Các Địa Vị Trong Phật Đạo

Các bạn!!!
Sáng nay, mình có cuộc trao đổi với một số HĐ. Buổi trao đổi gồm nhiều đề tài, nhưng cốt lõi vẫn là chuyện các địa vị trong Phật đạo. Mình xin tóm tắt nội dung câu chuyện như sau:
Trong Phật đạo có rất nhiều địa vị. Từ một chúng sanh phát tâm tu hành cho đến Phật quả, có thể nói không một ai trên đời có thể biết rõ những quả vị đó, trừ Đức Phật. Các Bồ Tát vào Như Lai Địa cũng biết, nhưng không rõ ràng bằng Đức Phật.
Các quả vị của Phật đạo người tu hành phải trải qua, giống như người đi trên một quảng đường dài vô tận, theo lời Phật dạy, phải mất ba vô số kiếp. Trên quãng đường này, người đó đi qua không biết cơ man nào là cảnh lạ. Cứ mỗi cảnh lạ, người lữ hành tiến đến là một cảnh giới, nếu vị đó lấy cảnh giới làm cơ sở tương ưng với tâm rồi đi tiếp, gọi là kiến thiệt tế, nếu vị này dừng trụ ở đó, gọi là chứng thiệt tế.
Có những quãng đường và những cảnh duyên người lữ hành chú ý, và cũng có rất nhiều cảnh người này tuy có đi qua nhưng chẳng để lại một ấn tượng nào. Về sau, có ai đó nhắc đến hay gợi ý, vị này mới mường tượng rằng hình như mình cũng có thấy. Đây là lý do vì sao, khi đọc kinh đến một địa vị nào đó các bạn lại thấy quen quen.
Trên quãng đường dài như vậy, có những thành phố hoặc thị tứ bắt buộc người lữ hành phải dừng chân vì nhiều lý do khác nhau, nếu không dừng chân ở đó, sẽ không thể tiếp tục cuộc hành trình.
Trong Phật đạo, những điểm phải đến và bắt buộc phải dừng chân, đó là những quả vị được nhắc đến nhiều trong kinh như: Thiện Kiến Địa, Tu Đà Hườn Địa, A La Hán Địa, Sơ Phát Tâm Địa, Quán Đảnh Địa, Bất Động Địa, Thiện Huệ Địa, Pháp Vân Địa. Nói khác đi, đó chính là những quả vị căn bản của Thanh Văn, Thập Trụ Bồ Tát và Thập Địa Bồ Tát.
Cũng chính điều này mà mười địa vị của HĐ hỏi, (thật ra ngài Tu Bồ Đề liệt kê nhiều hơn), chúng ta ít thấy nhắc đến và cũng không được kinh giải thích cụ thể. Nó chính là những thành phố hay thị tứ người lữ hành đi qua mà không để tâm đến, hoặc cảm nhận một cách mơ hồ. Nói chung đối với địa vị tu hành, những cảnh giới này "không thuộc loại quan trọng phải dừng chân".
Những địa vị quan trọng của Phật đạo đã nêu ở trên, là những cột mốc bắt buộc người tu hành phải đến và dừng chân một thời gian. Nó giống như những điểm tập kết, tiếp tế lương thực, cung cấp phương tiện cho đoạn đường kế tiếp. Không đến đó thì không thể đi tiếp.
Chừng nào, người tu hành vào thành Thiện Huệ, trong công hạnh giáo hoá, vị này nhập Như Lai Địa, sẽ tự biết các cảnh giới để dạy chúng sanh. Phật đạo gọi là tự thông, thuật ngữ có tên "Giải Liễu Nhất Thiết Chư Cảnh Giới Đà La Ni".
Trên đây, chỉ là những khái quát về các địa vị trong Phật đạo. Hy vọng bài viết ngắn, nhưng sẽ giúp các bạn có cái nhìn rõ hơn về các địa vị, để khi đọc kinh hoặc bắt gặp đâu đó, không ngỡ ngàng trước những địa vị lạ.
(07-06-2013)
−−−••• ⁕ ⁕ ⁕ ⁕ •••−−−
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






