Ba Vị Huynh Đệ Bàn Chuyện Đọc Kinh

A: Xin chào hai vị! Hai vị có khoẻ không? Tình hình tu tập thế nào?
B: Chào SH! Đệ và Lã Muội đến đây trước SH chừng ba mươi phút, cùng bàn về việc tu tập trong mấy ngày qua để trình SH giúp đở! Xin cảm ơn! Hai đứa đệ đều khoẻ!
A: Hai vị thảo luận những gì? Có điều chi không ổn?
B: Thưa SH! Về mặt tu tập! Đệ và Lã Muội vâng lời SH, suốt mấy ngày qua chỉ quay lại tâm này, không nhìn ngó ra bên ngoài! Nhờ thế! Tâm luôn luôn an ổn, hỉ lạc khinh an tràn đầy! Lúc nào cũng thấy tâm tư nhẹ nhàng, như người đã đặt gánh nặng xuống! Cảm ơn SH đã giúp cho hai đứa đệ có những phút giây thực sự là chính mình!
Theo lời SH dặn dò, ngoài việc thủ hộ chỗ đã giác ngộ! Hai đứa đệ thường dùng các bài kinh SH chỉ định, đọc tụng để hộ trì!
Có một điều, cả đệ và Lã Muội cùng có chung một cảm giác, đó là càng đọc các bài kinh này, tâm thức càng thanh tịnh! Nhưng cả hai đứa dù rất muốn nhớ lời kinh, nhưng chẳng thể nào nhớ được! Điều này, khiến hai đứa đệ có chút nghi ngờ về bản thân! Không lẽ giác ngộ rồi, đầu óc cứ ngây ngô, chỉ có lời mấy bài kinh mà không nhớ nổi! Trong lúc đó, mỗi khi đề cập đến kinh điển thì SH phân tích giảng nói như thuộc lòng!
Xin hỏi SH! Có phải SH đã cất công học thuộc kinh điển hay không? Làm thế nào để hai đứa đệ có được khả năng nhớ và hiểu kinh điển như SH?
A: Hai bạn! Đây là tâm trạng chung của người sơ ngộ! Hai bạn đừng quá lo lắng về việc này! Dần dần, rồi các bạn cũng sẽ có được những gì mình có hôm nay!
● Về đọc kinh: Theo mình biết, kinh Phật có rất nhiều! Mình tin rằng với sức một con người, không ai trên đời có thể học thuộc hết kinh điển nhà Phật!
Vả lại, Phật đạo không chủ trương dạy người học thuộc văn tự kinh, mà chỉ đề cao phương pháp giúp người hiểu rõ điều mình đã đọc. Một khi thấu tỏ điều mình đã học, ứng dụng nhuần nhuyễn vào đời sống, lúc ấy không cần thuộc lời kinh, các bạn cũng có thể mô tả lại ý nghĩa lời kinh đó thông qua cách trình bày của mỗi người. Vì thế! Phương châm “y nghĩa bất y ngữ” từ xưa đến nay luôn là phương pháp tu học được người tu hành đặt lên hàng đầu!
Thấu tỏ và ứng dụng nhuần nhuyễn điều mình đã học, cũng chính là việc làm, nhằm giúp nghĩa kinh trở thành thường trong ý nghĩa “pháp bảo thường trụ”. Việc ứng dụng mỗi mỗi nghĩa kinh tương ưng với từng cảnh giới giác ngộ, biến nghĩa kinh trở thành hơi thở, trở thành máu thịt, trở thành đời sống, chính là việc thai nghén để thân này vị lai trở thành “sắc giải thoát”, “sắc thường trụ” và cuối cùng, cũng từ nghĩa kinh mà thành tựu “pháp thân thường trụ”! Vì thế! Bài kinh đầu tiên Phật thuyết cho năm anh em Kiều Trần Như mới có câu nói với đại ý: “Này Kiều Trần Như! Diệt sắc vô thường, sẽ được sắc giải thoát, sắc thường trụ”!
Còn, nếu chúng ta chỉ chú trọng đến việc cố học thuộc lòng tất cả lời kinh mà không hiểu ý nghĩa, cũng như chẳng thể ứng dụng vào đời sống! Điều này sẽ dẫn đến hệ quả, “tẩu hoả nhập ma” do bội thực văn tự kinh điển!
