Ba Mươi Bảy Phẩm – Ngũ Căn, Ngũ Lực

Hai pháp ngũ căn ngũ lực trong phần luận này không tách rời bởi vì tuy hai mà một, tức cái này sinh thì cái kia sinh.
- Ngũ căn gồm: Tín căn, tinh tấn căn, niệm căn, định căn, và huệ căn.
- Ngũ lực gồm: Tín lực, tinh tấn lực, niệm lực, định lực, và huệ lực.
Quan trọng của phần này chính là chữ căn và chữ lực, hiểu được hai chữ này sẽ hiểu toàn bộ hai pháp căn lực.
Trong Phật pháp thường hay đề cập đến tín tâm, ở đây lại nói tín căn mà không bảo là tín tâm, như vậy tín tâm khác tín căn chỗ nào?
- Tín tâm chỉ thuần túy là niềm tin, niềm tin thì có thể thay đổi nếu niềm tin này bị đánh đổ bởi một niềm tin khác mạnh hơn hoặc có cơ sở hơn.
- Giống như người bị bệnh khi phát bệnh tin vào một lương y nào đó, và sau thời gian chữa trị bệnh không thuyên giảm hoặc gặp lương y danh tiếng hơn, thì niềm tin vào vị lương y trước bị thay đổi hoặc không còn.
- Vì thế tín tâm không thực chứng, và nó chỉ dựa vào thấy nghe phát sinh tin tưởng. Tín tâm đôi khi không cần dựa vào cơ sở hoặc cơ sở không mang tính thuyết phục, chỉ cần nghe người thân hoặc người có uy tín giới thiệu cũng có thể phát sinh niềm tin. Đôi khi do một sự tình cờ nào đó gặp phải vận may, niềm tin phát khởi, do đó tín tâm có chánh tín và mê tín.
- Dù là chánh tín hay mê tín, tín tâm chỉ là niềm tin thế gian, tồn tại dưới dạng thế pháp không đưa đến thánh vị.
1. CĂN
Chữ căn trong tiếng Hán dùng để chỉ cái căn bản hay cái rễ bám chặt; chữ căn trong tín căn để chỉ điều gì đó mọc rễ và bám chặt nơi tâm; nguyên nhân để tín căn mọc lên là kết quả thành tựu tư lương vị, tức là viên mãn tứ niệm xứ, tứ chánh cần, và tứ như ý túc.
- Tín căn có phát sinh hay không phụ thuộc rất lớn vào quán như ý túc, vì vậy Phật dạy: “Như ý túc câu hữu với tư duy thiền định tinh cần hành…,” có nghĩa quán (tư duy) đến rốt ráo thì định sanh; khi thân tâm có khuynh hướng bất động (định), hỷ lạc sinh.
Trong quá trình quán niệm xứ (quán như ý túc) do đem tâm nhớ nghĩ suy gẫm xem xét nghĩa lý của niệm xứ và thấy được niệm xứ chính là đầu mối phát sinh lậu hoặc, chủ thể quán dừng nguyên nhân sinh khởi, tâm liền an lạc và hoan hỷ; như người đào giếng thấy nước, công sức bỏ ra kết quả có được, niềm tin không còn lay chuyển người đào giếng sẽ dốc sức đào cho đến khi thấy được dòng nước vừa ý mới thôi. Chính pháp quán niệm xứ đưa người tu hành đến an ổn hỷ lạc, giống như đào giếng thấy nước, uống thuốc lành bệnh.
Đây là cơ sở thực chứng phát sinh niềm tin vừa là luận chứng thuyết phục biết con đường mình đi đúng hướng. Từ đây niềm tin mọc ra bám chặt trong tâm, mọi thứ hoài nghi chấm dứt, không có gì làm niềm tin ngã đổ, sự bám chặt không thể ngã đổ này chính là tín căn. Tín căn đã sinh thì năm hạ phần kiết sử là tham, sân, si, mạn, nghi mỏng nhẹ, tinh tấn căn chỉ là hệ quả tất yếu của tín căn.
Nhân nơi niệm xứ thành tựu thì niệm xứ trở thành đối tượng bất di bất dịch trong pháp quán gọi là niệm căn. Niệm căn không dao động hay dời đổi thì năm lợi sử là thân kiến, biên kiến, kiến thủ, giới cấm thủ, tà kiến chưa hoàn toàn triệt tiêu nhưng không có cơ hội phát sinh.
