Vô Sanh

Vô sanh là gì???
- Vô sanh là, tâm và thức không còn sanh khởi các thứ hư vọng. Cụ thể, tâm không sanh phiền não, lậu hoặc, ba cõi. Thức không sanh pháp hư vọng...
- Thuật ngữ chỉ cho hai cảnh giới này là: ‘Vô sanh và vô sanh pháp nhẫn’, ‘Nhân không Pháp không’, ‘hai Vô ngã’... Thành tựu hai thứ này, ngã hư dối hoàn toàn tịch diệt, gọi là vô ngã, vị này chứng rốt ráo Diệt đế, viên mãn cứu cánh ba thừa, gọi là thành tựu cảnh giới xuất thế, hay xuất thế gian...
- “Vô sanh” hay “Diệt đế”, giống như nước tinh khiết. Thành tựu Tập đế như nước đã trong (vô sanh), Diệt đế như đem nước trong khử trùng cho thật sạch (vô sanh pháp). Đạo quả Vô sanh, gồm đủ trong và sạch, vĩnh viễn không còn bóng dáng tâm thức chúng sanh, nên nó chính là nhân Phật... Từ đây có được Pháp nhãn thanh tịnh, vị tu hành này với nhãn lực thanh tịnh, sáng suốt, siêu nhiên của bậc thánh, gọi là Thánh huệ nhãn, sẽ thấy được bổn tâm, thấy được bổn tánh, gọi chung là Minh tâm kiến tánh...
- Với cái thấy này, người tu hành mới có thể vào Đạo đế để học các pháp thắng diệu của Đạo, gọi là học Nhất thiết trí hay Bát nhã trí, còn gọi học Pháp Phật hay Tu Đạo Phật, tức lấy nhân Phật để tu luyện cho thành quả Phật.
Có nghĩa là, khi chứng Vô sanh mới hội đủ điều kiện học tập, trui rèn, tôi luyện để thành tựu trí tuệ của Phật, giống như trẻ con lên bảy tuổi, mới đủ chuẩn vào lớp một, quá trình tu tập này, phải hoàn thành mười một thứ trí.
- Để minh hoạ cho giai đoạn quan trọng này, Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn trong bài kệ của mình đã dạy: "Bất thức bổn tâm, học pháp vô ích", có nghĩa là chưa chứng Diệt đế, chưa khai Pháp nhãn, chưa thấy được bổn tâm, chưa thể học Phật pháp, có học cũng không thể thấu đáo... Phật đạo gọi giai đoạn này là tu!!!
- Thông thường, người tu hành sử dụng chữ "tu" cho tất cả mọi giai đoạn trong Phật đạo, điều này không sai... Nhưng về chuyên môn mà nói, các giai đoạn từ biết Khổ, dứt Tập, chứng Diệt trong Phật đạo chưa thể coi là tu, vì thế mới có chữ Tu Đạo ra đời và nằm sau Diệt đế. Chữ tu đạo chính thống, chỉ cho người tu hành sau khi chứng Vô sanh, đã Minh tâm kiến tánh, bước vào Đạo đế, tức là vào đó để tu... Giống như trẻ con bắt đầu đến trường...
- Vì sao lại như vậy??? Phật đạo là đạo trí tuệ, thành Phật là thành tựu trí tuệ, học đạo là học trí tuệ... Các giai đoạn từ một chúng sanh “vô văn phàm phu”, trải qua biết Khổ, dứt Tập đến rốt ráo chứng Diệt, vị chúng sanh này được Phật đạo dùng thuốc pháp chữa bệnh vô minh phiền não cho chúng sanh ấy... Có “bốn trăm lẻ bốn thứ bệnh căn bản” cần phải chữa, chữa lành mới có thể học trí tuệ của Phật đạo, các thứ bệnh đó là: Bệnh phiền não, bệnh tham dục, bệnh ái luyến, bệnh vô minh, bệnh lậu hoặc, bệnh ba cõi, bệnh khổ, bệnh sanh diệt, bệnh tham, bệnh sân, bệnh si mê, bệnh sinh ngã, bệnh sinh tâm, bệnh sinh pháp, bệnh chấp thủ, bệnh ba thừa, bệnh ngoại đạo, các bệnh về kiến, các bệnh về lậu, các bệnh hoặc, các bệnh về hữu, bệnh ba thời, bệnh hữu vi, bệnh phóng dật, bệnh nghi, bệnh nội, bệnh ngoại, bệnh mê tín, bệnh suy lường, bệnh đố kỵ, bệnh ganh ghét...v.v...
- Đại loại, từ thấy Khổ đến chứng Diệt chỉ là giai đoạn chữa bệnh, làm sạch ô nhiễm tâm trí, chứ không phải tu... Giống như, muốn tập điền kinh phải trị cái chân què, muốn học bắn cung phải chữa lành con mắt, muốn học đàn phải hết đau tay, muốn thành ca sĩ phải không bị ngọng... những động thái bắt buộc này, không gọi là học, cũng không nằm trong chương trình giáo dục, vì nó chỉ là điều kiện để được đi học!!!