Vả chăng, trí nhớ của con người có hạn, bạn có thể học thuộc một điều gì đó, nhưng qua năm tháng sẽ làm bạn quên điều đó, giả sử sau nhiều ngày không quên, nhưng lúc già, ngủ mê, chết giấc hoặc gặp một sự cố ngoài mong muốn có thể bạn sẽ quên!
Còn, nếu bạn ứng dụng điều gì đó đến thuần thục, không cần nhớ nghĩ, nhưng nhất định bạn sẽ không quên! Ví dụ như, khi ăn cơm, bạn cầm đũa tay trái, động tác này được lặp đi lặp lại từ nhỏ đến lớn, khi thuần thục rồi, lúc ngồi vào bàn ăn, bạn không cần nhớ nghĩ mình nên cầm đũa tay nào, nhưng nhất định bạn sẽ không cầm lộn tay!
Thậm chí trong giấc mơ, bạn cũng không thể cầm đũa bằng tay mặt! Điều này, Phật đạo gọi là “huân tập thành chủng tử, thành tánh, thành tập quán”, kinh gọi sự tình này là: “Pháp vô vong thất, tánh hằng tự xả”! Vì thế, từ sơ ngộ đến rốt ráo giác ngộ, là quá trình người tu hành “huân tập như pháp” (khác huân tập phi pháp) để thành tựu “lục chủng tánh Anh Lạc”. Tức mỗi giai đoạn giác ngộ là quá trình huân tập để tâm thức trở thành một chủng tử (hạt giống). Chủng tử này sẽ là hạt giống, khi đủ duyên sẽ nảy mầm ở vị lai!
● Về chuyện tiếp nhận ý nghĩa kinh điển: Người tu hành từ sơ ngộ đến rốt ráo giác ngộ, phải trải qua rất nhiều giai đoạn tu tập với rất nhiều bộ loại kinh khác nhau. Thông thường, mỗi giai đoạn, được bậc Đạo Sư chỉ định một vài bộ kinh nào đó tương ưng với cảnh giới giác ngộ, để vị đó đọc tụng, giống như các bài kinh mình vừa chỉ định cho hai bạn!
Vì sao nó lại như vậy? Chúng ta có thể hiểu nôm na, Kinh Phật như thuốc chữa bịnh, mỗi giai đoạn điều trị sẽ có một số thuốc thích hợp, việc tăng giảm liều lượng cũng như thời điểm uống thuốc, nhất nhất đều do thầy thuốc chỉ định, người bệnh không được tự ý sử dụng thuốc theo kiến thức của mình! Thực tế trong đời, không thiếu những người tự ý bốc thuốc, tự ý chữa trị, hoặc nghe theo người không hiểu biết mách bảo. Điều này dẫn đến hệ quả, “tiền mất tật mang”, bệnh tình không hết lại còn nghiêm trọng hơn! Đến khi phát hiện ra sự nhầm lẫn tai hại này, coi như “cận địa viễn thiên”!
● Về việc lãnh hội kinh điển: Trong mỗi giai đoạn giác ngộ, người tu hành khi đọc kinh điển sức lãnh hội sẽ chuyển biến theo từng giai đoạn:
─ Giai đoạn sơ ngộ: Khi đọc đúng các loại kinh điển do Đạo Sư chỉ định, vị tu hành này có cảm giác lời kinh như thứ thuốc an thần, như dòng nước mát trong cơn nóng bức! Càng đọc càng thấy thanh tịnh, càng đọc càng thấy hỉ lạc sung mãn! Nhưng khi buông cuốn kinh, các cảm giác ấy mất dần, cố nhớ lời kinh nói gì cũng không thể nhớ được! Đây là trường hợp của các bạn khi đọc kinh trong thời điểm hiện tại!
Vì sao nó lại như vậy! Giống như một người mê âm nhạc, nhưng kiến thức âm nhạc chưa chuyên sâu, hiểu biết về âm nhạc không nhiều! Khi người đó nghe một bản nhạc nước ngoài, với âm điệu của bản nhạc, người đó cảm thấy thích thú, cảm thấy vui vẻ, v.v... Nhưng khi nghe xong, cái cảm giác ấy mất dần và họ cũng không hiểu nội dung bản nhạc nói gì!
─ Giai đoạn kế tiếp: Trải qua giai đoạn sơ ngộ, đến tầng giác ngộ sâu hơn, ngươi tu hành đọc một bài kinh nào đó cộng với sự giảng giải của Đạo Sư, ngoài việc có những cảm giác như giai đoạn đầu, họ còn có thêm một cảm nhận nửa, đó là khi đọc kinh, từng chữ, từng câu, từng lời kinh tương ưng với tâm họ, họ cảm giác như Phật thuyết lời kinh này cho riêng mình! Đối với lời kinh, họ có nhớ được một vài phần cốt lõi, nhưng khi trình bày, đầu đuôi lộn lạo, giống như trẻ con tập trình bày một sự việc với người lớn!