- Mười kiết sử không thể sai sử nên gọi là định căn. Ở đây nói mười kiết sử chưa diệt hẳn vì kiết sử chỉ thật sự trừ sạch khi nào viên mãn diệt đế.
Nhân nơi niệm xứ dừng trụ (định căn), quán giả phát sinh những ‘hiểu biết mới’ không y vào kiết sử gọi là ‘thắng trí’. Thắng trí sẽ cho ra thắng giải, ‘thắng giải’ chính là những ‘hiểu biết tường tận’ vì sao thân phát sinh lậu hoặc? Tâm phát sinh phiền não? Vì sao các cảm thọ xuất hiện? Vì sao các pháp hiện hành? Làm thế nào để dừng các món hư ngụy trên?
Quán giả không còn mê mờ bởi kiết sử, hiểu biết thấu đáo ‘kiết sử’ chỉ là ‘bóng dáng của ý thức’, hiểu biết này gọi là huệ căn. Huệ căn phát sinh chính là nhân của trí tuệ vô lậu sau này.
Tóm lại, ngũ căn xuất hiện là sự kế thừa tất yếu khi thân tâm chuyển biến đúng pháp. Chuyển biến đúng pháp gọi là chánh pháp.
Đúng chánh pháp sẽ thành tựu an ổn khoái lạc, an ổn khoái lạc thắng diệu gọi là thánh pháp. Vì thế ngũ căn được xếp vào thánh pháp, bước đầu thành tựu của bậc kiến đạo, có nghĩa vị này thấy rõ con đường mình đi và đích phải đến.
- Chỉ có bậc kiến đạo mới thấu suốt ‘kiết sử’ chỉ là bóng dáng của ‘mê’. Khi mê thân tâm phát sinh kiết sử, dứt mê kiết sử tự mất, kiết sử chỉ là tập nhân của khổ đế nên chỉ diệt đế thì tập không còn.
- Do hiểu biết này mà không diệt tập, tức là không diệt tham sân, giống như người bị bệnh nhặm mắt thì thấy quầng đèn, khi chữa mắt hết bệnh thì quầng đèn tự diệt, chứ không phải diệt quầng đèn.
2. LỰC
Lực có nghĩa là sức mạnh. Nhưng lực đi sau chữ căn ngoài sức mạnh còn hàm ý chỉ lực hút của cái rễ, nếu hiểu một cách thông thường thì ngũ lực là sức mạnh tăng thêm giúp người tu hành mau thành tựu.
Nếu lực chỉ gói trọn trong nghĩa này thì cái gì tạo ra sức mạnh kia; nghĩa là yếu tố nào làm nên sức mạnh chưa được đề cập đến; chỉ bằng vào niềm tin gọi là sức mạnh thì sức mạnh này chưa đủ để đơm chồi nảy lộc cây giác ngộ mà cành nhánh là giác chi, hoa trái là bát chánh đạo và giải thoát.
Đích đến của Phật pháp là vô lậu quả. Muốn thành tựu đạo vô lậu phải học ba học pháp vô lậu là giới-định-huệ. Nếu như tư lương vị là hành trang hay khác hơn là sự dọn sạch mảnh đất tâm, thì giới-định-huệ chính là dưỡng chất để nuôi lớn cây trí huệ, và niệm xứ là hạt giống được trồng tỉa trên mảnh đất này.
Nếu hạt giống niệm xứ bị trồng trên mảnh đất nghiệp đầy cỏ dại vọng tưởng, vun tưới bằng phân nước ái dục thì niệm xứ này sau khi hút dưỡng chất ngũ dục sẽ cho ra hoa trái mê lầm phiền não.
Bằng ngược lại nếu được vun trồng trên mảnh đất đã làm sạch nghiệp, nhổ sạch cỏ dại vọng tình, vun tưới bằng chất liệu giới-định-huệ thì cũng niệm xứ này nhưng kết tụ thành hoa trái giác ngộ, giống như chuyện kể cây quất trồng ở Hoài Nam thì ngọt mà trồng ở Hoài Bắc thì chua.
