Bất Khả Đắc

Các bạn!!!
Có vị HĐ hỏi mình, thế nào là "pháp bất khả đắc" và các vấn đề liên quan. Mình tạm giải thích như sau:
- Bất khả đắc có nghĩa không thể được, tức là không thể lấy không thể bỏ. Ví dụ như người đau mắt thấy đèn có quầng. Quầng ấy chẳng ai làm ra (không tác giả, vô tác), không ai có thể sở hữu (không thọ giả, bất khả đắc, bất khả thủ, bất khả nguyện cầu). Khi mắt hết bệnh thì quầng đèn đó đi về đâu? Làm thế nào để thủ để đắc nó đây?
- Thì cũng vậy, do tâm mê nên pháp sanh, hết mê thì pháp tự diệt. Khi pháp sanh chẳng từ đâu đến, khi pháp diệt chẳng đi về đâu. Người nhặm mắt lầm hư không mà thấy quầng đèn, nên quầng đèn đó thấy có tướng mà thật vô tướng. Thấy có hình dáng màu sắc mà thật không thể cầm nắm được. Khi hết bệnh mới biết nơi đó chỉ là hư không, nên mới biết quầng đèn chỉ là không.
- Chữ “Đắc” là quyền, phương tiện dùng ngôn thuyết hiển bày cái gì đó cho chúng sanh tạm hiểu. Nói “Đắc pháp lành” là “Đắc cái không pháp”. Đã là không pháp thì đắc cái gì đây. Nhưng nếu không nói thì người đời lại càng không hiểu, Phật bất đắc dĩ phải nói: “Đắc Pháp lành”. Nên có thể tạm hiểu “Đắc” là “không Đắc” vậy. Ví dụ như nói: Sừng con thỏ, lông con rùa, hai món này chỉ có danh tự mà thực tế ở đời không có. Nói tôi được (đắc) sừng con thỏ, hay được (đắc) lông con rùa… có nghĩa là được cái không thể được. Chữ “Đắc” của Phật Giáo tương tự nghĩa này.
- Cứu cánh Phật đạo không một pháp có thể có, không một pháp có thể được (đắc), chỉ là hư không. Nói sanh pháp lành là vì thương tưởng chúng sanh nên Phật từ bi tạm dùng ngôn thuyết hiển bày cái khó hiển bày. Vì là hư không nên có nghĩa thường, vì là hư không nên có nghĩa ngã, vì là hư không nên có nghĩa lạc, vì là hư không nên có nghĩa tịnh, cho nên kinh nói, "Phật tánh đồng như hư không", nhưng cũng phải hiểu rằng, hư không chẳng phải là Phật tánh. Muốn thấu suốt điều này, phải lìa văn tự, nếu y nơi văn tự mà cắt nghĩa, sẽ không thấy được vấn đề.
(08-2010)
−−−••• ⁕ ⁕ ⁕ ⁕ •••−−−
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