Vì sao như vậy? Giống như người mê âm nhạc nói trên! Từ thích thú bản nhạc nước ngoài đã được nghe, họ tìm hiểu ý nghĩa bản nhạc đó nói gì, biết được ý nghĩa, những đoạn nhạc tương ưng với tâm tình hiện tại sẽ được người đó hát lên trong bất cứ hoàn cảnh nào, hay khi làm việc gì!
─ Giai đoạn giác ngộ thứ ba, sau hai giai đoạn trên, ngoài những cảm nhận trước, trong một lúc bất chợt nào đó, người tu hành phát hiện ra, bản thân có thể thấu suốt ý nghĩa một số kinh điển, có thể tuyên thuyết, giảng nói một số điều trong Phật đạo mà không cần nhớ lời kinh! Và họ cũng tự tin rằng, điều mình tuyên thuyết không thể sai với lời Phật ở một số cảnh giới nhất định!
Vì sao nó như vậy? Giống như người mê âm nhạc, người ấy miệt mài học tập về âm nhạc, nhờ thế khả năng cảm thụ và chuyên môn âm nhạc tiến triển rõ rệt! Nhờ cảm thụ tốt, nhờ chuyên môn giỏi, một bất chợt nào đó, họ nhận ra bản thân mình cũng có thể viết được những bản nhạc đơn giản, hoặc khi nghe một bản nhạc mới, họ có thể đàn và hát theo một cách dễ dàng!
─ Giai đoạn cuối cùng: Sau một thời gian miệt mài tu tập, tuy rằng có hiểu kinh điển, tuy rằng có thể giảng nói, có thể giúp người thành tựu một số tầng bậc giác ngộ đầu tiên! Nhưng, trong lòng của vị ấy, tự biết chắc rằng, còn có điều gì đó sâu thẳm nhất của Phật đạo mà bản thân chưa thể khám phá ra! Cái vướng bận cuối cùng này chính là “Khổ Chân Đế”. Phật đạo có bốn giai đoạn khổ là: Khổ tục đế, Khổ thánh đế và Khổ chân đế, khi nào cơ duyên đủ, mình sẽ trình bày!
Trong cái day dứt của điều gì đó còn vương vướng trong lòng, trải qua nhiều năm tháng ưu tư, trải qua bao nhiêu trăn trở, trải qua nhiều đêm không ngủ, trải qua công hạnh giáo hoá dày sâu vì hết thảy chúng sinh!
Một phút giây bất chợt, vị ấy hoát nhiên hiểu ra mọi sự, bài toán cuối cùng của Phật đạo đã được giải xong! Câu hỏi, “Phật đạo đích thực là gì?” nay tự sáng tỏ! Mọi thứ như “trái a ma lặc nằm trong lòng bàn tay”! Vị ấy là kinh, kinh là vị ấy! Vụ nổ Big Bang tâm thức đã giúp vị này hoàn thành đạo nghiệp! Bây giờ, công hạnh là đời sống, còn duyên hoá độ thì còn tồn tại, hết duyên như “vệt nắng cuối ngày”!
Hai bạn! Thế đó! Thế đó! Tu tập và lãnh hội kinh điển trải qua những giai đoạn như thế! Các bạn còn thắc mắc điều chi không?
B: Thưa SH! Vậy mà, khi nghe SH nói chuyện, nghe SH khai thị, nghe SH cắt nghĩa kinh điển, v.v... Chúng đệ cứ tưởng SH học thuộc kinh, rồi nói trở lại!
A: Nếu mình mà học để thuộc tất cả kinh Phật, chắc cái đầu của mình đã bể từ lâu rồi chứ làm gì nó còn trên cần cổ để đi tới đi lui đến ngày hôm nay! Nếu không bể đầu, với lượng kinh điển đồ sộ như thế, học thuộc từng bài, không chết cũng “tửng tửng ở nhà thương điên Biên Hoà” chứ làm sao mà tỉnh táo để ngồi nói chuyện với hai bạn nơi đây!
B: Như vậy, nếu có một ai đó giảng giải sai kinh điển, nhất định vị có được giác ngộ, tuỳ tầng bậc sẽ phát hiện ra chỗ sai của họ?