Ngọt chua có phải bản chất của cây quất chăng?
Nếu bản chất cây quất là ngọt thì chẳng thể chua và ngược lại. Như vậy bản chất của niệm xứ là mê hay giác? Bảo là mê thì không thể giác, nếu bản chất là giác thì sao lại mê!
Mê hay giác do duyên huân tập, người ở trong tối thì thấy nghe hay biết không rời bóng tối, còn người ra ngoài ánh sáng thì thức ngủ đều trong ánh sáng, sự huân tập là như thế.
Do đó tu tập là đem niệm xứ ra khỏi nguồn mê, có nghĩa tạo các duyên không mê để huân ướp thì niệm xứ tự trở về bản nguyên trong sạch.
Có thể hình tượng hóa bằng biện pháp canh tác cây chánh giác: Mảnh đất tâm nghiệp gieo hạt giống niệm xứ, mọc rễ ngũ căn, hút bằng ngũ lực, vun tưới giới-định-huệ, đâm chồi thất giác chi, kết trái bát chánh đạo.
Thì cũng vậy, đầy đủ pháp tư lương là làm sạch đất nghiệp trong đó nhất tâm để dừng vọng niệm; vọng niệm có dừng ý mới chuyên nhất quán sát thân tâm, thân tâm không dao động (bất động) sanh hỷ lạc, thuật ngữ của thiền gọi là tầm tứ; tầm (giác) là tâm hướng đến tịch tĩnh, tứ (quán) là ý quở trách vọng tình; vọng tình không khởi hỷ lạc sanh, hỷ lạc sanh thắng cảnh sanh.
Tâm vui mừng vì được thắng cảnh nên căn lực sinh, tinh tấn trong thắng cảnh căn lực tăng trưởng đủ sức mạnh hút chất liệu vô lậu của giới-định-huệ đâm chồi giác chi chờ ngày ra hoa chánh đạo, kết trái giải thoát. Quy trình khép kín này có mối liên hệ hữu cơ, cái này sinh cái kia sinh, cái này diệt cái kia diệt.
Dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu tự thân ba thứ lậu này chẳng thực chỉ do mê, mê sinh thì lậu sinh. Lậu y vào bốn niệm xứ để rĩ chảy các món phiền não che mờ chơn tánh gọi là ‘lậu hoặc’.
Lậu hoặc là phiền não rĩ chảy che mờ linh giác, giống như nước mưa chảy xuống che mờ kiếng chắn gió xe hơi. Sở dĩ có rĩ chảy vì thân tâm có tích chứa các chất rĩ chảy gọi là ngũ uẩn, nếu hai nơi này không tích chứa thì lấy đâu ra phiền não để lậu hoặc.
Giống như chiếc thùng không có lỗ thủng thì sự chảy không diễn ra, hoặc dù thủng hay lành nếu không có nước thì lấy gì mà chảy. Có thể ví:
− Phàm phu giống như chiếc thùng thủng năm chỗ;
− Thanh Văn là chiếc thùng được vá kín các mối;
− Bồ Tát như chiếc thùng rỗng không;
− Nhất Thừa là cái thùng đựng cam lồ, các món chảy ra đều thanh lương lợi mình lợi người.
Nói cho cùng, chỉ vì giải quyết vấn nạn ‘thân thọ tâm pháp’ cho ba thừa mà Phật bày ra các món phương tiện;
∙ Y nơi phương tiện đặt tên, nhân nơi tên mà lý giải;
∙ Lý giải có đầu đuôi khúc chiết gọi là giáo lý;
∙ Thông lý gọi giác;
∙ Giác viên gọi ngộ;
∙ Liễu ngộ gọi thông;
∙ Tông thông gọi chứng;
∙ Nơi chứng thấy trống không;
∙ Trống không thành đạo;
∙ Nơi đạo vô ngôn;
∙ Vô ngôn vô tướng;
∙ Vô tướng thấy thiệt;
∙ Thấy thiệt biết vô; nên Phật dạy: “thiệt tướng là vô tướng”.
