Ba Duyên Hòa Hợp

1. Ba duyên gồm: Căn, trần, thức...
Căn: Một người có sáu căn (lục căn) tức là sáu giác quan. Đó là: Nhãn căn (con mắt), nhĩ căn (lỗ tai), tỷ căn (lỗ mũi), thiệt căn (cái lưỡi), thân căn (cái thân), và một căn bên trong đó là ý căn (cái ý)... Sáu căn hay sáu giác quan, là công cụ chính yếu để con người dùng nó giao tiếp với thế giới bên ngoài (năm căn trên thân), hoặc giao tiếp với thế giới nội tâm (ý căn)...
Sáu căn tự nó thanh tịnh, không có nhận thức thiện ác, tốt xấu v.v… gọi là “không Tánh”...
Trần: Là các đối tượng bên ngoài thân hay bên trong thân, khi căn tiếp xúc sẽ nhận biết về nó... Mỗi một căn, tiếp xúc và nhận biết về một đối tượng nhất định... Đối tượng bên ngoài, gọi là ngoại trần, đối tượng bên trong, gọi là nội trần... Có sáu đối tượng để sáu căn tiếp xúc, gồm năm đối tượng bên ngoài là: Sắc trần do con mắt thấy được, thanh trần do lỗ tai nghe được, hương trần do lỗ mũi ngửi được, vị trần do cái lưỡi nếm được, xúc trần do cái thân cọ xát nhận biết... Và một đối tượng bên trong, đó là nghĩ suy do ý nhận biết (nghĩ suy do ý nhận biết gọi là pháp)... Chữ Hán gọi sáu đối tượng này là lục trần: Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp...
Sáu trần tự nó giải thoát, không có chức năng trói buộc...
Thức: Sự hiểu biết... Có sáu sự hiểu biết khác nhau về sáu đối tượng khi căn tiếp xúc với trần... Chữ Hán gọi là lục thức. Sáu thức hay sáu sự nhận biết, đó là: Nhận thức thuộc về con mắt, gọi là nhãn thức. Nhận biết thuộc về lỗ tai, gọi là nhĩ thức. Nhận thức thuộc về lỗ mũi, gọi là tỷ thức. Nhận thức thuộc về cái lưỡi, gọi là thiệt thức. Nhận thức trên thân gọi là thân thức. Nhận thức nằm trong nghĩ suy, gọi là ý thức...
- Sáu thức hay sáu sự nhận biết, tự nó không có tánh, không có tướng, nếu mê nơi nhận thức, sẽ bị nhận thức trói buộc, sanh các thứ tánh hư dối đó là tánh tham, tánh sân...
- Nếu nhận thức mà không bị mê, không bị nhận thức cột trói, sẽ không sanh phiền não... Khi nhận thức “bị mê” gọi là “thức”, khi nhận thức mà “không mê” gọi là “trí”...
2. Ba duyên hoà hợp.
- Khi căn đối trần, khởi lên nhận thức phân biệt về đối tượng mà mình đang thấy nghe... Rồi chấp thủ hoặc chạy theo nhận thức này, và bị nó cột trói, từ đó phiền não sanh khởi... gọi là “Duyên mê” hay “hoà hợp duyên”...
- Khi căn đối trần, không khởi lên nhận thức phân biệt, hoặc khởi lên nhận thức mà không mê nơi nhận thức, không chấp thủ nhận thức đã sanh, không để cho nhận thức cột trói, trong lòng rỗng rang, thanh tịnh, bất động... gọi là “Tịnh duyên” hay “bất hoà hợp duyên”...
3. Các cách đoạn trừ.
Ba duyên hoà hợp, là cụm từ nhằm chỉ cho ba món căn, trần, thức hoà nhập vào nhau để sanh các pháp (nhận thức, khái niệm, quan niệm)...
- Tu hành là làm cho ba duyên này không nhập vào nhau, bằng cách: Dừng phân biệt, đoạn một trong ba duyên, đình chỉ nhận thức... Làm được như vậy, phiền não không thể sanh khởi.
- Hoặc ba duyên phối ngẫu nhưng sáng suốt, gọi là minh xúc. Tức có xúc đối, nhưng không bị mê mờ để sanh các thứ tâm tánh hư dối, gọi là thấy biết thanh tịnh. (01-2011)
−−−••• ⁕ ⁕ ⁕ ⁕ •••−−−
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