A: Người giác ngộ chân chánh trong Phật đạo, chính là người đi xa nhiều năm tháng, nay trở về và sống trong căn nhà giáo pháp!
Tuỳ thời gian sống, sự hiểu biết về căn nhà sẽ cho ra mức độ thông thuộc như: Hình dáng, kết cấu, màu sắc, sự bài trí và các con đường dẫn về căn nhà của mình!
Cho nên, có một ai đó chỉ nghe hoặc học thuộc những gì về căn nhà mà chưa từng sống ở đó, khi nói lại, nhất định họ chỉ có thể mô tả theo trí tưởng tượng, nói theo kiến thức đã học, còn những gì thuộc về thực tế như, sự sắp xếp, kết cấu, các con đường, v.v...thì không thể mô tả rành mạch! Chỉ có người chủ nhà đích thực, mới mô tả không sai từng ngóc ngách trong nhà! Những ai chưa từng đến đó, chưa từng ở đó, khi mô tả về căn nhà, lập tức chủ nhà sẽ phát hiện ra các sai sót mà không cần suy nghĩ!
Giác ngộ và Niết Bàn cũng như thế! Kinh điển chính là các kiến thức cơ bản về ngôi nhà chung Giác Ngộ! Nào là cái nóc hướng lên trên trời, nào là cái cửa lớn phía trước, nào là nhà bếp phía sau, nào là ngói đỏ tường xanh, v.v... Những ai đã từng đọc kinh điển, đã từng nghe nói đến Niết Bàn đều biết các đặt tính chung của Niết Bàn như thanh tịnh, không động, hết kiết sử, v.v... Nhưng, làm thế nào để thanh tịnh, kiết sử sơn xanh hay đỏ, bất động làm bằng gạch hay ván, nhất định họ sẽ tha hồ mà tưởng tượng và giải thích theo những gì mình tưởng tượng ra!
Còn người chủ nhà, khi mô tả về căn nhà, hay chỉ đường cho một ai đó muốn đến căn nhà của mình, người chủ có thể nào mô tả hoặc chỉ dẫn lộn lạo, sai lệch được không? Sự khác biệt của tri thức và thực chứng trong Phật đạo, giống hệt như vậy!
Ngay bản thân mình, cũng không hiếm trường hợp, nghe thiên hạ bàn luận về căn nhà giác ngộ! Thấy không hợp lí, mình chỉ ra những điều bất hợp lí của họ như, cái này hiểu thành cái kia, màu xanh hiểu thành màu đỏ, v.v... Một số vị khi nghe xong, bèn phán như đinh đóng cột: “Ông là người học thuộc kinh điển, nhưng không giác ngộ”! Chao ôi! Giác ngộ phải chăng là sự nhập nhằng, lộn lạo, hiểu cái này thành cái kia giống như các vị ấy đã từng hiểu hay sao?
Tóm lại, từ “sơ giác” đến “liễu giác”, chính là quá trình chuyển biến, là sự bắt gặp, rồi đi đến, sống và cuối cùng là thông thuộc căn nhà chung của Phật đạo!
Từ quá trình này, sẽ cho ra bốn điều đặc trưng của văn hoá Phật giáo, đó là: “Từ vô ngại, nghĩa vô ngại, pháp vô ngại và biện tài vô ngại!”
Từ vô ngại, chính là biết rõ màu sắc, vị trí của ngôi nhà và các món đồ trong đó. Nghĩa vô ngại, chính là nắm vững vật liệu xây dựng ngôi nhà, cũng như chất liệu làm nên từng vật dụng riêng biệt trong ngôi nhà. Pháp vô ngại, chính là thấu suốt xuất xứ các món đồ, đơn vị thi công, thời gian thi công, cũng như giá trị thật của căn nhà. Biện tài vô ngại, chính là những hiểu biết chắc thật, sự thông tuệ khi mô tả về căn nhà, cũng như hướng dẫn các bước để người khác có thể đi đến đến ngôi nhà của mình bằng các con đường khác nhau một cách chính xác nhất và mau chóng nhất!
Tóm lại, Tứ Vô Ngại Biện kể trên, chính là bốn nét thông tuệ tiêu biểu của những ai đã từng đến và sống trong ngôi nhà chung Giác Ngộ, mà chư Phật đã lập nên!
Câu chuyện đã quá dài! Tạm biệt hai vị HĐ thân yêu! Ngày mai chúng ta sẽ trao đổi tiếp!!!!
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