Căn hay lực đây!? Tất cả chỉ vì mê, dứt mê thì vô khổ tập diệt đạo, không khổ tập diệt đạo thì không đế, không đế thì chứng cái gì đây? Đắc cái gì đây? Nên kinh dạy: “Vô khổ tập diệt đạo, vô trí diệc vô đắc.” Tóm lại, căn lực phát sinh là dấu hiệu bất thối của người tu hành, bất thối ở đây chỉ bất thối đối với đạo giải thoát; đây có thể là cảnh giới của Tu Đà Hoàn hay A Bệ Bạt Trí của các Phật quốc, trí này là chủng tử thánh nên Tu Đà Hoàn được xếp vào một trong tứ thánh quả.
Ưu thế của A Bệ Bạt Trí là do giác ngộ mà có nên không thể quay trở lại cõi dục, vì thế Phật xếp Tu Đà Hoàn tương đương với sơ thiền của thiền giải thoát; nếu giải đãi thì bảy đời còn lại nhất định chứng giải thoát, nếu tinh tấn thì trong một đời vượt qua thứ đệ bảy thiền của sắc giới và vô sắc giới, đó là nhị tam tứ thiền cùng bốn không định rồi mới chứng diệt thọ tưởng định gọi chung là cửu thứ đệ định; trụ nơi diệt thọ tưởng định, Phật gọi là độn căn A La Hán.
- Hàng nhị thừa trí bén khi đến tứ thiền không kinh qua bốn vô sắc định, phát khởi tam minh;
− Dùng thiên nhãn minh thấy nhân sinh tử;
− Dùng túc mạng minh biết quả hiện đời;
− Phát khởi lậu tận minh thấy biết đầu mối phát sinh lậu hoặc;
Y nơi vô lậu diệt sạch các lậu chứng vô lậu quả có tên diệt tận định; hàng nhị thừa này Phật gọi là hồi tâm Đại A La Hán.
Bồ Tát quyền thừa thì ở trong đệ tứ thiền, tâm không khổ lạc, giác ngộ bất cộng phàm phu pháp tịch diệt nguồn tâm.
Riêng Bồ Tát nhất thừa không phải trải qua các giai đoạn trên, nơi thánh ngôn lượng vào thẳng huệ trí được đạo chơn đế.
Sơ thiền của bậc giác ngộ bốn niệm xứ không giống sơ thiền của ngoại đạo vì ngoại đạo dùng sở pháp tu tập mà thành chứ không do nơi giác ngộ. Nên ngoại đạo dù tu đủ tám thiền chứng, có được năm thắng trí cũng không được gọi là thiền giải thoát vì không xuất phát từ nhân vô lậu, do vậy sơ thiền của họ không được xếp ngang thánh quả Tu Đà Hoàn.
Những trình tự nêu trên đều nằm trong bốn đế.
- Phàm phu chỉ biết khổ tập mà không có đế, đây cũng là lời huyền ký của bậc nhất thiết trí cho những ai từ chối nghĩa ĐẾ, thì biết rằng người này phải luân chuyển trong khổ tập nhiều đời.
- Thanh Văn gồm đủ bốn đế khẩu hiệu của họ là: Thấy khổ, biết tập, chứng diệt, tu đạo. Phật nói hạng này có đạo có đế mà không có chơn đế.
- Bồ Tát không thấy khổ, có tập, có diệt, có đạo, có đế, có chơn đế, nghĩa là trong bốn đế chỉ thấy có ba.
- Bồ Tát Nhất Thừa hay Đại Bồ Tát không khổ, không tập, không diệt, nơi thánh ngôn lượng vào thẳng đạo chơn đế nên gọi không đế.
Cũng chính điều này trong kinh Phật nói rõ: “ta dùng bốn đế chuyển pháp luân cho Thanh Văn chứng quả”, có nghĩa Thanh Văn phải chứng đủ bốn đế mới có thánh quả.
Đọc kinh đến đoạn này người đời sau lầm tưởng bốn đế chỉ dùng cho Thanh Văn thừa, hiểu như vậy vô tình loại ba thừa còn lại ra khỏi bốn đế mà không biết rằng ba thừa đều y nơi bốn đế.
Chỉ vì căn cơ sai khác nên khi tu tập có nhất thiết cần thông qua đầy đủ bốn món hay không? Tuy vậy ba thừa đều phải thấu suốt bốn đế mới viên mãn đạo xuất thế.
(còn nữa)
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






