lợi ích đến đâu khi người tiếp nhận quan điểm này ứng dụng vào đời sống, đây mới là giá trị đích thực, mới là bản chất tốt đẹp của Phật giáo và triết học.
Bài viết không nhằm đánh giá đúng sai, mà chỉ muốn nói rằng, cho dù triết học hay Phật giáo, nếu sử dụng đúng mục đích, đồng đưa đến những lợi ích nhất định.
Lợi ích nhất định, chính là điểm đồng giữa triết học và Phật giáo. Con bò ăn cỏ, con cọp ăn thịt, cọp khác bò, cỏ khác thịt, nhưng cả hai đều phải ăn mới no, ăn mới no đích thị là bản chất của cái ăn.
Và, “ăn mới no”, chính là điều mà cả bò lẫn cọp đều coi là cốt lõi của mọi cơ sở lý luận!!!!!!
(31-01-2013)
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