- Sau khi hết bệnh phàm phu, hết bệnh thánh, bây giờ Phật đạo mới cho người này vào Phật học hiệu (trường dạy đạo Phật) để học các thứ thuộc về đạo của mình, giống như vào trường Y học đạo thầy thuốc. Phật học hiệu chuyên dạy các pháp mà một vị Phật đã chứng ngộ, học để thấu suốt sự chứng ngộ đó như thế nào, thấu suốt này gọi là thành tựu trí tuệ, thành tựu trí tuệ rồi mới thành Phật. Giống như phải vào trường Y để học tất cả những gì một bác sĩ cần biết, sau khi tốt nghiệp, mới trở thành bác sĩ... Và người có chuyên môn, không thể nhầm bệnh nhân đi khám, thành thầy thuốc chữa bệnh, vì thế mới nói, "chuyên môn không thể nhầm chữ tu"!!!
Vô sanh hay chứng Diệt đế là nền tảng quan trọng của Phật đạo, là điều kiện ắt có và đủ để học Phật pháp, chưa thành tựu quả vị này, chưa thể học các thứ của Đạo, chưa thể gọi là tu... Vô sanh hay Diệt đế, chính là kết quả của quá trình chữa bệnh, là kết quả của quá trình thanh lọc nước nhiễm ô thành nước tinh khiết... Từ nước tinh khiết, đủ cả hai điều kiện trong và sạch mới có thể biến thành cam lồ, đạo Phật là Đạo cam lồ, tức lấy cam lồ dập tắt lửa phiền não cho chúng sanh, nước chưa tinh khiết, chưa thể biến thành cam lồ, học tập Đạo đế là học biến nước nước tinh khiết thành nước cam lồ, Phật đạo gọi là tu...
Giống như ngoại đạo dùng lò Bát Quái để tu luyện Linh Đơn, tu xong hai con mắt đỏ... hoe... đỏ... hoét, vì tối ngày bị cay do khói ám!!! Ha ha ha ha!!!
Giống như con nòng nọc, tuy rằng nòng nọc thuộc giòng họ của ếch, nhưng chỉ có thể sống dưới nước, lên bờ là chết... Con nòng nọc muốn trở thành ếch thực thụ, phải đứt cái đuôi của nó, sau khi rụng cái đuôi, con nòng nọc chuyển mình thành ếch, bây giờ trở thành loài lưỡng cư, có thể sống trên cạn dưới nước, con ếch không thể nào quay trở về kiếp nòng nọc bằng cách mọc lại cái đuôi, gọi là Vô sanh...
- Vì thế, Đạo đế còn gọi là Đạo nhất thừa, là xe trâu trắng, là Phật thừa, là Nhất thừa, là độc đạo, là an ổn, là bất tử.
Đạo đế là con đường độc nhất để Bồ Tát đi đến Phật quả, con đường này không dành cho chúng sanh, đất khô không dành cho nòng nọc. Vì rằng, chúng sanh không thể học những thứ của Phật, giống như con nít còn bú không thể học tri thức người lớn, muốn học những thứ của Phật để thành Phật ở vị lai, phải tịch diệt rốt ráo tâm thức chúng sanh, đây chính là lý do vì sao quả vị Vô sanh ra đời, Phật cũng dạy: "lấy nhân Phật, tu mới thành quả Phật", có nghĩa nhân chúng sanh, không thể tu thành quả Phật... Con nít còn ngậm bình sữa, khóc oa oa, không thể thành... tiến... sĩ!!!
- Đành rằng, mỗi chúng sanh đều có Phật tánh, có nghĩa trong chúng sanh có các đức tính như một vị Phật. Nhưng, đức tính đó đã bị cá tánh cùng tâm thức chúng sanh che khuất, cá tánh tập nhiễm lâu đời thành bệnh chúng sanh, trị hết bệnh, Phật tánh mới dần dần hiện ra. Từ lúc Phật tánh bắt đầu hiện cho đến viên mãn, phải được tu luyện bằng Đạo đế, tức phải trải qua quá trình học những thứ Phật đã chứng ngộ bằng trí tuệ của mình, học những thứ này, mới giúp Phật tánh viên mãn và thành tựu Phật trí, gọi là thành tựu Pháp thân Tỳ lô giá na hay quả Vô thượng Bồ đề... Giống như sau khi có viên ngọc, phải gia công mài dũa, viên ngọc mới sáng, mới cho ra giá trị đích thực!!!
Tóm lại, ‘Vô sanh’ là điều kiện bắt buộc, là điểm tập kết, là trạm trung chuyển, là quả vị trung gian... Để đưa ba thừa từ ba nguồn tuyển khác nhau, vào chung một Phật thừa để tu học trí tuệ của Phật, đây cũng là lý do vì sao có danh xưng Nhất thừa...
Nhất thừa đạo, sẽ được học toàn bộ chương trình giáo dục của Phật đạo, bao gồm:
1. Học hệ thống giáo dục.
Học chuyên sâu hệ thống giáo dục Phật giáo, nắm vững hệ thống giáo dục này gồm những gì, bao nhiêu cấp học, bao nhiêu lớp học, cấp nào học thứ gì, lớp nào học môn gì... Bốn đế là bốn cấp học trong hệ thống giáo dục Phật giáo, giống như bốn cấp học trong hệ thống giáo dục quốc dân... Gồm có, cấp biết Khổ, cấp dứt Tập, cấp chứng Diệt, cấp Tu đạo... Người học xong phần này, có thể mở Phật học hiệu... Tệ lắm, cũng làm cán bộ quản lý Phật học hiệu!!!
2. Học tất cả các quả vị và quy trình đào tạo.
Quả vị chính là lớp học, mỗi một cấp học có một số lớp học nhất định... Ví dụ: Ngoài đời, cấp một có lớp một đến lớp năm, cấp hai có lớp sáu đến lớp chín... Trong Phật đạo, cấp biết Khổ có Phát tâm trụ đến Tu hành trụ, cấp dứt Tập có Tu hành trụ đến Sanh quý trụ, cấp chứng Diệt có Phương tiện cụ túc trụ đến Quán đảnh trụ, cấp Tu đạo có Sơ hoan hỷ đến Bát địa, cấp Như Lai địa có Thiện huệ địa, cấp Phật địa có Pháp vân địa..v.v... Học xong chương trình này, có thể làm Pháp sư, dạy từ phàm phu đến Thập địa Bồ tát, trừ Như lai địa và Phật địa... Phật học hiệu thường xuyên tuyển dụng những người có chứng chỉ này, để làm các nghề từ nuôi dạy trẻ đến giảng viên!!! Thất học đến bác học, chứng chỉ này bó tay!!!
3. Học chương trình giáo dục.
Học chuyên sâu tất cả các chương trình giáo dục, tức học Ba mươi bảy phẩm. Học xong phần này, có thể thiết kế một chương trình giáo dục hoàn hảo cho bất kỳ loại hình tu tập nào... Có chứng chỉ này, có thể làm ở phòng kế hoạch, phòng tham mưu kỹ thuật, phòng thiết kế công nghệ giáo dục của Phật học hiệu!!!
Chương trình giáo dục, là các chương trình dạy học được thiết kế riêng cho từng loại hình học tập... Ví dụ: Ngoài đời có loại hình học tập chính quy, tại chức, nghề, trường khuyết tật... Mỗi loại hình học tập phải học một chương trình học tập được thiết kế riêng, nhằm phù hợp với loại hình học tập đó... Trong Phật đạo, ba thừa là ba loại hình học tập khác nhau, cho nên mỗi thừa có một chương trình giáo dục riêng, do đó đồng ba mươi bảy phẩm mà có tên sai khác như, Ba mươi bảy phẩm trợ đạo, Trợ bồ đề, Đạo phẩm... Loại hình học tập này, không thể học chương trình giáo dục của loại hình học tập kia, vì không phù hợp với đối tượng, năng lực, hoàn cảnh, yêu cầu xã hội...v.v...
4. Học các môn học.
Đó là học chuyên sâu các môn học như thân, thọ, tâm, pháp, mười hai nhân duyên, vô thường, vô ngã, thiền, định, tam muội, giải thoát..v.v... Kể ra, có đến tám mươi bốn ngàn môn học... Học xong các môn này, có thể chữa tất cả bệnh của chúng sanh lẫn bệnh của thánh, Trừ Như Lai địa và Phật địa... Có chứng chỉ này, có thể làm ở phòng nha khoa học đường chuyên chữa sâu răng cho con nít, hay đi dạy trong Phật học hiệu!!!
5. Học kiểm định chất lượng và phương pháp kiểm tra.
Học cách thi cử, đánh giá năng lực, điều kiện tốt nghiệp của từng cấp học, gồm những môn học như: Tứ pháp ấn, tam pháp ấn, đệ nhất pháp ấn, Bồ Tát ấn, Như Lai ấn, Phật ấn... Học xong các ấn này, có thể xem mạch, bốc thuốc, đánh giá năng lực người học, kiểm tra thành tựu quá khứ, lên kế hoạch cho cấp học vị lai... Chứng chỉ này, có thể làm chuyên viên phòng đào tạo và kiểm định chất lượng của Phật học hiệu... Ha ha ha ha!!!
Trên đây, chỉ gồm những gì được coi là khái quát nhất về ý nghĩa và tầm mức quan trọng của quả vị Vô sanh, cũng như hệ thống và chương trình giáo dục trong Phật đạo... Hy vọng bài viết mang tính chuyên môn này, sẽ giúp các bạn có cái nhìn rõ hơn và chuyên nghiệp hơn...
(30-06-2011)
−−−••• ⁕ ⁕ ⁕ ⁕ •••−−−
Bạn cảm nhận bài viết thế nào?






